Vài nét về ODA Nhật Bản

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản cho các nước Đông Nam Á từ sau chiến tranh lạnh đến nay (Trang 38 - 44)

1.1.1 .Lịch sử hình thành ODA

1.2 Vài nét về ODA Nhật Bản

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản hầu như không còn tham gia vào các hoạt động quốc tế. Tuy nhiên với sự phục hồi nhanh về kinh tế, Nhật Bản dần dần muốn thể hiện vai trò quốc tế của mình và ODA là kênh quan trọng cho phép Nhật Bản thực hiện điều đó. ODA của Nhật Bản là một trong các hình thức hợp tác kinh tế mà Nhật Bản dành cho các nước đang phát triển. Sự phát triển của ODA Nhật Bản bắt đầu từ năm 1954 cho tới nay là một quá

trình liên tục và gắn liền với những thay đổi trong chính sách viện trợ cũng như sự biến động của thế giới. ODA Nhật Bản phát triển qua 4 giai đoạn:

a, Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1963

Trong giai đoạn này, Nhật Bản thực hiện các khoản bồi thường chiến tranh cho các nước Myanmar, Philippines… nhưng chính xác thì Nhật Bản bắt đầu cung cấp ODA cho Châu Á từ năm 1958 bằng khoản tín dụng ưu đãi dành cho Ấn Độ. Đầu những năm 60, Nhật Bản bắt đầu mở rộng chương trình hợp tác phát triển và nhanh chóng trở thành một thành viên quan trọng của cộng đồng tài trợ quốc tế. Năm 1960, Nhật Bản là một trong 9 nước thành viên của Nhóm Hỗ trợ phát triển (sau nhóm này được tổ chức lại thành Uỷ ban Hỗ trợ Phát triển (DAC) của OECD vào năm 1961).

b, Giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1976

Trong giai đoạn này, mở rộng viện trợ cả về quy mô cũng như hình thức viện trợ là đặc điểm chính của ODA Nhật Bản. Năm 1964, Nhật Bản gia nhập Tổ chức OECD. Năm 1966, Nhật Bản góp phần quan trọng vào sự thành lập Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) với số vốn góp ban đầu là 200 triệu USD, tương đương với mức đóng góp của Mỹ. Việc thành lập tổ chức JICA vào năm 1974 cho thấy sự trưởng thành về chất của ODA Nhật Bản. Cũng từ đây, hợp tác kỹ thuật của Nhật Bản được mở rộng và do JICA thực hiện.

c, Giai đoạn từ năm 1977 đến năm 1988

Thời kỳ này, ODA Nhật Bản phát triển trên cơ sở các kế hoạch được đặt ra với mục tiêu tăng nhanh dần khối lượng và chất lượng ODA và mang tính hệ thống. Nhật Bản đã đa dạng hoá nguồn ODA theo nhiều lĩnh vực: phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…; theo nhiều khu vực địa lý: Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, khu vực Thái Bình Dương.

Từ năm 1989, Nhật Bản luôn là một trong những nhà tài trợ song phương lớn nhất thế giới. Sau khi thanh toán xong khoản nợ cho Ngân hàng Thế giới vào năm 1990, Nhật Bản đã trở thành nhà tài trợ ODA đứng đầu thế giới. Từ đây, Nhật Bản luôn giữ vai trò chính trong các hội nghị, công ước quốc tế và khu vực về phát triển hợp tác kinh tế, thúc đẩy hoà bình. Sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử ODA của Nhật Bản là việc nội các Nhật Bản quyết định phê chuẩn Hiến chương ODA của Nhật Bản vào ngày 30/6/1992. Hiến chương này nói lên chính sách viện trợ dài hạn, trong đó nêu rõ cơ sở của ODA Nhật Bản là sự giúp đỡ cho những nỗ lực của các nước đang phát triển trong việc tăng trưởng kinh tế dựa trên lý do nhân đạo, công nhận tính chất độc lập của các cộng đồng quốc tế và gìn giữ môi trường.

ODA Nhật Bản do các cơ quan chính phủ hoặc các cơ quan đại diện chính thức thực thi, với mục đích đặt ra là nhằm phục vụ sự tăng trưởng kinh tế – xã hội cho các nước đang phát triển, đồng thời giảm bớt các gánh nặng đang đè lên vai các nước này. Mục tiêu viện trợ ODA của Nhật Bản được thể hiện rõ trong Hiến chương về Viện trợ phát triển chính thức:

- Nhằm tăng cường mối liên kết giữa các quốc gia để giải quyết những vấn đề như nghèo đói, môi trường, xung đột sắc tộc… và tăng cường đoàn kết, hợp tác giữa các nước (đặc biệt là các nước đang phát triển ở Châu Á).

