Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự ở Tòa án cấp huyện (Trang 65 - 71)

a) Kiểm sát bản án

Đầu tiên KSV, cán bộ kiểm sát kiểm sát các vẫn đề: Tòa án xét xử sơ thẩm, số ngày thụ lý vụ án, số bán án, ngày tuyên án; họ tên các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, KSV, người giám định, người phiên dịch; tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; đối tượng tranh chấp; số, ngày, tháng, năm của quyết định đưa vụ án ra xét xử; xét xử công khai hay xét xử kín; thời gian, địa điểm xét xử.

Kiểm sát số, ngày, tháng thụ lý vụ án nhằm phát hiện vi phạm về thời hiệu, thời hạn giải quyết vụ án (trên cơ sở ngày Tòa án thụ lý vụ án, ngày Tòa án ra các quyết định, bản án, qua đó đối chiếu với quy định của BLTTDS để xác định Tòa án có vi phạm thời hạn giải quyết không). Để thực hiện tốt nội dung này, cần nắm vững quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.

Kiểm sát số và ngày tuyên án có ý nghĩa quan trọng trong việc sắp xếp, lưu giữ hồ sơ và xác định thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Kiểm sát họ tên, địa chỉ của các đương sự giúp xác định chủ thể cụ thể tham gia tố tụng, địa chỉ giúp xác định thẩm quyền giải quyết vụ án. Kiểm sát xem Tòa án đã xác định đúng tư cách tham gia tố tụng chưa, xác định đủ người tham gia tố tụng chưa vì nhiều trường hợp Tòa án không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

Vệc xem xét đối tượng tranh chấp rất quan trọng vì chỉ khi nào xác định đúng đối tượng tranh chấp thì mới xác định đúng quan hệ pháp luật. Xác định sai đối tượng tranh chấp sẽ dẫn đấn xác định sai quan hệ pháp luật và do đó dẫn đến sia lầm trong việc áp dụng pháp luật. Ví dụ tranh chấp quyền sử dụng đất khacsi với đòi lại quyền sử dụng đất hay khác với tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất...

Kiểm sát số, ngày, tháng, năm của quyết định đưa vụ án ra xét xử xác định thời hạn giải quyết vụ án của Tòa án có đúng theo quy định của pháp luật không.

Khi kiểm sát phần mở đầu của bản án, các vi phạm thường thấy là Tòa án không đưa hoặc đưa không đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng, vi phạm về thời hạn đưa vụ án ra xét xử, xác định đối tượng tranh chấp không đúng ...

* Kiểm sát nội dung vụ án và nhận định của Tòa án

- Xác định phạm vi xét xử của Tòa án thông qua việc xem xét nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp Toà án giải quyết vụ án vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện của đương sự, đặc biệt là các vụ án tranh chấp di sản thừa kế.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ án Tòa án lại bỏ sót yêu cầu khởi kiện của đương sự, thường xảy ra trong các tranh chấp hợp đồng vay tài sản, nguyên đơn có yêu cầu xử lý tài sản thế chấp nhưng phần quyết định của bản án không quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; hoặc trong vụ án bị đơn có yêu cầu phản tố, bản án có nhận định yêu cầu phản tố của bị đơn không có cơ sở nhưng không quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Ngoài ra trong một số vụ án hôn nhân và gia đình, vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung với số lượng lớn, nhiều loại nên quyết định phân chia của Tòa án bỏ sót một số tài sản chung vợ chồng đã kê khai và yêu cầu chia.Vì vậy quá trình nghiên cứu bản án cần xác định chính xác đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết những nội dung gì, bị đơn có phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không, đã nộp dự phí phản tố, tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu độc lập hay chưa từ đó đối chiếu với nội dung phần quyết định của bản án để xác định Tòa án có giải quyết đúng nội dung yêu cầu của đương sự không.

Đối chiếu nội dung vụ án với việc xác định quan hệ tranh chấp, áp dụng pháp luật. Kiểm sát viên cần nắm chắc nội dung vụ án để xác định đúng quan hệ tranh chấp, xác định đúng quan hệ tranh chấp sẽ xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của các đương sự và xác định đúng điều luật cần áp dụng, thời hiệu giải quyết vụ án, đặc biệt là trong những vụ án có hai quan hệ tranh

chấp cần xác định đầy đủ quan hệ tranh chấp, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong từng quan hệ. Trong thực tế xảy ra một số trường hợp vụ án có hai quan hệ tranh chấp nhưng phần tiêu đề bản án chỉ xác định một quan hệ tranh chấp hoặc xác định sai quan hệ tranh chấp. Ví dụ: nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng nhà đất vô hiệu và yêu cầu chia thừa kế đối với nhà đất đó, Toà án chỉ xác định là vụ án Tranh chấp di sản thừa kế dẫn đến việc xác định sai tư cách tham gia tố tụng của đương sự .

