Nhật Bản vốn là một đất nước có nền văn minh nông nghiệp, nên đối tượng thờ cúng hầu hết liên quan đến các hiện tượng tự nhiên như: động đất, gió, mưa, sấm, chớp, mây, mặt trăng, mặt trời...bởi nó có một mối gắn kết đặc biệt quan trọng với sản xuất nông nghiệp. Đối với tín ngưỡng thờ cúng tự nhiên của người Nhật Bản thì tín ngưỡng thờ thần mặt trời là một trong những tín ngưỡng cổ nhất, xuất hiện ngay từ thời cổ đại. Tín ngưỡng này gắn liền với truyền thuyết nguồn gốc của dân tộc Nhật Bản, vì vậy nữ thần mặt trời
Amaterasu Omi Kami trở thành vị thần đứng ở bậc cao nhất trong hệ thống các thần được thờ ở Nhật. Những di chỉ khảo cổ được khai quật tại khu vực Ongawara tỉnh Fukushima đã cho thấy nhiều dấu tích liên quan đến tập tục thờ cúng nữ thần mặt trời. Lễ vật được dâng cúng thường là hạt gạo, hạt dẻ, hạt óc chó...v.v, đây là những sản vật tự nhiên mà cư dân cổ đại hái lượm và họ dùng dâng cúng nữ thần Amaterasu Omi Kami.
Tín ngưỡng thờ cúng tự nhiên gắn liền với tục thờ tự nhiên thần hơn là nhân thần. Tuy nhiên, cũng không thiếu các vị thần trong tục này có nguồn gốc từ nhân thần. Trong quan niệm của người Nhật Bản, các đối tượng tự nhiên (thuyết vạn vật hữu linh) không những được thờ cúng như một vị thần mà nó còn là tín ngưỡng tinh thần của người Nhật Bản. Theo quan điểm của họ, tất cả các hiện tượng trong thiên nhiên đều có linh hồn và nó cũng như con người. Trong Manjyoshu (万葉集/Vạn diệp tập), những linh hồn này tồn tại trong các hiện tượng tự nhiên, có một quyền năng huyền bí, nó tạo ra vũ trụ, tạo ra tự nhiên nhưng đồng thời có thể phá hủy tự nhiên, gây ra sự hỗn loạn. Sự hỗn loạn trong thiên nhiên chính là các hiện tượng như hạn hán, lũ
lụt, và điều này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, người Nhật Bản tôn thờ, sùng kính các hiện tượng tự nhiên. Những quan niệm trên đều được thể hiện rất rõ trong Shinto giáo, tôn giáo - tín ngưỡng nguyên thủy của Nhật Bản, một tín ngưỡng bắt nguồn từ thuyết vạn vật hữu linh. Hiện nay, Shinto giáo đã phát triển, trở thành một trong những tôn giáo chính ở Nhật Bản. Hệ thống thờ Kami – các vị thần trong Shinto giáo rất phong phú, đa dạng. Hiện nay, trong số hàng vạn ngôi đền trên khắp Nhật Bản, số đền thờ động thực vật chiếm phần đa số bên cạnh những ngôi đền thờ tự nhiên thần.
Shinto là loại hình thờ đa thần và trong khái niệm của nó vạn vật đều có linh hồn. Có vô số vị thần được thờ cúng trong Shinto giáo. Tuy một số các vị thần này được nhân cách hóa, nhưng đa phần các thần liên quan đến thiên nhiên như đất, trời, mặt trăng, cây cỏ, hoa lá. Ngay cả đá, núi, hay động vật như cáo, gấu hay linh hồn của người chết cũng được xem là thần. Những vị thần trú ngụ ở tầng cao nhất trên thiên đàng gọi là Takama-ga-hara (高天原
/Cao Thiên Nguyên), và họ ngự trên đó, chỉ rời đi khi được mời xuống các đền thờ trong các dịp tổ chức nghi lễ cầu cúng. Các vị thần được thờ cúng liên quan đến tự nhiên là: Thần mặt trời, thần sấm, thần chớp, thần gió, thần mưa, thần bão, thần cây, thần biển, thần sông, thần núi…v.v. Đối tượng sau khi chết được tôn thành thần theo quan niệm của Thần đạo bao gồm: người trong dòng tộc của Thiên Hoàng, tổ tiên của dòng tộc, và người có công với đất nước, anh hùng dân tộc, các tộc trưởng…, và không ít các vị thần này được biểu đạt cho một thế lực thiên nhiên nào đó và được thờ phụng trong tín ngưỡng thờ cúng tự nhiên của người Nhật Bản.
