Vùng đất thường được gọi là Tây Nam là một trong những khu vực được thừa nhận rộng rãi nhất, nhưng cũng là một trong những khu vực mang tính chất chuyển tiếp rõ rệt nhất của Mỹ (bản đồ 12). ở đây, thiên nhiên khá đồng nhất nếu xét chủ yếu về phương diện một vùng khí hậu khô, thoáng; nhưng trên thực tế khu vực này chứa đựng trong nó một vùng
đất rộng và bằng phẳng thuộc vùng thấp của Thung lũng Rio Grande, những cao nguyên của New Mexico, cùng những đồi núi và hoang mạc thuộc Arizona và dãy Sangre de Cristo thuộc New Mexico.
Vùng Tây Nam mang bản sắc riêng nhờ có sự cùng tồn tại của người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa và các nền văn hóa Anglo, và môi trường tự nhiên ở đây gần giống như một khung cảnh giúp cho việc làm nổi bật các sắc thái của từng yếu tố này. Người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Tây Ban Nha đã cùng chung sống trên phần lớn khu vực này trong 250 năm từ sau khi người Tây Ban Nha đặt chân tới đây vào cuối thế kỷ XVI, trước khi người Anglo bắt đầu cuộc di cư vào giữa thế kỷ XIX.
Tuy nhiên, hiện nay, ưu thế trên khu vực biên giới với ba nền văn hóa song hành này lại thuộc về những người không phải là người Mỹ bản địa, cũng không phải người có gốc Tây Ban Nha. Có lẽ cứ 4 người dân ở đây thì có một người mang tên Tây Ban Nha, và cứ 100 người dân ở đây thì có hơn một người Mỹ bản địa. Có thể người ta sẽ dự đoán rằng những cộng đồng thiểu số này trong tương lai sẽ bị chìm đi trong dân số Anglo lớn hơn và tương đối đồng nhất. Song những nhóm thiểu số này đã có một ảnh hưởng bền vững quan trọng đối với khu vực. Những địa danh Tây Ban Nha có số lượng rất lớn, đặc biệt là dọc theo sông Rio Grande và vùng ven biển California. Những địa danh của người Mỹ bản địa là rất quan trọng ở địa phương, nhất là đối với những khu bảo tồn Navajo, Hopi và Papago thuộc Arizona. Khu vực sinh sống của người gốc Tây Ban Nha có thể được nhận biết qua việc sử dụng gạch mộc để xây nhà ở, nhưng thường là qua việc sử dụng những gam màu tươi sáng khi sơn nhà hoặc trang trí bên ngoài, hay qua các khu vườn được bao quanh bởi những hàng rào chắc chắn. Kiểu nhà hogan đặc trưng (được xây bằng gỗ và bùn có mái tròn và các bức tường gần như dốc đứng) vẫn có thể tìm thấy ở khu bảo tồn Navajo, và kiểu nhà pueblos (một hoặc nhiều cấu trúc nhà mái bằng, làm bằng đá hay gạch mộc, dùng cho nhiều gia đình - ND) ở New Mexico là một yếu tố nổi bật trong kiến trúc của bang này.
Những khe núi ở vùng bắc Arizona và nam Utah tạo thành một rào chắn hữu hiệu ngăn cản sự bành trướng của người Tây Ban Nha từ Mexico lên phía Bắc. Người Tây Ban Nha đã di chuyển ngược lên Rio Grande, tới vùng đất mênh mông của Rocky Mountains mà phía bắc của nó là nơi có rất ít khu định cư Tây Ban Nha phát triển. ở Texas, việc định cư chủ yếu vẫn tập trung dọc theo các sông Rio Grande và Nueces. Sự mở rộng ngành chăn thả gia súc mà người Tây Ban Nha đã mang vào miền nam Texas đã không thích hợp với vùng đất rừng ẩm ướt của miền đông bang này. Vùng đất đó, bị bỏ lại như một đường giới hạn, về căn bản là không có người gốc Tây Ban Nha cư trú. Phần lớn sự di cư của những người Mỹ gốc Tây Ban Nha ra khỏi khu định cư ban đầu này đều hướng tới những vùng đô thị.
