Giải trung tâm diễn ngôn tư tưởng của A.Camus

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kỹ thuật viết lại người xa lạ của a camus trong phía sau vụ án người xa lạ của k daoud (Trang 75 - 82)

CHƯƠNG 2 NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG PHÍA SAU VỤ ÁN NGƯỜI XA LẠ

3.2. Giải trung tâm diễn ngôn tư tưởng của A.Camus

Vấn đề trung tâm và ngoại biên (hay ngoại vi) được đặt ra đầu tiên không phải để áp dụng cho bộ môn văn học mà được dùng trong việc nghiên cứu văn hóa, nhân học. Thuật ngữ trung tâm (center) và ngoại biên (marginal) đầu tiên được áp dụng vào việc nghiên cứu các nhóm người nhập cư vào những thành phố ở Mỹ, dần dần được áp dụng rộng rãi trên các lĩnh vực khác. Nghiên cứu văn học cũng vận dụng lí thuyết này vào nghiên cứu những vấn đề trung tâm/ngoại biên văn học ở tầm thế giới hoặc trong văn học nội tại của một đất nước, cả trên phương diện đồng đại và lịch đại.

Gắn liền với nghiên cứu trung tâm/ngoại biên là việc nghiên cứu những hiện tượng thay đổi trung tâm, các quá trình giải trung tâm hay ngoại biên hóa của văn học, sự chuyển dịch liên tục của các luồng tư tưởng trong từng thời đại. Vì thế, văn học không được xem như một hệ thống đóng kín mà là một dòng có nhiều sự hoán đổi cho nhau mà giải trung tâm là bước đầu cho sự ngoại biên hóa.

Thuyết trung tâm/ngoại biên cũng có mối quan hệ chặt chẽ với quyền lực và tri thức. Và câu hỏi được đặt ra, trung tâm là gì ? Tại sao lại tồn tại vấn đề trung tâm và ngoại biên ?

Trung tâm ấy, ở đây, gắn liền với tri thức, tri thức và quyền lực của thể chế thống trị. Vấn đề quyền lực và sự chi phối làm xuất hiện những cụm trung tâm, những tư tưởng, cách thức được xem là chính thống và nhiều cụm ngoại biên ít có sự ảnh hưởng hơn. Thế nên sẽ hình thành những diễn ngôn của trung tâm và quá trình giải trung tâm, phê phán sự chi phối của diễn ngôn và đẩy văn học đi vào một trường đối thoại rộng lớn hơn. Quyền lực, không phải chỉ những thiết chế xã hội nhưng lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ những thiết chế ấy, có khi thiết chế và văn học phát triển cùng chiều, có

khi thiết chế xã hội tạo ra văn chương có tư tưởng chống đối và làm một bước đà vững chắc cho quyền lực văn chương. Có thể hiểu, quyền lực ở đây nằm ở độ lan tỏa và sức ảnh hưởng. Tư tưởng nào nắm được hai yếu tố đó thì tư tưởng ấy sẽ chuyển dịch vào vùng trung tâm.

Trong văn chương đã chứng kiến nhiều sự chuyển giao giữa trung tâm và ngoại biên như thế. Ví dụ là cuộc chuyển giao ở phương diện thể loại từ thơ, kịch của của thế kỉ 16, 17 sang tiểu thuyết của các thế kỉ sau này, cũng là sự tiếp nối giữa những dòng tư tưởng duy lí, lãng mạn, hiện thực, huyền thoại và vận động không ngừng trong bản đồ văn chương đương đại.

Thế kỉ 20 ở Châu Âu, thời đại của Camus là một thời đại biến động, cũng là lúc Châu Âu chìm trong sự thất vọng sau hai cuộc thế chiến, chứng kiến sự sụp đổ của tư tưởng lãng mạn, và sự lên ngôi của văn chương phi lí. Nhà nghiên cứu R.M.Albérès nhại lại giọng điệu chua chát lúc bấy giờ “Chúng tôi chỉ nhận thấy đời sống đã phi lí đến độ mà chúng ta chẳng cần phải nói chuyện ấy bằng đủ mọi giọng. Sự buồn nản của chúng ta đã nhiều rồi chúng ta chẳng buồn để ý tới những luận điệu nhái lại trình trạng phi lí đó. Văn “bạo dâm” và “hiện thực” là những phương tiện văn chương mong bù lại chỗ thiếu thốn trong tâm hồn chúng ta nhưng không ích lợi gì trong cảnh sống ngày nay. Chúng tôi cảm thấy mình xa lạ với sự khủng hoảng ấy vì chúng tôi thấy nó tàn lụi trong nhàm chán.” [1, tr.325]

Camus sống trong thời đại nuôi dưỡng tư tưởng của ông, và ông trở thành một đại diện tiêu biểu cho thời đại mình. Và thế là, ông, Albert Camus, một nhà văn – nhà triết học đến từ đất nước là đỉnh cao của cả văn chương và triết học thế giới, trở thành một trung tâm của diễn ngôn quyền lực.

