Sự thể hiện của nguyên tắc xét xử trực tiếp và nguyên tắc xét xử bằng lời nói trong PLTTHS của các nước trên thế giới là rất đa dạng, có nhiều khác biệt, thậm chí là đối lập nhau.
Có nước trực tiếp quy định xét xử trực tiếp và xét xử bằng lời nói tại phiên tòa là các nguyên tắc của hoạt động xét xử trong một điều luật cụ thể. Điều 240 BLTTHS Liên Bang Nga quy định về “Nguyên tắc xét xử trực tiếp và bằng lời nói” như sau:
“1. Trong quá trình xét xử tất cả chứng cứ của vụ án đều phải được kiểm tra trực tiếp, trừ những trường hợp quy định tại Chương X Bộ luật này, Tòa án nghe lời khai của bị cáo, người bị hại, người làm chứng, kết luận giám định, xem xét vật chứng, công bố các biên bản và tài liệu khác, tiến hành các hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ.
2. Việc công bố lời khai trong quá trình hoạt động điều tra chỉ được thực hiện trong những trường hợp quy định tại Điều 276 và Điều 281 Bộ luật này. 3. Bản án của Tòa án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa.” [113, tr.109]
Có nước không trực tiếp quy định nguyên tắc xét xử trực tiếp và bằng lời nói tại phiên tòa trong điều luật cụ thể. Tuy nhiên, các quy định về trình tự, thủ tục xét xử tại phiên tòa lại thể hiện những nội dung và yêu cầu của những nguyên tắc này như: BLTTHS của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa năm 1979, BLTTHS nước Cộng Hòa Pháp, BLTTHS Nhật Bản.v.v… Ví dụ như: BLTTHS Nhật Bản quy định: “Tòa án phải xem xét, vào ngày xét xử, tất cả các tài liệu bao gồm kết quả của việc thẩm vấn nhân chứng hoặc những người khác, xem xét chứng cứ, thu giữ và khám xét, và tất cả những đồ vật đã bị thu giữ trong quá trình chuẩn bị xét xử như tài liệu hoặc các chứng cứ tương ứng.” (Điều 303); “1. Khi kết thúc việc xem xét chứng cứ, công tố viện phát biểu ý kiến của mình đối với vấn đề sự việc phạm tội và áp dụng luật; 2. Bị cáo và luật sư bào chữa của họ cũng có thể phát biểu ý kiến của mình.”
(Điều 293) [115, tr. 50, 51]
Nhìn chung, các thủ tục và trình tự tố tụng tại phiên tòa của các nước đều thể hiện rất rõ việc Tòa án phải trực tiếp và bằng lời nói thẩm tra các chứng cứ, ý kiến của các bên buộc tội và bào chữa. Tuy nhiên, do quan niệm khác nhau về cách thức, phương pháp xác định sự thật của vụ án, cũng như vị trí, vai trò của Tòa án và các bên buộc tội, bào chữa mà phương pháp, cách thức xét xử trực tiếp và xét xử bằng lời nói tại phiên tòa của các nước có nhiều điểm khác biệt, thậm chí đối lập với nhau.
Các nước theo hình thức tố tụng thẩm vấn hay tố tụng xét hỏi (chủ yếu là ở các nước thuộc hệ thống luật Châu Âu lục địa) cho rằng “sự thật có thể và phải được tìm ra trong quá trình thẩm vấn, điều tra. Vì rằng các bên có thể có ý định che dấu sự thật nên nhà nước phải tham gia sớm và liên tục vào việc thẩm vấn, điều tra
” [111, tr.122]. Do đó, các cơ quan THTT, trong đó có Tòa án luôn có vai trò chủ động và tích cực trong hoạt động điều tra, tìm ra sự thật của vụ án.“Thẩm phán là người đưa ra quyết định điều tra khi xảy ra một vụ án nào đó. Thẩm phán cũng là
người có trách nhiệm tìm ra sự thật trên cơ sở các sự việc, chứng cứ. Cũng chính Thẩm phán là người chỉ đạo toàn bộ quá trình tố tụng, kể cả giai đoạn điều tra”
[42, tr.3]. Tại phiên tòa, Tòa án không giữ vai trò “trọng tài” trung lập giữa các bên bào chữa và buộc tội mà có trách nhiệm chứng minh sự thật khách quan của vụ án.
