Khái niệm “dòng họ” và “văn hóa dòng họ”

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) di sản văn học của dòng văn trường lưu (hà tĩnh) từ góc nhìn văn hóa (Trang 33 - 38)

6. Cấu trúc của luận án

1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài

1.2.2. Khái niệm “dòng họ” và “văn hóa dòng họ”

Dòng họ là tổ chức của những người cùng chung nguồn gốc (tổ tiên), cùng

chung huyết thống, cùng chung nhiều đặc điểm được trao truyền từ thế hệ nay qua thế hệ khác. Dòng họ là tập hợp các thế hệ con cháu được sinh ra cùng một “ông tổ”, dòng họ có thể chỉ gồm ba đến năm đời, nhưng cũng có thể có hàng chục, vài chục đời. Coi dòng họ như một tập hợp các gia đình, Nguyễn Từ Chi cho rằng: “Họ, quá lắm, cũng chỉ có thể được xem là một dạng đặc biệt của gia đình mở rộng, mà tác dụng chính đối với các thành phần của nó (tức là các gia đình nhỏ hợp thành) là tạo ra một niềm cộng cảm dựa trên huyết thống” [18; 226].

Dòng họ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Nguyễn Văn Huyên cho rằng: "Cơ sở chế độ xã hội là tộc hay họ, gồm một số gia đình, gia hay nhà, chi hay phái. Chi là một nhánh của họ. Chi có thể chia nhỏ thành chi phái, gia hay nhà gồm những người thân thuộc gần gụi sống cùng một nhà, và về nguyên lý, gồm chồng, vợ và con cái. Họ gồm tất cả những người xuất thân cùng một gốc: đồng tông, có một thủy tổ chung" [66; 562 - 563]. Vũ Ngọc Khánh phát triển thêm, cho rằng: "Dòng họ là một thực thể xã hội mang tính phổ quát, chung cho cả loài người và các thời đại" [78; 137]. Sách Từ điển Tiếng Việt

nêu định nghĩa về dòng họ: “Toàn thể nói chung những người cùng huyết thống làm thành các thế hệ nối tiếp nhau” [188; 270]. Còn theo Từ điển bách khoa Việt Nam, thì dòng họ là: "Toàn bộ những người cùng huyết thống theo dòng bố hoặc dòng mẹ bắt nguồn từ một tổ tiên chung, không phân biệt theo trực hệ hay bàng hệ, nam hay nữ. Nói chung, theo luật hôn nhân nam nữ cùng dòng họ và cùng chung huyết thống thì không được kết hôn với nhau. Trong các xã hội khác nhau, có những người mang tên chung một họ nhưng không cùng huyết thống không bắt nguồn từ một tổ tiên chung. Theo từng dân tộc, mỗi dòng họ có những thiết chế, tập quán và nghi lễ riêng" [189; 851]. Sách Đại từ điển Tiếng Việt thì cho rằng, dòng họ là: "Những người cùng huyết thống trong các thế hệ kế tiếp nhau nói chung: cùng trong một dòng họ" [210; 546].

Phan Đại Doãn quan niệm: “Theo nghĩa rộng thì dòng họ, ngoài mối liên hệ ngang lại có mối liên hệ dọc đứng đến 9 đời (cửu tộc), ngoài ra còn có quan hệ nội ngoại, nhưng huyết thống bên nội là quan hệ quyết định nhất” [25; 27].

Coi dòng họ như một hiện tượng, một thiết chế đặc biệt của xã hội - một đối tượng nghiên cứu của văn hoá học, vận dụng “nguyên lý huyết thống”, vừa kế thừa nguyên lý “biểu tượng văn hoá”, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá ở nước ta đã đưa ra nhiều định nghĩa về dòng họ. Phan Văn Các cho rằng: “Dòng họ là một hiện tượng lịch sử - xã hội đặc biệt mang tính phổ quát của nhân loại. Ý thức về dòng họ là dấu hiệu quan trọng đánh dấu bước phát triển của xã hội loài người từ mông muội đến văn minh” [116; 54]. Ngô Đức Thịnh lý giải: "Dòng họ là một thực thể xã hội mang tính phổ quát của loài người. Nó hình thành trên cơ sở quan hệ huyết thống của một quần thể người nhất định thể hiện qua ý niệm về dòng dõi từ một ông tổ chung. Do vậy, dòng họ là một thực

thể vừa mang tính sinh học vừa mang tính xã hội. Nó xuất hiện từ rất sớm trong xã hội loài người, trở thành một nguyên lý cố kết giữa các con người sớm nhất, rồi biến đổi qua các thời đại và tồn tại cho tới tận ngày nay" [116; 54].

