NHU CẦU HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ HIỆN HÀNH VỀ BẮT NGƯỜI ĐANG BỊ TRUY NÃ VÀ NÂNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biện pháp bắt người đang bị truy nã trong luật tố tụng hình sự việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 101 - 105)

TỤNG HÌNH SỰ HIỆN HÀNH VỀ BẮT NGƯỜI ĐANG BỊ TRUY NÃ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ÁP DỤNG

3.1.1. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và công cuộc cải cách tư pháp

Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" [30]. Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là đề ra đường lối, chủ trương thích hợp cho từng thời kỳ cách mạng. Bởi vậy, khi xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật TTHS chúng ta phải thấm nhuần các quan điểm thể hiện trong đường lối, chính sách của Đảng để thể chế hóa thành hệ thống các quy phạm phù hợp và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả.

Để chấn chỉnh một bước quan trọng công tác tư pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo chấn chỉnh các hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam cụ thể như Chỉ thị 53-CT/TW ngày 24/3/2000 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000: "... việc bắt, giam phải được xem xét, phê chuẩn đối với từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể; đối với trường hợp bắt, giam cũng được hoặc không bắt, giam cũng được thì không bắt, giam" [17].

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới cũng chỉ rõ:

... Tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giam, giữ đảm bảo đúng pháp luật; những trường hợp chưa cần bắt, tạm giữ, tạm giam thì kiên quyết không phê chuẩn lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp oan sai trong bắt, giữ. Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm về những oan, sai trong việc bắt, tạm giam thuộc phạm vi thẩm quyền phê chuẩn của mình... [18].

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu:

Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp phù hợp mục tiêu của chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.

Phân định thẩm quyền quản lý quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình. Xác định rõ căn cứ tạm giam; hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội phạm; thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp tạm giam [20].

Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan điều tra trong mối quan hệ với các cơ quan khác được giao một số hoạt động điều tra theo hướng cơ quan điều tra chuyên trách điều tra tất cả vác vụ án hình sự, các cơ quan khác chỉ tiến hành một số hoạt động điều tra sơ bộ và tiến hành một số biện pháp điều tra theo yêu cầu của cơ quan điều tra chuyên trách. Trước mắt, tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức cơ quan điều tra theo pháp luật hiện hành; nghiên cứu và chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổ chức lại các cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, kết hợp chặt chẽ giữa công tác trinh sát và hoạt động điều tra tố tụng hình sự...

Với các nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi của công dân và xã hội đối với các cơ quan tư pháp ngày càng cao, các cơ quan này phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm... [20].

3.1.2. Nhu cầu bảo vệ quyền con người

Quyền con người là một phạm trù lịch sử - cụ thể nên nó luôn đi cùng với sử phát triển của nhân loại và đặc biệt là từ cuối thập kỷ 70 - đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay.

Việc bảo vệ các quyền con người đã và vẫn đang là vấn đề trung tâm có ý nghĩa thời đại của hành tinh chúng ta... vì nó không chỉ là vấn đề "muôn thuở" mang tính thời sự quốc tế, không những là mục tiêu cơ bản trong cuộc đấu tranh của các dân tộc vì hòa bình, tự do, dân chủ và công lý, mà còn là mối quan tâm thường xuyên của nhân loại tiến bộ trên toàn trái đất [11].

Hoạt động TTHS là hoạt động nhằm điều tra, phát hiện và xử lý tội phạm. Nhằm đảm bảo tính đúng đắn, luật TTHS quy định rất chặt chẽ quá

trình từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để không bỏ lọt tội phạm, không xử oan người vô tội. Có thể nói đây là hoạt động rất phức tạp liên quan đến quyền lợi của nhiều người, trong đó bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, người bị kết án. Mặc dù họ đã bị khởi tố bị can, bị tạm giữ, bị tạm giam, bị đưa ra xét xử trước Tòa án hoặc bị kết án bằng một bản án của Tòa án nhưng họ vẫn là một con người và vẫn được pháp luật bảo đảm một số quyền cơ bản nhất định. Không ai có thể tước đi những giá trị làm người của họ và vì thế họ cần được bảo vệ các quyền con người của mình.

Để đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, BLTTHS quy định các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được áp dụng nhiều biện pháp khác nhau như bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh... những biện pháp này có quan hệ trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tự do đi lại của công dân, trong đó bắt người là BPNC có tính nghiêm khắc cao. Do đó pháp luật TTHS cần quy định một cách chặt chẽ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục... nhằm đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền, bảo đảm bắt đúng người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt, loại trừ những hành động vi phạm trong quá trình thực thi.

3.1.3. Đòi hỏi nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, tình hình tội phạm phức tạp bỏ trốn

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng và có chiều hướng phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng tinh vi đã kéo theo số đối tượng phạm tội trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật ngày càng phức tạp hơn. Trước tình hình đó, yêu cầu của hoạt động bắt người đang bị truy nã trong giai đoạn hiện nay là rất nặng nề, đòi hỏi vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân. Lực lượng Công an các cấp cần tổ chức tốt lực lượng truy bắt; theo dõi, quản lý đối tượng truy nã cần được thực hiện nghiêm chỉnh, chặt chẽ để hạn chế số đối tượng, phạm nhân bỏ trốn; khi phát hiện đối tượng bỏ trốn cần tổ chức lực lượng truy bắt ngay, không để cho đối tượng trốn lâu

ở ngoài xã hội gây khó khăn cho công tác xác minh, truy bắt; Công an các đơn vị, địa phương cần phối hợp, trao đổi thông tin chặt chẽ trong công tác bắt người đang bị truy nã; thực hiện tốt phong trào vận động quần chúng tham gia tích cực vào việc phát hiện, bắt giữ đối tượng truy nã; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ tội phạm, phối hợp tốt với Cảnh sát quốc tế và khu vực để xác minh, truy bắt các đối tượng truy nã quốc tế; trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật mới, hiện đại... để phục vụ tốt công tác bắt người phạm tội lẩn trốn đang bị truy nã trong thời gian tới.

Thực hiện tốt công tác bắt người đang bị truy nã góp phần làm giảm tội phạm vì đối tượng phạm tội còn lẩn trốn ngoài xã hội thì vẫn còn có khả năng và điều kiện tiếp tục phạm tội, thậm chí sẽ cấu kết thành những tổ chức, băng, nhóm tội phạm để thực hiện những hành vi phạm tội nguy hiểm hơn, tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng, là mối đe dọa trực tiếp tới bình yên cuộc sống của nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) biện pháp bắt người đang bị truy nã trong luật tố tụng hình sự việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 101 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)