Tính chất khô cằn của Arizona, New Mexio, và các vùng giáp ranh thuộc Utah và Colorado không thuận lợi cho việc tồn tại khu định cư nông nghiệp trên quy mô lớn của người Anglo trong thế kỷ XIX, tạo điều kiện cho một số lượng đáng kể người Mỹ bản địa lưu lại trong bốn bang này. Người Pueblo ở vùng cao của Thung lũng Rio Grande đã phát triển nền văn minh người Mỹ bản địa tiên tiến nhất về mặt công nghệ vào thời kỳ trước khi có người châu Âu thâm nhập, trong những khu vực mà sau sẽ trở thành Hoa Kỳ, ngày nay họ vẫn là bộ phận quan trọng ở New Mexico. Người Navajo, Hopi, và người Apache, tất cả đều chủ yếu sống ở Arizona, cũng đã tồn tại được mạnh mẽ hơn nhiều so với đa số các bộ tộc khác ở phía đông, trước làn sóng người Âu tràn vào.
Tính đa dạng về sắc tộc
Cộng đồng người Mỹ bản địa ở khu vực Tây Nam rất đa dạng về văn hoá. Những bộ tộc lớn nhất là Navajo ở vùng “Tứ Giác”, nơi gặp nhau của các bang Colorado, Utah, Arizona và New Mexico; những nhóm người Pueblo ở New Mexico; người Papago ở nam Arizona; người Hopi ở tây bắc Arizona; và người Utes ở tây nam Colorado.
Phần lớn người Mỹ bản địa được thấy ở những khu bảo tồn lớn, đặc biệt là những người tập trung ở khu vực Tứ giác - nơi có khu bảo tồn Navajo rộng 62.000 km2 có dân số lớn gấp 10 lần dân số của bất kỳ một khu bảo tồn nào khác - và ở California. Arizona cùng với New Mexico là nơi cư trú của khoảng 300.000 người Mỹ bản địa.
Tất cả những nơi mà ngày nay trở thành vùng tây nam Hoa Kỳ đều bị gộp chung thành Đế chế Tây Ban Nha trong những năm đầu của thế kỷ thứ 16. Vào năm 1550, người Tây Ban Nha đã thám hiểm toàn bộ khu vực này. Tình trạng không có bất kỳ một sản vật nào được nhận biết, dễ khai thác, cộng với khoảng cách quá xa tới trung tâm phát triển của người Tây Ban Nha ở Mexico, đã khiến cho người Tây Ban Nha không còn mấy quan tâm tới vùng lãnh thổ phía Bắc của họ.
Trước năm 1700, khu định cư lâu dài duy nhất của người Tây Ban Nha ở phía Bắc đường biên giới Hoa Kỳ - Mexico ngày nay nằm dọc theo thung lũng của vùng cao Rio Grande thuộc New Mexico. Sante Fe được thành lập năm 1610, các pueblo khác (những cộng đồng dân cư có thể được nhìn nhận một cách đại thể như là những thị trấn nhỏ), đáng chú ý là Taos và Albuquerque, cũng được thành lập sau đó không lâu.
Cuộc xâm chiếm mang tính thăm dò của người Tây Ban Nha đối với vùng Arizona bắt đầu từ năm 1700. Người Mỹ bản địa Apache là một mối đe dọa thường xuyên, liên tục tấn công những khu định cư của người Tây Ban Nha trong khu vực. Chế độ thuộc địa được áp đặt cho bang Texas cũng vào thời gian này, mà những kết quả trên nhiều phương diện của nó có thể được coi là thành công. Nacogdoches được thiết lập năm 1716, sau hai năm tiếp theo là San Antonio. Trong những năm giữa thế kỷ XVIII, vùng thấp của thung lũng Rio Grande bị người Tây Ban Nha chiếm đóng. Tuy nhiên, cho
mãi tới những năm đầu thế kỷ XIX, vùng này và một số trung tâm định cư khác của người Tây Ban Nha vẫn được các nhà chức trách Tây Ban Nha coi là tình trạng cư ngụ nhỏ bé, không đáng kể so với số lượng lớn những người Mỹ khi đó đang tràn sang phía tây tới Texas. Do đó, người nước ngoài, chủ yếu là người Mỹ, được phép xây dựng những khu định cư tại đây, trong những năm 1820 và 1830.
California, nơi xa nhất ở phía bắc lãnh thổ của người Tây Ban Nha là địa chỉ cuối cùng có người đến định cư. Một tổ chức truyền giáo và căn cứ quân sự được thiết lập ở San Diego năm 1769. Trong hai thập kỷ tiếp theo, một loạt cơ sở truyền giáo, căn cứ quân sự và một số làng pueblo được xây dựng dọc theo bờ biển tới Sonoma thuộc bắc San Francisco. Dải định cư hẹp ven biển này được khuyến khích phần nào để đáp lại mối quan tâm ngày càng lớn của người Anh và người Nga đối với Bờ biển Tây.
