Nguồn gốc ra đời và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu mối quan hệ giữa phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu ở khu vực Đồng bằng bắc bộ (Trang 26 - 31)

1.2. Tín ngƣỡng thờ Mẫ uở khu vực đồng bằng Bắc Bộ trƣớc thời kỳ

1.2.1. Nguồn gốc ra đời và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu

Danh từ “Mẫu” có gốc từ Hán – Việt, được hiểu là Mẹ (hay Mụ, Mạ, Mế). Nghĩa ban đầu, Mẫu hay Mẹ đều chỉ người phụ nữ đã sinh ra một người nào đó, là tiếng xưng hô của người con đối với người sinh ra mình. Mở rộng ra, người ta còn dùng danh từ “Mẫu” để chỉ sự sinh sôi nảy nở, sinh hoá không ngừng. Ngoài ra, trong cuộc sống danh từ này còn dùng để biểu thị sự tôn vinh, tôn quý một nhân vật nữ nào đó, chẳng hạn như: Mẫu Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Nghi Thiên Hạ...

Tín ngưỡng Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian được tích hợp bởi các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ - Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu – đấng sáng tạo, bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành của tự nhiên, xã hội và con người.

Trong tín ngưỡng của người Việt, việc tôn thờ nữ thần, thờ mẫu thần, thờ mẫu tam phủ tứ phủ là hiện tượng khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa. Tuy tất cả đều là sự tôn sùng thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ nữ thần, mẫu thần, mẫu tam phủ tứ phủ không hoàn toàn đồng nhất.

Đạo Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ được hình thành trên cơ sở những tiền đề kinh tế, xã hội và văn hoá tín ngưỡng của người Việt cổ có

những bước chuyển biến và đặc thù nhất định, thể hiện một lối tư duy nông nghiệp lúa nước và mong ước có được sự che chở, giúp đỡ của các bậc thánh thần trong cuộc sống.

Đồng bằng Bắc Bộ là một trong sáu vùng văn hóa của cả nước. Đây là vùng văn hóa độc đáo và đặc sắc trong sự phong phú đa dạng của văn hóa Việt Nam. Đồng bằng Bắc Bộ được kiến tạo bởi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bao gồm phần bằng, trũng của các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, một phần Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc.

Đây là vùng đồng bằng nền kinh tế thuộc hệ văn minh nông nghiệp lúa nước, khởi thủy là chế độ Mẫu hệ nên người phụ nữ được đề cao, tôn trọng, thậm chí là tôn thờ. Bởi, người phụ nữ là người sinh con đẻ cái, nuôi con bằng dòng sữa chảy ra từ hai bầu ngực, người phụ nữ là người chủ gia đình, và trong tâm thức dân gian người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ thì họ là những người có uy lực vũ trụ và vạn vật cũng là một vị Nữ thần, và sản vật mà họ lấy được từ thiên nhiên cũng tựa như dòng sữa chảy ra từ bầu ngực của bà Mẹ lớn thiêng liêng đó.

Nền văn minh lúa nước rất coi trọng bàn tay khéo léo của người phụ nữ, và từ xa xưa người mẹ đã trở thành thân thuộc với con người. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ là sự tôn vinh thờ phụng gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ như trời, đất, mưa, gió… ngoài ra còn thờ phụng những vị nữ anh hùng dân tộc.

Theo Nguyễn Đăng Duy, tín ngưỡng Mẫu của người Việt (kinh) hay ở Việt Nam khởi đầu gắn với chế độ xã hội nguyên thuỷ mẫu hệ, và nền kinh tế nông nghiệp lúa nước từ đầu gắn với con người cư trú trên các miền rừng núi. Có nghĩa là tín ngưỡng thờ Mẫu khởi nguyên từ vùng rùng núi, thờ Mẹ Cây (sau này gọi là Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Sơn lâm),

rồi theo dòng lịch sử, dần đi xuống trung du đồng bằng, bổ sung thêm những Mẫu khác.

Khi con người xuống trung du, đồng bằng sống bằng nghề nông nghiệp lúa nước, cây lúa hạt gạo là là yếu tố quan trọng hàng đầu nuôi sống con người, rồi các cây hoa màu, cây ăn quả. Mẹ Cây vẫn gắn bó chặt chẽ với đời sống con người. Và con người làm nông nghiệp lúa nước, thì đất và nước là hai đối tượng quan trọng tiếp theo được tôn thờ. Đất và Nước được tôn vinh thành Mẹ Đất, Mẹ Nước (Mẫu Địa, Mẫu Thuỷ).

