chuyên ngành
a)Cơ chế quản lý tài sản, thu nhập của cá nhân còn bỏ ngỏ làm công
tác thi hành án trở nên phức tạp khó khăn
Trong bối cảnh Việt Nam đang ở thời kỳ "nền kinh tế tiền mặt", việc thanh toán của các giao dịch, thu nhập của cá nhân đều bằng hình thức tiền
mặt trao tay; cơ chế đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản còn nhiều bất cập làm cho công tác thi hành án dân sự trở nên khó khăn, phức tạp từ việc xác minh điều kiện thi hành án, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản cho đến việc cưỡng chế thi hành án. Vì vậy, có thể nói rằng, yếu tố quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế thi hành án dân sự không chỉ là sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về thủ tục thi hành án, mô hình quản lý công tác thi hành án mà cần chú trọng đến việc hoàn thiện các quy định pháp luật có tác động đến hiệu quả công tác thi hành án như cơ chế quản lý tài sản cá nhân, theo đó, hướng tới phần lớn thu nhập, chi tiêu của cá nhân được thực hiện thông qua tài khoản, khi một người có nghĩa vụ thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có thể khấu trừ tài khoản cá nhân của người đó; hoặc hạn chế các giao dịch của người phải thi hành án trong giai đoạn chưa hoàn thành nghĩa vụ; hoặc với những giao dịch có tính chất trốn nợ sẽ bị coi là căn cứ để tuyên giao dịch vô hiệu hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
b) Việc xác định tài sản của thành viên trong khối tài sản chung của hộ gia đình
Bộ luật Dân sự quy định về hộ gia đình với tư cách là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự tại các điều từ Điều 106 đến Điều 110, tuy nhiên, khái niệm hộ gia đình và căn cứ để xác định thành viên hộ gia đình còn rất mơ hồ, không rõ ràng. Trên thực tế, việc xác định ai là thành viên của hộ gia đình còn vướng mắc do không rõ cần phải căn cứ vào mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, hộ khẩu hành chính hay căn cứ vào việc có tài sản chung của các cá nhân. Bộ luật Dân sự quy định thành viên, tài sản của hộ gia đình trong trạng thái tĩnh mà chưa dữ liệu đến một thực tế trong hộ gia đình thường có thay đổi, vận động như thành viên không cùng sản xuất kinh doanh, không còn cùng cư trú dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Bộ luật Dân sự cũng chưa quyết định về việc phân định tài sản của từng thành viên trong khối tài sản chung của hộ gia đình dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau. Trên thực tế tài sản chung của hộ gia đình thường là quyền sử dụng đất
và các tài sản hình thành từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cha mẹ, con cái trong gia đình. Trong nhiều trường hợp liên quan đến thi hành án đối với tài sản chung của hộ gia đình, cơ quan thi hành án và cơ quan có thẩm quyền khác cũng hết sức lúng túng khi phân định tài sản của người thi hành án trong khối tài sản chung.