Đặc điểm di sản thừa kế theo di chúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định di sản thừa kế theo di chúc theo quy định trong bộ luật dân sự năm 2005 (Trang 30 - 33)

1.2. DI SẢN THỪA KẾ THEO DI CHÚC

1.2.2. Đặc điểm di sản thừa kế theo di chúc

Di sản thừa kế theo di chúc trước hết phải là di sản thừa kế, mang đầy đủ các đặc điểm của di sản thừa kế, ngoài ra nó cũng có đặc điểm riêng như sau:

Giá trị di sản thừa kế theo di chúc được xác định theo ý chí của người lập di chúc

Di chúc là "sự thể hiện ý chí của cá nhân" (Điều 646 Bộ luật Dân sự 2005). Thông qua việc lập di chúc, người có tài sản định đoạt khối tài sản của mình cho người khác. Nếu như trong thừa kế theo pháp luật, toàn bộ khối di sản của người chết để lại do pháp luật xác định, thì trong thừa kế theo di chúc, khối tài sản này sẽ được xác định bởi chính người lập di chúc. Việc định đoạt khối tài sản ấy cho ai? Bao nhiêu? là tùy thuộc hoàn toàn vào ý chí của người lập di chúc. Nói cách khác, giá trị di sản thừa kế theo di chúc được xác định theo ý chí của người lập di chúc. Trong một số trường hợp, di sản thừa kế theo di chúc có giá trị bằng với giá trị di sản thừa kế nhưng trong một số trường hợp khác thì phần di sản này lại có giá trị nhỏ hơn so với giá trị di sản thừa kế.

Ví dụ" Ông A có khối tài sản trị giá 300 triệu. Ông A lập di chúc để lại 200 triệu cho hai con là C và D. Còn 100 triệu Ông A không đề cập đến trong di chúc. Trong trường hợp này, khi ông A chết đi, di sản thừa kế được xác định là 300 triệu đồng trong đó di sản thừa kế theo di chúc là 200 triệu

đồng. Còn 100 triệu đồng sẽ được chia theo quy định của pháp luật (là di sản thừa kế theo pháp luật).

Giá trị di sản thừa kế theo di chúc phụ thuộc vào hiệu lực của di chúc

Người lập di chúc có toàn quyền định đoạt khối tài sản của mình thông qua việc lập di chúc nhưng việc định đoạt đó có được thực hiện hay không còn phụ thuộc vào bản di chúc người đó để lại có hiệu lực hay không. Hiệu lực của di chúc có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định có hay không có di sản thừa kế theo di chúc cũng như trong việc xác định giá trị và khối lượng di sản thừa kế theo di chúc. Việc xác định hiệu lực của di chúc sẽ quyết định việc phân chia di sản sẽ tuân theo di chúc hay theo quy định của pháp luật. Nếu di chúc có hiệu lực pháp luật, toàn bộ phần di sản được định đoạt trong di chúc sẽ được chia theo di chúc. Nếu di chúc không có hiệu lực toàn bộ, thì khi đó toàn bộ phần di sản được định đoạt theo di chúc sẽ được chia theo quy định của pháp luật (khi đó sẽ không còn di sản thừa kế theo di chúc). Nếu di chúc không có hiệu lực một phần khi đó chỉ phần di sản liên quan đến phần không có hiệu lực của di chúc được chia theo quy định của pháp luật.

Chỉ có chủ thể được chỉ định thừa kế theo di chúc được hưởng

Nếu trong thừa kế theo pháp luật, người thừa kế là ai, họ được hưởng bao nhiêu di sản, hưởng như thế nào và khi nào được hưởng di sản… là những điều đã được xác định trước theo một khuôn mẫu thống nhất cho mọi trường hợp, thì ở trong thừa kế theo di chúc, người thừa kế và phần di sản mà người đó được hưởng như thế nào là điều không thể xác định trước cho mọi trường hợp theo một khuôn mẫu nhất định được vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người để lại di sản được thể hiện trong di chúc. Người này có thể là một cá nhân (có thể thuộc trong diện những người thừa kế theo pháp luật, cũng có thể nằm ngoài diện đó), có thể là cơ quan, tổ chức bất kỳ. Song cho dù là cá nhân hay tổ chức thì họ đều có một điểm chung là: họ là những người được người lập di chúc chỉ định cho được hưởng di sản trong di chúc. Về nguyên tắc, chỉ người nào được người lập di chúc xác định trong di chúc

