LUẬN VỀ ĐẢNG CẦM QUYỀN Ở VIỆT NAM
2.1.1. Khái niệm đảng cầm quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền
2.1.1.1. Khái niệm “đảng cầm quyền”
Đảng là khái niệm chỉ tổ chức của một nhóm người, một phe phái có cùng quan điểm, cùng chí hướng, thực hiện một mục đích. Cầm quyền là khái niệm còn có nhiều ý kiến, cách định nghĩa khác nhau.
Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Đảng nắm giữ chính quyền (chữ Anh: ruling party hoặc governing party, chữ Hán-Việt: chấp chính đảng), lại gọi tắt đảng cầm quyền hoặc đảng lãnh đạo, là chỉ chính đảng thông qua bầu cử mang tính chế độ hoặc cách mạng bạo lực mà nắm giữ và quản lí chính quyền của một nước, nó có thể là một chính đảng, cũng có thể là liên minh của nhiều chính đảng” [4].
Theo quan niệm phổ biến trên thế giới hiện nay, “đảng cầm quyền” (Ruling Party) là đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ và cạnh tranh giữa nhiều đảng; đảng thắng cử đứng ra thành lập chính quyền, đưa ra chủ trương, đường lối, chính sách dưới danh nghĩa quyền lực nhà nước, đại diện cho công dân cả nước. Với quan niệm này, trên thế giới có nhiều cách thức và mô hình cầm quyền, song chủ yếu xoay quanh hai mô hình chính: mô hình Nghị viện và mô hình Tổng thống.
Đảng cầm quyền của mô hình Nghị viện: Theo mô hình này, Đảng cầm quyền là đảng chính trị hoặc liên minh chính trị chiếm đa số trong nghị viện. Từ đa số trong cơ quan lập pháp (quốc hội), đảng này nắm quyền hành pháp - chính phủ (thủ tướng). Các đảng còn lại trở thành đảng đối lập. Trong trường hợp không có đảng chiếm đa số phiếu trong Nghị viện thì một số đảng hợp tác với nhau để hình thành lên chính phủ liên minh. Do vậy, tình trạng tranh chấp giữa đảng đa số trong quốc hội với nhánh hành pháp ít khi diễn ra, bởi đảng đó có trong cơ quan lập pháp đồng thời là đảng của thủ tướng, hoặc nằm trong liên minh với đảng của thủ tướng.
Đảng cầm quyền của mô hình Tổng thống: Với mô hình này, Đảng cầm quyền là đảng của tổng thống - người đã được nhân dân lựa chọn (qua cuộc bầu cử tổng thống). Tổng thống đứng đầu cơ quan hành pháp. Do vậy, quyền lực tổng thống ưu trội hơn quyền lực của quốc hội (lập pháp). Ở đây, hai chủ thể quyền lực - tổng thống và quốc hội - được bầu ra theo cách thức khác nhau. Quyền lực tổng thống trội hơn quyền lực quốc hội. Tuy nhiên, Đảng của tổng thống có thể chiếm đa số trong quốc hội, cũng có thể không chiến đa số.
Cầm quyền của đảng cộng sản khác với cách cầm quyền phổ biến nêu trên - do bản chất và sứ mệnh chính trị đặc thù của đảng cộng sản, con đường trở thành đảng cầm quyền của ĐCS có sắc thái khác, phải trải qua cuộc đấu tranh cách mạng để lật đổ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền mới. Sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, đảng của giai cấp công nhân đứng ra thiết lập nhà nước kiểu mới theo bản chất và mục đích của chủ nghĩa cộng sản. Về lý thuyết, trong các nước tư sản, đảng cộng sản có thể giành được quyền lực nhà nước bằng tranh cử, song trên thực tế, điều đó chưa diễn ra. Bởi, trong thể chế chính trị tư sản, với những quy chế pháp lý, đảng phải bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, do vậy các đảng cộng sản không thể bình đẳng với các đảng tư sản. Đảng cầm quyền bằng lãnh đạo nhà nước thể chế hóa đường lối, chính sách của mình thành pháp luật của nhà nước và phải tuân thủ theo pháp luật để cầm quyền. Vì vậy, đề cao pháp luật, tôn trọng pháp luật, gương mẫu thực hiện pháp luật là nguyên tắc cầm quyền của đảng. Hoạt động cầm quyền của đảng nghĩa là phải xác lập quyền lực của mình đối với nhà nước theo quy định của pháp luật, theo quy trình pháp lý và tuân thủ quy luật khách quan. Đảng cần phát huy dân chủ trong quá trình xây dựng chủ trương, quan điểm, đường lối và thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của nhà nước; trong tổ chức xây dựng các cơ quan và bố trí, tạo nguồn đội ngũ cán bộ tham gia bộ máy nhà nước. Mục đích chính của đảng cầm quyền xét đến cùng là vì lợi ích của Nhân dân. Đảng là đại diện cho lợi ích của Nhân dân, phấn đấu vì lợi ích của Nhân dân. Đảng không có mục đích nào khác ngoài sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Trong xã hội hiện đại, đảng cầm quyền là đảng có năng lực cạnh tranh dân chủ mạnh mẽ nhất bằng cương lĩnh, chính sách phát triển đất nước trên cơ sở hiến pháp và phù hợp với từng thời kỳ lịch sử cụ thể, được thực hiện bằng nhà nước và thông qua
các đảng viên hoạt động trong bộ máy nhà nước. Yếu tố cầm quyền của đảng được thể hiện ở các điểm: (1) Được hiến pháp và pháp luật thừa nhận về sự cầm quyền; (2) Có vai trò quyết định trong lập hiến và lập pháp, nghĩa là phải nắm được cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đó là quốc hội; (3) Trực tiếp đưa đảng viên của đảng nắm các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, giữ vai trò quyết định mọi hoạt động đối với bộ máy đó. Ngoài ra, để cầm quyền, chính đảng phải có đủ ba điều kiện sau: (1) Có lý luận cầm quyền đúng; (2) Có cương lĩnh cầm quyền phù hợp, được số đông trong xã hội ủng hộ và thực hiện; (3) Có bộ máy cầm quyền và đội ngũ cầm quyền đủ năng lực.
