Xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về xây dựng lực lượng cách mạng trong tiến trình vận động khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 (Trang 90 - 97)

4. Tư tưởng xây dựng lực lượng cách mạng của Hồ Chí Minh được

2.2.2. Xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng

Hồ Chí Minh coi trọng công tác xây dựng lực lượng vũ trang. Theo Người đây là một vấn đề rất quan trọng và cần kíp cho khởi nghĩa giành chính quyền. Vì rằng muốn có bạo lực cách mạng thì bên cạnh lực lượng chính trị hùng hậu cần phải có lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Ngay trong HNTƯ Đảng 5/1941, Người và Trung ương Đảng nêu rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải được kết liễu bằng cuộc khởi nghĩa võ trang” [123, tr. 113]. Do đó việc xây dựng lực lượng vũ trang thời kỳ này cũng là một yêu cầu quan trọng, của cách mạng Việt Nam.

Ngay từ năm 1940, khi còn hoạt động ở Trung Quốc, Người đã cử cán bộ đến liên hệ với phong trào cách mạng Trung Quốc để học tập kinh nghiệm xây dựng lực lượng đấu tranh quân sự. Người còn thiết lập quan hệ với lực lượng Tưởng Giới Thạch để cử cán bộ vào học các trường đào tạo sĩ quan quân sự, tranh thủ mua sắm vũ khí để chuẩn bị cho việc xây dựng lực lượng quân sự cách mạng trong nước.

Người đã mở lớp đào tạo cán bộ quân sự cho cán bộ địa phương tại Cao Bằng. Người còn trực tiếp soạn dịch, viết các tài liệu lý luận quân sự để làm tài liệu giảng dạy: Đường lối phương châm xây dựng lực lượng, cách đánh du kích, cách huấn luyện cán bộ quân sự. Từ 1941 - 1942, Người viết nhiều tài liệu quân sự: Chiến thuật du kích, kinh nghiệm du kích Nga, kinh nghiệm du kích Tàu, kinh nghiệm du kích Pháp, phép dùng binh của Tôn Tử... Người luôn nhắc nhở cán bộ học chính trị và “cố gắng học thêm quân sự” [85, tr. 44].

Nhằm xây dựng lực lượng cho Tổng khởi nghĩa, thực hiện sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn và chủ trương thành lập những đội du kích hoạt động phân tán, dùng hình thức vũ trang vừa chiến đấu chống địch, bảo vệ nhân dân, vừa phát triển cơ sở cách mạng, tiến tới thành lập khu căn cứ, lấy vùng Bắc Sơn, Vũ Nhai làm trung tâm. Tháng 11/1941, Người chỉ thị thành lập tiểu đội du kích thoát ly đầu tiên ở Cao Bằng (gồm 13 người). Ông Lê Quảng Ba chỉ huy, ông Hoàng Sâm đội phó, ông Thiết Hùng là chính trị viên. Đầu 1942, Người chỉ thị phân tán đội du kích Cao Bằng, tỏa đi các nơi trong khu căn cứ làm nòng cốt xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở các địa phương. Tháng 7/ 1944, giữa lúc liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng họp chuẩn bị cho kế hoạch khởi nghĩa thì Hồ Chí Minh về đến Pác Bó. Sau khi nghe báo cáo Người quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa ấy để bảo toàn lực lượng, vì theo Người, thời cơ chưa chín muồi. Người nói: Nghị quyết ấy mới chỉ căn cứ vào tình hình Cao - Bắc - Lạng, chưa căn cứ vào tình hình toàn quốc, tức là chỉ thấy bộ phận mà không thấy toàn thể. Trong nước nhiều nơi chưa sẵn sàng khởi nghĩa, cán bộ, vũ khí đều phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt. Trong điều kiện ấy, “nếu phát động chiến tranh du kích theo qui mô quá rộng tất nhiên sẽ thất bại, vì bọn đế quốc sẽ tập trung lực lượng vào để đàn áp” [6, tr. 101]. Với quyết định ấy, Người đã tránh cho phong trào cách mạng ở Cao - Bắc - Lạng những tổn thất.

Từ khi Người về nước, theo lời kể lại của ông Lê Quảng Ba:

Các lớp huấn luyện quân chính của tỉnh và các lớp của huyện hay liên huyện được mở liên tục từ năm 1941 - 1944. Tại Pác Bó đã mở hai lớp quân chính của tỉnh. Đồng thời ở các xã cũng liên tục mở các lớp huấn luyện quân sự cho tự vệ chiến đấu. Anh em tự vệ đều tự sắm lấy vũ khí từ gậy gộc, giáo mác đến súng kíp, hỏa mai, súng trường. Có một số đồng chí đã bán cả trâu, bò, hoặc ruộng vườn để lấy tiền mua súng hoặc lựu đạn. Nữ thanh niên mạnh dạn mặc quần áo cộc, đầu đội mũ chân quấn xà cạp, đi tập như nam giới. Mười điều kỷ luật và chiến thuật du kích do Bác biên soạn được phổ biến rộng rãi [17, tr. 43].

