Tại phiên toà sơ thẩm hoạt động thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát trước tiên là công bố bản Cáo trạng, nội dung tiếp theo chứng minh tội phạm một cách công khai trước phiên toà và tranh luận trước phiên toà mục đích là bảo vệ sự buộc tội, chính là bảo vệ quyết định truy tố - Bản cáo trạng.
Sự buộc tội tại phiên toà do Kiểm sát viên và người bị hại thực hiện. Nội dung của việc buộc tội này chủ yêú là bảo vệ Cáo trạng đã truy tố và chứng minh lỗi của bị cáo, điều này được thể hiện qua ba nội dung:
Buộc bị cáo về một tội danh cụ thể
Đưa ra những chứng cứ chứng minh tội phạm
Trong các hình thức buộc tội: Buộc tội do kiểm sát viên thực hiện và buộc tội do người bị hại thực hiện có vai trò khác nhau, trong đó hình thức buộc tội do KSV thực hiện chiếm vị trí chủ đạo, vai trò quan trọng nhất. Do Kiểm sát viên đại diện cho Nhà nước thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, khi phát hiện hành vi phạm tội phải có trách nhiệm đưa vi phạm đó ra trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét nên hình thức này gọi là “ Buộc tội nhân danh Nhà nước” [15, 4]. Để thực hiện sự buộc tội của mình tại phiên toà, BLTTHS Việt Nam quy định Kiểm sát viên có các quyền và trách nhiệm như : Đọc cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung (nếu có) (Điều 180 - BLTTHS), trực tiếp tham gia vào quá trình xét hỏi (Thẩm vấn) (Điều 181- BLTTHS). Tham gia với tư cách là một bên của tranh tụng hình sự, tranh luận tại phiên toà để buộc tội (quy lỗi) bị cáo (Điều 191, 192 BLTTHS).
Lúc này vai trò của Viện kiểm sát thông qua Kiểm sát viên tham gia xét xử thể hiện một cách rõ nét : Thực hiện chức năng buộc tội bảo vệ cáo trạng đã truy tố. Để thực hiện đầy đủ chức năng, khẳng định vai trò trong xét xử vụ án hình sự tại phiên toà Kiểm sát viên thực hiện bằng các phương thức: Thẩm vấn, luận tội và tranh luận :
Thẩm vấn:
Kiểm sát viên giữ quyền Công tố Nhà nước tại phiên toà tham gia thẩm vấn nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, chứng minh những nội dung được đề cập trong bản cáo trạng. Từ đó tạo cơ sở cho việc kết tội bị cáo. Mặt khác, gián tiếp cho Hội đồng xét xử và luật sư bào chữa cho bị cáo biết nội dung truy tố của mình là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mở đầu phần xét hỏi KSV công bố bảo Cáo trạng sau đó tham gia xét hỏi.
Thẩm vấn để tìm ra sự thật khách quan. Mọi sự áp đặt bất cứ dưới hình thức nào đều không phải là phương tiện tố tụng để đi đến mục đích ấy, Mớm cung, bức cung, truy chụp đều đối lập với mục đích thẩm vấn. Nó chỉ đem lại kết quả giả tạo và đánh lừa chúng ta. Chỉ có bình tĩnh giáo dục, thuyết phục đưa những lời lẽ gợi mở bị cáo khai đúng sự thật khách quan mới đánh giá đúng tính chất vụ án, vai trò trách nhiệm từng tên và do đó đạt được kết quả mong muốn.
Đặc trưng cơ bản của phiên toà là có hai bên tranh luận với nhau để xác định sự thật và căn cứ vào đó mà Toà án quyết định. Như vậy, Kiểm sát viên thực hiện chức năng buộc tội. Người bị hại, nguyên đơn dân sự và đại diện của họ cũng có hoạt động tố tụng theo cùng hướng với Kiểm sát viên. Nên họ cùng đứng về phía buộc tội. Bị cáo và người bào chữa có quyền bào chữa. Tức là bảo vệ quyền tố tụng và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Đối chiếu các nước theo hệ thống pháp luật Anh- Mỹ, Toà án không có nghĩa vụ chứng minh, chỉ trên cơ sở chứng minh của cơ quan công tố mà quyết định, chứ không trực tiếp thực hiện chức năng của cơ quan công tố. Còn bị cáo thường che dấu tội phạm. Lại không có nghĩa vụ chứng minh mình là vô tội .
