nguyên nhân cơ bản
Qua quá trình nghiên cứu thực tiễn xét xử tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong 06 năm (2005-2010), chúng tôi rút ra những nhận xét chung về những tồn tại, hạn chế trong thực tiến xét xử và những nguyên nhân cơ bản của nó như sau:
* Những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn xét xử
Thứ nhất, một số trường hợp phân hóa trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nặng quá hoặc nhẹ quá.
Ví dụ: Khoảng 23 giờ ngày 29/05/2010, sau khi cùng nhau ăn tối, Minh Đ đã rủ S, H, L, Tuấn A cùng nhau đi hát karaoke tại quán T.N. Hát đến khoảng 2 giờ sáng ngày 30/05/2010 thì Đ rủ mọi người đi bay một tí cho vui vẻ, đồng thời Đ gọi T là nhân viên phục vụ vào và hỏi có còn phòng hay không, T nói nếu muốn bay thì lên tầng 3 và yêu cầu đặt tiền phòng là 02 triệu đồng. Đ đưa ví tiền của mình cho Tuấn A để đặt phòng. Sau đó, Đ bảo Tuấn A xem chỗ nào bán thuốc lắc thì đi mua mấy viên để bay. Tuấn A gọi điện thoại hỏi mua và báo lại với Đ giá 230.000 đồng/viên. Đ bảo H (lúc này đang cầm ví tiền của Đ) đưa cho Tuấn A 2 triệu đồng, H làm theo. Tuấn A cầm 2 triệu đồng đi xe máy của Đ đi mua thuốc. Sau khi mua được thuốc, Tuấn A mang
số thuốc lắc về phòng hát đưa cho Đ. Sau khi có ma túy, Đ gọi nhân viên quán lên phòng bật nhạc nhảy công suất lớn, tự tay phát thuốc lắc cho Tuấn A, S, L mỗi người 1 viên để sử dụng. Đ tự đưa vào miệng H 1/2 viên, bản thân Đ cũng sử dụng ma túy và cả bọn nhảy, lắc theo tiếng nhạc….. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 137/2010/HSST ngày 25/10/2010, Tòa án nhân dân tỉnh Q.N đã xử phạt Minh Đ 03 năm tù theo điểm b khoản 2 Điều 197, điểm p, q khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 53 Bộ luật hình sự. Xử phạt Phạm Tuấn A 06 năm tù theo điểm b khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 53 Bộ luật hình sự.
Theo chúng tôi, bản án hình sự sơ thẩm số 137/2010/HSST của Tòa án nhân dân tỉnh Q.N chưa thực sự thích đáng và công bằng đối với hai bị cáo Minh Đ và Tuấn A. Các bị cáo trên bị bắt quả tang đang nhảy với nhạc lớn và có sử dụng ma túy bởi vậy không thể có tình tiết đầu thú làm cơ sở để giảm nhẹ hình phạt mà chỉ là tự thú, thành khẩn khai báo. Ngoài ra, xuyên suốt tình tiết của vụ án, bị cáo Đ là người có vai trò tổ chức, chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy chứ không phải chỉ là người khởi xướng ra việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như bản án hình sự sơ thẩm 137/2010/HSST của Toàn án nhân dân tỉnh Q.N đã tuyên. Bị cáo Tuấn A là người trực tiếp đi mua thuốc lắc theo sự chỉ đạo và dùng tiền của Đ. Như vậy, bị cáo Tuấn A chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với bị cáo Đ vì đã thực hiện hành vi chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất, …) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của bị cáo Đ. Theo Điều 53 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Cả hai bị cáo này đều bị xét xử về
tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù. Theo Điều 47 Bộ luật hình sự, hình phạt áp dụng cho bị cáo Minh Đ thấp nhất cũng phải nằm trong khung liền kề (khoản 1 Điều 197) là từ 02 đến 07 năm tù, nhưng xét tính chất và mức độ tham gia phạm tội của bị cáo Đ, việc áp dụng mức 03 năm tù là quá nhẹ, mặc dù nằm trong khung hình phạt cho phép nhưng chưa tương xứng với tính chất của tội phạm. Bị cáo Tuấn A có 01 tình tiết giảm nhẹ là ăn năn hối cải, thành thật khai báo, tự thú nhưng lại có 01 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo khoản Điều 48 Bộ luật hình sự. Như vậy, bị cáo Tuấn A cũng phải chịu mức hình phạt từ 7 đến 15 năm tù, không thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự với trường hợp này. Bởi vậy, bị cáo Tuấn A phải chịu mức hình phạt từ thấp nhất là 07 năm tù, không thể áp dụng mức hình phạt 06 năm tù như Tòa án nhân dân tỉnh Q.N đã tuyên.
