Đại diện cho:

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về hợp đồng kinh doanh bất động sản ở Việt Nam. (Trang 28)

kết hợp đồng để xem xét tuyên bố hợp đồng vô hiệu (Điều 130 Bộ luật Dân sự năm 2005). Tương tự như vậy, nếu người giao kết hợp đồng có năng lực hành vi dân sự nhưng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình ở vào thời điểm giao kết thì hợp đồng có thể bị tòa án tuyên vô hiệu theo yêu cầu của người đó (Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2005).

Chủ thể hợp đồng có thể trực tiếp tham gia giao kết hợp đồng hoặc thông qua người đại diện. Có hai trường hợp đại diện là đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền.

Đại diện theo ủy quyền xảy ra khi chủ thể hợp đồng hoặc người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện giao kết hợp đồng. Người được ủy quyền chỉ được ủy quyền lại nếu được người ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định cho phép ủy quyền lại. Những phân tích trên cho thấy chủ thể của hợp đồng chưa chắc đã là chủ thể giao kết hợp đồng trên thực tế. Do đó, không thể đồng nhất hai loại chủ thể này trong quan hệ hợp đồng. Quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng chỉ phát sinh với chủ thể hợp đồng mà không phát sinh với chủ thể giao kết hợp đồng. Thực tế có thể xảy ra trường hợp một bên giao kết hợp đồng nhưng không phải đại diện theo ủy quyền hoặc vượt quá phạm vi ủy quyền. Trong trường hợp này, bên đã thực hiện giao dịch với người đó có quyền lựa chọn các phương thức giải quyết hợp đồng đã giao kết như sau:

+ Thông báo cho người được đại diện biết và nếu người được đại diện đồng ý thì hợp đồng có hiệu lực giữa người được đại diện và bên đã giao dịch với người đại diện.

+ Thông báo cho người được đại diện biết và nếu người được đại diện không đồng ý thì hợp đồng đã ký hoặc phần hợp đồng ký vượt quá phạm vi ủy quyền vẫn có hiệu lực giữa người đại diện và người đã giao dịch với người đại diện.

+ Đơn phương chấm dứt hoặc hủy bỏ toàn bộ hợp đồng hoặc phần hợp đồng được giao kết vượt quá phạm vi đại diện và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Hình thức của hợp đồng phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc hợp đồng có thể tồn tại dưới hình thức bằng văn bản, bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong thực tế, hợp đồng bằng văn bản có thể được thể hiện dưới dạng các tài liệu giao dịch hoặc thông điệp dữ liệu điện tử. Hơn nữa, hợp đồng bằng văn bản có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc theo ý chí của các bên. Các bên căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh của mình mà lựa chọn hình thức cho phù hợp Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật có ấn định hình thức bắt buộc cho từng loại hợp đồng thì các bên phải triệt để tuân thủ quy định đó. Nếu vi phạm về hình thức của hợp đồng sẽ dẫn đến khả năng làm cho hợp đồng bị vô hiệu. Một số loại hợp đồng có hình thức bắt buộc phải tuân theo quy định của pháp luật như:

+ Hợp đồng phải bằng văn bản: hợp đồng tín dụng, hợp đồng mua bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thuê nhà ở…

+ Hợp đồng phải bằng văn bản và có công chứng hoặc chứng thực: hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất…

Hợp đồng vi phạm về hình thức không mặc nhiên vô hiệu mà chỉ bị coi là chưa có giá trị pháp lý và không được công nhận trên thực tế. Tòa án cho phép các bên được sửa đổi hình thức của hợp đồng cho phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu bên nào có trách nhiệm nhưng không tiến hành sửa đổi hình thức hợp đồng thì bên đó bị coi là có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu nên phải bồi thường thiệt hại phát sinh.

* Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

Một khía cạnh khác liên quan đến hiệu lực của hợp đồng là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng có hiệu lực sẽ ràng buộc quyền và nghĩa

vụ của các bên, tức là có tính bắt buộc thực hiện trên thực tế. Tính bắt buộc thực hiện của hợp đồng có thể phát sinh từ thời điểm giao kết hoặc từ thời điểm một bên thực hiện lời cam kết đã thỏa thuận. Thông thường, hợp đồng có đối ứng phát sinh hiệu lực kể từ khi giao kết. thời điểm giao kết hợp đồng được xác định như sau:

+ Đối với hợp đồng bằng lời nói thì thời điểm giao kết là khi các bên đã thỏa thuận được nội dung chủ yếu của hợp đồng.

+ Đối với hợp đồng bằng văn bản được ký xác nhận bởi các bên thì thời điểm giao kết là khi bên sau cùng ký vào văn bản hợp đồng.

+ Đối với hợp đồng bằng văn bản dưới dạng tài liệu giao dịch thì thời điểm giao kết hợp đồng là khi bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận đề nghị giao kết.

+ Trong trường hợp các bên thỏa thuận im lặng là sự đồng ý thì thời điểm giao kết hợp đồng là khi hết thời hạn trả lời được đưa ra trong đề nghị giao kết hợp đồng.

