Khi các bên chủ thể hợp đồng bảo hiểm thân tàu thoả thuận chọn luật một nước nào đó thì luật quốc gia đó trở thành nguồn luật điều chỉnh hợp đồng đó.
Luật quốc gia sẽ được áp dụng trong hợp đồng khi không có điều ước quốc tế hoặc những điều ước quốc tế không đề cập đến hay không đầy đủ những vấn đề về quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng.
Luật quốc gia với tư cách là nguồn luật áp dụng trong hợp đồng bảo hiểm thân tàu có thể là luật của các bên ký kết hợp đồng lựa chọn, hoặc luật có liên quan đến hợp đồng: như luật nơi ký kết hợp đồng, luật nơi thực hiện nghĩa vụ. Những luật trên có thể được áp dụng tuỳ vào ý chí thỏa thuận chọn luật của các bên tham gia ký kết hợp đồng. Nhưng thực tế cho thấy luật nước nào được chọn phụ thuộc vào sự đàm phán, “thế” của bên đàm phán và đặc biệt là sự hiểu rõ luật của nước mình và đối tác lựa chọn. Khi áp dụng luật quốc gia của một nước để điều chỉnh hợp đồng có nghĩa là được áp dụng những luật, văn bản dưới luật có liên quan đến hàng hải nói chung và hợp đồng bảo hiểm thân tàu nói riêng thông thường đó là luật hàng hải và chỉ áp dụng luật thực chất chứ không áp dụng luật xung đột. Nếu luật thực chất đó không có quy phạm điều chỉnh vấn đề tranh chấp cụ thể thì phải dựa vào điều ước quốc tế hoặc tập quán hàng hải quốc tế hàng hải để giải quyết.
Ở Việt Nam, luật áp dụng trong bảo hiểm thân tàu có bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 đã được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2005, góp phần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật bảo hiểm thân tàu, giúp doanh nghiệp có được cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong hoạt động hàng hải. Bộ luật có hiệu lực kể từ 01/01/2006. Bộ luật hàng hải Việt Nam ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng cho các doanh nghiệp hoạt động hàng hải Việt Nam sử dụng các quan hệ kinh doanh vận tải biển với các chủ thể khác trong và ngoài nước, đặc biệt là các quan hệ pháp luật về hoạt động hàng hải giữa các chủ đều là các cá nhân, pháp nhân trong nước. Bên cạnh đó, để thống nhất hoạt động kinh doanh hàng hải trong nước, các cơ quan quản lý
chuyên ngành như Cục hàng hải, Bộ Giao thông - Vận tải... Quản lý Nhà nước về hoạt động hàng hải. Đồng thời, Bộ luật hàng hải cũng là căn cứ pháp lý để các cơ quan hoạt động về tài phán, bảo hiểm... Xác định trách nhiệm của các bên trong hợp đồng hàng hải khi có tranh chấp xảy ra. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực thi Bộ luật này, một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành đã được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải ban hành như: Nghị định số 18/2006/NĐ-CP ngày 10/2/2006 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm ở biển; Nghị định số 46/2006/NĐ-CP ngày 16/5/2006 của Chính phủ về việc xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam; Nghị định số 49/2006/NĐ-CP ngày 18/5/2006 của Chính phủ về đăng ký và mua bán tàu biển; Nghị định số 62/2006/NĐ-CP ngày 21/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải; Quyết định số 41/2005/QĐ-BGTVT ngày 16/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về trình tự, thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải tại Việt Nam; Quyết định số 43/2005/QĐ-BGTVT ngày 19/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về cách thức phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ tàu biển Việt Nam…
Bên cạnh Bộ luật hàng hải 2005, nguồn luật điều chỉnh lĩnh vực bảo hiểm thân tàu còn có Luật kinh doanh bảo hiểm 2000, Bộ luật dân sự 2005, Luật bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.