Theo Kubota Hiroshi, “Khái niệm về các vị thần tự nhiên của Nhật Bản như: Thần cây, thần rừng, thần núi, thần sông, đều là thành phần cốt cán để cấu thành nên tự nhiên. Qua đó, chúng ta để có thể thấy rằng: ngay từ xưa người Nhật Bản đã có khả năng thích ứng rất tốt với tự nhiên, coi tự nhiên là
một phần rất quan trọng trong đời sống tâm linh [36; tr 15 - 16]”. Một ví dụ khác cho thấy sự sùng bái tự nhiên của người Nhật Bản đó là tập tục thờ cúng
Thần núi. Trong quan niệm của người Nhật Bản thời kỳ cổ đại, núi là nơi ẩn thân của của vị thần, núi là đầu nguồn con nước, và đối với cuộc sống nông nghiệp thì nước đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó núi cũng là yêu ma trú ngụ, vì vậy, con người cần phải thờ cúng Thần núi, bởi họ sẽ bảo vệ cho cuộc sống bình yên của con người, đem nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chế ngự yêu ma. Do đó, Thần núi là một vị thần hết sức linh thiêng trong hệ thống Kami của Nhật Bản. Tuy nhiên, liên quan đến tục thờ thần núi của người Nhật Bản cũng có nhiều cách hiểu khác nhau (xem lại phần phân loại các loại hình tín ngưỡng dân gian Nhật Bản). Thần núi còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như Yama no kami, Yama sama, Ta no kami …v.v. Phần lớn tại một số vùng đông bắc Nhật Bản như ở Aomori, Niigata hay vùng Hokkaido, người ta quan niệm thần núi và thần lúa là một, thực chất do sự biến thân của thần mà ra. Vào mùa thu hoạch, Yama no kami sẽ rời khỏi ngọn núi thiêng xuống vùng đồng bằng và cư ngụ trên những cánh đồng nơi lúa chín vàng trĩu bông. Lúc này thần biến thân thành vị thần lúa đem lại sự no ấm cho con người, vào mùa thu khi mùa màng đã thu hoạch xong, người lại trở về đỉnh núi thiêng, trở thành thần núi, coi sóc cai quản địa hạt của mình, bảo vệ cho những sinh vật và con người sống trên đó.
Tuy nhiên, trong các vị tự nhiên thần nêu trên cũng không thiếu các vị thần có nguồn gốc xuất thân từ con người, tiêu biểu là thần sấm chớp Raijin
(雷神/ Lôi Thần). Thần còn được gọi bằng một số tên khác như: Raiden sama
(雷電様/Lôi Điện Dạng), ngài lôi điện Naru kami (鳴神/Minh Thần), thần rền vang Raikō (雷公/Lôi Công). Theo quan niệm của dân gian, họ cho rằng
Sugawara Michizane (菅原道真/ Lạp Nguyên Đạo Chân/ 845 - 903) một học giả, quý tộc, thi nhân, một chính trị gia thời Heian khi chết đã hóa thân thành vị thần này, cư ngụ nơi trời cao. Trong dân gian thường gọi lôi thần là
"Kaminari sama/雷様" (ngài sấm chớp) với ý sợ sệt và thân mật. Cùng với với
Raijin có Fūjin (風神/ Phong Thần), vị thần cai quản ngọn gió cũng là vị thần được coi là xuất thân từ con người. Hiện nay thần sấm chớp được thờ ở một số đền như: Kamowake Ikazuchi Jinja (上賀茂神社), Tenmangu (天満宮),
Shiogama Jinja ((鹽竈神社), Raiden Jinja(雷電神社), Kabasa Saenazumi Jinja
(加波山三枝祇神社),Fuji Jinja (富士神社)…v.v, rải rác trên khắp mọi nơi ở Nhật
Bản.
