Chấp hành, thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý hành chính về

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn trị an ở miền Bắc (1954 – 1975) (Trang 32 - 35)

1.2. Nhân dân tham gia giữ gìn trật tự trị an ở miền Bắc (1954-1964)

1.2.2. Chấp hành, thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý hành chính về

chính về trật tự xã hội

Nhằm ổn định ANTT vùng mới giải phóng, ngay từ Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 9 (tháng 5/1955), lãnh đạo Bộ đã nêu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết phải tiến hành các biện pháp hành chính, nhất là “công tác quản lý hộ khẩu, có như vậy quản lý thành phố mới đi vào nền nếp và trật tự” [62]. Nhận thức rõ vai trò, vị trí của việc đăng ký, quản lý hộ khẩu trong công tác quản lý hành chính, giữ gìn ANTT, lực lượng Công an các thành phố, thị xã, thị trấn đã chủ động phối hợp với các cơ quan, các ngành động viên quần chúng tích cực tham gia. Cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, công tác đăng ký hộ khẩu ở các thành phố, thị xã nói riêng và trên toàn miền Bắc nói chung đã đạt được những kết quả đáng kích lệ.

Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quản lý hộ khẩu được thành lập với sự tham gia phối hợp, giúp đỡ nhiều cấp, nhiều ngành. Được tuyên truyền, giáo dục, nhân dân thủ đô khẩn trương đi đăng ký hộ khẩu, nghiêm chỉnh chấp hành những quy định được đề ra. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn lực lượng Công an đã nắm tương đối vững tình hình dân số nội thành và thị trấn Gia Lâm với 60 642 hộ, trong đó có khoảng 100 000 dân nghèo, 100 220 người mù chữ, 40 000 người thất nghiệp và 5 720 hộ trọng điểm [34, 22].

Nhân dân Hồng Quảng tiến hành đăng ký, quản lý hộ khẩu ở bốn địa phương: Hồng Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông và Quảng Yên, góp phần giúp Công an nắm và lên danh sách được 34 535 người Kinh, 5346 người Hoa trên địa bàn [34, 23].

Ở Nam Định, trên cơ sở ý thức chấp hành nghiêm các quy định về đăng ký hộ khẩu của nhân dân đã giúp cho lực lượng Công an thống kê nắm vững tình hình dân số toàn thành phố sau giải phóng, trong đó có hơn 1700 người nước ngoài gồm Hoa kiều, Pháp kiều, Ấn kiều…[33, 23]

Qua đăng ký hộ khẩu, nhân dân đã nêu cao vai trò làm chủ của mình, chấp hành tương đối nghiêm các chủ trương, yêu cầu của Nhà nước trong công tác kê khai hộ khẩu, tích cực, tự giác, phát hiện các đối tượng kê khai sai, không đúng mà mình biết báo cho cơ quan chức năng. Qua đó, lực lượng Công an nắm bắt được ai là người tốt, ai là đối tượng trong diện khả nghi cần quản lý. Điển hình như ở Hồng Quảng, nhờ sự giúp đỡ của quần chúng mà chỉ sau một thời gian ngắn lực lượng Công an ở đây đã lập hồ sơ cá nhân 497 đối tượng là mật thám, chỉ điểm, 204 phần tử tham gia đảng phái phản động và hơn 1000 ngụy quân, ngụy quyền cũ, 151 đối tượng hình sự [34, 23]. Ở Nam Định, Công an đã phát hiện 12 người là đối tượng gián điệp địch cài lại; đã truy bắt 47 tên lưu manh chuyên nghiệp lợi dụng thời cơ mới giải phóng trốn trại giam ra hoạt động cướp phá, thông báo cho Công an các địa phương hàng trăm tên lưu manh nguy hiểm đang hoạt động lưu động [18, 102].