Từ những quan niệm nêu trên, trong giới nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay, một số chuyên gia cũng đưa ra những khái niệm về đảng cầm quyền, như tác giả Dương Xuân Ngọc cho rằng: “Đảng cầm quyền là đảng đã giành được chính quyền và thực hiện quyền lãnh đạo về mặt chính trị đối với nhà nước và xã hội, chủ yếu bằng sức mạnh của quyền lực công thực hiện Cương lĩnh phát triển đất nước của đảng cầm quyền, phục vụ lợi ích của giai cấp cầm quyền và vì lợi ích quốc gia, dân tộc mà đảng cầm quyền và nhà nước đó đại diện” [124].
Tác giả Trương Ngọc Nam cho rằng: “Đảng cầm quyền là đảng nắm giữ quyền lực nhà nước, hoạt động theo pháp luật, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của đảng vì lợi ích của nhân dân” [118, tr.372].
Tác giả Lưu Văn An cho rằng: “Đảng cầm quyền là đảng đại diện cho một giai cấp đang nắm giữ chính quyền nhà nước để điều hành, quản lý đất nước nhằm trước hết phục vụ lợi ích của giai cấp mình, sau đó là lợi ích của xã hội. Trong quá trình cầm quyền, đảng thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật và chính sách mang tính pháp lý để toàn xã hội thực hiện” [2; tr.33].
Cùng với những cách hiểu trên, quan niệm về đảng cầm quyền của tác giả Nguyễn Văn Huyên được nghiên cứu sinh đồng tình hơn cả. Tác giả cho rằng: “Đảng cầm quyền là đảng nắm giữ quyền lực nhà nước, sử dụng nó để lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội thực hiện mục đích của đảng” [98; tr.39]. Với quan niệm này, đảng cầm quyền không có nghĩa là chỉ nắm giữ chính quyền, bảo vệ chính quyền; vấn đề quan trọng hơn, thể hiện bản chất hơn là đảng sử dụng quyền lực nhà nước để lãnh đạo nhà nước và cùng nhà nước và toàn xã hội để thực hiện mục đích của đảng.
2.1.1.2. Khái niệm Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền
Theo Cương lĩnh 2011: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản” [63]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thiết lập chế độ chính trị - xã hội mới của Nhân dân, xây dựng Hiến pháp mới bảo đảm Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Khi Đảng Dân chủ và Đảng xã hội Việt Nam - các đảng liên minh với Đảng Cộng sản Việt Nam tự giải thể, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ra nhận định về ĐCS cầm quyền ở Việt Nam. Tuy không nêu rõ khái niệm “đảng cầm quyền”, nhưng qua các tác phẩm Đường cách mệnh, Di chúc và các bài viết, bài nói, Người luôn khẳng định rằng “Đảng ta là một đảng cầm quyền” [115, t.5, tr.611], để nhấn mạnh vị thế của ĐCS trong hệ thống chính trị Việt Nam và nắm giữ quyền lực nhà nước. Do vậy, theo nguyên tắc chung và với đặc điểm riêng của mình, có thể hiểu: “Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ quyền lực nhà nước, lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội làm lực lượng tổng hợp của cách mạng Việt Nam, lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội, thực hiện mục đích (lợi ích) của Đảng - mục đích (lợi ích) của nhân dân” [160, tr.45-46],
ĐCS Việt Nam cầm quyền lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận quan trọng trong hệ thống ấy. Đảng luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, luôn tin tưởng, dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chịu sự giám sát của Nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Xét về bản chất, mục đích cầm quyền của ĐCS Việt Nam chính là để hiện thực hóa, thể chế hóa quyền lực chính trị, ý chí, quyết tâm chính trị của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động thành quyền lực nhà nước - quyền lực công để toàn xã hội thực hiện.