Đi liền với dòng họ còn có khái niệm "dòng dõi". Từ điển Tiếng Việt nêu định nghĩa về "dòng dõi": "Những người cùng huyết thống làm thành các thế hệ kế tiếp nhau, kế thừa và phát triển những truyền thống chung" [188; 270]. Đặc biệt, Đại từ điển Tiếng Việt nêu thêm khái niệm "dòng dõi thi thư": "Con nhà có truyền thống nề nếp học hành, khoa cử. Đúng là con nhà dòng dõi thi thư, đứa nào cũng học giỏi, làm nên" [210; 545]. Với dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, đây quả thực là một dòng dõi thi thư của tỉnh Hà Tĩnh từ bao đời lại nay.

Có thể nói, quan niệm trên mang tính xác đáng để nói về các dòng họ lớn của dân tộc như dòng dõi nhà Lê, dòng dõi nhà Trần, hay cụ thể như dòng dõi họ Nguyễn Huy Trường Lưu, dòng dõi họ Nguyễn Tiên Điền... Nếu không có ý thức kế tục, kế thừa và phát triển những truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của các thế hệ đi trước thì hẳn sẽ rất khó để có được những dòng họ, những dòng dõi lớn như vừa nêu.

Rất đáng chú ý là ngay trong chính Bài tựa Thế phả dòng họ Nguyễn Huy, khái niệm dòng họ cũng đã được xác định: "Nhiều người họp lại thành nhà. Nhiều nhà họp lại thành dòng họ. Tụ họp vô số nhà và dòng họ lại thành quốc gia, dân tộc" [159; 23].

Về vai trò của các dòng họ ở Việt Nam, khi khảo sát vùng đất An Tĩnh những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Le Breton trong An Tĩnh cổ lục đã có kết luận: "Những tư liệu ấy rất quý đối với lịch sử Đại Việt trong tất cả mọi lĩnh vực… Tất cả những ai muốn đúc kết lại lịch sử tổng quát của nước Đại Việt (gồm cả Đàng Ngoài và Đàng Trong) sẽ phải khảo cứu những quyển sử đó của các dòng họ lớn..." [53; 45]. Nguyễn Hiệt Chi khi đánh giá vai trò của dòng họ đã cho rằng "Gia tộc, là cơ sở đầu tiên của một quốc gia vậy" [12; 208].

Trong quá trình phát triển, các dòng họ có vai trò rất quan trọng đối với chính mỗi cá nhân, gia đình thuộc dòng họ. Nhiều dòng họ thậm chí còn có ảnh hưởng rất lớn đối với mỗi làng xã, mỗi vùng miền và cả với lịch sử dân tộc. Dòng họ là một thể thống nhất, dù là các thành viên có khác nhau về địa phận cư trú vẫn tìm về một nguồn gốc, do đó dòng họ có vai trò rất quan trọng trong giáo

dục truyền thống. Lịch sử Việt Nam trước đây, từng “phải chép theo triều đại, tức là chép theo dòng họ. Từ họ Khúc cho đến họ Nguyễn, sự suy thịnh của các dòng họ đã viết cho Việt Nam những trang sử bi hùng…" [80; 145]. Vũ Ngọc Khánh cho rằng: "Tùy mức độ khác nhau, nhưng dòng họ nào cũng có được những trường hợp đặc biệt, có ảnh hưởng lớn. Đó là sự ra đời của những nhân vật kiệt xuất, những nhân tài của đất nước hay của địa phương ở một chặng thời gian nào đó. Đất nào cũng có anh hùng và đều người con của một gia đình, một dòng họ. Người đó sẽ làm vinh dự cho dòng họ. Toàn thể họ hàng và dân chúng sẽ hướng về để tôn vinh, tự hào. Rồi từ con người này sẽ phát huy tính tích cực của cả dòng họ ấy. Tùy theo hoàn cảnh và thực lực, dòng họ ấy sẽ được quý tộc hóa, hoặc trí thức hóa, chuyên môn hóa… để bảo vệ thanh danh, tiếp tục những phẩm chất tốt đẹp do nhân vật kiệt xuất kia để lại" [80; 139].

Có thể nói, trong quá trình hình thành và phát triển, từng dòng họ đều cố gắng tạo lập cho mình những đặc điểm, bản sắc riêng, hòa chung với dòng chảy của văn hóa làng, văn hóa dân dộc, tạo nên văn hóa dòng họ, văn hóa họ tộc.

