Năm 1973 Pugh và cộng sự đã đưa ra bảng điểm tính điểm để đánh giá các mức độ xơ gan, có 3 mức độ xơ gan nhẹ, vừa và nặng tương ứng là Child- Pugh A, Child-Pugh B và Child-Pugh C. Theo bảng điểm Child-Pugh, nghiên cứu của chúng tôi có kết quả sau: 26 bệnh nhân Child-Pugh A (27.7%), 38 bệnh nhân Child-Pugh B (40,4%), 30 bệnh nhân Child-Pugh C (31.9%). 31.9% bệnh nhân đến viện ở giai đoạn nặng, chứng tỏ bệnh nhân không biết mình bị bệnh hoặc không nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh này nhất là các biến chứng của nó. Kết quả này tương tự kết quả của Trần Văn Hòa.
Theo nghiên cứu của Lê Thị Vân Anh tỷ lệ xơ gan có các nhóm Child- Pugh như sau: Child-Pugh A: 14% còn Child-Pugh B và Child-Pugh C là 86%[2]. Nghiên cứu của Phạm Trung Dũng[9]: xơ gan Child-Pugh B và C chiếm 85.8%, Child-Pugh A là 14.2%. Tỉ lệ xơ gan vừa và nặng trong các nghiên cứu này cao hơn của chúng tôi có lẽ do nghiên cứu được tiến hành ở Bệnh viện Bạch Mai, là bệnh viện tuyến cuối nên diễn biến lâm sàng thường nặng hơn các tuyến trước.
Ở Pháp, theo một nghiên cứu của Lisman[32]: Child-Pugh A: 50%, còn Child-Pugh B: 24% và Child-Pugh C là 26%. Các triệu chứng lâm sàng nặng trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm tỷ lệ cao hơn ở một số nước phát triển, phần lớn bệnh nhân vào viện ở giai đoạn mất bù, có lẽ do: trình độ dân trí thấp và nền kinh tế khó khăn nên người bệnh chưa nhận thức đầy đủ về căn bệnh này cũng như người bệnh chưa tích cực điều trị. Còn ở các nước phát triển, nhận thức của người dân đồng thời với trang thiết bị công nghệ cao, điều kiện kinh tế thuận lợi hơn cho việc chẩn đoán sớm, tạo điều kiện cho điều trị có hiệu quả, giảm tỉ lệ biến chứng của bệnh. Chính vì vậy chúng ta cần tuyên truyền tăng cường nhận thức cho cộng đồng biết mức độ nguy hiểm của xơ gan, cần có kế hoạch khám định kỳ sức khoẻ cho mọi người dân, đó là điều kiện tốt hơn để sớm chẩn đoán ra một số bệnh nói chung và bệnh xơ gan nói riêng.