Thời gian qua, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Bộ luật 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, điều ước, thỏa thuận về hàng hải mà Việt Nam là thành viên cũng được tăng cường. Các tổ chức pháp chế, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, thanh tra hàng hải thuộc cơ quan Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ Hàng hải cũng như các tổ chức kiểm tra, giám định thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đều đã phát huy chức trách được giao trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật hàng hải.
Kết quả nêu trên không những giúp tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng hải nắm vững, chấp hành đúng mà còn ngăn ngừa kịp thời các sai phạm trong thực thi pháp luật hàng hải; góp phần giảm thiểu số vụ tai nạn, sự cố hàng hải, ô nhiễm môi trường và hạn chế số lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài. Thực tế cho thấy, tuy còn hạn chế về nhiều mặt nhưng thời gian qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Bộ luật 2005 và pháp luật hàng hải nói chung đã có chuyển biến tích cực; trật tự, kỷ cương trong hoạt động hàng hải được tăng cường và an toàn, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường cơ bản được bảo đảm hơn so với những năm trước đây.
Kết quả nêu trên đã phản ánh sự cố gắng của các cơ quan chức năng chuyên ngành trong tổ chức thực hiện Bộ luật 2005 và pháp luật hàng hải nói chung nhưng thực tế vẫn còn những bất cập, hạn chế như trong chỉ đạo, phối hợp triển khai đôi khi còn thiếu quyết liệt; đối tượng
cần thanh tra, kiểm tra còn ít; chưa nghiêm minh trong xử lý đối với một số sai phạm; năng lực thực thi của một số cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách (cả doanh nghiệp hàng hải) chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu kinh phí thực hiện và những bất cập, hạn chế khác đang đòi hỏi cần được giải quyết.
3.3.2.2. Nâng cao vai trò của trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp về bảo hiểm thân tàu thân tàu
Với xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay, các tranh chấp sẽ diễn ra thường xuyên, phổ biến và gia tăng về số lượng, gia tăng tính chất phức tạp cùng với sự phát triển về quy mô, nhịp độ, các loại, dạng hoạt động thương mại trong phạm vi quốc gia, cũng như quốc tế. Trong bối cảnh đó, giải quyết nhanh, gọn, có hiệu quả, hợp lý các tranh chấp thương mại càng trở nên cần thiết đối với mục tiêu thúc đấy hoạt động kinh doanh thương mại. Với những tiện ích rõ rệt của mình và với xu hướng được ưa thích, sử dụng rộng rãi trong đời sống thương mại ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài sẽ hứa hẹn một bước phát triển, trong những năm tới, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong tranh chấp quan hệ kinh tế.
- Thứ nhất: Cần có cơ chế hỗ trợ pháp lý từ phía Nhà nước đối với các tổ chức phi Chính phủ, trong đó có trọng tài kinh tế. Đây là một giải pháp quan trọng. Nếu có sự hỗ trợ thích đáng thì trọng tài thương mại có thể phát huy mạnh được chức năng và vai trò của mình. ở các nước trên thế giới, người ta chỉ giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài là chủ yếu, giải quyết qua toà án chiếm một tỷ lệ không lớn. Qua khảo sát thực tế, các tổ chức phi Chính phủ chưa được các cơ quan , xã hội đánh giá đúng “tầm”… Có một thực trạng là các tổ chức phi Chính phủ không được tiếp cận nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước. Về mặt pháp lý, thiết nghĩ cần phải nâng cấp Pháp lệnh Trọng tài thành Luật Trọng tài và ban hành Luật về hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ. Có như vậy, mới tạo ra được những yếu tố bền vững đối với việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ.
- Thứ hai: Cần có sự trợ giúp ban đầu về mặt vật chất. Thiết nghĩ, chỉ cần có sự hỗ trợ một phần nhỏ nguồn kinh phí Nhà nước đang cấp cho các cơ quan quản lý hiện nay thì các tổ chức phi Chính phủ thuộc ngành luật pháp, cũng như các ngành nghề khác sẽ làm “nên chuyện”, sẽ gánh vác một phần lớn chức năng quản lý của Nhà nước, tiết kiệm trong chi phí quốc dân. Nguồn này, có thể khai thác từ việc giảm thiểu chi phí hành chính, giảm bớt biên
chế tại các tổ chức Nhà nước. Có thể ban hành cơ chế cho thuê trụ sở đối với các tổ chức phi Chính phủ. Nên có cơ chế để các tổ chức phi Chính phủ được khai thác và tự quản lý nguồn tài chính viện trợ của các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ, các tổ chức quốc tế. Một số đề án, chương trình, thiết nghĩ nên chuyển giao cho tổ chức dân sự thực hiện.
