5.1 Nhận xét
Vải thiều Thanh Hà trồng tương đối tập trung, hình thành từng vùng rõ rệt. Nông dân có nhiều kinh nghiệm thâm canh cây trồng này. Mặc dù nhiều năm qua, vải thiều Thanh Hà thường có giá bán thấp nhưng đa số người dân vẫn lưu luyến với cây trồng đặc sản, mong muốn sản phẩm bán được giá, có chất lượng cao. Vải thiều Thanh Hà đã có chỉ dẫn địa lý.
Những khó khăn khi thực hiện tiêu chuẩn VietGAP trên cây vải thiều cũng không ít. Tiêu chuẩn VietGAP là một bộ quy trình canh tác nghiêm ngặt mới được áp dụng trong vài năm gần đây. Do vậy, khi thực hiện dự án này, các cơ quan chức năng và người trồng vải sẽ có những bỡ ngỡ ban đầu. Do nhiều năm giá bán vải ở mức thấp nên một bộ phận người dân không chăm sóc vải, dẫn tới cây bị còi cọc, sản phẩm có chất lượng kém, mẫu mã xấu. Khi chăm sóc, một bộ phận nhỏ người dân lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên ảnh hưởng tới chất lượng vải quả. Thanh Hà chưa có nhiều sản lượng vải quả có chất lượng cao để xuất khẩu.
Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào thương lái. Thương nhân chưa tìm kiếm được đối tác ký hợp đồng tiêu thụ lớn, ổn định mà chủ yếu vẫn tự phát, bị động và kinh doanh theo lợi nhuận tức thời.
5.2 Kiến nghị
- Kiểm soát chặt chẽ chất lượng vải thiều nhằm tránh ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.
- Các cơ quan trung ương tăng cường hỗ trợ cho tỉnh Hải Dương trong công tác thông tin xúc tiến, quảng bá tiêu thụ vải thiều trên các phương tiện thông tin đại chúng; không đưa những thông tin thất thiệt gây khó khăn cho quá trình tiêu thụ vải thiều.
- Bộ khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tìm kiếm giải pháp hữu hiệu giúp kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch cho quả vải thiều.
- Bộ Công Thương đưa chương trình Xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
- Hỗ trợ tỉnh Hải Dương trong công tác chế biến sau thu hoạch, nhằm đa dạng hóa sản phẩm vải thiều trong tiêu thụ.