Được Đảng và nhà nước xác định là “Một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” với mục tiêu: “Phát triển mạnh du lịch, từng bước đưa nước ta trở thành trung tâm du lịch có tầm cỡ trong khu vực”, du lịch Việt
Nam trong 45 năm đầu phát triển tuy còn non trẻ nhưng hoạt động khá sôi nổi.
Nhìn chung, giai đoạn từ tháng 10/1992 trở về trước, hệ thống tổ chức bộ máy ngành Du lịch chưa thực sự định hình, trong 32 năm (1960 - 1992) đã có 6 lần chuyển đổi. Vì vậy sự chỉ đạo trực tiếp của bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương xuống các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp mất tính liên tục và kế thừa dẫn đến tình trạng lỏng lẻo, hiệu quả kinh doanh không cao và ngành du lịch tụt hậu so với du lịch các nước có điều kiện tương đồng. Trước thực tế đó, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, ngày 17/10/1992, Chính phủ đã có Nghị đinh số 05/CP thành lập lại Tổng cục Du lịch; tiếp đó có Nghị định số 20-CP, ngày 27/12/1992 và Nghị định số 53-CP, ngày 07/8/1995, quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch. Nhờ ổn định và từng bước được kiện toàn về tổ chức, du lịch nước ta mới khởi sắc và phát triển.
Bênh cạnh đó, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001 – 2010 và Chương trình hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2006- 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch để điều chỉnh các quan hệ Du lịch ở tầm cao hơn; khẳng định một lần nữa vị thế của ngành Du lịch ngay từ trong đường lối, chính sách và thể chế.
Lực lượng kinh doanh du lịch phát triển mạnh, thích nghi dần với cơ chế mới, từng bước làm ăn có hiệu quả: Hoạt động du lịch thu hút sự tham gia của cả 6 thành phần kinh tế (nhà nuớc; tập thể; cá thể, tiểu chủ; tư bản tư nhân; tư bản nhà nước; 100% vốn nước ngoài). Tính đến năm 2005, cả nước đã có khoảng 6.000 cơ sở kinh doanh lưu trú; 399 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 203 doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, 124 doanh nghiệp nhà
nước, 63 doanh nghiệp cổ phần, 8 liên doanh và 2 doanh nghiệp tư nhân.
Trong 5 năm (2001 – 2005), Chính phủ đã cấp 2.146 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch ở các khu du lịch trọng điểm. Cùng với đầu tư của Nhà nước và các thành phần kinh tế trong nước, ngành Du lịch đã thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến năm 2005 cả nước có 190 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 4,64 tỷ USD, ở 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Từ đó, Du lịch mang lại thu nhập ngày một lớn cho xã hội, năm 1990 thu nhập xã hội từ du lịch mới đạt 1.350 tỷ đồng thì đến năm 2004, con số đó đã là 26.000 tỷ đồng, gấp 20 lần. Riêng năm 2005, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song hoạt động du lịch vẫn diễn ra sôi động: ngành Du lịch đón được khoảng 3,43 triệu lượt khách quốc tế, vượt chỉ tiêu kế hoạch 7% và tăng 17% so với năm 2004; Khách du lịch nội địa đạt trên 16 triệu lượt người, vượt chỉ tiêu 7% và tăng 11% so với kế hoạch năm 2004.
Tóm lại, trong giai đoạn này, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các cấp, các ngành, cùng với sự hưởng ứng của nhân dân và hỗ trợ quốc tế, du lịch Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, từng bước hội đủ điều kiện của một ngành kinh tế mũi nhọn.
Từ 2006 đến nay
Sau khi Luật du lịch được thông qua và Việt Nam gia nhập WTO thì du lịch Việt Nam đã vươn lên, tham gia chủ động dần trong hội nhập du lịch quốc tế, tiếp tục thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác du lịch nhiều mặt với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới. Du lịch nước ta là thành viên của Tổ chức du lịch thế giới, Hiệp hội du lịch Châu Á – Thái Bình Dương, Hiệp hội du lịch Đông Nam Á và phát huy được vai trò, quyền lợi hội viên.
Nhờ thế đã tranh thủ được vốn, kinh nghiệm, công nghệ, nguồn khách để phát triển, đồng thời tham gia đầu tư ra nước ngoài, chủ yếu là kinh doanh ăn uống ở các nước láng giềng, Nhật Bản, Đức và Hoa Kỳ. Việc Tổng cục du lịch được nâng lên cấp Bộ, mở ra cho du lịch Việt Nam một tương lai mới.