Thực tế, hiện nay xung quanh hoạt động thẩm vấn tại phiên Toà có nhiều ý kiến khác nhau, tựu chung lại có 2 loại ý kiến lớn :
Ý kiến thứ nhất: Đồng ý như Bộ luật tố tụng hình sự nước ta, nghĩa là giai đoạn thẩm vấn, Hội đồng xét xử thẩm vấn là chính còn Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố là phụ [ 25, 48 ].
Ý kiến thứ 2: Quyết định truy tố bằng bản cáo trạng để buộc tội bị cáo là của Viện kiểm sát cho nên hoạt động thẩm vấn chính phải do Kiểm sát viên đảm trách, nhằm "bảo vệ" sự buộc tội của mình đối với bị cáo trước phiên toà và Hội đồng xét xử chỉ là trọng tài ngồi nghe và quyết định bằng bản án [ 37, 20-25 ].
Theo chúng tôi, nên giao việc xét hỏi tại phiên toà cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, vì như vậy HĐXX mới có điều kiện nghe khai báo, kiểm tra xem xét, đánh giá chứng cứ và cân nhắc quyết định bằng bản án được chính xác. Mặt khác, đề cao vai trò của KSV thực hành quyền công tố với đúng nghĩa: Bảo vệ cáo trạng và chứng minh việc buộc tội của mình là có căn cứ và hợp pháp, trả lại cho Toà án thực hiện đúng chức năng xét xử vụ án.
Để phát huy được vai trò của Kiểm sát viên thì trong thẩm vấn trước hết Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ. Nếu Kiểm sát viên đọc không kỹ và phân tích thấu đáo những tài liệu có trong hồ sơ sẽ dẫn đến thẩm vấn chung chung, hỏi không sâu tình tiết hành vi phạm tội của bị cáo...
Cần xây dựng kế hoạch thấm vấn trước, kế hoạch nêu tỷ mỉ và kế hoạch này phải có sự điều chỉnh, bổ sung theo sự thay đổi do diễn biến tại phiên toà. Kiểm sát viên chủ động thẩm vấn một cách nghiêm túc, khoa học. Muốn vậy cần có kế hoạch thẩm vấn chu đáo, linh hoạt.
Thẩm vấn thông qua xét hỏi là một trong những hình thức góp phần làm sáng tỏ sự thật vụ án, làm tiền đề cho việc luận tội và tranh luận tại phiên toà
Luận tội:
Hiện nay chưa có khái niệm chính thống về khái niệm thế nào là luận tội. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng " Luận tội là lời buộc tội của KSV thực hành quyền công tố tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo sau khi kết thúc phần thẩm vấn " [ 14, 36 ]
Đối với pháp luật chúng ta luận tội không chỉ là lời buộc tội đối với bị cáo một cách đơn thuần, mà còn có nhiệm vụ thông qua luận tội góp phần, đấu tranh phòng và chống tội phạm, tuyên truyền giáo dục pháp luật...
Theo Điều 191 BLTTHS năm 1988 thì : " Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên toà, kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng, hoặc kết luận về một tội danh nhẹ hơn, nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo không có tội ”.
Trong BLTTHS ; Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, cũng như các tài liệu hướng dẫn, giảng dạy không nêu khái niệm thế nào là luận tội, nhưng qua nghiên cứu các khía cạnh trên đây và thực tiễn công tác luận tội của KSV tại phiên toà xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự chúng tôi có đưa ra khái niệm về luận tội của KSV như sau : " Luận tội là quan điểm của Viện kiểm sát do Kiểm sát viên thực hành quyền công tố Nhà nước phát biểu tại phiên toà xét xử sơ thẩm hình sự về việc đánh giá chứng cứ, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, hậu quả nguy hiểm do hành vi phạm tội gây ra; Vai trò trách nhiệm và nhân thân bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS. Từ đó đề xuất đường lối xử lý ".