Ngoài việc tham gia đăng ký hộ khẩu, quần chúng chấp hành, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ trị an như: các quy định về quản lý đặc doanh, thực hiện đăng ký xe đạp, xe máy,…hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng trộm cắp xảy ra. Nhân dân cũng tích cực tham gia khi phát hiện, thu nộp vũ khí, chất nổ vương vãi, vận động, tố cáo những người còn cố tình cất giấu vũ khí, không đem nộp cho chính quyền, nhờ vậy, đã giúp lực lượng Công an thu giữ hàng nghìn khẩu súng các loại, kịp thời triệt phá những trường hợp còn cất, giấu vũ khí trái phép. Tại Ty Công an Kiến An 60/100 súng các loại thu giữ được là do bọn ngụy quân, ngụy quyền và đảng phái phản động được quần chúng vận động đem nộp [34, 139]

Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn các Ty, Sở Công an đã thực hiện kê khai một cách khá đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ. Sự giúp đỡ của quần chúng là nhân tố quan trọng giúp Công an thu giữ, xử lý nhanh chóng, có hiệu quả toàn bộ số vũ khí do các cá nhân, tổ chức còn cất giữ trái phép, hạn chế tới mức thấp nhất những hành vi phạm tội do sử dụng vũ khí để gây án.

Phong trào nhân dân tham gia phòng cháy chữa cháy được triển khai, thực hiện rộng khắp. Bắt nguồn từ thủ đô Hà Nội, phong trào được mở rộng và lan ra các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam,…và phát triển sôi nổi trên cả miền Bắc. Ở Hà Nội đã xây dựng và củng cố 600 đội dân phòng mà tiêu biểu là khối 30 Quận Đống Đa, khối 33 Quận Hai Bà Trưng. Ở Thanh Hóa có phong trào ở phường Lam Sơn thị xã Thanh Hóa do cụ Vũ Hữu Nghị phụ trách đội dân phòng. Ở Nghệ An có các đội “Chim xanh” của thiếu niên thành phố Vinh đôn đốc, nhắc nhở việc phòng cháy, chữa cháy.

Các tổ, liên tổ, đội dân phòng của nhân dân đều tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chữa cháy, kiểm tra bếp núc, củi lửa của từng hộ trong phường, xã, thôn, xóm. Bản thân các hộ đều ký giao ước thi đua không để cháy xẩy ra trong gia đình mình. Các gia đình đã tổ chức sắp xếp, bố trí bếp đun gọn gàng không để củi rác gần lửa; giữ gìn cẩn thận các thứ hàng hóa dễ bén lửa, không cho trẻ em nghịch lửa, đốt thuốc pháo, thuốc nổ. Mỗi khi có nhà nào bị cháy, nhân dân đều tích cực tham gia ứng cứu nhanh chóng, chú ý theo dõi bọn lưu manh, phản động đốt nhà để hôi của hoặc để phá rối trị an. Trong các cơ quan, nhà máy xí nghiệp, cán bộ công nhân viên tích cực tham gia chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chữa cháy. Với sự tham gia tích cực và đông đảo của nhân dân đã góp phần hạn chế những thiệt hại về người, tài sản do cháy nổ gây ra, xây dựng các xóm, làng, tổ dân cư an toàn.

Chính từ những hoạt động thiết thực, cụ thể của quần chúng trong việc tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý hành chính trong thời gian đầu miền Bắc mới giải phóng đã giúp cho Công an chẳng những nhanh chóng nắm bắt được tình hình ANTT ở địa bàn mà còn phát hiện, lựa chọn

được những cá nhân có đủ năng lực, phẩm chất, nhiệt tình trong công tác để tạo nguồn và bổ sung lực lượng bảo vệ cơ sở.

Có thể nói, sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng trong việc nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện các nội dung trong công tác quản lý hành chính, phòng cháy chữa cháy là cơ sở để lực lượng Công an bước đầu nắm bắt được đối tượng, địa bàn cơ sở, chủ động xây dựng kế hoạch ổn định, giữ vững ANTT, hạn chế những thiệt hại do cháy nổ gây ra. Đây cũng chính là những nền tảng đầu tiên để thu hút, thúc đẩy phong trào quần chúng tham gia thực hiện các nhiệm vụ công tác Công an sâu sắc và toàn diện hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn trị an ở miền Bắc (1954 – 1975) (Trang 32 - 35)