Phân tích một số trường hợp điển hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hành vi đối với việc giữ gìn nghề làm bún truyền thống của người dân làng phú đô mễ trì từ liêm hà nội (Trang 93 - 127)

Để tìm hiểu sâu hơn thực trạng giữ gìn nghề làm bún truyền thống của người dân thông qua nhận thức, mong muốn, cử chỉ, nét mặt, hành động trong quá trình sản xuất bún, chúng tôi đã tiến hành quan sát và phỏng vấn sâu 3 người dân.

Kết quả thu được như sau:

Trường hợp 1:

Cô Nguyễn Thị Hoa, 52 tuổi; số năm làm bún: 30 năm, sống trong gia đình 4 đời làm bún. Gia đình hiện nay của cô Hoa có 3/7 người nghề nghiệp chính là làm bún gồm cô Hoa, chồng cô Hoa, con dâu cả của cô Hoa. Còn con trai cô Hoa mua taxi tự lái, các cháu cô Hoa đang đi học tiểu học và mẫu giáo.

Một số trao đổi với cô Hoa:

Theo cô, hiện nay nghề làm bún ở làng còn ít người làm, chủ yếu là người già đã làm lâu năm hoặc những người dân không có việc làm tốt hơn nên bắt buộc phải làm chứ số người còn làm và yêu thích nghề như cô không còn đáng kể. Bởi vì hiện nay nghề này thu nhập thấp quá, lại vất vả, suốt ngày hơn 10 tiếng quanh lò bễ mùi khói than cũng độc hại, hình thức bên ngoài suốt ngày nhem nhuốc, bẩn thỉu.

Khi trao đổi, nét mặt vui vẻ, hồ hởi, cởi mở chia sẻ: “Giờ chật trội quá, bếp núc nhỏ xíu, ô nhiễm lắm vì khói bụi, mà đã làm nghề này thì phải chăn nuôi để tận dụng cám bã nhưng nuôi lợn cũng bẩn lắm vì không còn vườn, đất xây nhà ở và nhà trọ cho sinh viên thuê rồi, nước thải cũng không vệ sinh vì cống rãnh thấp nhỏ, một trận mưa nhỏ thôi, chưa kể mưa nặng hạt thì đã tràn hết lên đường cả rác rưởi nữa. Làm nghề cũng phải yêu thích và gắn bó với nó chứ làm

để qua ngày thì chán chẳng thể làm được vì bún giờ đều làm theo đơn đặt hàng cả, mang ra chợ ít thôi, phải đăng ký với chính quyền để qua hợp tác xã tiêu thụ chứ bán ngoài chợ, ngày nắng, ngày mưa ế có mà lỗ một tuần. Chúng tôi làm nghề này sản xuất ra thực phẩm nên cũng phải có lương tâm để đảm bảo vệ sinh an toàn cho người sử dụng chứ dùng hóa chất bảo vệ thì nhàn nhã hơn nhiều, mà lại không cầu kỳ vất vả như tôi. Nhưng kệ vất vả , nếu làm có hóa chất mà gây thiệt hại cho khách, mất uy tín là khách thôi không lấy hàng nữa ngay. Nên để có uy tín, làm lâu dài thì phải cẩn thận.”

Những người hàng xóm của cô cũng cho biết : “Gia đình cô Hoa nhiều đời làm bún, bún nhà cô dẻo dai, thơm ngon, để từ sáng đến chiều cũng không bị ôi chua mà cô không dùng thuốc, nhà cô có bí quyết riêng, cô là người bên làng Mễ trì hạ giỏi làm cốm nhưng từ khi lấy chồng làm dâu ở làng Phú Đô thì theo nghề cha truyền làm bún. Giờ cả hai vợ chồng cô chú đều làm dù chú đã ngoài 60 tuổi, hai ông bà phụ giúp nhau làm bún, cùng cô con dâu nữa.”

Trưởng thôn Phú Đô cũng đánh giá: “Cô Hoa làm bún theo bí quyết gia đình nên bún của nhà cô là một trong số những gia đình được đưa vào nhà hàng lớn vì có uy tín, luôn giao hàng đúng thời gian, vẫn đảm bảo chất lượng. Gia đình cô cũng luôn tham gia thi đấu trong các dịp lễ hội làng đầu xuân và năm nào cũng đoạt giải của thôn”

Khi được hỏi là cô “có mong muốn con cháu cô sau này cũng làm nghề làm bún không”, cô cũng bày tỏ “vẫn muốn truyền nghề cho con cháu mai sau dù biết nghề này vất vả quá mà con cháu thì cô mong muốn chúng nó học giỏi có nghề nghiệp thu nhập cao hơn. Chúng nó vẫn theo nghề nhưng nếu giỏi giang và có điều kiện thì mở rộng quy mô xưởng lớn và vẫn sử dụng bí quyết gia truyền được. Chính quyền địa phương cũng ủng hộ lắm, và còn xây dựng cả mô hình phố ẩm thực ở làng này nữa . ”

Để đạt được kết quả trên cần :

+ Do sự nỗ lực chịu khó, cần cù của bản thân. + Yêu thích, đam mê nghề nghiệp.