Xuất phát từ khái niệm, nội dung bản luận tội phải đạt được:
- Khẳng định một lần nữa sự buộc tội , qua đó thuyết phục HĐXX chấp nhận sự buộc tội của mình, đề nghị mức án để HĐXX xem xét, quyết định;
- Kết luận về một tội danh khác hoặc khung hình phạt khác nhẹ hơn; - Rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố
Ở thời điểm này, sự buộc tội của KSV được thể hiện một cách rõ nét sau khi kết thúc phần thẩm vấn – cuộc điều tra chính thức công khai tại phiên toà. Vấn đề đặt ra cần phải làm sáng tỏ là khi KSV trình bày lời luận tội đề nghị chuyển sang khung hình phạt hoặc tội danh nhẹ hơn hoặc rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố thì Kiểm sát viên đang thuực hiện chức năng buộc tội hay bào chữa? Hiện nay xung quanh vấn đề đang có quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng lúc này KSV không còn thực hiện chức năng buộc tội. Theo chúng tôi, để trả lời chính xác cần xem xét vấn đề:
Cơ sở nào cho phép Kiểm sát viên tại phiên Toà có quyền rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố?
Chúng ta biết rằng quyết định truy tố bị can ra trước Toà án bằng bản cáo trạng là khi Kiểm sát viên (Viện trưởng) đã có niềm tin về lỗi của bị can, là kết quả đánh giá toàn bộ chứng cứ thu thập được trước khi mở phiên toà, nói về sự kiện phạm tội xẩy ra và việc liên quan của bị can. Tuy nhiên, nội tâm này là kết quả nhận thức tại thời điểm chưa qua xét xử tại phiên Toà. Mặt khác niềm tin nội tâm này không phải là bất biến mà hoàn toàn có thể bị thay đổi, thậm chí thay đổi cơ bản dưới tác động của nhiều yếu tố trong quá trình xét xử, bên cạnh đó phiên toà xét xử công khai có những điều kiện, hình thức xem xét, kiểm tra đánh giá chứng cứ khác hẳn với giai đoạn truy tố, chưa nói đến việc bên bào chữa và HĐXX có quyền đề xuất thêm những chứng cứ mới. Tất cả những điều này buộc Kiểm sát viên phải xem xét lại nhận thức chủ quan của mình và được BLTTHS quy định cho Kiểm sát viên được rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố theo Điều 191 BLTTHS. Do đó, rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của Kiểm sát viên.
Vì vậy,Chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng trong trường hợp này KSV tiếp tục thực hiện chức năng buộc tội nhân danh Nhà nước. Bởi lẽ trong
toàn bộ diễn biến tại phiên toà, hoạt động của KSV phải phản ánh kịp thời mọi thay đổi xẩy ra, đảm bảo cho các kết luận nhận định của KSV đều dựa trên các cơ sở khách quan vững chắc, chỉ có khác là KSV phải lập luận về sự đúng đắn, có căn cứ cho quyết định rút toàn bộ hoặc một phần quyết định truy tố hoặc chuyển sang tội danh khác hay khung hình phạt nhẹ hơn.
Vai trò luận tội trong việc thực hiện chức năng của Viện kiểm sát:
Luận tội là một biện pháp pháp lý có vị trí, vai trò rất quan trọng trong TTHS và trong hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát. Đó là một trong những hoạt động cơ bản của quá trình thực hiện chức năng và khẳng định vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Cụ thể vai trò luận tội thể hiện trên các khía cạnh sau đây :
Luận tội do cơ quan duy nhất là Viện kiểm sát nhân dân được Nhà nước giao trách nhiệm thực hành quyền công tố thực hiện, là quan điểm của Viện kiểm sát phát biểu tại phiên toà sơ thẩm hình sự, nhằm khẳng định và tổng hợp những tài liệu chứng cứ đã được nêu trong cáo trạng, trong hồ sơ vụ án và những tài liệu chứng cứ khác đã được kiểm tra tại phiên toà.
