Khung sinh kế bền vững

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Ứng phó của nông dân với quá trình đô thị hóa ở xã Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (Trang 25 - 28)

Chƣơng 1 : TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT

1.2. Cơ sở lý thuyết

1.2.2. Khung sinh kế bền vững

Khung sinh kế bền vững (sustainable livelihood approaches) là một phương pháp tiếp cận toàn diện về các vấn đề phát triển thông qua việc nhấn mạnh đến thảo luận sinh kế của con người, có nguồn gốc từ các nghiên cứu phát triển liên quan đến đói nghèo và giảm nghèo và được thúc đẩy bởi Bộ Phát triển Quốc tế Anh (Department for International Development – DFID). Khung sinh kế bền vững đặt con người ở vị trí trung tâm để xem xét cách thức mà họ sử dụng sinh kế của mình trong việc thích nghi và ứng phó trước các tác động hoặc thúc đẩy tiềm lực sẵn có trong các bối cảnh khác nhau [50, tr.4].

Trong khung sinh kế bền vững, đất đai được coi là một tài sản tự nhiên rất quan trọng đối với sinh kế nông thôn. Quyền đất đai đóng một vị trí quan trọng về nhiều mặt và tạo cơ sở để người nông dân tiếp cận các loại tài sản khác và những sự lựa chọn sinh kế thay thế. Và nó cũng thừa nhận rằng, các chính sách, thể chế và

quá trình có ảnh hưởng đến sự tiếp cận và việc sử dụng các tài sản mà cuối cùng chúng đều ảnh hưởng đến sinh kế [50, tr.4].

Sinh kế của con người được phân tích dưới góc độ sở hữu và tiếp cận các loại vốn hay tài sản vốn. Sinh kế (livelihood) bao gồm các khả năng, các tài sản (bao gồm cả các nguồn lực vật chất và xã hội) và các hoạt động cần thiết để kiếm sống. Một sinh kế được coi là bền vững khi nó có khả năng ứng phó và phục hồi trước các tác động hay có thể thúc đẩy các khả năng và tài sản ở cả thời điểm hiện tại và trong tương lai trong khi không làm xói mòn nền tảng của các nguồn lực tự nhiên [50, tr.5]. Khung sinh kế bền vững cho rằng con người dựa vào năm loại tài sản vốn hay hình thức vốn để giảm nghèo và đảm bảo an ninh sinh kế của mình. Năm loại vốn này bao gồm:

Vốn vật chất (physical capital): bao gồm cơ sở hạ tầng và các loại hàng hóa mà người sản xuất cần để hậu thuẫn sinh kế. Vốn tài chính (finacial captial): là các nguồn lực tài chính mà con người sử dụng để đạt được các mục tiêu sinh kế của mình. Vốn xã hội (social capital): là các nguồn lực xã hội mà con người sử dụng để theo đuổi các mục tiêu sinh kế, bao gồm quan hệ, mạng lưới, thành viên nhóm, niềm tin, sự phụ thuộc lẫn nhau và trao đổi cung cấp các mạng an ninh phi chính thống quan trọng. Vốn con người (human capital): đại diện cho các kỹ năng, tri thức, khả năng làm việc và sức khỏe tốt, tất cả cộng lại tạo điều kiện giúp con người theo đuổi các chiến lược sinh kế khác nhau và đạt được các mục tiêu sinh kế. Vốn tự nhiên (natural capital): là tất cả các vật chất (nguyên vật liệu) tự nhiên để tạo dựng sinh kế. Nguồn lực tạo thành vốn tự nhiên bao gồm cả các nguồn lực đất đai.

Liên quan đến năm loại vốn này, đã bùng nổ một cuộc tranh luận giữa các học giả trong và ngoài nước về việc loại vốn nào có vai trò quan trọng hơn trong việc giúp các hộ gia đình nông dân tăng cường sinh kế bền vững của mình. Một số nhà nghiên cứu chứng minh đất và rừng có một vị trí quan trọng trong sinh kế nông dân. Trong khi những người khác lại đánh giá cao nguồn vốn xã hội, hoặc vốn tự nhiên, vốn con người...trong chiến lược sinh kế của các hộ gia đình.

Như khẳng định của tác giả Nguyễn Văn Sửu, khung sinh kế bền vững có vai trò quan trọng trong việc: “giúp chúng ta hiểu được việc con người sử dụng các loại vốn của mình có để kiếm sống, thoát nghèo, hay tránh bị rơi vào đói nghèo như thế nào, vì nó không chỉ minh họa các chiến lược tìm kiếm thu nhập, mà nó còn phân tích và lý giải về việc tiếp cận, sử dụng và phân phối các nguồn lực mà các cá thể và hộ gia đình sử dụng để biến các nguồn lực đó thành sinh kế” [50, tr.10].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Ứng phó của nông dân với quá trình đô thị hóa ở xã Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)