+ Tích lũy kinh nghiệm của ông cha để lại kết hợp với kinh nghiệm làm nghề thực tế hàng ngày .

+ Gia đình có người cùng phụ giúp, nếu một mình thì không thể làm nghề này được.

+ Chính quyền địa phương, thôn xóm quan tâm giúp đỡ hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

Trường hợp 2:

Anh Nguyễn Văn Bình, 41 tuổi, 20 năm trong nghề làm bún. Gia đình anh Bình có 4/ 8 người làm nghề bún gồm có hai vợ chồng anh và hai bố mẹ đẻ của anh. Bà nội ngoài 80 tuổi, trước kia cũng làm bún nhưng nay già chỉ ở nhà đỡ đần con cháu. Các con anh vẫn đi học cấp 2 và tiểu học.

Một số trao đổi:

Theo anh “Do là người đàn ông trong gia đình nên là trụ cột chính cho vợ con, nghề này tuy so với nghề khác trong xã hội thu nhập không cao, và không có vị trí xã hội nhưng lại rất ổn định, đồng thời mình cũng không có trình độ tài năng gì nên chỉ làm nghề này thôi còn hơn là chơi bời lêu lổng, rượu chè, cờ bạc như nhiều người đàn ông khác. Hơn nữa, mình nhiều lúc cũng muốn chuyển đổi nhưng vốn mình không có, nhà mình ngày xưa ruộng đất ít nên được đền bù ít chỉ đủ xây nhà là hết, không có tiền mà làm vốn kinh doanh được. Nên thôi cả hai vợ chồng cứ chấp nhận làm vậy. Ở đây, hồi trước (cách đây khoảng 10 năm), nhiều nhà có nhiều tiền lắm, bỏ hết lò bễ đi, không làm bún nữa , chỉ ở nhà ăn chơi thôi nhưng 2-3 năm trở lại đây lại quay về làm bún rồi. Vì thế mình vẫn thấy nghề này ổn định nhất. Ông bà (bố mẹ anh) giờ ngoài 60 rồi nhưng vẫn

phải làm bún vì không có tiền lương hưu để sinh sống mà vẫn còn khỏe mạnh, chơi nhiều cũng chán, ông bà lại muốn làm nghề để cho con cái theo, giữ nghề của các cụ”

Anh vừa làm vừa quật bột, nhào lên đập xuống cho tơi. Anh nói : “Quật bột này nặng lắm, đàn bà mà không có sức khỏe cũng không làm được, mà cả ngày ở bên cạnh bếp lò, biết là độc hại nhưng vì cuộc sống không làm cũng không được, cũng chẳng có nghề khác mà làm”

Khi được hỏi, “ Vậy nếu có nghề khác ổn định, không phải đầu tư gì nhiều, thu nhập lại khá hơn, anh có bỏ nghề làm bún này không?”

Anh Bình chia sẻ: “Nếu được thế anh sẽ chuyển nghề ngay nhưng thỉnh thoảng vẫn về làm giúp bố mẹ, vợ những công việc nặng nhọc. Còn nếu cả nhà mà chuyển nghề thì cũng thấy thích đỡ vất vả nhiều chứ, nhưng cũng thấy hơi buồn và tiếc vì không giữ nghề mà ông cha tổ tiên đã để lại. Mặc dù tiếc nhưng vẫn không muốn cho các con theo nghề vì vất vả lắm, tiền lại ít, muốn làm gì cũng khó. Nên anh muốn chúng nó có học hành rồi chuyển nghề cho khỏi cực thân.”

Trưởng thôn Phú Đô cũng nhận xét về anh Bình : “ Là người hiền lành, chăm chỉ, chịu khó, không chơi bời rượu chè, cuộc sống gia đình hòa thuận, có trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của gia đình mình làm ra , tận tụy với công việc. Hàng năm cũng thường xuyên tham gia hội làng và đóng góp nhiều công sức vào hoạt động giữ gìn nghề truyền thống của làng”.

Để đạt được kết quả trên thì cần :

- Nỗ lực của bản thân, chịu khó, chăm chỉ học hỏi nghề nghiệp từ cha mẹ. - Quý trọng nghề của ông cha để lại.

- Mong muốn phát triển nghề để có cuộc sống tốt hơn nữa cho gia đình.

Bác Bùi Văn Cảnh , 70 tuổi, trưởng thôn Phú Đô. Hiện nay, bác Cảnh đang làm công tác phụ trách thôn, đại diện cho chính quyền địa phương.