Khẩu hiệu: “Lấy súng thù bắn thù” của Bác nêu ra càng động viên anh chị em hăng hái luyện tập. “Ngày nay là giáo mác, gậy gộc, ngày mai là súng ống đàng hoàng”. Anh chị em tin chắc như vậy” [85, tr. 215, 216]. Sau đó lực lượng vũ trang Tổng, Châu, Huyện được thành lập và hoạt động thoát ly tại các địa phương, bên cạnh các lực lượng tự vệ và chiến đấu xã.

Cuối 1944, trước đòi hỏi gấp rút của tình hình, ngày khởi nghĩa đang đến gần, căn cứ vào tình hình thế giới và trong nước, Hồ Chí Minh nhận định: Bây giờ thời kì cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kì tổng khởi nghĩa toàn dân chưa đến. Cho nên nếu chỉ đấu tranh bằng hình thức chính trị thì không đẩy mạnh được phong trào tiến tới. Nhưng nếu phát động vũ trang ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Đã đến lúc một cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Phải tìm cho ra một hình thức thích hợp mới để đẩy phong trào tiến lên. Theo Hồ Chí Minh cần phải thành lập lực lượng vũ trang, làm đòn bẩy cho cao trào cách mạng toàn quốc bùng nổ, chuẩn bị cho khởi nghĩa. Người chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải thành lập ngay Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Người

phân tích rõ: Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả về quân sự nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao- Bắc- Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.

Vì cuộc cách mạng của ta là cuộc cách mạng toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, Hồ Chí Minh khẳng định cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương tiện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí, nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên” [6, tr. 102].

Đặc biệt, để đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, Người và Trung ương Đảng luôn chỉ đạo xây dựng hệ thống tổ chức Đảng trong lực lượng võ trang nhân dân cách mạng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng thông suốt, thống nhất từ Trung ương đến các đơn vị cơ sở. Người cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng chi bộ vững mạnh trong các đơn vị vũ trang cách mạng.

Để tiến hành đấu tranh vũ trang theo phương châm và nguyên tắc nói trên, Người nhấn mạnh: Phải hành động cương quyết và nhanh chóng. Sau khi thành lập phải có thành tích chiến đấu và trong trận đầu nhất định phải giành được thắng lợi. Trong hoạt động phải chú ý đến các đội vũ trang địa phương, phải đưa các cán bộ đã được huấn luyện về các nơi, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp tác chiến, giữ vững liên lạc với cơ quan lãnh đạo. Về chiến thuật, Người căn dặn phải vận dụng lối đánh du kích, bí mật, tích cực, nhanh chóng, khi đi địch không biết, khi đến địch không hay, tránh chủ quan khinh địch... Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thống nhất chỉ đạo cả chủ lực và địa phương. Ba

lực lượng ấy phối hợp chặt chẽ với nhau. Đội chủ lực có nhiệm vụ dìu dắt, giúp đỡ các đội địa phương trưởng thành. Điều Người nói chính là “phương châm xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng” [85, tr. 75].

Thực hiện chỉ thị của Người, trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân đang hình thành, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức và lãnh đạo thành lập lực lượng vũ trang đầu tiên mang tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đội quân đầu tiên gồm 34 đồng chí, có 3 đồng chí nữ, biên chế thành 3 tiểu đội. Vũ khí gồm có 2 súng thập, 17 súng trường, 14 súng kíp. Vài ngày sau khi thành lập, Hồ Chí Minh căn dặn “trận đầu phải thắng”. Mở đầu cho kế hoạch chiến đấu của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, là 2 chiến công vang dội hạ đồn Phai Khắt (ngày 25/12) và đồn Nà Ngần (ngày 26/12).

Tháng 5/1945, khi cao trào kháng Nhật cứu nước phát triển mạnh mẽ, tình thế cấp bách, Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tuyên Quang, nhất trí với Nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc kỳ, Người chỉ đạo bổ sung thêm việc phải thống nhất các lực lượng vũ trang thành: Quân giải phóng và thành lập Trường quân chính kháng Nhật...