- Viện trợ để tạo điều kiện cho các nước vươn lên đạt mức tự phát triển. - Khôi phục vị trí và uy tín của Nhật Bản trong khu vực Châu Á và trên thế giới.

Vì những mục đích trên, ODA Nhật Bản cung cấp phải được “sử dụng tốt tại các nước thông qua việc phát triển rộng rãi nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội bao gồm cả hệ thống trong nước và thông qua những

nhu cầu cơ bản của con người một cách thích hợp” (trích trong Hiến

Cũng theo Hiến chương ODA, viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản được cung cấp dựa trên những nguyên tắc sau:

- Vấn đề môi trường là một ưu tiên trong chính sách viện trợ của Nhật Bản. Việc cung cấp và sử dụng nguồn vốn ODA phải quan tâm tới việc giữ gìn và phát triển môi trường.

- ODA chỉ được cung cấp và sử dụng cho những mục tiêu phi quân sự và không tạo ra tranh chấp quốc tế. Mục đích cơ bản của viện trợ ODA là giúp phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội ở những nước đang phát triển. Vì vậy, những đóng góp mang tính chất viện trợ không được sử dụng cho những mục đích quân sự.

- ODA được cung cấp cần phải chú ý tới chiều hướng trong các khoản chi tiêu quân sự của các nước tiếp nhận viện trợ cũng như việc sản xuất, phát triển những vũ khí mang tính huỷ diệt hàng loạt, việc xuất, nhập khẩu các loại vũ khí.

- Phải đặc biệt chú ý đến những nỗ lực nhằm phát huy công cuộc dân chủ hoá và phát triển nền kinh tế mang tính thị trường với việc đảm bảo nhân quyền tại các nước tiếp nhận viện trợ.

Hai nguyên tắc cuối cùng được xây dựng khi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh và sự cải tổ tại những nước Trung và Đông Âu diễn ra. Điều đó cho thấy sự gia tăng quan tâm của Nhật Bản đối với các vấn đề như mở rộng hoạt động quân sự, khuyến khích dân chủ hoá và phát triển kinh tế thị trường tại các nước tiếp nhận việc trợ.

Không giống với ODA của các nước khác trên thế giới, ODA Nhật Bản có nhiều loại khác nhau. Nếu phân chia theo chất lượng thì có ODA không hoàn lại và ODA có hoàn lại; nếu phân chia theo loại hình thì có ODA song phương và ODA đa phương. ODA song phương có các hình thức: viện trợ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay ưu đãi như sơ đồ dưới đây:

+ Viện trợ (Grant Aid) là hình thức ODA không phải hoàn trả lại, được cấp cho các nước đang phát triển để giải quyết nhu cầu cơ bản của con người, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Bộ ngoại giao Nhật Bản (MOFA) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế của Nhật Bản (JICA) chịu trách nhiệm thực hiện loại ODA này.

+ Hỗ trợ kỹ thuật (Technical Cooperation) hướng tới phát triển nguồn nhân lực và xây dựng trường học thông qua việc chuyển giao tri thức và công nghệ. Hình thức này bao gồm: cử chuyên gia Nhật Bản làm việc cho nước tiếp nhận, giúp nước tiếp nhận ODA đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, cử các tình nguyện viên và hỗ trợ các dự án liên quan đến các lĩnh vực trên. JICA là cơ quan được giao thực thi loại hình ODA này.

+ Vốn vay ưu đãi (ODA Loans): bằng đồng Yên Nhật, có các nước đang phát triển vay với lãi suất thấp (thường từ 0,75% đến 2%) và thời hạn chi trả dài. Mục đích là giúp các nước tiếp nhận phát triển kinh tế – xã hội và hạ tầng cơ sở. Ngân hàng Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản (JBIC) được giao thực thi loại hình ODA này. ODA cho vay gồm các loại hình sau: tín dụng dự án, tín dụng dịch vụ kỹ thuật, tín dụng tài chính trung gian, tín dụng điều chỉnh cơ cấu, tín dụng hàng hoá và tín dụng phát triển ngành.

ODA đa phương là loại ODA Nhật Bản dành cho các tổ chức đa phương tham gia trợ giúp phát triển như: các tổ chức tài chính quốc tế và các cơ quan của Liên Hợp Quốc phụ trách các hoạt động kinh tế, xã hội và nhân văn. Bộ Tài chính và MOFA của Nhật Bản được giao thực thi ODA này.