Thế nhưng quyết định có nước lại là do mưa trên trời rơi xuống, con người chưa hiểu được quy luật của mưa là nước bốc hơi lên thành mây mưa, mà cho đó do trời quyết định, Mẹ Trời được tôn vinh, Mẫu Thiên gia nhập vào hàng ngũ Mẫu. Tín ngưỡng là từ thực tế cuộc sống kinh tế, xã hội, con người đặt ra những lực lượng tôn vinh, tôn thờ phù hợp với cuộc sống của mình là thế. Mẹ Cây, Mẹ Rừng (sau này gọi là Mẫu Thượng ngàn hay Mẫu sơn lâm). Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Trời (thời tiết khí hậu) hay gọi theo tiếng Hán là Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu Nhạc), Mẫu Địa, Mẫu Thoải (Thuỷ), Mẫu Thượng Thiên là hệ thống Mẫu cơ bản ban đầu của tín ngưỡng Mẫu và dần hình thành lên hệ thống Mẫu Tam phủ - Tứ Phủ.

Trong quá trình biến đổi, phát triển từ thờ Mẫu đến Mẫu Tam phủ – Tứ phủ, đặc biệt giai đoạn từ thế kỷ XVI trở đi – giai đoạn xuất hiện Mẫu Liễu – quan niệm dân gian thường coi Bà là hóa thân, thậm chí đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, trở thành một vị thần chủ của Đạo Mẫu Tam phủ – Tứ phủ.

Tất nhiên, sự xuất hiện của vị Thánh Mẫu này ở vào khoảng thế kỷ XVI vừa xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của thứ tín ngưỡng thờ Mẫu đã có từ trước, vừa phản ảnh khát vọng của quần chúng nhân dân thời Lê mạt, một xã hội buôn bán, nhất là buôn bán chợ quê phát triển, gắn với vai

trò của người phụ nữ; xã hội rối loạn, nhân tâm ly tán, mà một trong biểu hiện của nó là các cuộc khởi nghĩa nông dân triền miên. Với vị Thần chủ này, Đạo Mẫu vốn là một tín ngưỡng gần với thiên nhiên, trời đất, nay được “đời thường hóa”, gắn liền và đáp ứng những khát vọng của con người, thân phận của con người nhất là người phụ nữ trong đời sống hàng ngày, tài lộc, chữa bệnh, ban phúc, giáng họa và chính từ đây, Đạo Mẫu Tam phủ – Tứ phủ có được bộ mặt mới, vừa rất dân tộc, rất truyền thống lại vừa rất cập thời, làm cho nó nhanh chóng phát triển, lan tỏa khắp mọi miền đất nước, theo gót người Việt để “Mẫu hóa” các tín ngưỡng bản địa khác, vừa có cơ hội tập trung thành trung tâm thờ Mẫu lớn, như Phủ Dầy (Nam Định), Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Và cùng với sự xuất hiện vị thần chủ này, thì hệ thống điện thần, quan niệm nhân sinh và vũ trụ, đặc biệt là các nghi lễ – lễ hội càng thể hiện tính hệ thống hơn.

Để từ tục thờ Nữ thần, Mẫu thần phát triển lên thành Đạo Mẫu Tam phủ – Tứ phủ thì ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc có vai trò quan trọng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Đạo giáo Trung Quốc du nhập vào nước ta khá sớm, ít nhất là từ thời Bắc thuộc. Thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần thì Lão giáo là một trong “Tam giáo đồng nguyên”. Nhà vua đã từng đứng ra phong cho các đạo sĩ, trong các trường thi cũng có các đề nói về Đạo giáo, nhiều người trong Hoàng tộc cũng là Đạo sĩ. Lý thuyết Lão gia đã ăn sâu vào ý thức của nhiều trí thức đương thời, nhiều phương thuật, ma thuật của Đạo Lão lan truyền trong nhân dân. Đến đời Lê Nho giáo thịnh hành, Lão giáo không được coi trọng, nhưng triết lý cũng như pháp thuật của nó không phải không lưu hành rộng rãi. Điển hình là việc vua Lê Thần Tông cho phép Trần Lộc lập ra Nội Đạo Tràng. Như vậy trên cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian, với những ảnh hưởng đạo giáo Trung Quốc đã hình thành và định hình Đạo Mẫu Tam phủ – Tứ phủ (Tam tòa Thánh Mẫu), một thứ Đạo giáo dân gian đặc thù của Việt Nam, và có thể gọi một cách ngắn gọn hơn và thực chất hơn – Đạo Mẫu.

