Sau khi mở cửa hội nhập, hệ thống NHTM Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, hệ thống các ngân hàng thương mại chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố quốc tế, đặc biệt là từ các định chế tài chính của một số quốc gia lớn như Hoa kỳ,… do đó chúng ta thường ở trong thế bị động mỗi khi một cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra. Mặt khác, từ năm 1970 cho đến nay, đã có hơn 100 cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra ở 93 nước trong đó các nước đang phát triển chiếm 50%. Do đó, việc xây dựng được một hệ thống cảnh báo sớm khủng hoảng là vô cùng cần thiết. Nó sẽ giúp Chính phủ phát hiện sớm các bất ổn trong hệ thống ngân hàng cũng như kịp thời giải quyết chúng.
Mô hình cảnh báo sớm này có ưu điểm là dễ thực hiện, một số nước phát triển đã áp dụng, kiểm nghiệm và đạt hiệu quả, điển hình như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi áp dụng tại Việt Nam, mô hình này sẽ gặp phải một số khó khăn điển hình việc công bố thông tin còn chưa minh bạch, các số liệu đưa ra thường không chính xác không phản ánh đúng thực trạng của hệ thống ngân hàng thương mại và đặc biệt là chưa có những định nghĩa chính xác về nghiệp vụ của các ngân hàng thương mại. Để giải quyết vấn đề này, tác giả đã nghiên cứu và đưa ra một số đề xuất sau:
Trước hết cần đưa ra các qui định chặt chẽ về việc công bố và xử lí thông tin, tạo ra sự đồng bộ trong việc xử lí thông tin giữa Ngân hàng trung ương với các ngân hàng thương mại. Hiện nay, ở nước ta tồn tại hai hệ thống kế toán khác nhau áp dụng cho các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, dẫn đến sự khác nhau về các dữ liệu cũng như kết quả công bố. Vì vậy, Ngân hàng trung ương cần nhanh chóng thống nhất và ban hành một hệ thống kế toán chung để giảm thiểu tối đa những sai lệch này, đảm bảo tính chính xác và thống nhất trong các thông tin được công bố từ hệ thống ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó để nâng cao khả năng cảnh
báo sớm khủng hoảng, ngân hàng trung ương cần phải quy định cụ thể về những thông tin cần thiết từ ngân hàng thương mại cho việc xây dựng mô hình
Tiếp theo đó, Ngân hàng trung ương cũng cần hoàn thiện công tác giám sát các hoạt động của ngân hàng thương mại. Việc giám sát của các ngân hàng trung ương không chỉ đơn thuần là quan sát những hành động của ngân hàng thương mại mà còn phải phát hiện ra những hạn chế và rủi ro tiềm ẩn, đồng thời đưa ra những dấu hiệu cảnh báo sớm. Bên cạnh đó còn đưa ra lộ trình xây dựng mô hình cảnh báo sơm cho các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, trong hệ thống ngân hàng hiện nay, vẫn đang tồn tại một số vấn đề về hoạt động của hệ thống các ngân hàng thương mại và các ngân hàng đầu tư. Về mặt lý thuyết, ngân hàng thương mại là nơi đa số người dân ký gửi thu nhập thường xuyên cũng như tiền gửi tiết kiệm của họ với kỳ vọng ưu tiên chính là sự an toàn của đồng tiền ký gửi, cộng thêm một khoản lãi suất khiêm tốn để đồng tiền của họ không bị mất giá nhiều do lạm phát. Vì thế về cơ bản, các ngân hàng thương mại thường chỉ tập trung vào những khoản cho vay truyền thống với rủi ro thấp. Trái lại, ngân hàng đầu tư lấy nguồn vốn chủ yếu của từ các nhà đầu tư có số vốn lớn và vốn nhàn rỗi. Họ hiểu rõ và chấp nhận mức độ rủi ro tối đa là có thể mất hết vốn, chấp nhận rủi ro cao để kỳ vọng mức lợi nhuận cao. Tuy nhiên hiện nay các ngân hàng thương mại lại có xu hướng đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản hay chứng khoán. Điều này cho thấy các ngân hàng thương mại đang lấn sân sang các hoạt động của ngân hàng đầu tư. Chính sự nhập nhằng trong quy chế hoạt động của hai hệ thống ngân hàng đã dẫn đến hiện tượng này. Hiện tượng này có thể dẫn tới tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, trầm trọng hơn là sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống ngân hàng vì các ngân hàng thương mại chiếm đa số, là “xương sống” của hệ thống ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng trung ương cần nhanh chóng triển khai, xây dựng một hệ thống giám sát chặt chẽ, nhất là trong hoạt động tín dụng trong đó chú trọng áp dụng các công nghệ quản lí tiên tiến, xây dựng hành lang pháp lí rõ ràng, định nghĩa chính xác về nghiệp vụ của các ngân hàng thương mại, tránh gây ra những chồng chéo trong việc quản lí và thực thi nhiệm vụ.
KẾT LUẬN
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, NHTW cũng như hệ thống NHTM đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế đất nước. Giữa hai loại ngân hàng này luôn tồn tại mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời. NHTW tạo ra những điều kiện thuận lợi, cung cấp phương tiện hoạt động cho NHTM đồng thời NHTM thực hiện chức năng của mình trên phương diện kế tiếp, phát triển hoạt động của NHTW một cách độc lập và hiệu quả.
Trong thực tế hệ thống tài chính hiện nay, hai rủi ro đáng kể và thường xuyên nhất của hệ thống các NHTM là rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng. Bằng việc sử dụng công cụ chính là quyền lực của mình thông qua chính sách tiền tệ mở rộng hay thắt chặt, NHTW phần nào có thể giúp các NHTM phòng ngừa hay giải quyết các rủi ro đó. Tuy nhiên, để hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả, luôn cần có sự hợp tác từ phía các NHTM đối với những chính sách mà NHTW đưa ra cũng như sự nghiên cứu cẩn trọng, tỉ mỉ những tác động của chính sách đó tới lợi ích của cả nền kinh tế nói chung và lợi ích của các NHTM nói riêng từ phía NHTW.