Đảm bảo tính toàn diện của pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành tại việt nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài (Trang 127 - 128)

4.2 Những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật về công nhận và

4.2.1 Đảm bảo tính toàn diện của pháp luật

Tính toàn diện của hệ thống pháp luật thể hiện khả năng đáp ứng các yêu cầu điều chỉnh pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nói cách khác, tính toàn diện của hệ thống pháp luật đòi hỏi các quan hệ xã hội cần có pháp luật điều chỉnh thì phải có đủ các quy phạm pháp luật để điều chỉnh [97, tr. 483]. Pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài là một bộ phận quan trọng của Tư pháp quốc tế mỗi quốc gia và cũng là một bộ phận không thể thiếu của hệ thống pháp luật quốc gia trong giai đoạn hội nhập như hiện nay. Chính vì vậy, tiêu chí đầu tiên để đánh giá sự hoàn thiện của pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài là tính toàn diện của các quy định pháp luật về công nhận và cho thi hành tại quốc gia đó bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài. Tính toàn diện thể hiện ở các yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, ở cấp độ chung pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài phải có đầy đủ các quy định liên quan đến toàn bộ quá trình giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành cũng như tổ chức thi hành trên thực tế bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài. Các quy định pháp luật này có thể phân thành các nhóm: Những quy định liên quan đến quá trình nộp đơn yêu cầu, giải quyết đơn yêu cầu cũng như các vấn đề khác có liên quan đến quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc; Những quy định liên quan đến việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên thực tế sau khi đã được công nhận và cho thi hành.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, những nội dung liên quan đến điều kiện nộp đơn, trình tự, thủ tục giải quyết đơn, … được quy định tại BLTTDS 2004/2011, những nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục tổ chức thi hành bản án, quyết định dân sự

của Tòa án nước ngoài được quy định tập trung tại Luật thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh hai văn bản pháp luật cơ bản này, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc giải quyết các yêu cầu về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài còn chịu sự điều chỉnh của các đạo luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Việc có nhiều văn bản trong hệ thống pháp luật cùng tham gia điều chỉnh quá trình giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài kéo theo yêu cầu phải đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật như là một trong những yêu cầu cơ bản để đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật nói chung.

Thứ hai, ở cấp độ cụ thể pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài phải có đầy đủ các quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh mọi vấn đề có liên quan như: các quy phạm quy định về phạm vi các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại nước được yêu cầu; Các quy phạm quy định về những điều kiện một bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài phải đáp ứng để được xem xét công nhận và cho thi hành tại nước được yêu cầu; Các quy phạm quy định về những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài sẽ bị từ chối công nhận và cho thi hành dù đáp ứng được các điều kiện về công nhận và cho thi hành của pháp luật nước được yêu cầu; ... Pháp luật Việt Nam hiện hành về cơ bản đã có đầy đủ các nhóm quy phạm pháp luật kể trên. Tuy nhiên, trong từng nhóm quy phạm vẫn còn thiếu những quy phạm cụ thể cũng như mối liên hệ giữa các nhóm quy phạm vẫn chưa thật khoa học và hợp lý. Bên cạnh đó, giữa các quy phạm pháp luật trong văn bản pháp luật quốc gia và quy phạm pháp luật trong các Hiệp định TTTP mà Việt Nam là thành viên vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất. Những hạn chế này cần phải được giải quyết nhanh chóng trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo hoạt động công nhận và cho thi hành diễn ra thuận lợi, dễ dàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành tại việt nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài (Trang 127 - 128)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)