Sáng tác của Camus theo khuynh hướng văn học phi lí mà ông là một đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa hiện sinh Pháp ở giữa thế kỉ XX. Không thể phủ nhận, trong các nhà triết học hiện sinh, Camus không phải là người có thế mạnh về hệ thống triết học, càng không thể đặt ngang với Sartre trên

bản đồ triết học. Sự nghiệp của ông tỏa sáng hơn ở lĩnh vực văn chương, và ông đã đưa văn chương phi lí trở thành trung tâm, cũng như độ lan tỏa của triết học hiện sinh.

Phải nói rằng, hiện sinh một thời là từ ngữ sành điệu, trường phái triết học này lại càng sành điệu hơn khi rất phù hợp với giới trẻ. Lần đầu tiên, trong bản đồ triết học thế giới, người ta không còn đặt nặng vấn đề về vũ trụ mà tập trung vào con người, một trường phái triết học đề cao tâm tư, tình cảm của con người. Vì thế, Sartre đã nói, thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản. Nhân bản tức là lấy con người làm gốc. Và đây, cũng là lần đầu tiên, một học thuyết triết học đi vào văn chương nghệ thuật mềm mại đến thế. Điều đó cũng lí vì sao thuyết hiện sinh có sức ảnh hưởng to lớn. Và nhắc đến sức ảnh hưởng đó, không thể không nhắc đến Camus, dẫu việc ông có phải một triết gia hiện sinh hay không vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng quyền lực bởi diễn ngôn văn chương của ông thì không thể nào tranh cãi được.

Bước nền của triết học hiện sinh đã được đặt vào thế kỉ 19 với Kierkegaard rồi đến Nietzsche, nhưng đây dường như là triết học gắn liền với các cuộc thế chiến, mỗi khi một cuộc thế chiến kết thúc thuyết hiện sinh lại lên ngôi và đạt độ lan tỏa rộng rãi đến độ mang màu sắc văn hóa của cả một thời kì như nửa cuối thế kỉ 20, sau thế chiến thứ 2, thời đại của các triết gia như Sartre, Marcel hay Camus. Thế nên, trong một thời đại bi quan đó, nhân vật Meursault đã được đặt vừa vặn trong vị trí của mình, trở thành một trung tâm sáng chói của chủ nghĩa phi lí và thái độ buồn nản. “Camus nhà văn sinh trưởng ở Bắc Phi đã nói lên sự hoang vắng ấy một cách rất giản dị, đến cuốn L’etranger của ông thì bãi sa mạc trở thành vũ trụ chung của ngao ngán và phù phiếm: cuộc đời nhàm chán của tiểu viên chức, cuộc đời nhàm chán trong các trong trà, rạp chiếu bóng, cuộc đời nhàm chán của những cô gái nhỏ cha mẹ dắt đi xi nê chiều thứ bảy, sự mỏi

mệt của con người sống giữa một xã hội hứa hẹn hão huyền về vinh quang nhân loại.” [1, tr.328] Cả Châu Âu đang bị nhốt trong hoàn cảnh đó, và Camus nói lên cuộc sống của họ, trong không gian đầy màu sắc triết học, một loại triết học vô cùng gần gũi.

Và thế là, Moussa, người Ả Rập vô danh, chết trong một bãi sa mạc mê sảng và buồn nản của Châu Âu. Chết như một vật hiến tế cho triết học, đóng góp cái chết của mình - dẫu không phải tự nguyện - cho sự sáng chói của tâm thức thời đại.

Không hề tự nguyện, người Ả Rập ấy nói với mẹ rằng hôm nay mình sẽ về sớm. Người Ả Rập ấy lên đường để bảo vệ danh dự cho người phụ nữ của mình. Người Ả Rập ấy không đi để trở thành vật tế cho triết học. Moussa biến mất đầy phi lí, để lại một vũ trụ trống rỗng, trống rỗng không kém sự buồn nản của Meursault, trong lòng người mẹ và em trai Harun. Nhưng không ai nhìn thấy sự phi lí trong cuộc đời của họ, bởi họ không phải là triết gia.