mới là người thừa kế theo di chúc của người đó. Vì thế, dù người có di chúc có ý định cho một người hưởng di sản của mình nhưng vì nhầm lẫn hoặc sai sót mà người lập di chúc không xác định họ trong di chúc thì người đó vẫn không phải là người thừa kế theo di chúc của người đã lập di chúc.

Giá trị di sản thừa kế theo di chúc có thể bị giảm theo qui định của pháp luật.

Với nguyên tắc "tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận" (Điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2005) pháp luật nước ta bảo đảm quyền tự do lập di chúc của người để lại di sản, tuy nhiên, "tự do" phải phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc "tôn trọng truyền thống tốt đẹp" (Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2005). Chính vì vậy, pháp luật thừa kế một mặt tôn trọng ý chí của người để lại di sản bằng việc tôn trọng sự định đoạt của họ trong di chúc, mặt khác cũng hạn chế quyền định đoạt của họ nếu việc định đoạt ấy trái với truyền thống đạo đức.

Dựa trên nền tảng đạo đức, pháp luật thừa kế quy định việc chuyển dịch di sản của một người cho những thành viên khác trong gia đình- những người có đủ điều kiện hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc là bổn phận bắt buộc đối với người để lại di sản. Bổn phận này xuất phát từ nghĩa vụ nuôi dưỡng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Nếu vì một lý do nào đó, mà người lập di chúc không định đoạt cho những người thân thuộc được hưởng di sản, hoặc cho mỗi người trong số họ hưởng ít hơn mức tối thiểu do pháp luật quy định, thì pháp luật sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người đó bằng cách định cho họ được hưởng một phần di sản nhất định bằng hai phần ba một suất thừa kế theo pháp luật. Phần di sản này được gọi là phần di sản dành cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Những người được hưởng phần di sản này là" người thừa kế không phụ

thuộc vào nội dung của di chúc". Họ bao gồm: Cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa

thành niên hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động. Như vậy, trong trường hợp này, do có sự can thiệp của pháp luật nên giá trị di sản thừa

kế theo di chúc sẽ bị giảm xuống, không còn toàn vẹn và đầy đủ như theo ý chí ban đầu của người để lại di sản.

Ví dụ: Tại thời điểm mở thừa kế, Ông A có ba người thừa kế theo luật còn sống là bà B- vợ ông A và hai người con là M và N. Trước khi chết, ông A có lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản của mình là 180 triệu chia đều cho hai con là M và N được hưởng. Trong trường hợp này, pháp luật một mặt vẫn tôn trọng ý chí của ông A trong việc để hai con là M và N được hưởng di sản mặt khác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà B bằng cách chia cho bà B một phần di sản bằng hai phần ba một suất thừa kế theo luật.

Cụ thể: xác định một suất thừa kế theo luật là: 180 triệu đồng: 3 = 60 triệu đồng. Bà B được hưởng hai phần ba một suất thừa kế theo luật là: 60 triệu đồng x 2/3 = 40 triệu đồng. M và N cùng được hưởng phần di sản còn lại là: 180 triệu đồng - 40 triệu đồng = 140 triệu đồng.

Trong trường hợp này, phần di sản được định đoạt theo di chúc là 180 triệu đồng. Nhưng phần di sản thừa kế theo di chúc chỉ là 140 triệu đồng (bị giảm 40 triệu đồng theo quy định của pháp luật).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định di sản thừa kế theo di chúc theo quy định trong bộ luật dân sự năm 2005 (Trang 30 - 33)