Thứ hai, một số vụ án có số lượng đông người tham gia, còn bỏ lọt nhiều tội phạm.
Cũng trong vụ án trên, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án mới chỉ điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng trực tiếp tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chứ chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T, là nhân viên quán karaoke T.N (phường B.Đ, thành phố H.L) với hành vi cho Minh Đ và các đối tượng thuê phòng để bay, bật và chỉnh âm thanh công suất lớn. Theo điểm a khoản 3 Điều 7 Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP quy định: Người có địa điểm cho người khác mượn hoặc thuê địa điểm mà biết là họ dùng địa điểm đó không phải để họ sử dụng chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy, mà dùng địa điểm đó để đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự. Như vậy, T là nhân viên quán karaoke T.N phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hoặc chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Thứ ba, có sự nhận thức không thống nhất về các quy định của pháp luật hình sự trong thực tiễn áp dụng đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau khi định tội danh trong một vụ án.
Ví dụ: Đêm ngày 30/04/2008, Sái Anh T và Vũ Thị N tổ chức cho Lưu Trung H, Trần Ngọc T, Phạm Nam M và Vũ Văn H đi Đồ Sơn chơi. Khi N khởi xướng việc sử dụng thuốc lắc thì M phản đối nhưng T, N, H và T vẫn đứng ra tổ chức việc sử dụng thuốc lắc. N còn nói: "hôm nay phải cho con này (tức là M) dùng thử (thuốc lắc)". T chi tiền và sai H, T liên hệ mua thuốc lắc cung cấp cho cả nhóm sử dụng. H là người liên hệ mua được thuốc lắc. T là người trả tiền khi đối tượng bán thuốc lắc đến giao và là người đi mua nước để uống thuốc. Ngoài ra, N còn nhét thuốc lắc vào miệng M để ép M uống. Sau đó cả nhóm nhảy, lắc trong xe taxi. Sau khi dùng thuốc, Sái Anh T và Vũ Thị N bị sốc thuốc chết. Lưu Trung H và Trần Ngọc T bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố H.P truy tố về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo điểm b khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự.
Trong quá trình xét xử, Tòa án nhân dân thành phố H.P cho rằng Lưu Trung H và Trần Ngọc T không phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy vì các bị cáo chỉ bàn nhau mua thuốc lắc để sử dụng chung cho vui, sau khi mua được thuốc cả bọn đều dùng. Như vậy, chỉ có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Mặt khác H và T không phải là đối tượng nghiện ma túy nên không phạm tội. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao lại đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân thành phố H.P, cho rằng căn cứ vào tình tiết vụ án trên, Lưu Trung H và Trần Ngọc T cùng Sái Anh T, Vũ Thị N tổ chức việc mua thuốc lắc không chỉ để cho bản thân sử dụng mà còn cho cả H, M sử dụng. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân thành phố H.P truy tố về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là có căn cứ.
Thứ tư, công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn tình trạng hồ sơ vụ án phải trả lại Viện kiểm sát để điều tra bổ sung hoặc bị đình chỉ, tồn đọng. Theo
thống kê của Toàn án nhân dân tối cao về tình hình xét xử sở thầm (cấp tỉnh và huyện), từ năm 2005-2010, trong tổng số 247 vụ án và tổng số 450 bị cáo đưa ra xét xử về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có tới 16 vụ án và 32 bị cáo phải trả lại Viện kiểm sát (trung bình 03 vụ án/năm), 02 vụ án và 02 bị cáo bị đình chỉ. Số vụ án bị đình chỉ ít hơn, trong năm 2007, 2009 với 02 vụ án và 02 bị cáo. Số vụ án còn lại chưa xét xử là 08 vụ án và 10 bị cáo.
Thứ năm, hình phạt áp dụng đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn hạn hẹp, không đa dạng, chủ yếu áp dụng hình phạt tù từ 7 năm trở xuống, tù từ 7 năm đến 15 năm và án treo, còn các hình phạt khác ít khi được áp dụng hoặc không áp dụng như miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt hoặc cảnh cáo, tử hình. Việc áp dụng hình phạt bổ sung hầu như không thực hiện, hoặc chỉ có 01 trường hợp năm 2008.
