- Cần duy trì cảm xúc tích cực đối với các thành viên trong nhà trường:
b. Đối với đội ngũ giáo viên
4.4.2.1. Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo viên chủ nhiệm lớp quyết định sự thành công trong công tác giáo dục học sinh, đó là phải hiểu đối tượng giáo dục. Đây là việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng rất khó khăn và phức tạp. Bởi lẽ, học sinh ở lứa tuổi phát triển khá nhanh về tâm, sinh lý. Mỗi học sinh có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Vậy, giáo viên chủ nhiệm lớp làm thế nào để có thể nắm bắt được những biến đổi của học sinh để kịp thời có những tác động giáo dục thích hợp. Do vậy, cần phải nâng cao năng lực tìm hiểu đối tượng giáo dục cho giáo viên chủ nhiệm lớp bằng cách cải tiến việc tìm hiểu học sinh, tiếp cận cách giáo dục trên cơ sở tôn trọng nhân cách của các em.
Muốn giáo dục được học sinh, muốn cảm hóa được các em thì bản thân người thầy phải sống cuộc sống hòa nhập với các em, phải nắm bắt được những diễn biến tâm lý, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng cùng những động cơ và xu hướng phát triển của các em. Để nâng cao năng lực hiểu biết đối tượng giáo dục, giáo viên chủ nhiệm lớp trước hết phải nắm chắc những thông tin cơ bản về học sinh của mình. Từ những thông tin thu thập được, giáo viên chủ nhiệm cần tiến hành một số thao tác như:
- Phân loại học sinh theo trình độ học vấn, về hạnh kiểm;
- Phân loại học sinh theo các dấu hiệu khác như: khả năng văn nghệ, thẩm mỹ, thể dục thể thao, mối quan hệ, xu hướng, sở thích,…;
- Tiến hành những thử nghiệm tìm hiểu học sinh;
-Trò chuyện, trao đổi với học sinh, với các lực lượng giáo dục khác mà trước hết là giáo viên chủ nhiệm năm học cũ (nếu có), giáo viên bộ môn, Bí thư Đoàn trường, Lãnh đạo nhà trường;
- Trao đổi có tính chất chuyên đề trong hội đồng giáo dục nhà trường,..