Tuy nhiên, thời điểm này có thể thay đổi theo thỏa thuận của các bên, theo đó có thể chỉ phát sinh hiệu lực kể từ khi các bên đã chuyển giao cho nhau đối tượng của hợp đồng.

Hợp đồng không có đối ứng chỉ phát sinh hiệu lực kể từ khi lời cam kết do một bên đưa ra được thực hiện trên thực tế. Như vậy, bên đã cam kết không có nghĩa vụ phải thực hiện cam kết của mình cho đến tận khi lời cam kết được thực hiện. Nếu đối tượng của hợp đồng là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì thời điểm lời cam kết được thực hiện là khi quyền sở hữu tài sản được cấp giấy chứng nhận đăng ký. Điều này là vì hợp đồng không có đối ứng được xác lập chủ yếu dựa trên tính tự nguyện của một bên. Nói một cách đơn giản, đây là thỏa thuận theo đó một bên cam kết "cho không" bên kia một lợi ích nhất định mà không đòi hỏi phải được trả lại bằng một lợi ích đối ứng. Chính vì vậy, không thể yêu cầu bên cam kết thực hiện nghĩa vụ của họ mà

việc thực hiện là hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, khi lời cam kết đã thực hiện trên thực tế thì hợp đồng phát sinh và từ thời điểm đó những nghĩa vụ của người cam kết đối với bên kia sẽ có tính bắt buộc phải thực hiện.

Một khi hợp đồng được hình thành một cách hợp pháp thì nó có hiệu lực như pháp luật đối với các bên giao kết. Đây là nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng. Sau khi hợp đồng được xác lập với đầy đủ các yếu tố thì hợp đồng đó có hiệu lực ràng buộc như pháp luật, các bên buộc phải thực hiện cam kết trong hợp đồng, mọi sự vi phạm sẽ dẫn đến trách nhiệm mà bên vi phạm sẽ phải gánh chịu. Các điều khoản trong hợp đồng sẽ là căn cứ quan trọng để giải quyết các tranh chấp hợp đồng phát sinh, xử lý vi phạm hợp đồng.

* Hợp đồng vô hiệu

Ngược lại với trường hợp hợp đồng có hiệu lực là trường hợp hợp đồng bị vô hiệu. Một hợp đồng có thể bị vô hiệu nếu trái với các quy định của pháp luật. Hợp đồng vô hiệu có thể tồn tại dưới dạng vô hiệu tuyệt đối và vô hiệu tương đối.

- Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối (còn gọi là vô hiệu mặc nhiên) là hợp

đồng mặc nhiên bị coi là vô hiệu khi không thỏa mãn điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2005 của Việt Nam quy định các trường hợp vô hiệu tuyệt đối xảy ra trong hai trường hợp:

+ Mục đích và nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

+ Hợp đồng được xác lập giả tạo để che giấu cho một hợp đồng khác thì hợp đồng giả tạo sẽ bị vô hiệu tuyệt đối.

Trong nhiều trường hợp, nếu hợp đồng đã vô hiệu tuyệt đối nhưng các chủ thể vẫn cố tình thực hiện sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và phải chịu các hình thức trách nhiệm pháp lý như trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự nếu việc thực hiện đó đủ yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật hành chính và vi phạm pháp luật hình sự.

- Hợp đồng vô hiệu tương đối (còn gọi là vô hiệu theo yêu cầu) là hợp đồng chỉ bị coi là vô hiệu nếu có yêu cầu của một trong các bên hợp đồng và được tòa án thừa nhận. Điều đó cho thấy nếu các bên không có yêu cầu hoặc yêu cầu của các bên không được tòa án thừa nhận thì hợp đồng vẫn được thực hiện trên thực tế và vẫn có giá trị ràng buộc các bên. Như vậy, trong trường hợp này, bản thân hợp đồng không hội tụ đủ các điều kiện có hiệu lực nhưng không bị coi là mặc nhiên vô hiệu mà chỉ coi là có thể bị vô hiệu. Tính hiệu lực của nó phụ thuộc vào ý chí của các bên. Chỉ khi nào các bên có yêu cầu và được tòa án thừa nhận thì hợp đồng mới bị coi là vô hiệu trên thực tế và mất đi tính ràng buộc đối với các bên. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, hợp đồng vô hiệu tương đối tồn tại trong các trường hợp sau:

+ Hợp đồng được giao kết bởi người chưa thành niên; người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự nếu pháp luật có yêu cầu hợp đồng này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện.

+ Hợp đồng được giao kết do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa.

