Kỹ thuật đóng thuyền

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật phương tây vào việt nam thế kỷ XVI – XVIII (Trang 83 - 85)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.3. Kỹ thuật đóng thuyền

Sau chiến thắng Tây Sơn năm 1802, có một giai đoạn có sự “chững lại” của việc tiếp thu các kỹ thuật đóng thuyền và phát triển hải quân. Sự chững lại này chủ yếu là do hậu quả của các vấn đề ngân sách bởi lẽ thời gian đó chính phủ đã chi tiêu những khoản ngân sách lớn cho việc xây dựng các thành lũy và các công trình công cộng như đường xá, kinh đào, đê điều… Một phần khác, cũng do sau 1802, hòa bình được lập lại, Việt Nam đã trở thành một quốc gia thống nhất dưới quyền cai trị của nhà Nguyễn. Do vậy, nhu cầu tiếp nhận kỹ thuật không thật sự quan trọng.

Tuy nhiên, điều này chỉ là tạm thời. Do ý thức được vị trí của tàu thuyền trong vấn đề xây dựng lực lượng thủy quân, giao thông vận tải và phát triển kinh tế, ngay từ năm 1819, việc tiếp thu kỹ thuật đóng tàu thuyền theo kiểu phương Tây một lần nữa lại được tiếp tục đẩy mạnh: “Có bằng chứng về sự khởi sự mới trong việc đóng tàu; vua Gia Long đã tái lập một lực lượng quan trọng và đích thân đến giám thị các xưởng đóng tàu”. Cũng theo tường thuật của các du khách ngoại quốc đến đây trong thời gian này đã thấy có sự đồng diện “của các thuyền buồm, các kiểu thuyền Âu châu và các thuyền có kiểu hỗn hợp”. Crawfurd nói thêm: “Tôi không biết có dân tộc nào ở phương đông lại thích hợp tuyệt hảo như thế để trở thành các người đi biển lão luyện”. Sự phát triển của kỹ thuật đóng thuyền và hải quân trong thế kỷ XIX cũng góp phần tăng tiềm lực quân sự cho nhà Nguyễn trong việc đối phó với sự can thiệp vũ trang của phương Tây trong giai đoạn này: “Năm 1847, khi hải quân Pháp giao chiến với các lực lượng hải quân của Việt Nam, các thuyền bị phá hủy không chỉ bao gồm các thuyền buồm mà còn có cả năm hộ tống hạm loại tốt” [69].

Việc đóng thuyền trong thời gian này không chỉ nhằm phục vụ cho mục đích quân sự, mà còn dùng để phát triển thương mại và mậu dịch. Các thuyền được đóng theo kiểu Âu châu thường được dùng với mục đích chuyên chở thường kỳ lúa gạo từ miền Nam ra miền Trung Việt Nam. Trong nhiều thời điểm, các thuyền này được dùng cho các chuyến đi nước ngoài. Thời vua Gia Long đã ra lệnh chấm dứt các phái bộ thương mại được phái ra nước ngoài để mua vũ khí, đạn dược, nhưng vua Minh Mạng đã tái lại tập tục này. Trong các chuyến đi đó, vua Minh Mạng rất chú trọng kết hợp với việc học hỏi các kỹ thuật phương Tây: “Năm 1823, vua Minh Mạng đã chỉ thị một cách rõ ràng cho thủy thủ đoàn là phải học hỏi cách thức sử dụng các dụng cụ hàng hải, chấm định khoảng cách theo la bàn và nói chung huấn luyện để đào tạo nhân sự điều khiển các thuyền có buồm hình vuông kiểu Âu châu trên biển cả” [69]. Ý thức học hỏi các kỹ thuật hải hành này tiếp tục được nhấn mạnh trong các năm tiếp theo, thậm chí sang ở đời vua Thiệu Trị.

Bước sang thời vua Minh Mạng, ý thức chính trị để học hỏi các kỹ thuật ngoại quốc vẫn tiếp tục được duy trì và đạt tới cực điểm vào cuối thập kỷ 1830, khi nhà vua ra lệnh mua tàu chạy bằng hơi (nước). Năm 1838, vua Minh Mạng cho mua một chiếc tàu chạy bằng hơi nước: “kiểu tàu ấy nhờ hơi mà chuyển động, không cần gió nước thuận hay nghịch, không bắt người chèo chống mà thuyền tự phóng nhanh, máy móc thật là tinh xảo. Phải thu mua bằng giá đắt là để phỏng theo cách thức đóng tàu lớn khác để dùng mãi mãi” [69]. Dựa vào các tàu thu mua này, Minh Mạng đã cho đóng mô phỏng theo và đã đóng thành công ba tàu máy hơi nước, lần lượt đặt tên chúng là Yên Phi, Vũ Phi, Hương Phi. Việc đóng thử nghiệm thành công các tàu máy hơi nước dưới triều vua Minh Mạng chứng tỏ thợ thủ công Việt Nam lúc bấy giờ đã có thể tiếp cận và làm chủ kỹ thuật đóng tàu cơ khí của phương Tây. Đây là một tiến bộ đáng kể trong ngành đóng tàu thuyền Việt Nam thời Nguyễn.

Việc đóng và đưa vào sử dụng tàu máy hơi nước đầu tiên vào năm 1839 cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia đưa vào sử dụng loại thuyền này từ rất sớm. Bởi lẽ, điều đáng lưu ý là ngay cả người Pháp, cho đến trước năm 1816 - 1818 còn chưa dùng tàu hơi nước cho các sứ mạng thương mại. Đến cuối thập niên 1820, các hạm đội Anh và Pháp mới đặt hàng các tàu hơi nước đầu tiên. Tại châu Á, phải đến năm 1837, người Hà Lan mới vũ trang chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên cho hải quân của họ. Thậm chí trong khu vực, cho đến thập niên 1830, vua Rama III của Thái Lan mới quyết định chỉ dùng toàn mô hình châu Âu cho hạm đội nhà nước Thái, tức là trong khi người Thái mới bắt đầu nói về tàu kiểu Tây phương thì Việt Nam đã mua tàu chạy bằng hơi nước.

Như vậy, từ cuối thế kỷ XVIII, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm quan tâm đến việc tiếp thu đến các các kỹ thuật hàng hải tiên tiến nhất của phương Tây. Đặc biệt, khi có sự xuất hiện của người Pháp (1790), người Việt đã thông thạo các kỹ thuật hàng hải, đã phát triển một cách tinh khôn kỹ năng và khả năng để đóng thuyền kiểu Âu châu. Việc học hỏi các kỹ thuật phương Tây ở đây không phải là “một chính sách đặc nhiệm nhất thời” của riêng một vị hoàng đế đối diện với tình trạng khẩn cấp của chiến tranh, mà đúng hơn là “một chính sách thường trực” trong suốt thời trị vì của ba vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật phương tây vào việt nam thế kỷ XVI – XVIII (Trang 83 - 85)