Tín ngưỡng thờ cúng tự nhiên của người Nhật Bản trước hết có thể nói được thể hiện qua hệ thống các vị thần được thờ phụng ở trên. Tên mỗi vị thần đều gắn chặt với hiện tượng tự nhiên cũng như chức năng cai quản mà con người gắn cho họ. Ngoài ra, tín ngưỡng này còn được biểu hiện rõ thông quan lễ hội dân gian của Nhật Bản. Lễ hội dân gian Nhật Bản cũng như lễ hội ở nhiều quốc gia Châu Á khác gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Người ta tổ chức lễ hội để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho thoát khỏi thiên tai, dịch bệnh… Nhật Bản, vốn là một xã hội có một đức tin mạnh mẽ vào thiên nhiên huyền bí, vì vậy lễ hội chính là hành thức nghi lễ hóa, hướng tới một thế lực siêu nhiên. Người dân tổ chức lễ cầu nguyện, cảm ơn, xin lỗi, thể hiện sự tôn kính, gửi gắm tâm nguyện của mình tới thế lực siêu nhiên với mong muốn các vị thần này sẽ giúp đỡ họ. Hiện nay, các lễ hội kiểu này đang được bảo tồn và tổ chức hàng năm ở khắp mọi nơi ở Nhật Bản, đặc biệt là vào dịp tháng một đến tháng ba, tháng bảy đến tháng chín. Tuy nhiên, tùy từng vùng, từng địa phương mà các nghi thức, nghi lễ và đồ cúng trong lễ hội được tổ chức cũng khác nhau. Điều này cũng góp phần không nhỏ làm nên sự đa dạng trong đa thần giáo Nhật Bản.
Thông qua một vài phác thảo nêu trên, chúng ta có thể thấy được sự đa dạng trong hệ thống thờ thần của người Nhật Bản, trong đó số lượng các vị
kami cai quản, liên quan đến tự nhiên chiếm số lượng lớn nhất. Trong quan điểm của người Nhật cổ, từ nhận thức đa dạng về hệ thống các Kami, bao
gồm cả yếu tố cấu thành nên tự nhiên nên thần của người Nhật Bản chính là Thần núi, thần sông, thần mây, thần gió, thần mưa, thần sấm, thần sông, thần núi, thần biển, thần rừng, thần nước… Trong cái ý nghĩa như thế này, thần của người Nhật Bản chính là quan niệm về đức tin của dân tộc Nhật Bản và quan niệm này không khi nào xa rời các quan niệm trong nhân gian. Tín ngưỡng thờ cúng tự nhiên có ảnh hưởng rất sâu đậm đối với đời sống tinh thần của người Nhật. Từ tín ngưỡng này đã hình thành nên lòng yêu thiên nhiên sâu sắc, lối sống hài hòa với tự nhiên, đưa thiên nhiên vào cuộc sống, sống trong thiên nhiên và thiên nhiên ở trong tâm của mỗi người Nhật, tất cả là một mối giao tình hòa điệu thâm sâu. Ngoài ra cũng chính từ lối sống đó đã góp phần xây dựng nên tính cách của người Nhật Bản: tính hung bạo vừa hiền hòa, vừa nghiêm khắc vừa thơ mộng, vừa cứng nhắc vừa nhu nhuyễn. Đây chính là những đặc trưng rất gần với tính chất tự nhiên của Nhật Bản và như vậy có thể thấy được tự nhiên có vai trò, ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống xã hội cũng như tinh thần của người Nhật Bản [16; tr 37].