Những quan điểm, đường lối quân sự và những hoạt động tích cực của Người về xây dựng lực lượng vũ trang trong thời kỳ này đã thể hiện sự thấm nhuần của Hồ Chí Minh về tư tưởng, đường lối quân sự của chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những quan điểm ấy vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Người đã cùng Trung ương Đảng xây dựng được lực lượng vũ trang ban đầu đủ mạnh để làm nòng cốt sát cánh cùng lực lượng chính trị quần chúng tiến lên và giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hồ Chí Minh luôn thấy được vị trí, vai trò quan trọng của vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng. Người chỉ rõ: Đội du kích trong lúc hoạt động đánh quân thù cần có một vài nơi đứng chân làm cơ sở. Tại nơi ấy, đội du

kích tích trữ lương thực, thuốc đạn, lâu lâu về đó nghỉ ngơi, luyện tập. Nơi ấy phải có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ.

Đội du kích hoạt động phát triển nhiều thì chỗ cơ sở nhỏ đầu tiên ấy có thể trở thành căn cứ địa vững vàng, nhất là sau khi đội du kích đánh đuổi được quân giặc và thành lập chính quyền cách mạng trong địa phương, chưa thành lập được chính quyền địa phương thì căn cứ địa khó thành lập và không thể củng cố được. Chỉ khi có chính quyền cách mạng của địa phương, có căn cứ địa vững vàng, đội du kích nhờ đó mà có thể phát triển lực lượng và hóa ra quân chính quy.

Rõ ràng, Người nhận thức căn cứ địa là nơi đứng chân làm cơ sở để xây dựng, duy trì, phát triển lực lượng vũ trang và chính trị của cách mạng. Căn cứ địa không chỉ chọn nơi hiểm yếu để bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng, bảo vệ và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng mà trong quá trình xây dựng căn cứ địa đồng thời phải xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, chính quyền cách mạng và xây dựng, phát triển lực lượng của nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng căn cứ địa và xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng chính quyền cách mạng và xây dựng Đảng vững mạnh.

Trong chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng, khu du kích... Người và Trung ương Đảng quán triệt nguyên tắc Đảng lãnh đạo căn cứ địa cách mạng. Vì vậy, Người chỉ đạo trong xây dựng căn cứ địa cách mạng phải kết hợp chặt chẽ xây dựng cơ sở, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng cách mạng với xây dựng phát triển lực lượng vũ trang cách mạng và phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với căn cứ cách mạng.

Từ 1940, khi còn đang hoạt động ở Trung Quốc, Người đã có những dự định và kế hoạch cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng khi Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người nói với cán bộ: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế

rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ” [111, tr. 104].

Hồ Chí Minh đã nhất trí với chủ trương của Trung ương Đảng trong Hội nghị lần thứ VI (11/1940) về quyết định giữ vững, phát triển lực lượng du kích Bắc Sơn, thành lập căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Khi về nước, ngay năm 1941, Người chủ trương xây dựng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai làm hai căn cứ địa và trực tiếp chỉ đạo xây dựng Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng.

Tháng 7/1942, Hồ Chí Minh chỉ thị mở rộng căn cứ Cao Bằng nối liền với Căn Cứ Bắc Sơn - võ Nhai để mở rộng hoạt động, phát triển du kích chiến tranh, mở rộng phong trào... Sau đó, Người đã chỉ thị cho các lực lượng thực hiện cuộc “Nam tiến” (phát triển lực lượng xuống miền xuôi - phía Nam). Trong thời gian ngắn căn cứ Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai đã nối liền nhau. Đến 1943 căn cứ Cao - Bắc - Lạng đã mở rộng nối liền tới tận chợ Chu (Thái Nguyên). Cứ thế cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng trong các khu căn cứ, được sự quan tâm chỉ đạo chu đáo của Người và Trung ương Đảng, căn cứ cách mạng ngày càng được mở rộng thêm ra ngoài phạm vi Cao - Bắc - Lạng.

Sau tháng 3/1945, căn cứ địa cách mạng được xây dựng và phát triển ở nhiều nơi trong các tỉnh Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên. Đến tháng 6/1945, trước yêu cầu cấp bách của cách mạng, Người về Tân Trào và quyết định thành lập khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái. Tân Trào được chọn là thủ đô của khu giải phóng Việt Bắc. Từ đó, Việt Bắc trở thành khu căn cứ cách mạng của cả nước, nơi an toàn đảm bảo cho Trung ương Đảng đứng chân, đảm bảo an toàn cho các lực lượng cách mạng và nhân dân. Nhờ sự an toàn

của khu giải phóng Việt Bắc Trung ương Đảng đã lãnh đạo Mặt trận và nhân dân ta đấu tranh những ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Hồ Chí Minh, căn cứ địa cách mạng, khu giải phóng Việt Bắc trưởng thành lớn mạnh; đồng thời, quá trình xây dựng trưởng thành của căn cứ địa cách mạng khu căn cứ giải phóng góp phần xây dựng củng cố phát triển Đảng vững mạnh về mọi mặt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về xây dựng lực lượng cách mạng trong tiến trình vận động khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 (Trang 90 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)