6. CHƯƠNG KẾT LUẬN
6.1 Các nội dung đề tài đã giải quyết
Những nội dung đã giải quyết trong đề tài được tóm lược như sau:
Phần xây dựng mô hình toán học của các hệ thống thiết bị, công trình thuỷ điện đã được thực hiện trên cơ sở tuyến tính hoá từng đoạn các thành phần phi tuyến. Ưu điểm của phương pháp xây dựng được thực hiện trong luận văn là đơn giản, bởi mô hình được xây dựng nhờ tuyến hoá đặc tính thực tế mà không cần quan tâm đến đặc tính lý thuyết của thiết bị. Cũng chính nhờ các mô hình tuyến tính hoá mà bài toán được giải một cách tổng quát nhất và nghiệm tối ưu là đúng cho mọi trường hợp mà không cần quan tâm đến các cực trị địa phương. Các mô hình này cũng có thể được dùng để giải trong các bài toán quy hoạch dài hạn khác.
Như trình bày ở chương 4, đề tài chỉ tập trung giới thiệu 2 thuật toán nổi tiếng hiện nay trong việc áp dụng giải các bài toán quy hoạch tuyến tính, đó là thuật toán đơn hình và thuật toán điểm trong dựa theo phương pháp tỉ lệ affine. Thuật toán đơn hình có độ phức tạp tính toán đa thức để giải bài toán quy hoạch tuyến tính, tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất nó lại có độ phức tạp mũ [PhT2003] và trở nên hội tụ chậm hơn các phương phương pháp điểm trong khi giải bài toán cỡ lớn. Trong số các thuật toán điểm trong, thuật toán tỉ lệ affine là đơn giản nhất [StA1996] và có hiệu quả cao trong việc giải các bài toán cỡ lớn như
trong trường hợp luận văn này. Cũng nhắc thêm là trong chương trình tối của luận văn này, hàm linprog được xây dựng theo cả 2 thuật toán trên. Có thể chọn một trong 2 thuật toán để giải hoặc để chương trình tự động chọn tuỳ theo cỡ của bài toán.
Chương trình ứng dụng được viết có tính thân thiện khá cao, người dùng chỉ cần nhập các số liệu về số nhà máy trên hệ thống, thời gian khảo sát. Kết quả đầu ra bằng đồ hoạ dễ phân tích, các số liệu chi tiết được kèm theo dưới dạng các file excel phục vụ cho việc in ấn và báo cáo.
Tuy nhiên, đề tài vẫn còn vài một số điểm chưa hoàn thiện cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ như trình bày trong phần 6.2. Tương tự, chương trình tối ưu được tác giả viết bằng Matlab-chỉ mới phù hợp cho nghiên cứu và còn khó khăn cho các triển khai ứng dụng sản xuất thực tế.