III. HÌNH THỨC NHÀ NƯỚC TƯ SẢN
2. Hình thức cấu trúc nhà nước tư sản
Nhà nước Tư sản có các hình thức cấu trúc sau: Hình thức liên bang và hình thức đơn nhất.
Hình thức cấu trúc liên bang là sự hợp thành từ nhiều bang thành viên, song mỗi thành viên của liên bang không có đầy đủ các dấu hiệu của một nhà nước độc lập. Mặc dù mỗi thành viên đều có lãnh thổ riêng, hiến pháp riêng, hệ thống chính quyền riêng song bang không có chủ quyền quốc gia riêng (không là chủ thể của luật pháp quốc tế). Nhà nước liên bang có hiến pháp riêng, hệ thống pháp luật riêng, có giá trị tối cao so với hiến pháp và pháp luật của các bang thành viên. Đồng thời trong nhà nước liên bang tồn tại một chế độ hai quốc tịch đối với mỗi công dân. Trong hình thức cấu trúc nàh nước liên bang, về mặt nguyên tắc, các thành viên không có quyền tách khỏi nhà nước liên bang.
Nhà nước đơn nhất là hình thức cấu trúc phổ biến của các nhà nước tư sản. Nhà nước đơn nhất có những dấu hiệu đặc trưng:
- Có hiến pháp và hệ thống pháp luật thống nhất;
- Hệ thống cơ quan nhà nước ở trung ương thống nhất (cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp);
- Có chủ quyền lãnh thổ thống nhất; - Có quốc tịch thống nhất;
- Các cơ quan chính quyền địa phương tổ chức và hoạt động theo quy định chung của chính quyền trung ương.
Tuy nhiên, khi xem xét hình thức cấu trúc nhà nước đơn nhất tư sản cần chú ý một số biểu hiện cụ thể trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước địa phương. Trong một số nước, xu hướng tập trung quyền lực về trung ương được coi trọng. Các cơ quan chính quyền địa phương phục tùng tuyệt đối quyền lực nhà nước trung ương. Nhà nước cử đại diện của mình về địa phương trực tiếp quản lý mọi mặt hoạt động ở đây. Hoặc một số nước mặc dù có bầu ra các cơ quan chính quyền địa phương bên cạnh đại diện của trung ương, song hoạt động của các cơ quan này đặt dưới sự kiểm soát của các đại diện do trung ương cử về. Hình thức này tồn tại ở Nhật Bản và Pháp.
Một số nước lại thực hiện nguyên tắc tản quyền trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương. Tại các nước này xuất hiện dấu hiệu sự tự trị của chính quyền địa phương. Cơ quan quyền lực địa phương do nhân dân bầu ra hoạt động theo nguyên tắc tự quản. Nhà nước gián tiếp kiểm soát hoạt động của các cơ quan địa phương, hình thức này được áp dụng ở một số địa phương của Anh, Tân Tây Lan, Pháp, Tây Ban Nha.
Ngoài hai hình thức cấu trúc trên, trong lịch sử của nhà nước tư sản còn tồn tại một kiểu cấu trúc nhà nước khác là liên minh giữa các quốc gia, như liên minh ở Mỹ từ 1776 - 1787, Đức đến 1867, Thụy Sỹ 1848; nhà nước liên minh là sự kết hợp các quốc gia có chủ quyền, nhằm giải quyết một số vấn đề nào đó trong một khoảng thời gian nhất định. Xét dưới góc độ khoa học pháp lý, nhà nước liên minh có cơ cấu tổ chức không chặt chẽ và chỉ gây ảnh hưởng mang tính quyền lực đối với các nước thành viên trong một số lĩnh vực nhất định. Hiện nay, đáng chú ý là Liên minh Châu Âu.