Đánh giá chung

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị giá tăng ở việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 48 - 52)

Pháp luật thuế GTGT ở nước ta về cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu về lý luận của pháp luật thuế GTGT cả về cấu trúc bên trong lẫn hình thức biểu hiện bên ngoài, cụ thể có đầy đủ các bộ phận (các nhóm qui phạm pháp luật) hợp thành của pháp luật thuế GTGT. Các qui định của pháp luật thuế GTGT phản ánh đúng những nội dung, yêu cầu của chính sách kinh tế -

tài chính nói chung và chính sách thuế nói riêng cũng như thể hiện được mục tiêu, định hướng cơ bản trong chủ trương đường lối phát triển kinh tế của Đảng.

Pháp luật thuế GTGT cơ bản đã phản ánh được bản chất của thuế GTGT cũng như cơ chế vận hành của thuế GTGT.

Chính vì lẽ đó qua hơn 10 năm thực hiện thuế GTGT đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế-xã hội của đất nước và đã đạt được những mục tiêu đề ra của cải cách thuế, cụ thể:

a) Thuế GTGT góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Việc hoàn thuế GTGT đầu vào đối với các dự án đầu tư đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội tăng trưởng. Thông qua áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã tạo điều kiện để doanh nghiệp hạ giá hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, từ đó khuyến khích xuất khẩu tăng trưởng mạnh qua các năm, cụ thể là:

- Số thuế GTGT hoàn cho các dự án đầu tư và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ tăng qua các năm: năm 1999 là 2.700 tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng thu từ thuế GTGT của năm, đến năm 2005 là 14.830 tỷ đồng (32,4% tổng thu từ thuế GTGT), năm 2006 là 18.037 tỷ đồng (32,7% tổng thu từ thuế GTGT) và năm 2007 là 24.650 tỷ đồng (34,2% tổng thu từ thuế GTGT).

- Vốn đầu tư toàn xã hội so GDP tăng qua các năm: năm 2003 là 35,5%, năm 2004 là 36,2%, năm 2005 là 39,8%; 2006 là 40,9% và dự kiến năm 2007 đạt khoảng 40,4%.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng cao cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với năm trước: năm 2003 đạt xấp xỉ 20 tỉ USD tăng 19%, năm 2004 đã tăng lên là 26 tỉ USD tăng 28,9%, năm 2005 đạt 33,0 tỉ USD tăng 21,9% và năm 2006 đạt 39,6 tỷ USD tăng 20%, năm 2007 đạt 48 tỷ USD tăng 22,4%.

b) Việc áp dụng thuế GTGT thay cho thuế doanh thu phù hợp với thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng thuế GTGT. Việc ban hành Luật Thuế GTGT không những khắc phục được những bất cập của thuế doanh thu là thu trùng thuế qua các khâu sản xuất, lưu thông, phân phối mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo cam kết khi hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta phải cắt giảm thuế nhập khẩu, đồng thời phải bãi bỏ các khoản trợ cấp trực tiếp từ ngân sách cho doanh nghiệp, việc thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu, hoàn thuế cho hàng hóa xuất khẩu đã góp phần điều chỉnh cơ chế kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước và bù đắp cho Ngân sách phần thiếu hụt do cắt giảm thuế nhập khẩu.

c) Thuế GTGT là nguồn thu quan trọng và ổn định của NSNN, tăng cường tài chính quốc gia, đảm bảo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và củng cố an ninh, quốc phòng

Năm 1999 số thu từ thuế GTGT là 17.113 tỷ đồng, chiếm 23% trong tổng thu NSNN tổng thu từ thuế, phí và lệ phí, đến năm 2007, các con số này là 72.022 tỷ đồng tương ứng là 30,6%. Số thu thuế GTGT năm sau so với năm trước tăng bình quân là 19,13%. Dự báo trong những năm tới, số thu từ thuế GTGT vẫn giữ vai trò quan trọng cho ngân sách quốc gia.

d) Thuế GTGT đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế của doanh nghiệp, từ đó, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hiện đại hóa và đổi mới phương thức quản lý thuế

Để thực hiện nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, doanh nghiệp cần thực hiện tốt chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Từ đó giúp doanh nghiệp hạch toán đầy đủ doanh thu, chi phí, xác định chính xác kết quả kinh doanh và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế của các đối tượng nộp thuế.