Hơn 90 năm ĐCS Việt Nam cầm quyền, lãnh đạo đất nước và Nhân dân đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng trong xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển văn hóa, cải thiện đời sống của Nhân dân và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Năng lực lãnh đạo, cầm quyền của ĐCS Việt Nam ngày càng được khẳng định và củng cố vững chắc. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng phản ánh đúng thực tế đời sống, hợp lòng dân và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Ngay từ khi ra đời Đảng đã xác định mục đích cầm quyền của Đảng là sử dụng chính quyền, lãnh đạo chính quyền để xây dựng chế độ xã hội mới xã hội XHCN và CNCS. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội VI của Đảng khẳng định: Mục đích của Đảng là thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Đại hội VII của Đảng xác định hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Đại hội VIII của Đảng (1991) đã xác định mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Đại hội IX của Đảng đã xác định mục tiêu: “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đến Đại hội XI, XII, XIII (2011, 2016, 2021), Đảng ta đã xác định mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Xét về bản chất, mục đích cầm quyền của Đảng chính là để hiện thực hóa, thể chế hóa quyền lực chính trị, ý chí, quyết tâm chính trị của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động thành quyền lực nhà nước - quyền lực công để toàn xã hội thực hiện. Nói cách khác, mục đích cầm quyền của Đảng là vì dân.
2.1.2. Nghiên cứu lý luận và công tác nghiên cứu lý luận ở Việt Nam
2.1.2.1. Lý luận và nghiên cứu lý luận
* Khái niệm lý luận
Khái niệm lý luận (chữ Hy Lạp: Théoria - có nghĩa là quan sát, nghiên cứu): Là kinh nghiệm đã được khái quát trong ý thức của con người, là toàn bộ những tri thức về thế giới quan, là hệ thống tương đối độc lập của các tri thức có tác dụng tái hiện trong lôgic của các khái niệm, cái lôgic khách quan của các sự vật, hiện tượng.
Theo Từ điển Tiếng Việt, khái niệm lý luận được định nghĩa: “Lý luận là hệ thống những tư tưởng được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, có tác dụng chỉ đạo thực tiễn” [159; tr.564]. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ triết học, khái niệm lý luận lại được định nghĩa: “Lý luận là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên và xã hội tích lũy được trong quá trình lịch sử, là hệ thống tư tưởng chủ đạo trong một lĩnh vực tri
thức”[154; tr.526]; hoặc nói một cách khác, lý luận là: “Hệ thống tri thức đã được khái quát, tạo ra một quan niệm hoàn chỉnh về các quy luật và mối liên hệ cơ bản của hiện thực” [155; tr.680].
Theo V.I. Lênin, bản chất của lý luận là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, là sự sao chép gần đúng hiện thực khách quan, còn hình thức của lý luận rất phong phú và đa dạng. Lý luận cũng là một hình thức tồn tại của ý thức xã hội, là kết quả nhận thức của con người đối với những hiện tượng khách quan của tự nhiên, xã hội và tư duy.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế” [115, tr.273-274]. “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế” [115, tr.273]; “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên, xã hội tích lũy lại trong quá trình lịch sử” [115, tr.96].
Lý luận, hiểu theo nghĩa rộng, là hệ thống quan điểm chủ đạo trong mọi lĩnh vực tri thức, kinh nghiệm của loài người đã được khái quát hóa; là sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên và xã hội tích lũy được trong quá trình lịch sử, hướng tới giải thích, làm rõ một lĩnh vực nào đó của hiện thực. Xét về bản chất, lý luận tiên tiến là một hệ thống tri thức được khái quát từ thực tiễn, phản ánh những mối liên hệ bản chất, những tính quy luật của thế giới khách quan, là sự sao chép gần đúng hiện thực khách quan dưới những hình thức rất phong phú, đa dạng. Lý luận là sản phẩm của sự phát triển cao của nhận thức.
Có thể hiểu theo nghĩa chung: Lý luận là khái niệm, phạm trù, quy luật, hệ thống quan điểm, lý thuyết được khái quát từ hoạt động thực tiễn của con người,
phản ánh hiện thực khách quan.
Lý luận là sản phẩm của sự phát triển cao của nhận thức. Trong những thời điểm nhất định, lý luận được hình thành trước là tiền đề, những yếu tố để phát triển lý luận. Bởi vậy, tiền đề lý luận cũng là điểm xuất phát của tư duy sáng tạo, của việc phát triển lý luận không ngừng.
* Khái niệm nghiên cứu lý luận
Nghiên cứu là hoạt động sáng tạo được thực hiện một cách có hệ thống nhằm làm rõ bản chất, các mối quan hệ phổ biến của đối tượng nghiên cứu, qua đó làm giàu tri thức. Hoạt động nghiên cứu được dùng để thiết lập hệ thống các dữ kiện, tái khẳng định kết quả của công trình nghiên cứu trước đó, giải quyết những vấn đề đang đặt ra, chứng minh các luận điểm, hay phát triển những lý thuyết mới. Mục đích chủ yếu của nghiên cứu cơ bản (khác với nghiên cứu ứng dụng) là thu thập dữ