6.1. Một số giải pháp
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu ăn uống của con người cũng thay đổi theo, người tiêu dùng đưa ra những tiêu chí cao hơn cho thực phẩm không chỉ về mặt chất lượng mà còn cả ở hình thức của sản phẩm. Vì vậy, các nhà sản xuất luôn đưa ra các biện pháp để cải thiện sản phẩm - đó là sử dụng phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, để sử dụng phụ gia một cách đúng đắn (đúng liều lượng, đúng loại...) tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, vẫn đảm bảo thực phẩm an toàn thì thật sự là một vấn đề nan giải. Một số biện pháp để hạn chế tác hại của chất phụ gia thực phẩm đến sức khoẻ con người là:
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền những qui định cho các chất phụ gia được sử dụng.
Cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử lý những cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khuyến cáo người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm như: chọn thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường, xem kỹ các tiêu chí và hạn sử dụng trên nhãn của sản phẩm, nên chọn các sản phẩm sử dụng phụ gia tự nhiên và người tiêu dùng cần thay đổi thói quen trong việc lựa chọn thực phẩm có cấu trúc tự nhiên, không nhất thiết phải dai, giòn, màu sắc bắt mắt mới là thực phẩm ngon.
Cần lựa chọn những nhà cung cấp có uy tín để có được sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
Đọc kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm để biết được các thành phần dinh dưỡng cũng như các chất phụ gia được sử dụng trong sản phẩm.
Hạn chế sử dụng thức ăn đường phố cũng như những thực phẩm không có nhãn mác rõ ràng.
6.2. Cách nhận biết một số thực phẩm có chứa phụ gia
Theo PGS.TS Phan Thị Sửu - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam: Với các loại phẩm màu, bằng mắt thường đôi khi cũng có thể phát hiện được sự khác thường. Chẳng hạn với hạt dưa chứa rhodamine B (phẩm màu công nghiệp gây bệnh ung thư), theo kinh nghiệm, những loại hạt dưa màu sắc sặc sỡ và bóng, không phai màu là rất có khả năng có nhuộm màu rhodamine B. Các loại thực phẩm chế biến sẵn như thịt quay, tương ớt, bánh cốm, bánh susê, nước ngọt... không nên chọn những thực phẩm có màu lòe loẹt, nhất là thực phẩm cho trẻ em.
Hình 12. Bò khô tẩm có màu sắc sặc sỡ
Đối với thực phẩm tươi sống: - Rau, củ, quả:
Nhận biết bằng mắt, bạn hãy quan sát phần gần cuống quả hay kẽ lá, là nơi tích tụ hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng nhiều nhất vì đó thường là phần lõm trên quả. Rau càng xanh tốt thì bạn càng nên cẩn thận khi chọn mua.
Để không bị ngộ độc do ăn phải rau quả có chứa thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản, bạn không nên mua hoặc sử dụng rau quả có mùi, vị lạ, khác thường. Rửa rau quả ít nhất 3 lần trước khi dùng. Tốt nhất sau khi rửa bạn vẫn nên ngâm rau trong nước muối hoặc thuốc tím. Cần thiết rửa dưới vòi nước chảy để tẩy các thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại. Sử dụng nước muối hoặc thuốc tím cũng rất có lợi vì muối làm tăng quá trình hòa tan, khuếch tán các chất độc, đẩy chúng ra theo nước; còn thuốc tím làm oxy hóa các chất hữu cơ, tạo ra các chất khác ít độc hơn.
- Thịt, cá:
Bằng cảm quan bạn có thể nhận biết được thịt đã cũ, ôi thiu và thịt mới. Thịt mới trông khô ráo, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm tự nhiên. Miếng thịt có độ rắn chắc, đàn hồi cao, không bị dính và nhớt khi chạm tay vào. Mỡ có màu sắc, hình dạng và mùi vị bình thường, trông láng và trong. Khi luộc, nước trong, tạo ra lớp mỡ với vết mỡ to trên bề mặt và mùi vị thơm ngon.
Thịt ôi thiu sẽ rất dễ nhận biết. Cụ thể, miếng thịt sẽ có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, dần ngã sang màu đen. Màng ngoài nhớt khi chạm tay vào, màu mỡ tối, thịt không còn giữ được độ rắn chắc. Khi cắt ra miếng thịt bị ướt. Khi bạn ấn tay vào phần thịt, vết lõm
không trở lại bình thường ngay được. Nước canh khi nấu sẽ vẩn đục, mùi vị hôi và hầu như không còn vết mỡ.
Nhận biết cá bị nhiễm độc qua mùi vị, mắt, mang và mình cá. Thường cá nhiễm độc mắt mờ và đục, không nhấp nháy ánh sáng, lồi ra ngoài; mang có màu đỏ sẫm; xương sống cong hay bị dị dạng, phần đuôi thường chuyển sang màu xanh và mùi tanh cá không bình thường, pha lẫn những mùi khác lạ như mùi dầu khí, than đá hoặc phảng phất cả mùi thơm.
