Diện thừa kế dựa trên quan hệ nuôi dưỡng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Diện và hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.001 (Trang 48 - 53)

Chương 1 : KHÁI QUÁT CHUNG VỀ THỪA KẾ

2.1. Diện thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam

2.1.3. Diện thừa kế dựa trên quan hệ nuôi dưỡng

Quan hệ nuôi dưỡng không chỉ phát sinh trong việc nhận nuôi con nuôi mà còn là quan hệ nuôi dưỡng giữa cha kế, mẹ kế với con riêng của vợ hoặc chồng. BLDS năm 2005 quy định con nuôi thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cha nuôi, mẹ nuôi và ngược lại cha nuôi, mẹ nuôi cũng thuộc diện thừa kế theo pháp luật của con nuôi. Trường hợp giữa cha kế, mẹ kế với con riêng của vợ hoặc chồng thì trong một số trường hợp cha kế, mẹ kế cũng thuộc diện thừa kế của con riêng của vợ hoặc chồng mình và ngược lại những người con riêng của vợ hoặc chồng cũng có thể thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cha kế, mẹ kế. Căn cứ vào quan hệ nuôi dưỡng mà các nhà làm luật xác định

diện thừa kế theo pháp luật trong những trường hợp này. BLDS năm 1995 và ngày nay là BLDS năm 2005 đều ghi nhận: “con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676, 677 của Bộ luật này”. Như vậy, con nuôi không chỉ thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ nuôi để lại mà còn thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cha mẹ đẻ mình và còn được hưởng thừa kế thế vị.

Việc quy định con nuôi thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cha mẹ nuôi đã được ghi nhận từ thời kỳ phong kiến. Theo quy định của Bộ luật Hồng Đức: Trường hợp con nuôi mà đã có văn tự là con nuôi và ghi trong giấy thì sau sẽ chia điền sản cho, khi cha mẹ nuôi chết không có chúc thư, điền sản đem chia cho con đẻ và con nuôi. Đến các văn bản sau này như Pháp lệnh thừa kế năm 1990 cũng ghi nhận điều này: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế tài sản của nhau theo Điều 25, 26 của pháp lệnh này”. Như vậy, việc quy định con nuôi thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cha nuôi, mẹ nuôi và ngược lại cha nuôi, mẹ nuôi thuộc diện thừa kế của con nuôi đã được ghi nhận từ trong nhiều văn bản pháp luật trước kia cũng như bây giờ. Mặc dù những người này không có quan hệ huyết thống nhưng đứng trên bình diện của pháp luật và xã hội họ có quan hệ nuôi dưỡng, gắn bó với nhau vì vậy họ phải thuộc diện thừa kế của nhau.

Vấn đề chúng ta phải quan tâm trong trường hợp này là cần có những điều kiện nào để con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được hưởng thừa kế di sản của nhau? Theo quy định của pháp luật thì con nuôi muốn được thừa kế di sản của cha mẹ nuôi phải là con nuôi hợp pháp. Trước đây, quy trình, thủ tục và điều kiện để nhận nuôi con nuôi và trở thành con nuôi được quy định cụ thể trong Luật HNGĐ các năm 1959, 1986, 2000. Đến ngày 01/01/2011 Luật HNGĐ năm 2000 đã hết hiệu lực một phần đó là các quy định về nuôi con nuôi vì phần này được thay thế và ghi nhận trong một văn bản mới đó là Luật

Nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực ngày 01/01/2011. Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký, còn con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan có thẩm quyền đăng ký.

Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy đinh điều kiện của người nhận nuôi con nuôi tại Khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi như sau:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; - Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

- Có tư cách đạo đức tốt.

Cũng theo quy định của Luật này người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi; trong trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi, được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi; một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc cả hai vợ chồng (Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010) [26].

Một quy định mới của Luật Nuôi con nuôi so với quy định về nuôi con nuôi trong Luật HNGĐ năm 2000 (đã hết hiệu lực một phần) đó là điều kiện về độ tuổi của trẻ em được nhận làm con nuôi. Trước đây, độ tuổi của trẻ em được nhận làm con nuôi là dưới 15 tuổi, hiện nay theo quy định của Luật nuôi con nuôi hiện hành là 16 tuổi. Quy định này là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Với những quy định của Luật nuôi con nuôi, trẻ em được nhận làm con nuôi của một người độc thân mà sau đó người này lập gia đình thì đứa trẻ đó không đương nhiên trở thành con nuôi của người kia. Nếu vợ chồng muốn nhận con nuôi thì không chỉ cần sự đồng ý của một trong hai bên vợ chồng mà phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Việc nhận nuôi con nuôi còn phải tuân theo những quy định và thủ tục nhất

định, thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người đăng ký nhận nuôi con nuôi trong nước. Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Sở Tư pháp Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trường hợp công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài muốn đăng ký nuôi con nuôi có thể đăng ký ở cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội Việt Nam ở nước đó. Với những quy định của pháp luật hiện hành thì việc nhận nuôi con nuôi phải tuân thủ các quy định của pháp luật và phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì mới được chấp nhận. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp nhận nuôi con nuôi nhưng không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền do không biết luật nhưng quan hệ của họ rất gắn bó, yêu thương lẫn nhau. Trường hợp này pháp luật có thừa nhận quan hệ cha, mẹ, con của họ không? Trước đây, Thông tư 81 của Tòa án nhân dân tối cao rồi Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/8/1988 ra đời hướng dẫn về vấn đề nuôi con nuôi mà không đăng ký (gọi là nuôi con nuôi thực tế) nhưng chỉ nói chung chung mà chưa xác định rõ ràng là có cần đến bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án thừa nhận quan hệ giữa họ hay không hay chỉ cần căn cứ vào lời khai của con nuôi, con đẻ hay những ý kiến của hàng xóm. Với những quy định chung chung đó thực tế là không thể giải quyết được triệt để vấn đề tránh những luồng ý kiến, quan điểm tranh luận vì vậy Luật Nuôi con nuôi năm 2010 ra đời đã giải quyết triệt để vấn đề này theo đó:

- Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật này có hiệu lực thì sẽ được đăng ký trong thời hạn 5 năm nếu các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con

nuôi, đến thời điểm luật này có hiệu lực mà quan hệ cha mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha con, mẹ con.

- Việc nuôi con nuôi không đăng ký kể từ ngày Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thì sẽ không được công nhận.

Như vậy, sau thời điểm mà pháp luật quy định nếu không đăng ký nuôi con nuôi thì quan hệ cha, mẹ, con sẽ không được thừa nhận và những người này sẽ không thuộc diện thừa kế di sản của nhau.

Sau thời điểm đăng ký nhận nuôi con nuôi cha, mẹ nuôi và con nuôi sẽ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như cha mẹ đẻ và con đẻ, tất nhiên không ngoại trừ trường hợp họ được xếp vào diện thừa kế theo pháp luật của nhau. BLDS năm 2005 chỉ xếp con nuôi vào diện thừa kế theo pháp luật của cha mẹ nuôi chính vì vậy với các thành viên khác trong gia đình con nuôi không thuộc diện thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ đẻ người nhận nuôi con nuôi, cũng không thuộc diện thừa kế của con đẻ người nhận nuôi con nuôi nhưng BLDS năm 2005 lại quy định người con nuôi có quyền hưởng thừa kế di sản của cha mẹ đẻ mình để lại như những người con khác của cha mẹ đẻ và còn được hưởng thừa kế thế vị. Điều 676 BLDS năm 2005 quy định hàng thừa kế đầy đủ, rõ ràng chỉ rõ con đẻ, con nuôi nhưng Điều 677 thừa kế thế vị thì pháp luật chỉ nêu là cháu. Vậy cháu ở đây là con đẻ của người con đó hay con nuôi của người con đó? Trường hợp người con đẻ của người để lại di sản có con nuôi thì đứa con nuôi của người con đẻ này có được hưởng thừa kế thế vị hay không? Trường hợp khác là người con nuôi của người để lại di sản vừa có con đẻ, vừa có con nuôi thì chỉ con đẻ của người con nuôi đó được thừa kế thế vị hay chỉ người con nuôi của người con nuôi người để lại di sản được thừa kế thế vị? Thiết nghĩ những quy định này của BLDS năm 2005 cần chi tiết, cụ thể hơn theo quan điểm của tác giả thì trường hợp

người con nuôi chết trước hoặc cùng thời điểm với cha, mẹ nuôi thì con của người con nuôi sẽ được thừa kế thế vị phần di sản mà cha, mẹ cháu đáng lẽ sẽ được hưởng nếu còn sống là phù hợp với truyền thống, đạo đức của người Việt Nam và cũng phù hợp với những quy định trước đây trong Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990.

Đặt quan hệ nuôi dưỡng nằm trong diện thừa kế theo pháp luật là phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc ta từ xa xưa. Những quan hệ được xây dựng trên quan hệ nuôi dưỡng không có huyết thống, máu mủ thể hiện được tính nhân văn của con người Việt Nam, đùm bọc, yêu thương nhau tạo nên tình đoàn kết và những chuẩn mực đạo đức của con người Việt.

Tóm lại, quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng là những quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, BLDS năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung diện thừa kế từ việc chắt lọc những tinh hoa của các văn bản pháp luật trước đây góp phần hoàn thiện pháp luật và duy trì những mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Diện và hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.001 (Trang 48 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)