Sau cuộc xâm chiếm Texas của Hoa Kỳ vào năm 1845 và sự chấm dứt cuộc Chiến tranh Mỹ - Mexico năm 1848, dân số Mexico trên vùng đất này ước tính vào khoảng 82.500 người. Trong số này, 60.000 người sống ở New Mexico, 14.000 ở Texas, 7.500 ở California và 1.000 ở Arizona.
Đến năm 1845, người Mexico ở Texas và California chỉ chiếm không tới 10% tổng dân số của hai bang này. Có những lý do đúng đắn giải thích sự gia tăng nhanh chóng số lượng người không có nguồn gốc Tây Ban Nha. Đông Texas là ranh giới mới ở phía tây đối với các khu định cư ở miền nam, và việc tìm thấy vàng ở California năm 1848 là nguyên nhân khiến người không có gốc Tây Ban Nha ùn ùn đổ về vùng trung tâm và bắc của bang này. Chỉ có ở New Mexico, nam California và Texas phía nam của San Antonio, người Tây Ban Nha còn tiếp tục thống trị trong một vài thập kỷ nữa.
Dân số gốc Tây Ban Nha ở vùng Tây Nam đã tăng mạnh do số dân nhập cư lớn, đặc biệt trong thế kỷ thứ 20. Năm 1990 số người mang họ Tây Ban Nha chiếm 18,8% của dân số vùng Arizona; ở California tỷ lệ này là 26%; tại Colorado là 13%; ở New Mexico là 38%; và ở Texas là 26%. Năm 1990, các số liệu thống kê cho thấy dân số gốc Tây Ban Nha của Hoa Kỳ là 20,8 triệu người, tăng 34% so với năm 1980. Hơn 60% dân số gốc Tây Ban Nha là người Mỹ gốc Mexico.
Khoảng cách kinh tế giữa người Anglo, người gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa rất đáng kể. Những khác biệt về mức độ đô thị hóa đã giải thích phần nào cho khoảng cách này; ở vùng Tây Nam, người Anglo được đô thị hóa mạnh nhất, người Mỹ bản địa yếu nhất. Người Mỹ ở đô thị thường có thu nhập cao hơn, có học vấn cao hơn và có ít con hơn.
Mặc dầu vậy, những phát triển của khu bảo tồn Navajo, cho dù không hoàn toàn mang tính điển hình, cũng là một biểu thị về những điều kiện bảo tồn đã thay đổi. Quyền lực cao nhất vẫn thuộc về ủy ban các vấn đề về người Mỹ bản địa của Chính phủ Hoa Kỳ, nhưng một hội đồng bộ tộc được bầu ra có quyền đưa ra phần lớn các quyết định kinh tế trong khu bảo tồn. Những điều kiện thích hợp hơn cho khu bảo tồn đã tăng lên nhanh chóng kể từ năm 1950. Những con đường xuyên qua mọi thời tiết đã đến được với khu bảo tồn, làm giảm đáng kể tình trạng biệt lập, các phương tiện y tế, giáo dục được cải thiện. Trữ lượng mỏ nhiên liệu khổng lồ, đặc biệt là than, đã được tìm thấy trong vùng Navajo, nhiều nhà máy điện cũng được xây dựng trong khu bảo tồn để phục vụ cho phía nam California. Các công ty điện lực hàng năm phải dành cho nền kinh tế của khu vực bảo tồn hàng triệu đô-la. Khu bảo tồn cũng phát triển mạnh ngành du lịch và thu hút được một số ngành mới nhờ có lực lượng lao động dồi dào và nay đã được đào tạo tốt hơn.
Trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và trong thời kỳ bùng nổ kinh tế đầu những năm 1920, nhiều người Mexico đã vượt qua biên giới để đáp ứng nhu cầu về lao động ở Hoa Kỳ. Trong những năm 1940, Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng thiếu lao động do hậu quả của chiến tranh, và trong hai thập niên tiếp theo, người Mexico vẫn được phép sang Hoa Kỳ làm việc như là những lao động thời vụ trong khu vực nông nghiệp.
Năm 1965, Mexico khởi đầu Chương trình Công nghiệp hóa Biên giới. Nó có mục đích là thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động của Hoa Kỳ tới các cộng đồng vùng biên giới ở phía Bắc Mexico. Các công ty nước ngoài, gọi là những maquiladoras, có thể nhập khẩu trang thiết bị và nguyên liệu miễn thuế nếu sản phẩm sản xuất ra sau đó được xuất khẩu từ Mexico. Năm 1989, quy định này được nới lỏng, các maquiladoras giờ đây có thể bán 50% sản phẩm của mình trên đất Mexico.