* Những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Một là, khái niệm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ luật hình sự năm 1999 chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trong luật hình sự hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hai là, về tình tiết "Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là đang có thai" quy định tại điểm khoản 3 Điều 197 Bộ luật hình sự vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Theo Bộ luật hình sự năm 1999, phạm tội đối với phụ nữ đang có thai vừa là tình tiết định tội của một số tội, vừa là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của một số tội và là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung đối với các trường hợp phạm tội khác khi không được quy định là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt tăng nặng. Tuy nhiên, những quy định của Bộ luật hình sự về phạm tội đối với phụ nữ đang có thai chưa thống nhất. Cụ thể là điểm b khoản 1 Điều 93 thì quy định: "Giết phụ nữ mà biết là có thai"; điểm d khoản 2 Điều 197 quy định: "Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là đang
có thai"; điểm d khoản 2 Điều 200 cũng là: "Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là đang có thai"; điểm d khoản 1, 2, 3 Điều 104 là: "Đối với phụ nữ đang có thai"; điểm a khoản 2 Điều 110 là: "Phạm tội đối với phụ nữ có thai" và cuối cùng điểm h khoản 1 Điều 48 cũng chỉ quy định: "Phạm tội đối với phụ nữ có thai". Sự không thống nhất này phải chăng là do sự sai sót về mặt kỹ thuật hay là sự chủ ý của nhà làm luật? Chính sự không thống nhất trong quy định trên và lại không có sự giải thích của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên đã dẫn đến sự khó khăn và không nhất quán trong việc áp dụng pháp luật và dẫn đến nhiều luồng ý kiến trái chiều như sau:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng với quy định của luật: "Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là đang có thai" (Điều 93, Điều 197, Điều 200) thì chỉ có thể áp dụng tình tiết này khi thỏa mãn cả dấu hiệu khách quan và chủ quan. Quy định "Phạm tội đối với phụ nữ đang có thai" (Điều 104, Điều 110, Điều 48) thì có thể áp dụng tình tiết này khi thỏa mãn dấu hiệu khách quan là đối tượng bị xâm hại là người phụ nữ đang có thai mà không đòi hỏi người phạm tội phải biết đối tượng mình xâm hại là người phụ nữ đang có thai.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng với quy định của luật: "Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là đang có thai" (Điều 93, Điều 197, Điều 200) là trường hợp người phạm tội biết rõ người mình xâm hại là phụ nữ đang có thai (không kể tháng thứ mấy). Nếu người phụ nữ bị xâm hại có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội đối với phụ nữ mà biết là đang có thai. Ngược lại, trong trường hợp người phụ nữ bị xâm hại không có thai, nhưng người phạm tội tin lầm là có thai nên vẫn thực hiện hành vi phạm tội đối với người phụ nữ đó thì vẫn bị coi là phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai.
Loại ý kiến thứ ba cho rằng: tất cả các trường hợp phạm tội (cố ý) đối với phụ nữ đang có thai dù được quy định là dấu hiệu định tội, định khung hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đều đòi hỏi phải thỏa mãn cả
hai dấu hiệu: về khách quan, nạn nhân là phụ nữ đang có thai và về chủ quan, ngoài lỗi cố ý người phạm tội phải biết nạn nhân là người phụ nữ đang có thai. Nếu có sai lầm và sự sai lầm đó là có căn cứ thì trách nhiệm hình sự sẽ được giải quyết theo nguyên tắc sai lầm.
Về ý kiến thứ nhất, theo chúng tôi chưa hợp lý bởi vì đối với các trường hợp phạm tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 93, điểm d khoản 2 Điều 197 và điểm đ khoản 2 Điều 200 thì rõ ràng điều luật đòi hỏi trên thực tế đối tượng bị xâm hại phải là phụ nữ đang có thai và người phạm tội phải biết đối tượng mình xâm hại là người phụ nữ đang có thai mà vẫn thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cũng là tình tiết tăng nặng định khung nhưng các trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 1, 2, 3 Điều 104; điểm a khoản 2 Điều 110 thì có thể áp dụng khi thỏa mãn dấu hiệu khách quan là người phụ nữ bị xâm hại đang có thai mà không cần biết người phạm tội có biết đối tượng mình xâm hại là người phụ nữ có thai hay không. Như vậy, cùng là tình tiết định khung nhưng tại sao các điều luật lại quy định khác nhau, có điều luật quy định người phạm tội "phải biết", có điều luật không đòi hỏi người phạm tội "phải biết", cũng không thể cho rằng vì các tội quy định trong các Điều 93, 197, 200 có tính nguy hiểm hơn, hình phạt quy định nghiêm khắc hơn các tội quy định trong các điều 104, 110 nên luật yêu cầu người phạm tội "phải biết". Theo chúng tôi, một trong những đặc điểm thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn hẳn của tội cố ý gây thương tích (Điều 104) và tội hành hạ người khác (Điều 110) so với các trường hợp phạm tội không có tình tiết đó là đặc điểm đặc biệt của đối tượng bị xâm hại là người phụ nữ đang có thai. Đặc điểm khách quan đặc biệt này đòi hỏi người phạm tội phải biết trước khi thực hiện hành vi mà vẫn quyết định và thực hiện