+ Chủ thể giao kết hợp đồng không nhận thức được hành vi của mình. Những phân tích ở trên cho thấy, hợp đồng không đồng thời thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực như sự đồng thuận của các bên, năng lực hành vi dân sự của chủ thể, tính hợp pháp của hợp đồng và hình thức của hợp đồng thì bị vô hiệu (trong trường hợp vô hiệu tuyệt đối) hoặc có thể bị vô hiệu (trong trường hợp vô hiệu tương đối). Điều cần lưu ý là đối với trường hợp vô hiệu tương đối, nếu không có yêu cầu của các bên và không có tuyên bố của tòa án thì hợp đồng vẫn có hiệu lực trên thực tế ngay cả khi bản thân nó chứa đựng các yếu tố của một hợp đồng vô hiệu. Khi đó, các bên vẫn phải thực hiện hợp đồng cho đến khi tòa án tuyên hợp đồng đó vô hiệu. Bởi lẽ, nếu hợp đồng không bị tòa tuyên vô hiệu thì khi đó bên tự ý không thực hiện hợp đồng sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng. Ngược lại, đối với hợp đồng vô hiệu tuyệt đối, các bên có quyền không tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu phát hiện ra tính vô hiệu của nó.

Khi hợp đồng được các bên xác định hoặc được tòa án tuyên là vô hiệu thì hợp đồng đó không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết. Lý do xác định thời điểm vô hiệu của hợp đồng như vậy là vì các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đều phát sinh từ thời điểm hợp đồng được giao kết. Sự tồn tại của những yếu tố này là khách quan trong suốt quá trình hợp đồng được thực hiện. Chính vì vậy, thời điểm hợp đồng bị xác định hoặc bị tuyên vô hiệu có thể sớm hay muộn nhưng yếu tố làm cho hợp đồng vẫn tồn tại từ khi giao kết. Hợp đồng vô hiệu không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết dẫn đến hệ quả là các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không trả được bằng hiện vật thì trả bằng tiền. Tuy nhiên, nếu hợp đồng được xác lập có vi phạm pháp luật thì tài sản của các bên có thể không được hoàn trả cho nhau mà bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Trong trường hợp chỉ có một phần của hợp đồng vô hiệu và không ảnh hưởng đến các phần còn lại (hợp đồng vô hiệu một phần) thì các phần khác vẫn có hiệu lực pháp luật. Việc xử lý phần hợp đồng vô hiệu giống như đối với hợp đồng vô hiệu toàn bộ như đã phân tích ở trên.

1.1.3.5. Chế tài do vi phạm hợp đồng

Vi phạm hợp đồng là hành vi có lỗi của một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các điều khoản của hợp đồng. Chủ thể có hành vi vi phạm hợp đồng có thể phải chịu các hình thức chế tài như buộc phải thực hiện đúng hợp đồng, chịu phạt hợp đồng, buộc bồi thường thiệt hại phát sinh, buộc phải chấp nhận tạm ngừng hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc chấp nhận hủy hợp đồng.

- Buộc thực hiện đúng hợp đồng

Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh. Buộc thực hiện đúng hợp đồng là một hình thức chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm hợp

đồng. Trong trường hợp chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng đã được áp dụng nhưng bên vi phạm vẫn không có hành vi sửa chữa thì có thể tiếp tục áp dụng các chế tài khác như hủy hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc buộc bồi thường thiệt hại.

- Phạt hợp đồng

Phạt hợp đồng là việc bên vi phạm trả cho bên bị vi phạm một khoản tiền do đã có hành vi vi phạm. Phạt hợp đồng chỉ được áp dụng nếu trong hợp đồng đã có thỏa thuận về vấn đề này. Chế tài phạt hợp đồng được quy định nhằm mục đích răn đe, để buộc các chủ thể phải triệt để tuân thủ nghĩa vụ theo hợp đồng. Chính vì mục đích này nên chế tài phạt hợp đồng không thể được áp dụng trong mọi trường hợp mà chỉ được áp dụng nếu trong hợp đồng đã có thỏa thuận trước về chế tài này.

- Bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Bồi thường thiệt hại là chế tài có mục đích nhằm bù đắp những tổn thất đã phát sinh trong thực tế. Chính vì vậy, chế tài này chỉ được áp dụng nếu thỏa mãn những điều kiện sau:

+ Có hành vi vi phạm hợp đồng; + Có lỗi của bên vi phạm;

+ Có thiệt hại thực tế phát sinh và thiệt hại đó là hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm hợp đồng.

Như vậy, chế tài bồi thường thiệt hại không nhất thiết phải được thỏa thuận trong hợp đồng mà được áp dụng trong mọi trường hợp có thiệt hại xảy ra trên thực tế. Ngược lại, phạt vi phạm chỉ được áp dụng nếu các bên đã có thỏa thuận trước trong hợp đồng. Sự khác biệt này xuất phát từ mục đích của mỗi hình thức chế tài; theo đó, chế tài phạt là nhằm răn đe, còn chế tài bồi thường thiệt hại là nhằm bù đắp những tổn thất đã phát sinh trên thực tế.

- Tạm ngừng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.

Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm bị đình chỉ.

Hủy bỏ hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết.

Như vậy, sự khác nhau cơ bản giữa đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng là ở thời điểm hợp đồng bị mất hiệu lực. Trong trường hợp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về hợp đồng kinh doanh bất động sản ở Việt Nam. (Trang 28)