Nội dung về pháp luật quản lý lao động nước ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về quản lý lao động nước ngoài tại việt nam001 (Trang 29 - 32)

1.2. Pháp luật về quản lý lao động nƣớc ngoài

1.2.3. Nội dung về pháp luật quản lý lao động nước ngoài

Pháp luật quản lý lao động nước ngoài bao gồm nhiều nội dung khác nhau mà được phân loại chủ yếu căn cứ vào phân loại đối tượng bị quản lý và phương thức quản lý. Ngoài ra còn có một số nội dung liên quan đến quyền lợi và bảo đảm quyền lợi cho người lao động nước ngoài và tổ chức các cơ quan quản lý. Như vậy pháp luật quản lý lao động nước ngoài có các nội dung chủ yếu được phân nhóm như sau:

Thứ nhất, nhóm các nguyên tắc quản lý lao động nước ngoài.

Như trên đã nghiên cứu, các nguyên tắc này được chia thành hai loại xuất phát từ các nhu cầu khác nhau. Loại thứ nhất là các nguyên tắc hình thành một cách khách quan do nhu cầu chung của đời sống quốc tế mà thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế không thể bỏ qua. Đó là các nguyên tắc như tôn trọng quyền con người, và tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nước ngoài. Loại thứ hai là các nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu bảo đảm sự tồn vong và phát triển của nước sở tại. Các nguyên tắc này gồm có nguyên tắc bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, và nguyên tắc bảo đảm hiệu quả kinh tế và bảo vệ việc làm cho người lao động bản xứ. Các nguyên tắc cụ thể nói trên có thể được thể hiện hay không được thể hiện trong các văn bản pháp luật. Nhưng các qui định cụ thể liên quan tới quản lý lao động nước ngoài không thể không hàm chứa các nguyên tắc đó. Sự xa rời các nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu chung của đời sống quốc tế sẽ có hiệu ứng xấu từ mối quan hệ quốc tế.

Thứ hai, nhóm các qui tắc xác định và phân loại lao động nước ngoài. Thông thường việc xác định lao động nước ngoài có tầm quan trọng đặc biệt trong việc xác định đối tượng của quản lý và qui định mô hình quản lý. Việc xác định đối tượng quản lý và phân loại đối tượng quản lý góp phần quyết định việc xây dựng qui chế tương ứng và phương thức quản lý đối với

từng loại đối tượng. Có thể xem các qui tắc xác định và phân loại lao động nước ngoài là các qui tắc của luật vật chất, nên chúng qui định hay quyết định các qui tắc của luật tố tụng, trong trường hợp này là thẩm quyền quản lý (nằm trong mô hình quản lý) và thủ tục thực hiện quyền lợi (có nghĩa là cách thức mà người nước ngoài có được quyền lợi lao động). Vì vậy các qui tắc của luật vật chất luôn luôn được nghiên cứu trước các qui tắc của luật tố tụng.

Thứ ba, nhóm các qui tắc thiết lập mô hình tổ chức quản lý.

Nhóm này bao gồm các qui tắc thiết lập các cơ quan quản lý chuyên trách lao động nước ngoài (nếu có) và xác định thẩm quyền quản lý lao động nước ngoài. Tùy theo mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, các nước có mô hình tổ chức quản lý lao động nước ngoài không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn việc cấp giấy phép lao động có thể do nhà chức trách lao động hoặc nhà chức trách nhập cư cấp tùy theo từng quốc gia. Có quốc gia chuyển giao một phần quản lý lao động nước ngoài cho các tổ chức dân sự hoặc tổ chức bán nhà nước. Dù theo mô hình nào, vấn đề thẩm quyền quản lý lao động nước ngoài luôn được định rõ có lẽ bởi theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền thì nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép. Mối quan hệ giữa các thành tố trong hệ thống tổ chức cũng phải được làm rõ. Sự phối hợp giữa các cơ quan hay những nhà chức trách có thẩm quyền là yếu tố quan trọng dẫn tới hiệu quả quản lý. Sự thiếu ăn ý hay thiếu gắn bó không thể dẫn tới mục tiêu của quản lý.

Thứ tư, nhóm các qui tắc liên quan tới phương thức quản lý.

Nhóm này liên quan nhiều tới các qui tắc về xác định và phân loại đối tượng quản lý. Dù là với loại đối tượng nào, tựu chung lại các qui tắc này thiết kế cách thức hay thủ tục tiến hành hành vi quản lý dựa trên các tiêu chuẩn ứng xử với từng loại đối tượng quản lý.

