CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỂM DU LỊCH
1.2 Cơ sở thực tiễn
Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều tiềm năng để phát triển một ngành du lịch đa dạng và phong phú với hàng chục ngàn di tích, thắng cảnh. Trong đó có 21 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới tại Việt Nam, hơn 3000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đó là Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Cát Tiên, Tây Nghệ An, Lang Biang, Cù lao Chàm, Cần Giờ, Cà
Mau và biển Kiên Giang. Việt Nam còn có rất nhiều vườn quốc gia như Ba Bể, Cúc Phương, Phong Nha - Kẻ Bàng, Côn Đảo, Mũi Cà Mau, Phú Quốc, Phước Bình, Tràm Chim, U Minh Hạ, U Minh Thượng …
Việt Nam có hàng trăm nguồn nước nóng từ 40 - 100 độ. Nhiều suối có hạ tầng xây dựng khá tốt như: Suối nước nóng thiên nhiên Đam Rông, Lâm Đồng; suối nước nóng Kim Bôi, Hòa Bình, suối nước nóng Bình Châu, Bà Rịa- Vũng Tàu, suối nước nóng Kênh Gà, Ninh Bình, suối nước nóng Quang Hanh, Quảng Ninh.
Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp. Việt Nam là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang .
Việt Nam là một nước đa dân tộc với 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán và lối sống riêng. Điều đó tạo nên sự đa dạng trong việc khai thác phát triển du lịch.
Một số di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Chính những tiềm năng dồi dào và đa dạng đó đã hình thành một nền tảng khá vững chắc để du lịch Việt Nam phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.
Trong Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã xác định, du lịch là “ Một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, và Đảng ta đặt ra mục tiêu là phải “Phát triển mạnh du lịch, từng bước đưa nước ta trở thành trung tâm du lịch có tầm cỡ trong khu vực”.
Tổng Cục Du lịch (Việt Nam) chính thức được thành lập ngày 27 tháng 6 năm 1978. Tiền thân của Tổng cục là Công ty Du lịch Việt Nam (ra đời năm 1960). Trải qua nhiều biến cố của lịch sử đất nước, từ khi thành lập đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều cố gắng, từng bước khẳng
định được vị trí, vai trò của một ngành kinh tế tổng hợp. Hiện nay ngành du lịch nước ta đã gặt hái được những thành quả rất đáng tự hào.
Tiểu kết chương 1
Ngày nay du lịch thực sự trở thành một nhu cầu tất yếu trong đời sống xã hội hiện đại. Nó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần phục hồi và tái tạo sức sản xuất của con người. Việc nghiên cứu phát triển các điểm du ngày càng khẳng định vị trí và vai trò cực kì to lớn của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, việc nghiên cứu thực trạng phát triển tại các điểm du lịch nói chung và thực trạng phát triển du lịch của một vùng lãnh thổ hay một địa phương nói riêng sẽ mang nhiều ý nghĩa và có giá trị thực tiễn cao, góp phần thúc đẩy cho ngành du lịch ngày một phát triển theo hướng bền vững hơn.
Trong Chương 1, cơ sở lý luận về điểm du lịch đã được trình bày một cách cơ bản.
Cụ thể: Chương 1 đã nêu rõ được các khái niệm về du lịch, điểm du lịch, khách du lịch, sản phẩm du lịch, tài nguyên du lịch; trình bày được vai trò của phát triển điểm du lịch cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành điểm du lịch.
Bên cạnh đó, Chương 1 cũng đã trình bày được cơ sở thực tiễn về phát triển điểm du lịch như: tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch của Việt Nam.
Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển điểm du lịch ở trên là cơ sở quan trọng cho việc phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển các điểm du lịch tại tỉnh Phú Thọ sẽ được trình bày ở Chương 2.
CHƯƠNG 2. TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN TẠI CÁC ĐIỂM DU LỊCH Ở PHÚ THỌ