1.3. Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự
1.3.1. Giai đoạn sau khi pháp điển hóa Bộ luật hình sự lần thứ nhất –
– Bộ luật hình sự năm 1985 đến trước khi pháp điển hóa Bộ luật hình sự lần thứ hai - Bộ luật hình sự năm 1999
Trong giai đoạn trước những năm 1980, do những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan như hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước ta khi vừa trải qua một thời gian dài của chiến tranh giành độc lập, điều kiện kinh tế xã hội v.v… nên những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường khỏi sự ô
nhiễm chưa được quan tâm, chú trọng nhiều và chưa được ghi nhận chi tiết trong pháp luật hình sự của nước ta. Những năm tiếp theo sau đó, vấn đề bảo vệ môi trường nói chung đã được đạo luật cao nhất của Nhà nước ta là Hiến
pháp năm 1980 bước đầu quy định: “Các cơ quan nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ, cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường sống” [45, Điều 36]. Thời kỳ này, khi nền kinh tế của đất
nước đang hồi phục và phát triển thì những hệ lụy từ vấn đề ô nhiễm môi trường đang dần trở nên cấp bách đã khiến cho yêu cầu bảo vệ môi trường bằng các chế tài hình sự ngày một lớn. Đứng trước những yêu cầu về bảo vệ môi trường khỏi sự ô nhiễm, đồng thời, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 1980 về bảo vệ môi trường, Nhà nước ta đã bước đầu quy định vấn đề bảo vệ môi trường trong BLHS năm 1985 trong một số trường hợp. Ví dụ, Điều 180. Tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai; Điều 181. Tội vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng; Điều 195. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng v.v.. Tuy nhiên, việc quy định này còn rất sơ sài, không được hệ thống hóa, tập chung với tính chất là một chương riêng biệt đối với các tội phạm về môi trường, đồng thời, có thể các nhà làm luật lúc này chủ yếu là nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế của các nguồn tài nguyên này mà chưa chú ý đến việc mô tả cụ thể các hành vi. Điều này, dễ dàng nhận thấy qua việc một số tội phạm về môi trường được gộp lại với những tội phạm khác và được hiểu không phải với tư cách là những tội phạm về môi trường. Bên cạnh đó, đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, BLHS năm 1985 chưa có quy định rõ đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong một hay một số điều luật cụ thể. Do BLHS năm 1985 được xây dựng và ban hành trước thời kỳ đổi mới, vì vậy, khi tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta có những bước phát triển và tiến bộ vượt bậc, xã hội phát
sinh thêm nhiều quan hệ xã hội, nhiều loại tội phạm mới hình thành và xuất hiện dẫn tới pháp luật hình sự chưa điều chỉnh, chưa dự liệu hết được là điều có thể hiểu được. Đây chính là những hạn chế đã được nhà làm luật đánh giá, phân tích và bổ sung các hành vi có dấu hiệu của tội phạm mới phát sinh, cho việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường khỏi sự ô nhiễm nói riêng trong lần pháp điển hóa lần thứ hai (BLHS năm 1999).