“Thẩm phán hỏi phần lớn các câu hỏi và phát triển sự kiện trong khi các luật sư chủ yếu chỉ tranh luận để giải thích những gì Thẩm phán sẽ tuyên liên quan đến các dữ kiện của vụ án.” [111, tr.126]
Hoạt động xét xử tại phiên tòa của hình thức tố tụng thẩm vấn được coi là cuộc điểu tra công khai, trực tiếp và bằng lời nói. Tuy nhiên, tố tụng thẩm vấn“chứng cứ viết hay suy rộng ra là hồ sơ vụ án vẫn giữa một vị trí hết sức quan trọng” [74, tr.4]. Khi thực hiện hoạt động xét xử tại phiên tòa, các Thẩm phán “bao giờ cũng có trong tay toàn bộ tài liệu về quá trình điều tra, họ biết rất rõ là nhân chứng đã nói gì với cảnh sát, họ đã nghiên cứu trước hồ sơ” [20, tr.11]. Hoạt động xét xử là việc Tòa án công khai và trực tiếp thẩm tra lại các chứng cứ, tài liệu và tình tiết đã được khẳng định trong hồ sơ vụ án. “Phiên tòa trong tố tụng xét hỏi nhiều khi rơi vào tình trạng diễn lại những gì đã diễn ra trước đó, trên cơ sở đó HĐXX khẳng định lại các tình tiết, các chứng cứ để ra bản án” [74, tr.5]. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan cho việc xét xử trực tiếp, tránh định kiến về sự có tội của bị cáo, Thẩm phán tham gia vào hoạt động điều tra trước đó không được tham dự vào hoạt động xét xử sau này. Hoạt động xét xử được tiến hành bởi Thẩm phán xét xử.
Cách thức tiến hành xét xử trực tiếp và xét xử bằng lời nói của hình thức tố tụng thẩm vấn “thường bị chỉ trích là không tôn trọng đầy đủ quyền của các bên đương sự bởi vì, họ không có nghĩa vụ chứng minh chứng cứ. Vì chứng cứ là do Thẩm phán điều tra tập hợp nên người ta cho rằng tố tụng thẩm vấn đi ngược lại nguyên tắc vô tư, khách quan và cho rằng đôi khi Thẩm phán đã có sẵn trong đầu quyết định xét xử trước khi diễn ra giai đoạn xét xử. Xét dưới góc độ đó, việc tranh luận tại phiên toà trở nên vô nghĩa” [42, tr.3].
Trái ngược với hình thức tố tụng thẩm vấn là hình thức tố tụng tranh tụng,có nguồn gốc từ mô hình tố tụng tố cáo và phát triển mạnh mẽ ở các nước theo hệ thống luật Án lệ như Anh và Mỹ. “Tố tụng tranh tụng cho rằng sự thật sẽ được mở ra qua sự tranh luận tự do và cởi mở giữa những người có những dữ kiện chính xác”[111, tr.123]. Quá trình tố tụng là cuộc đấu tranh giữa một bên là nhà nước (bên buôc tội) và một bên là người bị tình nghi thực hiện tội phạm (bên gỡ tội). Bên buộc tội và bên gỡ tội không bắt buộc phải khách quan khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ. Các bên phải tự thu thập chứng cứ, để buộc tội hoặc bào chữa, phục vụ cho việc tranh tụng tại phiên tòa. Nhằm đảm bảo cho quá trình tố tụng diễn ra dân chủ và khách quan, quyền lực tố tụng được chia sẻ giữa Công tố viên, Luật sư, Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn. “Công tố viên đại diện cho nhà nước, cố gắng chứng minh tội của bị cáo. Luật sư bào chữa tranh luận về sự vô tội của thân chủ, và để đảm bảo bị cáo có tất cả những sự bảo vệ cần thiết về mặt pháp lý. Thẩm phán đóng vai trò là trọng tài…” [111, tr.126]
Trong hình thức tố tụng tranh tụng coi như không có giai đoạn điều tra, việc tìm ra sự thật của vụ án hình sự chỉ thực sự bắt đầu và coi như chính thức ở giai đoạn xét xử. Giai đoạn trước khi mở phiên tòa được xem là giai đoạn tiền tố tụng, do các bên thực hiện, để chuẩn bị cho cuộc tranh tụng tại phiên tòa. Các bên ra trước Tòa với tư cách như hai đối thủ. Trong quá trình xét xử, các bên buộc tội và gỡ tội có quyền như nhau trong việc đưa ra chứng cứ, người làm chứng, xét hỏi, trình bày chứng cứ, đối chất, phản bác chứng cứ, quan điểm của nhau và bảo vệ quan điểm của mình, thậm chí có quyền ngắt lời bên kia để phản bác, nhằm đạt được mục đích buộc tội hoặc gỡ tội. Tất cả các chứng cứ do các bên thu thập được ở giai đoạn trước phiên tòa chỉ được coi là chứng cứ, sau khi chúng được thẩm tra bằng cách trình bày, cãi lý, tranh luận tại phiên tòa. “Vì được thực hiện hoàn toàn bằng lời nói nên mọi chứng cứ viết, chẳng hạn như biên bản của cảnh sát tư pháp đều không được coi là chứng cứ.” [42, tr.3]
Tòa án không có trách nhiệm chứng minh sự thật khách quan của vụ án mà giữ vai trò là người trọng tài trung lập giữa các bên. Thẩm phán có nhiệm vụ điều
