PHẦN 3: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu SKKN một số CÁCH làm tạo HỨNG THÚ CHO học SINH TRÌNH bày cảm NHẬN của MÌNH về một số tác PHẨM THƠ TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ văn lớp 11 (Trang 31 - 33)

3.1. Kết luận

Một yêu cầu có tính chất quyết định đến hiệu quả dạy học là phải đi từ học sinh, vì học sinh. Quan điểm dạy học lấy học sinh làm trung tâm là phải chú trọng đến vai trò của người học trong quá trình học tập. Học sinh phải là chủ thể tích cực trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Chính vì vậy mà chúng ta không thể dạy theo lối áp đặt, nhồi nhét kiến thức và vấn đề quan trọng là phải tìm cách tác động và khơi gợi nhu cầu nhận thức, nhu cầu được thể hiện mình của mỗi học sinh. Hứng thú là điều kiện và cũng chính là động lực thúc đẩy con người vươn lên làm chủ kiến thức. Với người học, hứng thú giúp phát huy tính tích cực, chủ động, thúc đẩy khát vọng sáng tạo ở mỗi người. Có hứng thú học tập, học sinh sẽ nỗ lực nhiều hơn và tự điều chỉnh hoạt động học tập của mình để đạt được kết quả cao nhất. Chính vì thế tạo hứng thú cho học sinh là con đường ngắn nhất để đưa đến những thành công trong dạy học.

Hứng thú trong những giờ dạy học văn, nhất là giờ Đọc - hiểu văn bản thơ là rất quan trọng. Chất lượng của một giờ học có liên quan chặt chẽ đến tinh thần, thái độ, động cơ học tập của học sinh và nghệ thuật tổ chức giờ học của giáo viên. Bên cạnh sử dụng phương pháp dạy học mang tính đặc trưng của bộ môn Ngữ văn, giáo viên cũng nên vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để phát triển tư duy, tăng sự hứng thú trong mỗi tiết học. Những cách làm như hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu những tài liệu liên quan đến tác giả, tác phẩm, vẽ tranh minh họa theo cảm nhận, đọc diễn cảm, viết đoạn văn cảm nhận, bài văn cảm nhận đã tạo được hứng thú cho học sinh trình bày cảm nhận của mình về một số tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn lớp 11.

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ áp dụng cho khối THPT từ năm học 2022 - 2023 với lớp 10. Mục tiêu của chương trình Ngữ văn đặt ra là góp phần giúp học sinh hình thành những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi, là hành trang để các em thực hiện thành công quá trình hội nhập của bản thân, là phương tiện để thích ứng với đổi thay. Chúng ta kỳ vọng rằng, với sự nỗ lực của cả thầy và trò cùng toàn ngành giáo dục, môn Ngữ văn trong nhà trường THPT sẽ góp phần giúp mỗi học sinh đề cao tính độc lập trong tư tưởng, cao đẹp trong tâm hồn và có ích trong đời sống. Như thế có nghĩa là môn Ngữ văn sẽ không bao giờ mất đi vai trò và vị thế của mình trong đời sống xã hội. Bởi suy cho cùng học văn là để học làm người.

Sau một thời gian nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ của đề tài, bản thân nhận thấy đề tài đã đạt được một số kết quả như sau: Góp phần nắm vững một số cơ sở lý luận có liên quan: Hứng thú, hứng thú học tập; phương pháp dạy học, giáo dục

kỹ năng, rèn luyện phẩm chất, năng lực của người học; Đánh giá được thực trạng việc dạy học Ngữ văn phần Đọc - hiểu tác phẩm thơ trong chương trình trung học phổ thông. Đặc biệt là nâng cao ý thức, thái độ của học sinh trong giờ học trực tiếp hay trực tuyến. Tình trạng học sinh lười tư duy, suy nghĩ và ngại nói lên cảm nhận của mình (dần dần tự thu mình lại) đã có nhiều thay đổi tích cực; Đề tài đã đưa ra nhiều cách làm hiệu quả để giải quyết được một số vấn đề nêu ra trong thực trạng, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh và phù hợp với thực tế dạy học trong tình hình dịch bệnh hiện nay;

Thực tế giảng dạy khi sử dụng những cách làm đã trình bày trong đề tài đã thu được những kết quả khả thi: những giờ học văn, nhất là một số tác phẩm thơ trong chương trình đã có sự tương tác rất lớn giữa giáo viên và học sinh, học sinh làm việc nhiều hơn, tích cực hơn, sáng tạo hơn. Việc giao bài cho học sinh ở lớp hay ở nhà cũng trở nên nhẹ nhàng hơn và ý thức thái độ tiếp nhận cũng học sinh cũng chủ động hơn. Học sinh được khám phá những năng lực sẵn có của bản thân mà với môn học khác thì khó được thể hiện. Học sinh được rèn luyện nhiều kĩ năng tích cực góp phần hoàn thiện bản thân hơn.

Những cách làm được trình bày có thể được áp dụng dễ dàng trong các giờ học, áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng học sinh, không hề tốn kém mà hiệu quả, khẳng định giả thuyết khoa học của đề tài là đúng đắn.

3.2. Kiến nghị

Trên cơ sở kết quả đạt được của đề tài này, kính đề nghị giáo viên bộ môn áp dụng và tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi, hoàn chỉnh nội dung. Giáo viên tiếp tục vận dụng và bổ sung thêm những cách làm mới, sáng tạo giúp cho giờ Đọc - hiểu văn bản thơ trở nên nhẹ nhàng mà vẫn hiệu quả để nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, khai thác tiềm năng, phát triển tư duy, hoàn thiện nhân cách cho các em ở lứa tuổi trung học phổ thông rất quan trọng này.

Một phần của tài liệu SKKN một số CÁCH làm tạo HỨNG THÚ CHO học SINH TRÌNH bày cảm NHẬN của MÌNH về một số tác PHẨM THƠ TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ văn lớp 11 (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(34 trang)