Luận tội thể hiện vai trò của KSV đại diện VKS giữ quyền công tố trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự một cách rõ nét. Bởi luận tội nhằm khẳng định vai trò, cũng như có tiếp tục hay không tiếp tục công việc buộc tội của VKS đối với bị cáo. Và từ đó sẽ thực hiện một công việc quan trọng: Tranh luận với bị cáo, luật sư bào chữa cho bị cáo và các tư cách tố tụng tham gia xét xử có liên quan.
Luận tội có vai trò quan trọng trong việc vạch trần âm mưu thủ đoạn phạm tội, tác hại và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, xác định những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Bên cạnh đó có tác dụng việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân, động viên nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trên cơ sở luận tội để bị cáo, người bào chữa bị cáo .v.v.. trình bày ý kiến tranh luận để bảo vệ quyền lợi của các đương sự.
Luận tội thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát về mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo trong vụ án, từ đó giúp cho Hội đồng xét xử quyết định mức hình phạt đối với từng bị cáo được khách quan toàn diện và hợp pháp.
Luận tội còn có vai trò quan trọng trong việc xác định những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước, đồng thời nêu các biện pháp và những yêu cầu cần thiết để khắc phục những sơ hở thiếu sót đó.
Phần tranh luận:
Tranh luận được đánh giá là hoạt động trung tâm của quá trình xét xử tại phiên toà. Tranh luận tại phiên toà thể hiện ở việc những người tham gia tố tụng với chức năng bào chữa được phát biểu ý kiến, góp phần vào việc phân tích, đánh giá hành vi phạm tội một cách toàn diện và trên cơ sở đó đề nghị
những biện pháp xử lý phù hợp với luật hình sự. Phần tranh luận diễn ra sau KSV trình bày lời luận tội.
Việc tranh luận diễn ra giữa kiểm sát viên thực hành quyền công tố với bị cáo, luật sư bào chữa cho bị cáo, người đại diện, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo. Để phát huy được phần tranh luận có hiệu quả thì trước hết trong luận tội kiểm sát viên phải kết luận theo đúng quy định của Bộ Luật hình sự và Bộ Luật tố tụng hình sự.
Bảo đảm quyền bào chữa và quyền tham gia tố tụng cho bị cáo, người bào chữa là một trong những yêu cầu lớn của hoạt động tố tụng hình sự. Nó có ý nghĩa quan trọng là góp phần đảm bảo cho việc xét xử được chính xác. Từ đó để cho bị can thực hiện quyền bào chữa của mình một cách tốt nhất thì các quyền của họ phải đươc đảm bảo triệt để chấp hành như các quyền: Nhận cáo trạng; Quyết định đưa vụ án ra xét xử; Quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; Bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ …( Điều 20, 34 và khoản 2 Điều 36 BLTTHS ) .
Tranh luận diễn ra một bên, Kiểm sát viên là người buộc tội, một bên là người gỡ tội . Còn HĐXX là “ Trọng tài ” xem xét giải quyết vụ án và ra bản án . Nói một cách khác Kiểm sát viên và bị cáo là hai bên tranh luận, mỗi bên đều được đưa ra chững cứ và quan điểm của mình về vụ án. Trong quá trình tranh luận bị cáo có quyền đưa ra chứng cứ, đưa ra yêu cầu và tranh luận phản bác ý kiến quan điểm của Kiểm sát viên thể hiện trong bản luân tội. Họ có quyền bình đẳng trước Toà án. Mọi vấn đề của bị cáo đưa ra chứng cứ, đưa ra yêu cầu, tranh luận thì Kiểm sát viên phải đáp ứng đầy đủ.
Như vậy, BLTTHS quy định khi tham gia phiên Toà, Kiểm sát viên và bên bào chữa (bị cáo, người bào chữa cho bị cáo) bình đẳng trong việc đưa ra