Sau vụ gây rối năm 2001, chúng ta đã có nhiều biện pháp để ổn định tình hình. Nhưng sau 3 năm vụ việc tiếp tục lặp lại, thậm chí hoạt động còn chặt chẽ hơn, tính chất hung hãn hơn.
- Bài học đầu tiên là sự mất cảnh giác và chủ quan. Chúng ta đã để các phần tử xấu lợi dụng được. Điều này cần phải nghiêm khắc nhìn nhận và kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
- Thứ hai là trong thời gian qua, công tác tuyên truyền của chúng ta còn hạn chế. Tại sao các thế lực xấu dựa vào kinh tế để tuyên truyền, trong khi chính chúng ta đã đem lại những đổi thay, điều kiện tốt cho bà con mà bà con vẫn không thấy được? Rõ ràng công tác tuyên truyền của chúng ta còn những điểm phải xem xét và củng cố lại.
- Thứ ba là công tác cán bộ của ta còn yếu, chưa nói là chưa được coi trọng. Trình độ cán bộ cơ sở ta còn hạn chế. Trong khi đó cơ sở là “cái túi đựng”, bao nhiêu công việc của đất nước đều thực hiện ở đó. Lẽ ra người trực tiếp thực hiện công việc phải là người vững vàng về chuyên môn, phải qua đại học, phải nắm được kiến thức, khoa học kỹ thuật để hỗ trợ hướng dẫn nông dân sản xuất, biết tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, thì đằng này cán bộ ta có nơi vẫn còn chưa hết bậc tiểu học. Cán bộ ta không học, không biết tiếng dân tộc cũng là một hạn chế. Làm sao hiểu được tâm tư tình cảm của bà con để có thể sẻ chia, giúp đỡ khi không biết nói tiếng của đồng bào? Bài học về sử dụng cán bộ là một bài học quý báu cho những người làm công tác chính quyền. Lẽ ra trong tình hình như năm 2001, ta phải cử cán bộ am hiểu về chính trị, am hiểu đường lối của Đảng, Nhà nước về cơ sở, để tuyên truyền cho đồng bào, đằng này lại đưa những cán bộ không liên quan gì đến công tác tuyên truyền vận động. Đưa cán bộ thể thao, cán bộ văn hoá thông tin, thanh niên xuống để tập trung hướng dẫn đá bóng, tập văn nghệ, không hề hiệu quả! Riêng Đăk Nông mà
trước đó là tỉnh Đăk Lăk, đã tự nhìn nhận đánh giá, đó là việc làm hình thức, kiểu phong trào, cần phải rút kinh nghiệm.
- Một sơ suất nữa, cũng là bài học sâu sắc, là chúng ta đã tin vào việc làm của cán bộ cơ sở. Một mâu thuẫn là trong khi ta vẫn biết cán bộ cơ sở rất yếu, nhưng khi cơ sở báo gì thì ta chấp nhận vậy, không có động tác kiểm tra, thẩm định.
Vụ bạo loạn ở Tây Nguyên vừa qua là “một bài học sâu sắc cho những người làm công tác chính quyền về sử dụng cán bộ cơ sở”
KẾT LUẬN
Nhìn chung, các điểm nóng xã hội và điểm nóng chính trị – xã hội thường hay phát sinh vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế – xã hội hoặc chính trị – xã hội. Điểm nóng đã từng xuất hiện ở nước ta trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế – xã hội và đang tiếp tục diễn ra trong giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Khi có một tình huống chính trị xảy ra, chúng ta cần phân tích từ nhiều khía cạnh, để từ đó tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp xử lý. Những giải pháp cho xử lý tình huống chính trị phải tìm từ trong thực tiễn. Mỗi tình huống chính trị ở mỗi nơi, mỗi lúc lại rất khác nhau. Thông thường, mỗi nhiệm vụ, mỗi tình huống đặt ra từ thực tiễn cũng nảy sinh những biện pháp giải quyết từ chính thực tiễn ấy.
Lý luận đóng vai trò là quan điểm và phương pháp luận. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ địa phương khác chỉ có giá trị tham khảo để giúp chúng ta tìm ra giải pháp nhanh và chính xác hơn. Để nhận thức và tìm ra giải pháp đúng còn phụ thuộc vào sự từng trải và sự mẫn cảm chính trị của người cán bộ lãnh đạo chính trị.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện ra các giải pháp không phù hợp cần phải tiến hành điều chỉnh hoặc là chuyển sang phương án khác. Thậm chí, cần phải chuẩn bị cả phương án bất đắc dĩ để đề phòng những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhà nước Việt Nam sẽ ngày càng được xây dựng, tổ chức hoàn thiện hơn, hoạt động hiệu quả hơn, thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân, góp phần tạo dựng môi trường chính trị ổn định để phát triển kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Không để xảy ra các điểm nóng gây ra mất ổn định cho xã hội và cuộc sống của nhân dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tập thể tác giả, Chính trị học đại cương, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.
2. Tập bài giảng xử lý tình huống chính trị, Học viện báo chí và tuyên truyền, Hà Nội, 2008.
3.Giáo trình lý luận chung Nhà nước và Pháp luật, tập 1: NXB Lý luận chính trị, Hà Nội, 2004.
4. Trần Hữu Thành, Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. NXB Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005.
5. Nguyễn Văn Yểu, bài viết “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước”. Tạp chí cộng sản, số 20, tháng 10/2005.
6. Lưu Văn Sung, Một số điểm nóng chính trị – xã hội điển hình tại các vùng đa dân tộc ở miền núi trong những năm gần đây – Hiện trạng, vấn đề, các bài học kinh nghiệm trong xử lý tình huống (Sách chuyên khảo), NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2008.