Thứ năm, nhóm qui tắc liên quan tới quan hệ hợp đồng giữa người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài.

Các qui tắc này có tính chất hỗ trợ và ngăn cản hoặc hạn chế liên quan tới hợp đồng giữa người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài, chẳng hạn như giúp các bên xác lập được mối quan hệ lao động, xác định tư cách giao kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng… Các qui tắc này thường là các qui tắc của luật tư. Nhiều quan niệm cho rằng quan hệ lao động trong trường hợp này là quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh bởi các qui tắc của tư pháp quốc tế. Tuy nhiên các quan hệ này không thuộc phạm vi của tư pháp quốc tế bởi hợp đồng chỉ được điều tiết bởi pháp luật nước sở tại (không có xung đột pháp luật) và tranh chấp chỉ giải quyết tại tòa án nước sở tại.

Thứ sáu, nhóm qui tắc liên quan tới giải quyết tranh chấp giữa người bị quản lý và người quản lý.

Nhóm qui tắc này bao gồm các qui tắc về hình thức, thẩm quyền và thủ tục giải quyết tranh chấp và các chế tài liên quan. Các qui tắc này có thể được xếp vào nhóm qui tắc về phương thức quản lý. Nhưng tranh chấp ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả việc áp đặt chế tài cho bên quản lý và bên bị quản lý. Xét vị thế của hai bên, có thể thấy các qui tắc này có tính chất của các qui tắc thuộc luật hành chính. Xã hội ngày càng phát triển và các quan hệ lao động có nhiều biến đổi đòi hỏi nhà nước phải can thiệp ngày một sâu hơn. Do đó có nhiều quan điểm cho rằng luật lao động ngày càng nghiêng về phía luật công hơn luật tư. Song người ta không thể phủ nhận được hợp đồng lao động là linh hồn của luật lao động.

Các qui tắc thuộc các nhóm trên có thể được tìm thấy trong nhiều các loại nguồn pháp luật khác nhau tùy từng truyền thống pháp luật và tùy từng quốc gia cụ thể. Tuy nhiên tính chất nghiêng về luật công và nguyên tắc bảo vệ quyền con người của lĩnh vực pháp luật, nên nguồn chủ yếu có lẽ là văn bản qui phạm pháp luật bởi nó xác định rất minh bạch mối quan hệ giữa người quản lý và người bị quản lý.

Các quốc gia thường sử dụng chế tài trục xuất để bảo đảm trật tự quản lý lao động nước ngoài. Trục xuất thường được hiểu một cách đơn giản là buộc ai đó phải rời khỏi quốc gia áp dụng. Đây là loại chế tài phổ biến của các quốc gia trên thế giới được sử dụng trong việc quản lý lao động nước ngoài. Tuy nhiên việc áp dụng chế tài này thường mang lại những áp lực không không nhỏ về mặt ngoại giao và sự phê phán xét từ giác độ quyền con người. Chế tài này có thể là chế tài hình sự hoặc chế tài hành chính. Thông thường những trường hợp người nước ngoài bị trục xuất bao gồm: (1) người lưu trú ở nước sở tại một cách bất hợp pháp (không được phép hoặc phép đã hết hạn…); (2) người làm việc hoặc kinh doanh trái các qui định của pháp luật của nước sở tại; (3) người không thể trang trải chi phí cho đời sống của họ và không thể xác minh được nguồn tài chính; (4) người thuộc diện không được phép nhập cảnh hoặc cư trú tại nước sở tại; (5) việc cư trú của người đó là mối đe dọa tới trật tự công cộng hoặc thuần phong mỹ tục; (6) người không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; (7) người không tự nguyện rời khỏi nước sở tại trong một thời gian nhất định khi có nghĩa vụ phải rời khỏi hoặc khi bị từ chối cấp phép cư trú có thời hạn hoặc bị thu hồi hay hủy bỏ giấy phép cư trú có thời hạn; và (8) người có bản án tuyên trục xuất hoặc phải di lý ra nước ngoài để thi hành án… Tuy nhiên chỉ một số trường hợp nêu trên đơn thuần liên quan tới quản lý lao động nước ngoài. Chế tài trục xuất có thể được áp dụng kèm theo một hoặc một số chế tài khác như phạt tiền, phạt roi, phạt cải tạo lao động, bồi thường thiệt hại… tùy theo tính chất hoặc mức độ của hành vi vi phạm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về quản lý lao động nước ngoài tại việt nam001 (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)