7. Kết cấu của luận văn
2.2 Thực hiện các điều kiện của việc nuôi con nuôi
2.2.2 Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi
Xuất phát từ bản chất của việc cho – nhận con nuôi là xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi nên việc nuôi con nuôi phải đáp ứng được các điều kiện nhất định do pháp luật quy định. Các điều kiện đó vừa phải đảm bảo việc cho – nhận con nuôi là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, đồng thời đảm bảo tạo ra môi trường gia đình tốt nhất cho việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em được nhận làm con nuôi. Về cơ bản, điều kiện của người nhận nuôi con nuôi trong Luật Nuôi con nuôi đã kế thừa quy định của Luật HN&GĐ năm 2000. Cụ thể, để được nhận con nuôi, về nguyên tắc người nhận con nuôi phải bảo đảm có đủ các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, độ tuổi, tư cách đạo đức, sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi theo quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi.
Quy định về khoảng cách độ tuổi của người nhận nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên là căn cứ vào bản chất của việc nuôi con nuôi là hình thành quan hệ cha mẹ và con hợp pháp giữa hai bên, do đó tuổi của người nuôi phải tương xứng, phù hợp với tuổi có thể làm cha mẹ về mặt sinh học. Đồng thời, người nhận nuôi phải đạt tới một độ tuổi nhất định thì mới có được kinh nghiệm, hiểu biết, điều kiện kinh tế phù hợp và quan trọng nhất là nhận thức rõ về nhu cầu nhận nuôi con nuôi của mình. Tuy nhiên, Luật Nuôi con nuôi chỉ quy định khoảng cách tuổi giữa người nhận và người được nhận chứ không quy định độ tuổi tối đa của người nhận con nuôi. Quy định giới hạn tuổi tối đa của cha mẹ nuôi có ý nghĩa là nhằm đem lại một gia đình tương đối phù hợp với gia đình tự nhiên cho trẻ, sẽ không hợp với tự nhiên chút nào nếu trẻ sơ sinh được nhận nuôi bởi các cặp vợ chồng trên 70 - 80 tuổi. Vì khi tuổi đã quá cao thì khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi sẽ giảm dần theo tuổi tác và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của trẻ được nhận nuôi. Để
phù hợp với bản chất của việc nuôi con nuôi, pháp luật nên quy định tuổi tối đa của người nhận nuôi con nuôi, chẳng hạn người nhận nuôi con nuôi là người không quá 60 tuổi [22].
Do đó, trong quá trình giải quyết đối với các trường hợp cụ thể, yêu cầu đặt ra đối với cơ quan có thẩm quyền là cần phải nghiên cứu kỹ về hoàn cảnh gia đình, điều kiện thực tế cũng như động cơ, mục đính nhận con nuôi, để có những quyết định hợp lý, tránh hiện tượng lợi dụng việc pháp luật không quy định mà một số người tuổi tác quá cao, muốn nhận con nuôi để tìm người giúp việc trong gia đình hoặc lạm dụng, bóc lột sức lao động của người được nhận làm con nuôi.
Về điều kiện sức khỏe, kinh tế, tư cách đạo đức của người nhận nuôi con nuôi, về nguyên tắc đây là những điều kiện hết sức quan trọng và là yếu tố cần thiết để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, đồng thời tạo ra môi trường an toàn cho trẻ phát triển tốt. Tuy nhiên chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về tiêu chí của những điều kiện này, mà chỉ được hiểu rất chung chung, khó xác định, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng pháp luật. Hiện tại, ở Việt Nam chưa phát triển mạng lưới các cơ quan xã hội để tiến hành việc đánh giá về điều kiện tâm lý và hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi. Việc này được giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú có trách nhiệm tìm hiểu và xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi. Theo ý kiến của một số cán bộ tư pháp-hộ tịch cấp xã tại Thừa Thiên Huế thì nhiệm vụ này được giao cho họ quả là rất khó khăn và không tránh khỏi thực tế là việc đánh giá phần nhiều mang tính chủ quan, bởi đặc điểm của người Việt Nam nói chung và nhất là người Thừa Thiên Huế thường sống chung trong một nhà với 2 – 3 thế hệ và nguồn tài chính, thu nhập không được công khai thì việc xác định tình trạng chỗ ở và điều kiện kinh tế của một người rất
khó và phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của cá nhân người nhận định. Ví dụ như trường hợp cán bộ tư pháp – hộ tịch xác minh được người nhận nuôi con nuôi không có việc làm ổn định, không có thu nhập, sống cùng với gia đình, kinh tế phụ thuộc bố mẹ nhưng cuộc sống hàng ngày vẫn ổn định do được gia đình chu cấp về kinh tế, vậy cán bộ tư pháp – hộ tịch sẽ tham mưu đồng ý hay từ chối việc đăng ký nuôi con nuôi là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cá nhân.
Bên cạnh những quy định về điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi, Khoản 2 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi còn quy định về những trường hợp không được nhận con bao gồm: người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang chấp hành hình phạt tù; chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. So với các quy định về điều kiện của người nhận con nuôi tại Luật HN&GĐ năm 2000 thì quy định này cụ thể và đẩy đủ hơn, nhằm tránh khả năng trẻ em bị lạm dụng, bóc lột sức lao động, đảm bảo mục đích nuôi con nuôi là xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Bởi những người có hành vi trên thì không còn đủ tư cách, đạo đức để nuôi dạy con, không thể là tấm gương cho người con noi theo, không có gì bảo đảm được rằng người được nhận làm con nuôi sẽ được sống trong một môi trường làng mạnh, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt về thể chất lẫn nhân cách.
Nuôi con nuôi và Nghị định 19/2011/NĐ-CP so với các quy định tại các văn bản về nuôi con nuôi trước đây, là đầy đủ và chặt chẽ hơn, tăng cường mức độ đảm bảo về tình trạng nhân thân của người nhận con nuôi theo hướng lựa chọn những cha mẹ có đạo đức tốt, đủ điều kiện và khả năng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, để trẻ có thể phát triển tốt trong mái ấm gia đình mới.
Thực tế trong nhiều năm qua việc giải quyết nuôi con nuôi trên toàn quốc nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng cho thấy một vấn đề tồn tại là thiếu quy định đánh giá các điều kiện nuôi con nuôi đối với người nhận nuôi con nuôi trong nước. Với mục tiêu cao nhất là tìm một mái ấm gia đình thay thế cho trẻ, vì quyền lợi của trẻ nên việc đánh giá về điều kiện, nhân thân của người nhận nuôi là hết sức quan trọng và cần thiết. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác xã hội, song mạng lưới nhân viên xã hội của toàn quốc nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trước mắt để đánh giá các điều kiện của người nhận nuôi được giao cho UBND cấp xã, mà cán bộ tư pháp- hộ tịch mà người chịu trách nhiệm chính giúp UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ này. Theo anh Ngữ, công chức tư pháp xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế thì nhiệm vụ này được giao là khá mới mẻ, pháp luật quy định người chưa được xóa án tích về một trong các tội như xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm người khác, ngược đãi ông bà, cha mẹ; ép buộc dụ dỗ trẻ vị thành niên phạm tội và mua bán đánh tráo trẻ em thì không được nhận nuôi con nuôi. Vậy có nghĩa là người đã được xóa án tích về những tội trên thì được nhận nuôi con nuôi. Tuy nhiên anh rất phân vân về bản chất của những người này, bởi chắc gì sau khi được xóa án tích thì họ đã thay đổi.