Như vậy, trong tâm thức người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ luôn hướng trọn về Mẫu - người Mẹ lớn linh thiêng của vũ trụ và muôn loài, của giống nòi và xứ sở. Tâm thức ấy tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành yếu tố bản chất trong tâm linh dân tộc. Đồng thời bước chuyển từ chế độ Mẫu hệ sang phụ hệ vốn là bước chuyển tất yếu của nhân loại ban đầu là cưỡng bức ở dân tộc ta nhưng dần dần nó được chuyển hóa theo hướng nhân văn nhất. Trên điện thờ (tức là ở bình diện tâm thức), Nữ thần không những không bị hạ bệ mà qua mỗi thời kỳ lại được bổ sung thêm những gương mặt mới. Việc thờ Nam thần Nữ thần cân bằng nhau và Nữ thần làm chủ giới siêu nhiên; vai trò nam giới được coi trọng đồng thời vai trò của nữ giới không hề bị hạ thấp có căn nguyên là do sức mạnh của người đàn ông, vai trò trụ cột của họ ở dân tộc ta, trước khi người Trung Quốc xâm chiếm không khẳng định bằng áp chế mà khẳng định tự thân trong cuộc đấu tranh chống thiên tai địch họa, là chỗ dựa vững chắc của nữ giới đồng thời một cách tự nhiên, họ rất cần sự chăm sóc, yên ủi của người vợ, người mẹ.

Tín ngưỡng thờ Nữ thần , thờ Mẫu định hình thành Đạo Tam Phủ và kiện toàn hơn khi trở thành Đạo Tứ Phủ . Tín ngưỡng thờ Nữ thần , thờ Mẫu tất yếu trở thành Đạo Mẫu khi nhân dân ta quan niệm cai quản bốn cõi (Trời, Rừng núi, Sông nước, Nhân gian) là các ThánhMẫu. Họ xác lập thần chủ, kiện toàn điện thờ (dù chưa thống nhất trong cả nước) và tạo nên các nghi lễ đặc trưng (hầu đồng, hát văn, múa bóng) để hầu các Thánh Mẫu của họ. Và không phải ở vào một thời đại nào khác mà ở vào chính thời cực thịnh của Nho giáo, Mẫu Liễu bước lên đài cao uy nghiêm của điện thờ. Sự thắng thế của tín ngưỡng thờ Mẫu đã khẳng định chiến thắng tinh thần tuyệt đối của tinh thần trọng Mẫu Việt Nam, một tinh thần giàu tính nhân bản, nhân đạo và nhân văn. Thời khởi thủy, cai quản ba cõi đều là các bà thần: Bà Trời , Bà Đất , Bà Nước . Sự xuất hiện của các Nữ thần ở điện thờ ngày một nhiều. Nữ thần được hiểu là người vợ, người mẹ và chủ

yếu là các Mẹ, các Mẫu. Đến khi các ông thần góp mặt vào điện thờ, các bà chẳng những không lui vào hậu điện mà càng ngày càng phô trương thanh thế, công tích nhiều thêm lên và danh xưng cũng oai linh hơn. Các “ông thần” chiếm lĩnh ba miền: trời có ông trời, “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá” nhưng cũng song hành tồn tại Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải và Mẫu Địa. Đó là sự hòa hợp của các dòng văn hóa khi du nhập vào Việt Nam. Dưới quan điểm sống của mỗi người khác nhau đã chọn cho mình những tín ngưỡng tâm linh khác nhau. Bởi vậy, có sự tồn tại song song Thánh Mẫu và Thánh Cha.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu mối quan hệ giữa phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu ở khu vực Đồng bằng bắc bộ (Trang 26 - 31)