Năm 2006 là năm đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2006 – 2010, du lịch Việt Nam có nhiều sự kiện quan trọng như: Năm du lịch quốc gia 2006 với chủ đề “Quảng Nam: một điểm đến, hai di sản thế giới”, tổ chức thành công Hội nghị bộ trưởng du lịch trong khuôn khổ APEC, Festival Huế, … Mức tăng trưởng tăng 20%, ước khoảng 36 nghìn tỷ đồng, lượng khách quốc tế ước đạt 3,6 triệu lượt, tăng 3% so với năm 2005. Các thị trường chính đưa khách đến Việt Nam: Hàn Quốc tăng 29,4%; Nhật Bản tăng 14,3%; Mỹ tăng 16,8%; Canada tăng 15%; Đức tăng 10,6%. Năm 2007 được coi là năm thành công của du lịch Việt Nam: lượng khách du lịch đến với Việt Nam mục đích đơn thuần là du lịch tăng 26%, khách thương mại 16%, khách thăm người thân tăng 9%, khách đến với mục đích khác giảm 10%. Tổng cộng khách du lịch quốc tế đạt 4,2 triệu lượt (tăng 18% so với năm
2006) cụ thể, lượng khách Tây Âu: Pháp tăng 42%, Đức tăng 32%, Anh xấp xỉ 28%; thị trường Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn
Quốc, Đài Loan với tổng lượng khách 1,2 triệu lượt chiếm 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế. Khách nội địa tăng 9,7% so với năm 2006 (19,2 triệu lượt).
Trong năm, nhiều hoạt động du lịch đã được diễn ra: Năm Du lịch quốc gia Thái Nguyên với chủ đề “Về thủ đô gió ngàn – chiến khu Việt Bắc”, tổ chức thành công hội nghị bộ trưởng 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia bên lề hội chợ du lịch quốc tế tại
TPHCM, lần đầu tiên du lịch Việt Nam được quảng bá chính thức trên kênh truyền hình CNN, Vịnh Hạ Long được nhiều người bình chọn vào nhóm “kì quan thiên nhiên thế giới”, Festival Hoa Đà Lạt
được tổ chức thành công. Thu nhập xã hội về du lịch ước đạt 56 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8%), đưa mức tăng trưởng du lịch lên từ 16% lên 18% đổi với khách quốc tế, 11% với khách trong nước Năm 2008, Ngành du lịch tiếp tục phát triển, nhưng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên lượng khách quốc tế có phần chững lại. Khách du lịch đến Việt Nam vì công việc tăng mạnh (trên 34% so với cùng kì năm 2007), lượng khách đến với mục đích du lịch tăng nhẹ (2,71% so với cùng kì năm 2007). Du khách tại các thị trường gần như Philippine, Trung Quốc vẫn chọn Việt Nam làm điểm điến. Tuy nhiên một số thị trường xa lại có xu hướng giảm xuống, trong đó: Hàn Quốc tăng 0,49%; Tây Ban Nha giảm 9,4%; Italia giảm 8,8%; Pháp giảm 2,5%; Hà Lan giảm 26% (so với cùng kì năm 2007).
Trong 9 tháng đầu năm 2008, lượng khách quốc tế ước đạt 3,3 triệu lượt, tăng 5,8% so với cùng kì năm 2007. Năm 2008, ngành du lịch Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc, hấp dẫn: năm Du lịch quốc gia “Miệt vườn sông nước Cửu Long”, chương trình “Du lịch về cội nguồn 2008” tổ chức tại Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai, Festival Huế với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, lần đầu tiên cuộc thi hoa hậu hoàn vũ thế giới được tổ chức tại Nha Trang – Khánh Hòa và cuộc thi hoa hậu du lịch Việt Nam được tổ chức tại TPHCM,…
Công tác xúc tiến quảng bá được chú trọng hơn: Đã thành lập Cục Xúc tiến Du lịch; tính chuyên nghiệp được nâng dần; chất lượng tổ chức các sự kiện tốt hơn. Tổng cục Du lịch đã chủ động phối hợp với Hàng không Việt Nam, các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Văn hóa – Thông tin, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình, tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Với nỗ lực mở rộng hợp tác quốc tế, Du lịch Việt Nam đã ký và thực hiện tốt 26 hiệp định hợp tác du lịch song phương với các
nước là thị trường du lịch trọng điểm và trung tâm giao lưu quốc tế, tăng cường hợp tác du lịch với các nước khác; ký Hiệp định hợp tác du lịch đa phương 10 nước ASEAN; tham gia chủ động hơn trong hợp tác du lịch Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng, hợp tác hành lang Đông – Tây, hợp tác sông Mêkông – sông Hằng, hợp tác ASEAN, APEC, hợp tác trong Hiệp hội du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA), trong Tổ chức Du lịch thế giới (WTO)…; có quan hệ bạn hàng với 1.000 hãng của 60 nước và vùng lãnh thổ. 45 năm phát triển, du lịch đã đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, lượng khách du lịch hàng năm tăng, nhiều năm vượt chỉ tiêu đề ra. Từ năm 1990 đến 2005, lượng khách du lịch luôn duy trì được mức tăng trưởng cao 2 con số (trung bình năm trên 20%).