Daoud đã chất vấn về tội ác của Meursault, cái tội ác triết học ấy. Meursault dẫu có bị xử tử hình thì vẫn sống trong lòng người đọc. Meursault và cuộc đời phi lí trở thành chân lí còn Moussa cùng vũ trụ phi lí của mình chỉ là vùng biên nhỏ bé không tiếng nói. Daoud, không phải một nhà triết học, ông chỉ là một nhà văn, nhà báo ở đất nước Algeria nhỏ bé trên bản đồ văn học, đã đặt ra câu hỏi về sự chua chát của cuộc đời một con người không có đủ tri thức để bảo vệ cho mình. Không có đủ tri thức để trở thành một diễn ngôn. Họ, những Châu Phi nghèo, chỉ có cuộc sống của họ, một cuộc sống thực, cuộc sống với hơi thở nóng hổi đặt cạnh sự phi lí buồn nản của Châu Âu. Daoud đã lên tiếng để chỉ trích diễn ngôn ấy bằng văn học khi mọi ánh nhìn bị hút về phía trung tâm còn vùng ngoại vi tư tưởng không được ai chú ý đến. Daoud và tiếng nói của một người Ả Rập, mong muốn phá bỏ trung tâm ấy đi, ông không muốn dịch chuyển vào vùng trung

tâm mà là tạo nên nhiều vùng ngoại biên hơn, giải trung tâm trở thành nhiều cực ngoại biên.

Chính vì thế, Daoud đã dựng nên một câu chuyện về cuộc sống để đối lập với câu chuyện triết học. Tạo dựng một nỗi đau sống động kéo dài dai dẳng để lối lập với tội ác triết học thoáng qua như cơn say nắng.

“Rất đơn giản : Câu chuyện này nên được viết lại, cũng bằng ngôn ngữ đó, nhưng từ phải sang trái. Có nghĩa là phải bắt đầu bằng nạn nhân vẫn còn sống.” [11, tr.15]

Và câu chuyện được viết lại, để đối lập với sự dửng dưng mang đầy màu sắc triết học là nỗi đau rất trần thế của một người phụ nữ và cậu con trai nhỏ của mình, cả hai đều mù chữ. Toàn bộ phần đầu tiên của Phía sau

vụ án Người xa lạ, như để đối lập với một ngày mệt mỏi và lim dim ngủ trong cái nóng của Meursault là sự nhắc đi nhắc lại về Moussa trong tất cả các chương, Moussa được khắc họa qua như một người tràn trề sức sống, đầy ấp hơi thở của hiện thực. Quá khứ hiện lên chân thật và sinh động hơn cả hiện tại. Bộ quần áo Moussa mặc, điếu thuốc anh hút, ly cà phê anh uống, cách anh đặt Harun lên vai và cõng qua những con phố “Mùi anh xộc lên. Một mùi rau thối rữa và mồ hôi, cơ bắp và hơi thở lẫn lộn” [11, tr.17]. Hay những ngày có tin đồn về người bố, “anh về nhà với hành vi bồn chồn, ánh mắt rực lửa” [11, tr.18], anh cãi nhau với mẹ rồi bỏ đi “nhưng ngay từ sáng sớm anh đã trở về, say xỉn, kiêu hãnh một cách bất thường với sự phản kháng của mình và dường như có thêm sức mạnh.” [11, tr.18]. Và “Moussa là một vị thần giản dị và ít nói, trong như khổng lồ nhờ bộ râu dày và cánh tay có thể vặn cổ binh lính của bất kỳ vị vua Ai Cập cổ đại nào.” [11, tr.19] Tất cả những mô tả về Moussa đều tràn đầy năng lượng, một cậu trai mới lớn, sống, và sống đến tận cùng. Một cậu thanh niên mù chữ, gánh vát một gia đình nghèo, yêu một cô gái, la hét đánh nhau khi giận dữ, ngồi im bất động hàng giờ khi buồn bã, cãi nhau với em trai rồi ngượng ngùng

không chịu hôn cậu em để xin lỗi. Nếu Meursault thông minh như một triết gia, ủ dột trong câu hỏi về ý nghĩa thật sự của cuộc đời thì Moussa mù chữ chỉ biết làm mỗi một việc, tìm mọi cách để tồn tại. Daoud, bằng nghệ thuật tạo sự đối lập, nêu lên một câu hỏi đầy đau đớn, vì sao cậu thanh niên ấy phải chết vì một cơn say nắng?

Tội ác liệu sẽ được tha thứ vì đó là một tội ác triết học còn người bị hại không đáng được khóc thương vì người ấy mù chữ? Liệu bao nhiêu học thuyết, bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu cách giải thích có quan trọng bằng cuộc sống thực tại? Vì sao một tia nắng đi qua chấn song lại còn chiếm nhiều dòng miêu tả hơn cậu trai đầy sức sống kia? Vì cậu là người Ả Rập? Vì cậu không thuộc về thế giới tri thức? Vì cậu chỉ là một kẻ sống bên lề thế giới văn minh?

