Một số vụ việc cụ thể

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xác định trách nhiệm dân sự liên đới của vợ chồng trong pháp luật Việt Nam (Trang 75 - 81)

Ví dụ thứ nhất:

Theo hợp đồng mua bán căn nhà số 24 A Lê Minh Ngươn, phường Mỹ Long thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang ngày 3-01-2001 lập tại Phòng Công chứng Nhà nước thì vợ chồng ông Vương Tấn Dũng, bà Phạm Thị Nga thỏa thuận bán nhà cho vợ chồng ông Lâm Đức Trung, bà Văng Thị Bạch Tuyết với giá 300.000.000 đồng. Ngày 28-02-2001, ông Lâm Đức Trung được UBND tỉnh An Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với căn nhà nêu trên. Trong khi bán nhà cho ông Trung, thì ông Dũng vẫn đang cho bà Nguyễn Kim Hoàng thuê. Ngày 6-3-2001, ông Trung lại lập hợp đồng bán căn nhà trên cho bà Kha Thị Hiếng với giá 345.000.000 đồng. Do đó ông Dũng đã khởi kiện xin hủy hợp đồng mua bán nhà với ông Trung vì cho rằng ông bị ông Trung ép buộc bán nhà trừ nợ và nhà đất là tài sản của vợ chồng

ông và bà Nga, hợp đồng mua bán nhà có chữ ký của bà Nga, ông Dũng xin hoàn lại tiền bán nhà cho ông Trung.

Căn cứ vào kết luận giám định số 1017 ngày 15-4-2002 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an thì chữ ký trong hợp đồng mua bán nhà giữa ông Dũng, bà Nga với ông Trung, bà Tuyết không phải chữ ký của bà Nga, nên Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đều xác định hợp đồng mua bán nhà giữa ông Dũng với vợ chồng ông Trung là vô hiệu.Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 147/DSPT ngày 16-4-2003 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang nhận định để đảm bảo việc thi hành án nên tuyên xử buộc vợ chồng ông Dũng và bà Nga cùng liên đới hòan trả cho vợ chồng ông Trung 300.00.000 đồng tiền bán nhà đã nhận và tiền chênh lệch 1/2 giá trị căn nhà là 191.807.000 đồng. (Ngoài ra Bản án còn giải quyết các quan hệ pháp luật khác).

Qua ví dụ nêu trên, chúng ta thấy rằng các cấp Tòa án giải quyết vụ việc như thế là thỏa đáng, tuy nhiên việc xác định trách nhiệm liên đới của vợ chồng đương sự trong vụ kiện lại khác nhau. Sở dĩ như vậy vì quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình còn chung chung, chưa cụ thể. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật HN&GĐ hiện hành về xác định trách nhiệm liên đới của vợ chồng là vô cùng cần thiết.

Ví dụ thứ hai:

Từ ngày 2-7-1997 đến 28-2-1997, bà Nguyễn Thị Nga có cho bà Đào Thị Nhâm vay 7 lần tổng cộng là 477.000.000 đồng để làm vốn kinh doanh. Việc vay nợ chỉ do một mình bà Nhâm ký giấy nhận nợ. Hai bên thỏa thuận lãi suất 2%/tháng, bà Nhâm có giao cho bà Nga giấy tờ nhà 3 tầng do bà Nhâm đứng tên để thế chấp nợ. Do bà Nhâm không chịu trả nợ nên bà Nga đã khởi kiện đòi nợ.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/DSST ngày 23-3-1999 của Tòa án nhân dân huyện Cẩm Phả và tại Bản án dân sự phúc thẩm số 32/DSPT của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đều quyết định: buộc bà Nhâm phải hoàn trả bà Nga 477.000.000 đồng tiền nợ gốc và 143.000.000 đồng tiền lãi. Ngày 03-5-2002 Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có Quyết định số 54/KNDS kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên với nhận định: Cần xác định ông Hà Văn Hiên – chồng bà Nhâm liên đới chịu trách nhiệm trả nợ, vì việc kinh doanh của bà Nhâm nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình và ông Hiên không thừa nhận nhưng ông Hiên đương nhiên phải biết việc kinh doanh đó của bà Nhâm. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 173/GĐT-DS ngày 22-8-2002 của Tòa án nhân dân tối cao đã hủy Bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm lại theo hướng kháng nghị của Phó chánh án. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/DSST ngày 30-6-2003 và Bản án dân sự phúc thẩm số 131/DSPT ngày 19-6-2003 đều quyết định: Buộc bà Nhâm và ông Hiên phải trả nợ cho bà Nga 477.000.000 đồng nợ gốc và 391.000.000 đồng tiền lãi.