Văn hóa dòng họ là một thành tố quan trọng trong cơ cấu xã hội truyền thống ở Việt Nam nói chung, Bắc Bộ và Bắc Trung bộ nói riêng. Dòng họ, đặc biệt là dòng họ khoa bảng có vai trò, vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục của đất nước. Di sản văn hoá dòng họ thường được sản sinh, tái tạo, lưu giữ trong các dòng họ lớn, dòng họ văn hoá, dòng họ văn hiến. Trần Quốc Vượng cho rằng khả năng di truyền văn hoá chỉ được “nghiệm sinh đúng ở các dòng họ văn hiến” [195; 159]. Theo Võ Hồng Hải, "Văn hoá dòng họ là một dạng thức của văn hoá dân tộc, một tiểu hệ thống văn hoá chứa đựng toàn bộ những giá trị văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần và tâm linh do các dòng họ sản sinh ra trong quá trình hình thành và phát triển. Các giá trị đó, cả giá trị cấu trúc và giá trị chức năng, chẳng hạn như tính cố kết cộng đồng, sự trao truyền và nhập thân văn hoá giữa các thế hệ, sự giao tiếp, ứng xử cá nhân trong gia đình và dòng họ, những biểu trưng, quy ước, lễ nghi, phả hệ... được thể hiện trong các mối quan hệ đa chiều: giữa dòng họ với làng xã, với vùng miền, quốc gia, giữa dòng họ với gia đình và cá nhân thuộc dòng họ và khác dòng họ" [52; 25].

Về vai trò của văn hóa dòng họ đối với lịch sử dân tộc, Phạm Đức Dương cho rằng: “Văn hóa dòng họ chiếm một vị trí hết sức quan trọng ở nước ta. Dòng họ không chỉ giúp chúng ta nhận thức sâu hơn về văn hóa gia đình và làng xóm (như thiết chế cộng đồng, đời sống tâm linh, môi trường giáo dục con người...), mà dòng họ còn đóng vai trò hình thành văn hóa dân tộc, nơi sản sinh và lưu truyền những giá trị văn hóa, những gương mặt tiêu biểu. Đó là những danh gia vọng tộc liên quan đến sự hưng vong của các triều đại, đến vận mệnh quốc gia” (dẫn theo Phạm Quang Ái) [7; 9].

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, văn hóa Việt Nam hình thành, phát triển và tạo dựng nên nhiều giá trị riêng, độc đáo và đặc sắc. Cội nguồn của nền văn hóa Việt Nam khởi nguồn từ văn hóa dòng họ, văn hóa làng xã. Ở mỗi vùng miền của đất nước, mỗi dòng họ có những đặc trưng riêng, từ đó hình thành nên văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ và nhân cách con người. Nhân cách người Việt được hình thành trên nền tảng văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ và được bồi dưỡng, phát triển dựa trên nền tảng môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, đối với các danh gia vọng tộc như họ Nguyễn Huy Trường Lưu, dòng họ lại càng có vai trò, vị thế quan trọng. Trần Từ cho rằng "Đặc điểm của những họ đại khoa này là bao gồm nhiều thành viên đỗ đạt cao qua một số thế hệ. Nhiều người trong họ đỗ đạt cao, tất trong họ có nhiều quan lại và nhiều người giàu có… nghĩa là có đủ uy thế và tài sản để phát huy ảnh hưởng của tập thể tông tộc trong sinh hoạt làng xã… Đặc điểm thứ hai, hệ quả của đặc điểm thứ nhất: vì ảnh hưởng của giáo dục Nho học, nhà Nho được nhấn mạnh trong họ đại khoa, mà hạt nhân tinh thần thường là bậc khoa bảng có vai vế cao trong họ… Với hai đặc điểm trên, họ đại khoa tuy không được thiết chế hóa, nhưng thường đóng một vai trò rất to lớn trong làng, trong xã, ảnh hưởng đến mọi quyết định của chính quyền ở cấp xã, nhất là khi mà chính quyền này chủ yếu nằm trong tay của con em tập thể tông tộc ấy, và khi mà những nhà khoa bảng lớn nhất trong tập thể tông tộc lại có quan hệ bạn bè với quan lại các cấp trong vùng" [208; 150].

Như vậy, nếu quan niệm rằng dòng họ là một thiết chế xã hội tập hợp những người cùng huyết thống, có cùng tổ tiên, được cố kết và phát triển qua cộng đồng thì trong quá trình phát triển của mình, nó đã sản sinh, xây dựng, hun

đúc nên các giá trị văn hoá, đóng góp vào thành tựu văn hoá làng xã, vùng miền, quốc gia và nhân loại. Có thể thấy rất rõ là luôn có một mạch nguồn văn hoá dòng họ trong dòng chảy văn hoá làng, văn hoá vùng miền, văn hoá quốc gia, văn hoá nhân loại. Văn hóa làng “vì thế có thể nói, chủ yếu là văn hóa của dòng họ… Vậy là trong văn hóa dân tộc, có văn hóa làng và có văn hóa họ tộc" [80; 141].

Đây cũng là quan niệm mang tính tiền đề lý luận cho những nghiên cứu về di sản văn học từ góc nhìn văn hóa của luận án.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) di sản văn học của dòng văn trường lưu (hà tĩnh) từ góc nhìn văn hóa (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(196 trang)
w