ODA song phương (Bilateral ODA) Viện trợ Hỗ trợ kỹ thuật Vốn vay ưu đãi ODA đa phương (Mutilateral ODA)

Cơ cấu ODA của Nhật Bản chủ yếu tập trung cho ODA song phương và ODA song phương thì chủ yếu tập trung cho vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, do sự chỉ trích của các nước nên những năm gần đây Nhật Bản đã điều chỉnh chính sách theo hướng cân bằng giữa ODA song phương và ODA đa phương, giữa ODA không hoàn lại và ODA hoàn lại.

ODA Nhật Bản được gây dựng từ 3 nguồn: Ngân sách Nhà nước hàng năm; Chương trình đầu tư tài chính của Chính phủ và Các nguồn phụ thu từ công trái và các ngân khoản đặc biệt khác. Việc xây dựng chính sách ODA thường do 4 cơ quan chủ yếu đảm nhận: Bộ Ngoại giao (MOFA), Bộ Tài chính (MOF), Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế (MITI), Uỷ ban Kế hoạch Kinh tế (EPA); ngoài ra còn có sự tham gia của một số trong 12 bộ khác như Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Ngư nghiệp, Giao thông, Giáo dục… tuỳ theo tính chất cố vấn trong việc xây dựng chính sách ODA.

Nhật Bản thường dành trên 60% tổng số vốn ODA để ưu tiên cho 3 lĩnh vực: cơ sở hạ tầng hành chính – xã hội; cơ sở hạ tầng kinh tế và hỗ trợ sản xuất. Nhật Bản còn đặc biệt quan tâm tới nhiều vấn đề: cơ sở hạ tầng, môi trường toàn cầu, tốc độ tăng dân số quá nhanh, sự lan rộng của bệnh AIDS và vai trò hạn chế của phụ nữ ở các nước đang phát triển [15, 375].

Để nhận được viện trợ không hoàn lại, chính phủ Nhật Bản yêu cầu các đối tác phải thực hiện các bước sau đây:

- Nước chủ nhà đặt yêu cầu viện trợ với Đại sứ quán Nhật Bản.

- Trên cơ sở đề nghị của nước chủ nhà, Đại sứ quan Nhật Bản cung cấp dữ liệu và thông tin cho chính phủ Nhật Bản.

- Bộ Ngoại giao Nhật Bản thay mặt cho chính phủ Nhật Bản chuyển tới nước chủ nhà những đánh giá qua lời yêu cầu nhận được.

- Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan khác tư vấn, phối hợp với Bộ Ngoại giao để xem xét việc cấp ODA cho nước chủ nhà.

- Thông qua Đại sứ quán Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nhật yêu cầu nước chủ nhà đàm phán, thảo luận việc cung cấp và tiếp nhận, đồng thời Bộ Ngoại giao làm báo cáo gửi Chính phủ Nhật Bản.

- Nội các Nhật Bản ra quyết định về việc cấp viện trợ.

- Chính phủ Nhật Bản hướng dẫn Đại sứ quán Nhật Bản chuẩn bị công hàm trao đổi với nước chủ nhà.

- Đại sứ quán Nhật Bản trao đổi và ký kết công hàm với nước chủ nhà. Đối với các dự án được tài trợ bằng tín dụng ưu đãi: phía Nhật Bản yêu cầu nước đối tác phải có những dự án cụ thể, giải trình chi tiết những hạng mục sẽ sử dụng nguồn vốn vay. Sau khi được gửi đến Đại sứ quán Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét và cấp tài trợ, đồng thời yêu cầu nước đối tác phải có những báo cáo định kỳ trong thời gian dự án đi vào hoạt động.

Như vậy, thủ tục tiếp nhận ODA của Nhật Bản là khá chặt chẽ, đòi hỏi nước đối tác phải có những bước chuẩn bị kỹ và có kế hoạch dài hạn đảm bảo việc sử dụng ODA Nhật Bản một cách hiệu quả nhất.

1.3. VAI TRÒ CỦA ODA ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN

Với ưu thế lãi suất thấp, thời gian cho vay dài, ODA là nguồn vốn quan trọng giúp các nước tiếp nhận (nước đang phát triển) phát triển kinh tế, tăng cường phúc lợi xã hội và có ý nghĩa to lớn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản cho các nước Đông Nam Á từ sau chiến tranh lạnh đến nay (Trang 38 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)