- Thứ ba: Cần có các biện pháp giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết vai trò và ý nghĩa của tổ chức xã hội dân sự đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường đã hội nhập.
3.3.2.3. Nâng cao vai trò của người bảo hiểm
Quá trình hình thành hợp đồng bảo hiểm có những đặc thù riêng so với các hợp đồng thông thường: Nội dung chính của hợp đồng bảo hiểm là quy tắc, điều khoản bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xây dựng; Cơ sở để doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm và định phí của hợp đồng là những thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp. Với đặc điểm trên, sự phối hợp giữa các bên trong việc giao kết hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ nguyên tắc trung thực tuyệt đối cùng các nguyên tắc cơ bản của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Hoạt động giao kết hợp đồng bảo hiểm cần tuân thủ đầy đủ các yêu cầu sau:
Bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi được bảo hiểm “Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể đồng thời là người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng” (Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm)
Theo quy định trên, bên mua bảo hiểm là những tổ chức, cá nhân thực hiện đủ 02 công việc: giao kết và đóng phí bảo hiểm. Giao kết là điều kiện ban đầu để xác định tư cách bên mua bảo hiểm. Việc đóng phí bảo hiểm là điều kiện bảo đảm để phát sinh trách nhiệm bảo hiểm theo hợp đồng. Trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm, hợp đồng bảo hiểm thường do người được bảo hiểm ký kết. Khi đó, người được bảo hiểm cũng đồng thời là bên mua bảo hiểm và người thụ hưởng. Nhưng trong bảo hiểm con người, bên mua bảo hiểm; người được bảo hiểm và người được hưởng quyền lợi bảo hiểm có thể là những cá nhân khác nhau. Bằng việc quy định về “quyền lợi được bảo hiểm”, Luật kinh doanh bảo hiểm đã xác định rõ những người có đủ năng lực ký hợp đồng bảo hiểm đối với từng trường hợp cụ thể. “Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản,
quyền nghĩa vụ nuôi dưỡng cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm” (Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm). Theo quy định tại điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm, trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi được bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Như vậy, việc có quyền lợi được bảo hiểm của bên mua bảo hiểm là một yêu cầu xuyên suốt mọi loại hợp đồng bảo hiểm.
Xuất phát từ những đặc thù của hợp đồng bảo hiểm thân tàu, để nâng cao hiệu quả bảo hiểm thân tàu, trước tiên phải nâng cao nhận thức của các chủ tàu về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của bảo hiểm thân tàu.
Một vấn đề nữa là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật bảo hiểm thân tàu mà các chủ tàu nhiều khi chỉ biết chấp nhận những điều kiện bảo hiểm do nhà bảo hiểm đưa ra mà không biết chọn lựa những điều kiện bảo hiểm phù hợp cho mình. Thí dụ, trong khi trên thế giới các chủ tàu vẫn thường bảo hiểm theo điều kiện bảo hiểm thân tàu thời hạn ITC 1983, bởi điều kiện bảo hiểm này có phạm vi bảo hiểm rộng hơn so với ITC 1995 thì các chủ tàu Việt Nam vẫn phải bảo hiểm thân tàu theo điều kiện do các công ty bảo hiểm đưa ra là ITC 1995, điều khoản mở rộng quyền miễn bồi thường của người bảo hiểm. Do đó để nâng cao hiệu quả bảo hiểm thân tàu, các chủ tàu phải được phố biến kiến thức về bảo hiểm thân tàu, được cập nhật kịp thời nhưng thay đổi hay xu hướng mới trong bảo hiểm thân tàu trên thế giới về phí bảo hiểm, về điều kiện bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm… để họ có thể chủ động lựa chọn cho mình những điều kiện bảo hiểm phù hợp và có lợi nhất. Hiệp hội chủ tàu, với vai trò đầu mối, cần tăng cường tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về bảo hiểm thân tàu, các thông tin về giá cả, dự báo xu hướng bảo hiểm trong thời gian tới để các chủ tàu chủ động trong việc tham gia hợp đồng bảo hiểm thân tàu.