Qua ví dụ trên, chúng ta thấy việc Tòa án sơ thẩm tỉnh Quảng Ninh xét xử lại buộc vợ chồng ông Hiên và bà Nhâm cùng liên đới trả nợ cho bà Nga là đúng theo quy định của Luật HN&GĐ hiện hành cùng các văn bản pháp luật có liên quan. Vì bà Nhâm mặc dù đơn phương đứng ra vay tiền bà Nga để kinh doanh nhưng việc kinh doanh đó nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình nên ông Nhâm phải biết việc kinh doanh đó và phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ cùng vợ. Một lần nữa, chúng ta lại thấy sự “tùy nghi” trong xét xử của mỗi cấp Tòa án vì quy định của Luật HN&GĐ còn mang tính định khung, khái quát.

Ví dụ thứ ba:

Chị H và chị T cùng trú tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội quen biết nhau đã lâu. Do thiếu tiền trong khi sửa chữa nhà nên chị H đã hỏi vay tiền chị T. Ngày 5/5/2007, Chị H đã vay của chị T 100 triệu đồng, lãi suất thoả thuận, thời hạn 5 tháng. Chị H đã cầm cố cho chị T chiếc xe ôtô Ford cùng giấy tờ do anh K - chồng chị H đứng tên. Việc vay nợ này được lập thành hợp đồng có chữ ký của cả chị H và chị T. Tuy nhiên, khi hết thời hạn trong hợp đồng chị H vẫn không trả được gốc và lãi. Chị T đề nghị bán chiếc xe ôtô để thanh toán nợ nhưng anh K không đồng ý. Do đó, ngày 25/2/2007 chị T đã khởi kiện chị H tại Toà án nhân dân Quận Đống Đa - Hà Nội.

Qua xác minh Toà án đã xác định được:

+ Có việc chị H đã vay chị T 100 triệu đồng, lãi suất thoả thuận, thời hạn 5 tháng.

+ Chị H vay tiền để sửa chữa nhà nhằm phục vụ nhu cầu cơ bản của gia đình đó là nhu cầu ở.

+ Chiếc xe ôtô mà chị H cầm cố cho chị T là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân của chị H và anh K.

*Hƣớng giải quyết vụ việc

Trong vụ việc này, chị T đã cho chị H vay 100 triệu đồng, lãi suất thoả thuận và thời hạn 5 tháng. Chị T có viết giấy vay nợ cho chị H. Do đó, giữa chị H và chị T đã hình thành một hợp đồng vay tài sản được quy định trong Bộ luật dân sự, với đối tượng vay là: tiền (VNĐ). Qua đó đã xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia hợp đồng.

Khi hết thời hạn hợp đồng là 5 tháng nhưng chị H đã không thực hiện đúng theo hợp đồng hay vi phạm một nội dung trong thực hiện nghĩa vụ dân

sự: “thực hiện nghĩa vụ dân sự đúng thời hạn”. Nên việc chi T khởi kiện chị H là đúng theo quy định của pháp luật.

Để tạo sự tin tưởng đối với chị T, chị H đã giao giấy tờ chiếc xe ôtô do anh K đứng tên để làm tin. Mặc dù chiếc xe ô tô đứng tên anh K nhưng theo luật thì nó là tài sản chung của hai vợ chồng chị H –anh K. Vì căn cứ theo Điều 27 - Luật hôn nhân - gia đình: “Tài sản của vợ chồng là tài sản chung

hợp nhất”. Do vậy, việc một mình chị H xác lập hợp đồng vay nợ có liên

quan đến tài sản chung của vợ chồng là trái pháp luật. Toà án tuyên bố hợp đồng này bị vô hiệu.

