Phần lớn các kiến thức mà công ty sử dụng trong đổi mới sản phẩm là các kiến thức từ bên ngoài. Do phần lớn những đổi mới là du nhập từ bên ngoài hơn là được tạo ra từ bên trong, khả năng sử dụng các kiến thức bên ngoài là một phần rất quan trọng tạo nên năng lực đổi mới. Như vậy khả năng tiếp thu - tức là khả năng nhận ra giá trị của thông tin mới, dung nạp và ứng dụng nó vào thực tiễn kinh doanh sản xuất của một công ty - là vô cùng quan trọng.
Công tác xây dựng năng lực tiếp thu ở một công ty trải qua hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, công ty nỗ lực nâng cao khả năng tiếp cận với kiến thức mới. Giai đoạn này cần đến văn hóa chia sẻ
kiến thức của công ty. Giai đoạn thứ hai bao gồm các nỗ lực nâng cao khả năng sử dụng các kiến thức bên ngoài, tức là biến đổi và triển khai nó trong doanh nghiệp.
Hiểu được về các năng lực kỹ thuật công nghệ hiện tại và khả năng tiếp thu kiến thức của một công ty sẽ giúp xác định được các kiến thức cũng như các chiến lược đổi mới phù hợp. Theo Ngân hàng Thế giới (xem Hình 28), các công ty có thểđược xếp vào một trong 4 loại, dựa trên:
(1) mức độ nhận thức của công ty về sự cần thiết của thay đổi
(2) mức độ ban lãnh đạo công ty nhận thức về cái gì phải thay đổi và cần làm gì để thay
đổi.
Ở mức độ thấp nhất là các công ty không có khả năng thực hiện sự thay đổi hay đổi mới. Tùy thuộc vào một công ty ở vào giai đoạn phát triển nào mà nó cần đến những cách hỗ trợ khác nhau để thúc
đẩy sự tiến bộ của công ty, giúp công ty chuyển từ góc phần tư phía dưới bên trái sang góc phần tư
phía trên bên phải (từ kiểu 1 sang kiểu 4).
Nếu công ty có một lực lượng lao động được đào tạo tốt, nó sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận công nghệ nước ngoài và phát triển nhanh hơn. Sự sáng tạo và vai trò của các kỹ năng kỹ thuật và tay nghề
cấp trung là điều quyết định cho việc hấp thụ và sử dụng các công nghệ mới cũng như cho hoạt động nghiên cứu và phát triển không chính thức của công ty.