Áp dụng thuế GTGT vừa đặt ra yêu cầu, vừa tạo điều kiện để cơ quan thuế hiện đại hóa, đổi mới phương thức quản lý thuế (chuyển từ cơ chế cơ quan thuế trực tiếp tính thuế và ra thông báo nộp thuế sang cơ chế đối tượng nộp thuế tự tính, tự kê khai, nộp thuế theo thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch; thực hiện phương pháp quản lý rủi ro: phân loại đối tượng nộp thuế trên cơ sở đó tập trung quản lý thanh tra, kiểm tra những đối tượng có hành vi gian lận về thuế).

Tuy nhiên, bên cạnh những cái được và mặc dù Luật Thuế GTGT 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành mới đi vào áp dụng từ 1/1/2009, pháp luật về thuế GTGT ở nước ta còn tồn tại những nhược điểm là:

Thứ nhất, pháp luật thuế GTGT ở nước ta hiện nay chưa phản ánh chuẩn xác và khoa học bản chất của thuế GTGT, thể hiện ở các qui định về đối tượng chịu thuế GTGT, đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT, phương pháp tính thuế GTGT…

Thứ hai, Luật Thuế GTGT còn thiếu cụ thể và rất đơn giản nên tính ổn

định và bền vững của pháp luật đã không được bảo đảm. Mặc dù pháp luật có thuộc tính phổ biến, khái quát vươn lên trên những cái cụ thể nên pháp luật có giá trị ổn định hóa, bền vững các quan hệ xã hội ở mức cao nhất khi các quan hệ đó về thực chất luôn luôn biến đổi. Nhưng cũng phải thấy rằng bên cạnh giá trị ổn định hóa, bền vững hóa các quan hệ xã hội thì pháp luật đồng thời lại có thể tạo ra những điểm yếu, hạn chế của chính pháp luật. Nếu khái quát quá, pháp luật có thể bỏ qua nhiều cái cụ thể, tạo ra nhiều lỗ hổng, vì vậy, kéo theo sự tùy tiện trong quá trình áp dụng pháp luật. Để xử lý vấn đề này cần phải ban hành, bổ sung nhiều văn bản giải thích, điều chỉnh cụ thể. Đây là

mâu thuẫn khách quan luôn luôn tồn tại nhưng chưa được giải quyết tốt trong Luật Thuế GTGT. Nhưng điều đáng nói là ở chỗ, những văn bản này được ban hành như là những giải pháp tình thế không được dựa trên một cơ sở lý luận có hệ thống về điều chỉnh pháp luật thuế GTGT, làm cho sắc thuế GTGT dần dần bị nhào nặn bóp méo. Chính điều này đã phá vỡ tính ổn định và bền vững của pháp luật thuế GTGT.

Thứ ba, nhiều nội dung cơ bản thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế GTGT lại được qui định ở các văn bản dưới luật như nghị định của Chính phủ hoặc thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính nên không đảm bảo nguyên tắc luật định của thuế cũng như giá trị pháp lý của các qui định này. Mặt khác, các văn bản qui định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành Luật có nhiều qui định không phù hợp với Luật. Dù rằng đó là các giải pháp tình thế để giải quyết những vướng mắc nẩy sinh trong quá trình thực hiện thuế GTGT, song nó phá vỡ nguyên tắc pháp chế trong quá trình xây dựng pháp luật cũng như trong quá trình thực hiện Luật.

Thứ tư, việc sử dụng một số thuật ngữ chưa chính xác dẫn đến nhiều

cách nhận thức, việc áp dụng không được thống nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện pháp luật thuế giá trị giá tăng ở việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)