khiển cuộc tranh tụng, bảo đảm các bên thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ, duy trì trật tự phiên tòa, còn Bồi thẩm đoàn “ngồi như những “khán giả” trong nhà hát” [110, tr.41]. Họ luôn đứng ngoài quá trình tranh tụng và chứng minh tại phiên tòa. Họ chỉ có một nhiệm vụ là quan sát quá trình tranh luận gay gắt giữa bên buộc tội và bên bào chữa, cho đến khi vào phòng nghị án, để quyết định bị cáo có tội hay vô tội. Mặc dù pháp luật của các nước đều cho phép Thẩm phán và Bồi thẩm có quyền thẩm vấn bị cáo và nhân chứng nhưng trên thực tế, rất ít khi họ thực hiện quyền này. “Nếu Tòa án tham gia tích cực vào vụ án, nhất là vào việc xét hỏi tại Tòa, công chúng sẽ cho rằng Tòa án là một bên tranh chấp và như vậy sẽ không đảm bảo công lý.” [98, tr.6]
Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn không có quyền biết đến các chứng cứ trước khi phiên tòa diễn ra. Trước khi xét xử, “Thẩm phán không biết một cái gì hết. Họ chỉ biết mỗi một cái tên thôi. Không có hồ sơ cho các vị Thẩm phán. Hồ sơ nằm trong tay luật sư công tố ủy viên và nằm trong tay của luật sư bào chữa chứ không nằm trong tay Thẩm phán.” [20, tr.11] Trách nhiệm thu thập và trình bày chứng cứ thuộc về các bên buộc tội và gỡ tội. “Nguyên tắc này bảo đảm cho Tòa án thoát khỏi mọi ảnh hưởng hay định kiến – nếu tham gia vào việc thu thập chứng cứ” [61]. Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn chỉ có thể nhận thức về vụ án thông qua việc trực tiếp xem xét, đánh giá các chứng cứ, nghe quá trình xét hỏi, lý lẽ mà các bên trình bày tại phiên tòa. Sự thật của vụ án được xác định bằng cách kiểm tra chéo các chứng cứ, đối chất giữa các bên. “Để bảo vệ sự thật của mình, trong suốt quá trình tố tụng, bên buộc tội và bên bị buộc tội liên tục trao đổi với nhau những chứng cứ, lập luận.” [42, tr.3]
Phán quyết của Tòa án sẽ dựa trên cơ sở xem xét, đánh giá các chứng cứ, lý lẽ của các bên tại phiên tòa. Kết quả của phiên tòa xét xử (ai thắng, ai thua) chủ yếu dựa vào độ tin cậy, giá trị của các chứng cứ do các bên đưa ra, đồng thời phụ thuộc vào trình độ, năng lực chuyên môn và nghệ thuật thuyết phục của Công tố viên và luật sư bào chữa. Bên thắng được coi là có được sự thật ở phía mình. “Vì vậy, trong nhiều trường hợp bên thắng trong tố tụng tranh tụng chưa hẳn là bên đúng. Nói
cách khác bên thắng trong tố tụng tranh tụng là bên đã chứng minh được trước Tòa mình đúng mà thôi” [74, tr.7]. Do đó, tố tụng tranh tụng bị phê phán là “việc con người bị phán xét như thế nào dường như quan trọng hơn việc xem họ đã làm gì trên thực tế. Một số học giả còn kết luận rằng, tố tụng xét hỏi cho phép tìm ra sự thật, trong khi đó tố tụng tranh tụng chỉ cho phép tìm ra một phần sự thật mà thôi.” [111, tr.4] Mặt khác, vì Tòa án không có nhiệm vụ chứng minh sự thật khách quan của vụ án, gánh nặng này bị đẩy sang phía Công tố viên và người bị buộc tội. Do đó, nếu không có luật sư bào chữa, bị cáo sẽ gặp khó khăn lớn trong việc thực hiện các quyền tố tụng, bảo vệ các quyền lợi cho họ. Vì vậy, tố tụng tranh tụng bị chỉ chích là làm nảy sinh sự bất bình đẳng giữa các bên, nhất là đối với các bị cáo nghèo, không có tiền thuê luật sư bào chữa.
Vì mỗi hình thức tố tụng đều có những ưu điểm và hạn chế, không có hình thức nào là hoàn hảo tuyệt đối nên các nước trên thế giới đang có xu hướng kết hợp những ưu điểm của hai hệ thống này vào TTHS nước mình. Và Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng đó, trên nền tảng của tố tụng thẩm vấn, chúng ta đã tiếp thu nhiều yếu tố tích cực của tố tụng tranh tụng. Nghị quyết số 08/NQ - TW và số 49/NQ – TW của Bộ Chính trị đều nhấn mạnh “nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của cải cách tư pháp.” Đồng thời, cũng phải thấy rằng: “Mỗi một kiểu tố tụng (thẩm vấn hay tranh tụng) đều có một mô hình tổ chức nhà nước tương ứng phù hợp, vì vậy nếu thực hiện việc chuyển đổi hoạt động TTHS sang hệ tranh tụng ở nước ta đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về nguyên tắc và thủ tục, về việc tổ chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử…” [71]