Đối với Mexico, chương trình này mở ra các cơ hội việc làm cho dân chúng của họ. Sức hấp dẫn đối với công ty Hoa Kỳ là họ có thể sử dụng lao động chi phí thấp ngay tại những nơi rất gần với các thị trường và các nguồn cung ứng của Hoa Kỳ, do đó có thể giảm thiểu chi phí vận chuyển. Nhiều công ty đã bị thu hút bởi cơ hội tiết kiệm chi phí này; cuối năm 1990, ước tính khoảng 1.800 maquiladoras đã sử dụng 500.000 người lao động Mexico.
Tăng trưởng dân số ngày nay
Tây Nam là khu vực khô nhất và nắng nhất trong tất cả các khu vực của Hoa Kỳ. Khắp vùng này, thực vật đặc trưng là cỏ, cây bụi và xương rồng. Điều kiện nhiệt độ trên toàn vùng rất khác nhau. Nam California, Arizona và nam Texas bình thường có mùa hè nóng và mùa đông ngắn, ấm áp; tại các vùng như vùng cao của Thung lũng Rio Grande thuộc New Mexico, mùa hè nóng nực được cân bằng bởi mùa đông lạnh giá với nhiệt độ thấp hơn 00C nhiều.
Mặc dù có sự khác biệt như vậy, khí hậu nắng ấm của miền Tây Nam có sức hấp dẫn mạnh đối với người nhiều người Mỹ. Arizona là bang có tỷ lệ tăng trưởng tính theo phần trăm cao thứ ba của Hoa Kỳ, chỉ sau Nevada và Alaska, trong những năm 1980. Trong thời gian này, tất cả các bang của khu vực đều có tỷ lệ tăng dân số cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia. Thành phố Phoenix đã nhiều lần tăng gấp đôi quy mô kể từ năm 1950, hiện nay, đây là một đô thị
đang bùng nổ của Hoa Kỳ, đứng hàng thứ 20 về quy mô trong cả nước. Thành phố Tucson lớn hơn, tăng từ 266.000 người năm 1960 lên 667.000 người năm 1990. Những thành phố có mật độ dân cư thấp này đang nối dài nhiều kilômét ra những vùng lãnh thổ rộng lớn mà trước kia là sa mạc.
Một phần nào trong sức hấp dẫn ban đầu của vùng Tây Nam bắt nguồn từ những tác động lành mạnh của môi trường khô ráo này đối với những người bị bệnh đường hô hấp. Những vùng có khí hậu ấm áp hơn trong khu vực hiện đang thu hút hàng ngàn người Mỹ nghỉ hưu.
Thêm vào đó, Arizona đã thu hút được nhiều ngành công nghiệp và văn phòng công ty. Ngành công nghiệp máy bay đã phát triển tại Phoenix trong Chiến tranh Thế giới Thứ II, tận dụng lợi thế của việc ở gần tổ hợp sản xuất máy bay khổng lồ tại Nam California, cộng với thời tiết tốt cho việc bay. Nhiều người sử dụng nhân công đã đặt vị trí tại nam Arizona do môi trường ở đây có sức thu hút mạnh mẽ đối với lực lượng lao động. Sự biệt lập tương đối của bang này với đa số các thị trường lớn của quốc gia, từng có ảnh hưởng xấu nào đó tới sự tăng trưởng của Arizona, đã không còn mấy tác động nữa do sự nổi lên của những hàng hóa có giá trị cao, trọng lượng thấp, đặc biệt là hàng điện tử.
El Paso thuộc Texas, và Albuquerque thuộc New Mexico đều tăng quy mô lên gấp đôi từ năm 1950 đến năm 1970 và từ đó đến nay vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng. Cả hai thành phố này, cùng với San Antonio, đều được hưởng lợi từ sự hiện diện của các căn cứ quân sự lớn, mặc dù họ cũng chia sẻ sự tăng trưởng đa dạng của ngành công nghiệp nhẹ.
Những nơi khác ở New Mexico và phần của Texas thuộc khu vực này, mức tăng dân số lại là số âm. Nhiều vùng nông thôn thuộc vùng thấp Thung lũng Rio Grande, phần lớn miền Nam Colorado và miền Đông New Mexico đã bị mất dân số trong vài thập niên gần đây, chịu chung số phận với nhiều vùng sâu nông thôn khác ở Mỹ.
Sự trường tồn của một xã hội đa tộc
Những vùng cao ở thôn quê thuộc miền trung tâm và bắc New Mexico, vùng trọng điểm định cư của người Tây Ban