Để đối lập với không gian thoáng đãng nhưng ủ dột trong phần đầu của Người xa lạ là không gian tù túng chật hẹp của khu ổ chuột nơi mẹ con Harun sống. Nơi Meursault sống là một chung cư của người da trắng bình dân, nơi khi đóng cánh cửa nhà thì họ không còn can hệ gì với nhau. Nơi Harun sống là nơi không chỉ chật chội của không gian mà còn chật chội bởi tin đồn thổi về nhau. Đủ mọi thứ tiếng động len đầy trong không gian ấy, tiếng xì xầm, tiếng la hét, tiếng rên rỉ, tiếng than thở, tiếng khóc lóc, tiếng cười trêu ghẹo. Sự bức bối của không gian cộng với sức dồn nén của quá nhiều người, quá nhiều âm thanh đã tạo nên sức sống cho khu phố ấy. Bởi càng khó sống người ta càng phải đấu tranh hết mình để dành lấy phần được sống, được khẳng định mình là một người sống. Đến phần hai, khi Meursault bị nhốt trong buồng giam, ngày đêm mơ màng nghĩ về thời gian, về cuộc sống, nhìn ngắm tia nắng trong trẻo của bình minh thì Harun và mẹ sống trong nơm nớp, lo sợ chủ nhà người Pháp sẽ quay lại lấy lại căn nhà của mình. Lo sợ rồi đến vui sướng khi được làm chủ, rồi lại đến lúc cảm xúc thắt lại khi một người Pháp lẻn vào căn nhà vào ban đêm, sự thù hận

dâng tràn và phát súng mở ra cánh cửa thanh thản cho mẹ con Harun. Daoud luôn xây dựng sắc thái đối lập với tác phẩm của Camus, một bên càng dửng dưng lạnh lùng không tí cảm xúc thì một bên ngồn ngộn những cảm xúc sống động. Nghệ thuật xây dựng tình huống và nhân vật của Daoud đã đặt cuộc sống lên bàn cân với diễn ngôn triết học. Liệu bên nào có sức nặng hơn, triết học hay cuộc sống? Không bên nào nặng hơn cả mà cần được đặt ngang hàng, tư tưởng cần một vị trí công bằng.

Giờ đây, tác giả Ả Rập đã lên tiếng, người kể chuyện Ả Rập đã lên tiếng, nhân vật Ả Rập đã lên tiếng. Vùng ngoại biên suốt nhiều năm mất hút dưới sức nặng của tư tưởng phương Tây nay lên tiếng chống lại vùng trung tâm ấy, đặt câu chuyện của mình bên cạnh, đặt lí lẽ của mình bên cạnh. Lí lẽ ấy không đặt trên nền tảng của tri thức, của triết học mà đặt trên nền tảng của cuộc sống, của hơi thở nóng bỏng, của sự va chạm người với người.

Meursault là một người tự ý thức, một người tự tạo ra chuẩn mực của mình, sống và chịu trách nhiệm với chuẩn mực ấy. Meursault đã giết một người và chấp nhận án tử hình. Nhưng kể cả khi Meursault chịu trách nhiệm thì nỗi đau chân thật của gia đình Ả Rập ấy có thể vơi đi được không? Thế mà công lí còn không được thực thi bởi công lí đứng cạnh với quyền lực của tri thức, công lí gắn liền với lí lẽ. Mà còn ai nhiều lí lẽ hơn Meursault?

Bằng sự viết lại mang đậm màu sắc hậu hiện đại của việc phá bỏ những trung tâm, phá vỡ lực hút của các diễn ngôn thống trị, đan xen vào ngày càng nhiều những cực khác nhau của tư tưởng ngoại biên Kamel Daoud đã thực hiện công cuộc giải trung tâm diễn ngôn triết học của Albert Camus. Giải trung tâm không phải là sự hạ bệ mà là sự lên ngôi của nhiều tiếng nói, đặt những tiếng nói trong thế ngang hàng để đối thoại. Có thể không bao giờ tìm được một chân lí tối thượng, có thể những đối thoại càng tạo nên nhiều sự hỗn mang hơn nhưng văn học cần là một cuộc chơi công bằng. Triết học, lĩnh vực gần như gắn liền với sự xa xỉ trí thức, là cuộc chơi của các ông lớn

đến từ thiết chế tinh hoa cũng cần được đặt ngang với kẻ mù chữ chỉ có tài sản duy nhất là cuộc sống và tiếng nói của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kỹ thuật viết lại người xa lạ của a camus trong phía sau vụ án người xa lạ của k daoud (Trang 75 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)