Các biện pháp bảo đảm thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - Thành tựu, vướng mắc và hướng hoàn thiện (Trang 125 - 129)

Để các quy phạm của Luật HN&GĐ được áp dụng một cách đầy đủ, toàn diện thì ngoài việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về HN&GĐ còn cần có những biện pháp bảo đảm thực hiện Luật HN&GĐ nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật được thực hiện trong đời sống xã hội.

+ Cần đưa ra các chế tài cụ thể vào trong Luật, các chế tài đó có thể là: Hủy việc kết hôn trái pháp luật, hạn chế quyền nuôi con; cụ thể hóa các chế tài về xử phạt hành chính và hình sự vào trong Luật HN&GĐ để người dân khi đọc dễ hiểu và dễ tiếp cận. Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực HN&GĐ cần được mở rộng và tăng mức xử phạt nặng hơn để đủ tính răn đe.

+ Cần thiết lập một Tòa án riêng để giải quyết các vấn đề về HN&GĐ. Có thể gọi là Tòa án HN&GĐ giống như Tòa án lao động, Tòa án hình sự, Tòa án dân sự. Việc gộp chung giải quyết các vụ việc HN&GĐ trong phạm vi thẩm quyền của Tòa án dân sự đang tạo thành sức ép và quá tải đối với tòa này vì thực tiễn hiện nay các vụ việc HN&GĐ chiếm tỷ lệ lớn ở các Tòa án các cấp và chủ yếu ở cấp quận, huyện và tỉnh, thành phố. Theo thống kê của TAND thành phố Hải Phòng "vụ án ly hôn chiếm trên 50% các vụ án về dân sự nói chung. Riêng năm 2009, Tòa án các cấp của thành phố đã thụ lý 2.212 vụ ly hôn" [62]. Còn TAND Quảng Nam, "số vụ án ly hôn trong năm 2009 là 1.281 vụ" [63]. Các vụ án ly hôn liên tục gia tăng qua các năm nên việc lập một Tòa án riêng là nhu cầu khá cấp thiết để giảm tải cho Tòa án dân sự các cấp.

Việc lập Tòa án riêng giải quyết vấn đề HN&GĐ cũng tạo nên sự chuyên sâu hơn cho các thẩm phán. Thẩm phán cũng sẽ giải quyết có trách nhiệm hơn đối với các vụ việc này vì thực tiễn, ở nhiều TA, việc giải quyết ly hôn diễn ra rất qua loa, đặc biệt là giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thường rất đơn giản và không có qua các thủ tục điều tra, xác minh, thậm

chí cũng không cần có việc hòa giải tại địa phương mà chỉ cần đương sự khai là đã được cơ quan, địa phương nhắc nhở nhưng không giải quyết được nên yêu cầu ly hôn. Tòa án chỉ căn cứ vào đơn và lời khai của đương sự để ra quyết định, việc giải quyết thuận tình ly hôn diễn ra vô cùng chóng vánh. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân khiến cho tình trạng ly hôn ngày càng tăng vì thủ tục ly hôn thuận tình quá dễ dàng, đơn giản và nhanh chóng.

+ Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật HN&GĐ trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến HN&GĐ; đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng những biện pháp trực tiếp ở những vùng sâu vùng xa, dân tộc ít người để dần xóa bỏ tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết, tình trạng phân biệt đối xử giữa con trai và con gái và xóa dần tư tưởng gia trưởng...

Bên cạnh đó cần hoàn chỉnh hơn các quy định của các ngành luật khác để giữa các ngành luật có sự thống nhất với nhau giúp cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, thuận tiện và dễ dàng hơn.

Cần coi pháp luật về Phòng chống bạo lực gia đình là một phần của pháp luật HN&GĐ để đảm bảo Luật HN&GĐ được thực hiện một cách triệt để, hiệu quả, đảm bảo tính toàn diện và nhân văn.

KẾT LUẬN

Luật HN&GĐ là một ngành luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc hoàn thiện pháp luật về HN&GĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều chỉnh các quan hệ pháp luật HN&GĐ và tạo ra sự thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, các quan hệ HN&GĐ do ảnh hưởng của xu hướng hội nhập toàn cầu mà ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn. Ngoài ra việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật về HN&GĐ còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ mô hình gia đình xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ và bình đẳng. Qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, Luật HN&GĐ Việt Nam đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với hoàn cảnh kinh tế, xã hội.

Trong hơn mười năm thực hiện và áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000 chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể, đã xây dựng và bảo vệ vững chắc các quan hệ HN&GĐ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giảm đáng kể tình trạng chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn, giảm tỷ lệ tảo hôn rõ rệt, hôn nhân cận huyết thống phần nào được kiểm soát... Các vấn đề phát sinh từ các quan hệ HN&GĐ đã được giải quyết phần nào. Nhận thức và hiểu biết của người dân về pháp luật HN&GĐ đã được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây. Pháp luật đã thực sự đi vào đời sống người dân. Tuy nhiên hơn mười năm qua đất nước ta đã có nhiều thay đổi cùng với đó là sự phong phú hơn và phức tạp hơn của các quan hệ HN&GĐ đòi hỏi Luật HN&GĐ một lần nữa cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Nhiều quy định của Luật cần được chi tiết hơn, cụ thể hơn để người dân dễ hiểu, những người thực thi pháp luật dễ tiếp cận tránh. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ góp phần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật Việt Nam.

Luận văn đã nêu ra những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện và áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000. Trên cơ sở phân tích từng chế định của Luật HN&GĐ năm 2000, Luận văn cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế, vướng mắc và đưa ra phương hướng hoàn thiện đối với từng chế định nhằm góp phần hoàn thiện tổng thể các quy định trong Luật HN&GĐ.

Tác giả mong muốn luận văn này cùng với các công trình nghiên cứu khác có thể góp phần trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ năm 2000 trong thời gian tới, đồng thời trở thành công trình khoa học có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy cũng như thực tiễn thực hiện và áp dụng pháp luật về HN&GĐ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - Thành tựu, vướng mắc và hướng hoàn thiện (Trang 125 - 129)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)