Anh K- chồng chị H không thừa nhận việc có biết về chuyện vay nợ giữa vợ mình và chị T nên anh K đã phủ nhận trách nhiệm liên quan của mình. Anh K nói vậy là không đúng với quy định của pháp luật do: việc vay nợ của chị H đựơc xác định là vì nhu cầu ở - nhu cầu sinh hoạt cơ bản của gia đình. Do đó, dù anh K không thừa nhận nhưng đương nhiên phải biết việc sửa chữa nhà đó. Đồng thời, tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hợp nhất của hai vợ chồng anh K-chị H.

Căn cứ Khoản 1 - Điều 298 BLDS quy định việc thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới: “Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng

phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ” [48]. Do đó, Toà án quyết định

anh K phải chịu trách nhiệm liên đới về việc trả nợ cho chị T. Nếu chị H nhất định không chịu trả thì chị T có quyền yêu cầu anh K phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ đối với mình dù chị T không trực tiếp xác lập hợp đồng vay nợ với anh K.

Từ ví dụ trên đây, chúng ta một lần nữa thấy rằng những quy định của BLDS và Luật HN&GĐ hiện hành còn rất chung chung, chưa dự liệu hết

được những tình huống xảy ra trong thực tế. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật Dân sự nói chung và pháp luật hôn nhân và gia đình nói riêng liên quan đến việc xác định nghĩa vụ và trách nhiệm dân sự liên đới của vợ chồng là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tóm lại, những vụ việc trên đã đề cập đến việc xác định trách nhiệm liên đới của vợ chồng cũng chính là xác định nghĩa vụ liên đới của vợ chồng. Việc xác định nghĩa vụ liên đới rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền lợi của một bên trong giao dịch dân sự khi giao dịch dân sự không được thực hiện, hoặc thực hiện không đúng như đã thỏa thuận trong giao dịch, hợp đồng.

Như vậy, qua các ví dụ nêu trên đều cho thấy: các hợp đồng dân sự hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng vay nợ... đều được một bên vợ hoặc chồng xác lập liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, các hợp đồng dân sự đó đều bị Tòa án các cấp tuyên bố vô hiệu là đúng. Song việc xác định trách nhiệm liên đới của vợ chồng đối với hợp đồng dân sự do một bên thực hiện và việc xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu có khác nhau.

Để khắc phục tình trạng trên khi giải quyết các vụ án xác định trách nhiệm liên đới liên quan đến hợp đồng dân sự bất hợp pháp do một bên vợ hoặc chồng thực hiện đối với tài sản chung của vợ chồng, chúng tôi nhận thấy cần phải thống nhất đường lối giải quyết loại việc này như sau:

- Nếu một bên vợ hoặc chồng tham gia các hợp đồng dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn mà không có sự đồng ý của bên kia, thì bên đó có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng dân sự đó, Tòa án phải tuyên bố hợp đồng dân sự đó là vô hiệu.

- Tuy một bên vợ hoặc chồng không có sự tham gia hợp đồng dân sự, làm cho hợp đồng dân sự đó trở nên bất hợp pháp, bị coi là vô hiệu, song thông qua các hợp đồng đó vẫn nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình,

thì bên vợ hoặc chồng không tham gia hợp đồng dân sự vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới đối với việc xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

- Việc thể hiện sự đồng ý hay không đồng ý của bên vợ hoặc chồng không tham gia hợp đồng dân sự, không nhất thiết phải được xác định bằng văn bản thỏa thuận, mà chỉ cần xác định bên vợ hoặc chồng không tham gia hợp đồng dân sự đó có biết và phải biết việc tham gia hợp đồng dân sự của phía bên kia, thì sẽ buộc họ phải có trách nhiệm liên đới đối với việc xử lý hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

Trên thực tế, nước ta vẫn còn tồn tại tình trạng: mỗi tòa án lại giải quyết vụ việc một cách khác nhau vì quy định pháp luật của nước ta trong lĩnh vực HN&GĐ nói riêng và pháp luật dân sự nói chung còn có điểm chưa rõ ràng, cụ thể, còn chung chung dẫn tới cách hiểu của mỗi tòa khác nhau nên cách giải quyết cũng khác nhau. Vì thế mà khiếu kiện của người dân ngày càng gia tăng, kéo dài thời gian và gây quá tải cho tòa án cấp trên vì họ cho rằng vụ việc của họ được giải quyết không thỏa đáng, không đúng nguyện vọng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xác định trách nhiệm dân sự liên đới của vợ chồng trong pháp luật Việt Nam (Trang 75 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)