Kiểm sát phần nhận định của bản án để xem xét tính có căn cứ, tính logic và tính hợp pháp trong những phân tích của Tòa án. Nhận định của Tòa án có dựa trên nội dung của vụ án đã được phản ánh hay không. Những nhận định, đánh giá, phân tích, chứng minh có xuất phát từ những tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp, do Tòa án thu thập hay không. Nhận định này có là kết quả của cả quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt là kết quả hỏi, tranh luận tại phiên tòa hay không. Để ra được kết luận chấp nhận hay không chấp nhận toàn bộ, một phần yêu cầu, đề nghị của các đương sự, Hội đồng xét xử phải căn cứ vào sự phân tích, đánh giá chứng cứ, tìm ra căn cứ pháp luật để áp dụng đúng pháp luật vào giải quyết vụ án.

Xem xét phần nhận định và phần quyết định của bản án có phù hợp với nhau hay không: Đã có nhiều bản án phần nhận định và quyết định không phù hợp nhau nhưng các đơn vị không phát hiện được vi phạm để kháng nghị. Vi phạm này thường được thể hiện dưới các hình thức như nhận định nhưng không quyết định (ví dụ bản án nhận định tại phiên toà nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện nhưng phần quyết định không đình chỉ phần yêu cầu nguyên đơn đã rút, nhận định một trong các yêu cầu khởi kiện của đương sự không có căn cứ nhưng không quyết định không chấp nhận yêu cầu đó của nguyên đơn), quyết định của bản án không đúng với nội dung đã nhận định

(ví dụ bản án nhận định bị đơn phải thanh toán cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan 2.500.000đ nhưng phần quyết định lại buộc bị đơn thanh toán cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan 2.000.000đ).

* Kiểm sát phần quyết định của bản án

Kiểm sát việc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án: Kiểm sát viên cần kiểm tra Tòa án đã áp dụng quy phạm pháp luật đầy đủ hay chưa, quy phạm pháp luật được áp dụng có phù hợp với nội dung vụ án hay không, hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật áp dụng. Việc Tòa án áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án trong thực tiễn vẫn còn sai sót nhiều. Do đó Kiểm sát viên phải kiểm tra kỹ càng hiệu lực của văn bản pháp luật được áp dụng, Nghị quyết về việc thi hành văn bản pháp luật mới cũng như nắm vững thời điểm giao dịch, thời điểm tranh chấp, thời điểm xử lý.... để xác định chính xác văn bản pháp luật được áp dụng.

Kiểm sát căn cứ để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để phát hiện vi phạm của bản án. Đây là nội dung rất quan trọng trong công tác kiểm sát bản án. Kiểm sát viên cần nghiên cứu nội dung của bản án, xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện toàn bộ nội dung yêu cầu của nguyên đơn, ý kiến của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và những tài liệu, chứng cứ các đương sự; nội dung các văn bản trả lời của các cơ quan chức năng để xác định sự thật khách quan của vụ án. Qua đó, xem xét phần nhận định của bản án có phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án không, nội dung quyết định của bản án có phù hợp với quy định của pháp luật không làm cơ sở cho việc phát hiện những vi phạm, thiếu sót của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị.

Bản án sơ thẩm phải được gửi cho VKS cùng cấp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án (khoản 2 Điều 269 BLTTDS năm 2015)[12].

Bản án của Tòa án là văn bản áp dụng pháp luật, phản ánh kết quả giải quyết vụ án dân sự của Tòa án. VKS có trách nhiệm kiểm sát để bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp của bản án. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại như quy định hiện hành về kiểm sát bản án (VKSND chỉ đọc bản án của Tòa án mà không được tiếp cận hồ sơ hoặc không tiếp cận được biên bản phiên tòa, trừ những trường hợp tham gia phiên tòa theo quy định của pháp luật TTDS), thì rất khó phát hiện vi phạm pháp luật của Tòa án trong việc giải quyết vụ án.

Các quy định trên đây của BLTTDS năm 2015 khẳng định kiểm sát bản án, quyết định là một trong những phương thức kiểm sát việc tuân thep pháp luật trong TTDS của VKSND để góp phần đảm bảo các quyết định, bản án của Tòa án có căn cứ và đúng pháp luật. Trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật, VKSND thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của BLTTDS năm 2015 (VKS thực hiện quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, các quyết định khác VKS thực hiện quyền kiến nghị). Tuy nhiên, với việc quy định kiểm sát quyết định, bản án của Toà án như hiện hành thì hoạt động kiểm sát của VKS gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện vi phạm.

b) Kiểm sát các quyết định

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thể ban hành quyết định đình chỉ giải quyết VADS, quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Việc kiểm sát các quyết định này được thực hiện tương tự như phần trinhg bày tại mục 2.1.2.2 của luận văn, chỉ có sự thay đổi về chủ thể ban hành quyết định không phải là thẩm phán mà là Hội đồng xét

xử.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự ở Tòa án cấp huyện (Trang 65 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)