Để nâng cao hiệu quả bảo hiểm thân tàu, một yêu cầu đối với các chủ tàu là họ phải nâng cao chất lượng, độ an toàn của tàu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của thuyền trưởng và thuyền bộ, trang bị cho tàu những thiết bị cần thiết đảm bảo cho mỗi chuyến hành trình an toàn trên biển, giảm thiểu nguy cơ đối mặt với các rủi ro hàng hải.
Bảo hiểm thân tàu phức tạp, mang tính chuyên môn cao và giá trị lại thường lớn, do đó cần trang bị cho các chủ tàu hiểu được lợi ích ký kết thông qua môi giới, đại lý. Chi phí cho các đại lý không nhiều, trong khi người được bảo hiểm có cơ hội lựa chọn được những điều kiện bảo hiểm có lợi nhất, phù hợp nhất.
Cần xây dựng những quy định nhằm nâng cao trách nhiệm cả chủ tàu, người thuê tàu trong việc bảo đảm an toàn cho tàu, đảm bảo an toàn hàng hải, ngăn chặn thiệt hại cho môi trường và các bên liên quan.
3.3.2.4. Nâng cao vai trò của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam a. Nhóm giải pháp nhằm mở rộng và khai thác thị trường. a. Nhóm giải pháp nhằm mở rộng và khai thác thị trường.
Việc các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam chiếm lĩnh được bao nhiêu phần trăm thị trường bảo hiểm thân tàu phụ thuộc vào công tác mở rộng và khai thác thị trường. Sau đây là một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác này tại các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam: - Đẩy mạnh công tác marketing bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm chủ tàu, tuyên truyền thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau, hội thảo, nói chuyện, hướng dẫn nghiệp vụ.
- Tăng cường công tác bám sát khách hàng, duy trì thường xuyên mối quan hệ với các đầu mối mua bảo hiểm của các công ty có quan hệ với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, mở rộng hệ thống cộng tác viên ở các cơ quan quản lý trên để nắm vững những dự án ngay từ
trước khi các tổ chức đơn vị bắt đầu đàm phán, ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết. - Khi có những quy định khác liên quan đến hoạt động bảo hiểm thì các doanh nghiệp bảo
hiểm Việt Nam nên hướng dẫn khách hàng hoặc bổ sung các quy định, tránh việc áp đặt một cách chủ quan gây tâm lý không đồng tình từ phía khách hàng.
- Tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu khách hàng, có những tác động phù hợp tâm lý khách hàng, khai thác một cách có lợi cho thị trường, đồng thời thoả mãn nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
- Cần có nghiên cứu về một số mô hình cụ thể thích hợp nhằm phối hợp một cách đồng bộ hoạt động ngoại thương, vận tải, bảo hiểm.
- Cần nghiên cứu để mở rộng, bổ sung quy tắc chung về bảo hiểm thân tàu, đặc biệt là sẵn có các điều khoản bổ sung cho các loại tàu khác nhau với phạm vi hoạt động khác nhau.
- Một số điều khoản trong quy tắc chung của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam rất khó hiểu hoặc có thể lưỡng tính. Hiện nay, ở Việt Nam, chưa hề có một văn bản nào giải thích các điều khoản trong bảo hiểm hàng hải. Do vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam không những có trách nhiệm đưa ra một văn bản giải thích về những điều khoản này mà tạo điều kiện cho khách hàng tham gia mua bảo hiểm, góp phần mở rộng và khai thác thị trường.
Trong cuốn giải thích điều khoản này, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cần đưa ra những lý giải cụ thể, dễ hiểu, đặc biệt là giải thích hướng dẫn để tránh việc hiểu lầm.
Ví dụ: Thuật ngữ “khiếu nại” trong Chương XVI Bộ luật hàng hải được hiểu là người được bảo hiểm lập hồ sơ đòi người bảo hiểm bồi thường phần tài sản được bảo hiểm bị tổn thất. Nhưng trong các văn bản pháp luật, thuật ngữ “khiếu nại”được hiểu là người được bảo hiểm kiện người bảo hiểm trước toà án do người bảo hiểm đã không bồi thường hoặc bồi thường không thoả đáng cho người được bảo hiểm. Chính vì vậy, việc sử dụng một thuật ngữ nhưng sự việc hiểu khác nhau dễ dẫn đến tranh chấp. Trong quy tắc về bảo hiểm thân tàu các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam quy định trong vòng 2 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, người được bảo hiểm có quyền khiếu nại tổn thất do người thứ ba gây ra là một năm, điều này cũng khiến nhiều người được bảo hiểm hiểu không cặn kẽ, chính xác.