Doanh thu khác

Một phần của tài liệu nghiệp vụ chính của công ty chứng khoán (Trang 25 - 28)

Xét về tổng doanh thu của 12 công ty chứng khoán trên, AGR đứng đầu với mức gần 410 tỷ đồng, SSI đứng thứ hai với gần 350 tỷ đồng doanh thu, tiếp theo là TLS (317 tỷ đồng), HCM (110 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, một số công ty tạm xếp ở tầm trung và nhỏ thì doanh thu cũng chỉ ở dưới 20 tỷ đồng.

Đối với doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán, nguồn thu này trong quý 3 của hầu hết các công ty chứng khoán đều giảm so với quý 2. Điều này đã phản ánh rõ nét về sự èo uột thanh khoản chung của thị trường trong quý vừa qua.

TLS vốn dĩ đứng đầu về thị phần môi giới cổ phiếu trên cả HOSE và HNX, nhưng doanh thu từ mảng này chỉ đạt gần 58 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 86 tỷ đồng của quý 2. Dù doanh thu môi giới có lớn, nhưng nó chỉ đóng góp hơn 18% vào tổng doanh thu của TLS.

Ở SSI, công ty đạt gần 36 tỷ đồng doanh thu từ mảng môi giới và chỉ chiếm hơn 10% doanh thu của Công ty. Tương tự, HCM đạt trên 32 tỷ đồng doanh thu môi giới, chiếm gần 30% tổng doanh thu.

Trong khi đó, ở các công ty chứng khoán vừa và nhỏ, thậm chí có công ty lọt vào Top 10 công ty có thị phần môi giới trên HOSE và HNX thì mặc dù doanh thu từ mảng này đạt dưới 16 tỷ đồng, nhưng nó chiếm từ 35% đến gần 70% nguồn thu.

Ở mảng doanh thu đầu tư chứng khoán, góp vốn, AGR xếp thứ nhất với trên 170 tỷ đồng, tiếp đến là SSI (103 tỷ đồng), TLS (38,6 tỷ đồng)…

Nguồn thu từ mảng bảo lãnh phát hành chứng khoán thì gần như các công ty chứng khoán không có thu nhập, ngoại trừ SSI đạt trên 10 tỷ đồng doanh thu, BVS đạt trên 1,4 tỷ đồng và CTS đạt 250 triệu đồng. Doanh thu đại lý phát hành chứng khoán, doanh thu hoạt động ủy thác đấu giá… thì hầu như các công ty chứng khoán có rất ít hoặc không có nguồn thu.

Với nguồn thu hoạt động tư vấn, SSI là công ty chứng khoán đứng đầu khi có doanh thu gần 83 tỷ đồng trong quý 3, đứng thứ hai là FPTS với trên 38 tỷ đồng doanh thu. Trong khi TLS và BVS chỉ thu về trên 1 tỷ đồng trong quý vừa qua từ mảng này…

Cơ cấu doanh thu bình quân theo các mảng của 12 công ty chứng khoán.

Điều đáng chú ý là trong số 12 công ty chứng khoán đưa vào nghiên cứu, thì trung bình có trên 48% tổng doanh thu đến từ “doanh thu khác”, tức không phải doanh thu thuộc các nghiệp vụ chính của công ty chứng khoán.

Doanh thu khác của AGR, TLS, HCM, KLS, SME chiếm trên 50% tỷ trọng doanh thu. Trong đó, doanh thu khác của TLS chiếm gần 70% tỷ trọng doanh thu, HCM (56,15%), AGR (56%), KLS (67%),…

Không biết là mừng hay lo khi doanh thu của nhiều công ty chứng khoán lại đến từ mục “doanh thu khác”. Một phần nguyên nhân do thị trường chứng khoán èo uột nên cả doanh thu từ mảng đầu tư, góp vốn và mảng môi giới giảm đi, nhưng việc doanh thu khác lại tăng vọt trong quý 3 đang đặt ra nhiều câu hỏi cần lời giải đáp.

Tại sao Công ty chứng khoán có nhiều nguồn kinh doanh mang lại lợi nhuận bất thường?...

Câu hỏi trên có thể sẽ khiến những người ngoài cuộc trăn trở tìm câu trả lời. Nhưng với nhiều người trong cuộc, họ cho rằng, nguyên nhân khiến “doanh thu khác” trở thành nguồn thu chính của nhiều công ty chứng khoán có thể phần lớn đến từ các dịch vụ chứng khoán mà không thể hạch toán vào khoản mục nào trên bảng cân đối kế toán,

vì có thể nó đến từ dịch vụ ứng trước tiền bán, tiền cho vay mua chứng khoán, hay phí cho dịch vụ tỷ lệ đòn bẩy tài chính, hợp đồng hợp tác giữ nhà đầu tư với công ty chứng khoán…

Tất nhiên không loại trừ khoản doanh thu khác bất thường với riêng từng công ty chứng khoán, hay có những công ty có nguồn thu lớn từ hoạt động nguồn quỹ như SSI. Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, không nhiều công ty chứng khoán có thể đa dạng hóa nguồn thu, ngoài SSI, FPTS… Bởi nhiều công ty chứng khoán thường phát triển không cân đối nguồn thu.

Và nếu như “doanh thu khác” đến từ các hoạt động mà phát luật chưa cho phép như cho khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính, hay những hợp đồng hợp tác kinh doanh khác… thì một mặt nó phản ánh mức độ báo động của hành vi “lách luật” của công ty chứng khoán, tạo sân chơi không công bằng giữa 105 công ty chứng khoán, mặt khác nó cũng phản ánh “chiếc áo” của thị trường chứng khoán đã quá chặt, cần phải nới rộng các nghiệp vụ kinh doanh khác cho công ty chứng khoán, cho thị trường chứng khoán?

Một phần của tài liệu nghiệp vụ chính của công ty chứng khoán (Trang 25 - 28)