Đối với thực phẩm đã chế biến:
Bạn cần tập thói quen mua các thực phẩm biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, có thương hiệu, ghi rõ ngày sản xuất và hạn dùng. Bên cạnh đó, không nên chọn những thực phẩm có màu sắc quá sặc sỡ, lòe loẹt vì có nhiều khả năng bị tẩm hóa chất.
Đối với thực phẩm nhập khẩu thì phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, có đầy đủ thông tin như nhãn của sản phẩm sản xuất trong nước, đó là quy định bắt buộc của Nhà nước. Trường hợp không rõ sản phẩm có dùng phụ gia hay không, hay sản phẩm không rõ nguồn gốc, bạn có thể liên hệ với Sở Y tế hoặc Trung tâm Y tế Dự phòng (tại địa phương nơi mình đang cư trú) để được thông tin hoặc tư vấn cụ thể.
Đậu phụ chứa thạch cao
Hình 13. Đậu hủ chứa thạch cao trở nên cưng chắc hơn
Theo Phó giáo sư Nguyễn Văn Sức Trưởng Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM:“Dựa vào cảm quan thì đậu phụ chứa thạch cao thường rất cứng, nặng tay hơn so với đậu sản xuất bằng phương pháp truyền thống. Càng sử dụng nhiều thạch cao thì miếng đậu phụ càng cứng. Do đó khi mua nên chọn những miếng đậu mềm, nhẹ tay hơn”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Cúc, giảng viên chuyên về trà, cà phê và đường, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết: “Trước đây, đường hóa học là loại bị cấm dùng trong thực phẩm vì loại đường này không mang lại năng lượng như đường saccharose và bị nghi là chất gây ung thư. Nếu sử dụng đường này trong trà chanh, sau khi uống vài phút, người uống sẽ có cảm giác gắt ở cuống họng khá lâu”.
Bún chứa hóa chất
Hình 14. Bún tươi có chứa hàn the
“Dấu hiệu để nhận dạng sản phẩm bún, bánh tươi... có ô nhiễm Tinopal là quan sát bằng mắt thường sản phẩm có màu trắng và độ bóng hơn dưới ánh sáng” - TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế) cho biết.
Chà bông làm từ sắn dây
Theo GS-TS Bùi Minh Đức- Phó chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm thì phân biệt ruốc thịt và ruốc làm từ bã sắn dây không khó. Chỉ cần ngâm ruốc vào nước một thời gian ngắn, nếu sợi ruốc trương lên và sờ vào thấy mềm nhũn, dần chuyển từ màu vàng sang màu trắng bợt thì đó là sản phẩm làm từ sắn dây. Ruốc thật khi cho vào nước sẽ rời ra, nhưng vẫn giữ sắc vàng.
Mực khô giả
Thường bằng cách lấy lửa đốt, thì thấy mực giả không có mùi thơm đặc trưng của mực nướng mà thay vào đó là mùi khét lẹt của polymer và cháy đen.
Hình 15. Chả lụa có hóa chất
Phân biệt bằng cách nhìn: Chả lụa được gọi là ngon khi cắt ra có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt có nhiều lỗ rỗ, nhìn miếng giò mịn và hơi ươn ướt. Lý do là bởi chả được làm từ thịt nạc ngon, khi được nghiền thịt sẽ quánh dẻo lại và bọc lớp không khí bên trong nên lúc luộc hoặc hấp giò không khí ấy sẽ nở ra và tìm cách chui ra ngoài tạo ra những lỗ rỗ bên trong khoanh chả. Nếu chả không có những lỗ rỗ này tức là giò đã bị pha lẫn bột và làm bằng thịt không đảm bảo chất lượng.
Phân biệt bằng cách ngửi: chả ngon là loại có mùi thơm thoang thoảng của thịt hòa quyện với mùi của lá gói. Nếu thấy một khoanh chả có mùi thơm nồng, thơm sực thì nên thận trọng bởi đó là loại giò đã được tẩm chất phụ gia hương thịt. Mùi chả do chất lượng giò tạo nên, chỉ thoang thoảng, quyện với hương của lá gói là ngon. Nếu thấy một cây giò có mùi ôi, thiu, lá gói khô, cũ, dính nhớp tay hoặc có triệu chứng của nấm, mốc thì nên bỏ qua ngay lập tức.
Phân biệt bằng cách nếm: Một khoanh chả ngon thì khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, hơi giòn, mềm mềm, không dai giòn bất thường, không có cảm giác khô rắn, không bị bã và cũng không bị bở. Nếu chả quá bở, không có mùi thơm, không có lỗ rỗ trên bề mặt thì tức là đã bị trộn với bột, còn nếu chả giòn, dai, mịn bất thường thì đã bị pha với hàn the trong khi chế biến.