Bác cho biết : “Thực trạng của việc giữ gìn nghề truyền thống hiện nay ở làng có nhiều thay đổi. Như trước đây khoảng 15 năm thì 95% các hộ trong làng làm bún, dù cách trung tâm Hà Nội không xa, nhưng xã này thuần nông thuộc huyện Từ Liêm. Nhưng từ khi trở thành khu quy hoạch cho Trung Tâm Sân Vận Động Thể Thao Quốc Gia Mỹ Đình thì tình hình thay đổi chóng mặt mà không ai tưởng tượng ra. Hầu như nhiều gia đình có khoản tiền lớn được đền bù hoặc bán bớt đất đai ông cha tổ tiên đi thì họ cũng không còn yêu nghề nữa. Hơn nữa, làm nghề lại vất vả, học cũng không có trình độ năng lực gì nên không làm nghề bún mà cũng chẳng phát triển gì được nghề khác vì không tính được. Những nhà làm dịch vụ kinh doanh ăn uống, vận tải, khách sạn nhà hàng quán ăn chủ yếu 80% là dân nơi khác đến đầu tư, chứ dân ở đây không làm được gì lại quay về bập bõm làm bún vì hết đường đi chứ không chuyên tâm đâu.”

Bác cũng cho biết thêm: “ Chính quyền ở xã, huyện, thành phố và cả Trung ương nữa cũng quan tâm lắm về vấn đề này nhưng người dân đang trong quá trình hội nhập họ vẫn chưa có phương hướng đâu. Tôi đại diện cho thôn cũng xin xã tiếp tục duy trì diện tích đất nông nghiệp để trồng lúa lấy lương thực, nguyên liệu cho làng nghề nữa chứ cứ ăn chơi không thì hỏng hết mà nghề truyền thống của ông cha lại không giữ gìn được. Nghề mới thì thanh niên cũng không học được vì từ trước tới giờ là nông dân, học hành ít , chỉ mải chơi thôi.”

Ngoài thực trạng trên, bác Cảnh cũng cho biết: “Chính quyền địa phương cũng quan tâm đến hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, cơ giới hóa dần các khâu sản xuất để giảm bớt sức lực cho người dân trong một số công đoạn, đầu tư thiết bị mới và có hướng dẫn ứng dụng cho người dân. Đồng thời, cũng quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm của làng. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi

trường thì còn nan giải vì dân số tăng nhanh, nước thải sinh hoạt và sản xuất đang chưa có quy hoạch nên gây ô nhiễm nặng nề”.

Để đạt được kết quả việc giữ gìn nghề làm bún truyền thống của địa phương thì cần phải:

- Mọi người dân đều phải nỗ lực, có tinh thần nghiêm túc với nghề nghiệp và cộng đồng làng xóm.

- Làm nghề truyền thống phải thực hiện đầy đủ các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ uy tín làng nghề để sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng.

- Chính quyền địa phương sở tại và các cấp khác có liên quan cần quan tâm giúp đỡ mọi mặt kỹ thuật, kinh tế, vốn để đầu tư nâng cao hiệu quả làng nghề.

Tiểu kết chương 3

Bằng sự phân tích qua điều tra bằng bảng hỏi thực tế, quan sát phỏng vấn sâu một số trường hợp điển hình về thực trạng hành vi giữ gìn nghề truyền thống của làng Phú Đô, đi sâu nghiên cứu một số yếu tố tác động khách quan và chủ quan đến hành vi này, chúng tôi thấy được người dân làng nghề hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Điều này đồi hỏi khả năng thích ứng về mặt tâm lý, văn hóa, xã hội, hội nhập kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Đứng trước những thách thức này, nghề truyền thống của địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc được gìn giữ, duy trì và phát triển. Để thực hiện tốt việc giữ gìn nghề truyền thống thì bản thân người dân rất cần xác định đúng nhu cầu, động cơ, nhận thức về nghề nghiệp của ông cha truyền lại, đồng thời các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp cũng cần nâng cao tuyên truyền giá trị nghề truyền thống với người dân, quan tâm giúp đỡ nâng cao hiệu quả kinh tế từ chính nghề truyền thống của làng. Từ đó, người dân sau khi đã được hướng dẫn, chỉ bảo mới hiểu được giá trị văn hóa truyền thống của nghề nghiệp tổ tiên truyền lại. Có như vậy , họ mới tự giác xây dựng , gìn giữ và phát triển nghề có hiệu quả nhất.

Kết luận và khuyến nghị

1. Kết luận

Qua nghiên cứu các tài liệu về hành vi cộng với sự phân tích và đánh giá thực tế của quá trình nghiên cứu , chúng tôi có thể nêu lên một số kết luận về lý luận và thực tiễn như sau:

1.1. Về lý luận

- Khái niệm hành vi: “Hành vi không phải là những phản ứng máy móc của một cơ thể sinh vật mà hành vi phải được hiểu là hoạt động có ý thức của con người nhằm vào các đối tượng để thoả mãn các nhu cầu của con người”.

Do đó, theo quan điểm của tâm lý học hoạt động cả ý thức và hành vi đều tham gia một cách tích cực vào quá trình tác động của con người lên thế giới xung quanh, lên người khác và lên chính bản thân mình. Khái niệm “hành vi trong tâm lý học hoạt động là mặt biểu hiện cụ thể ra bên ngoài của hoạt động”.

- Hành vi giữ gìn nghề truyền thống là hành vi mang tính chất xã hội, có nhiều người cùng thực hiện và tiến hành nhằm duy trì và bảo tồn nghề nghiệp của ông cha để lại.

1.2. Về thực tiễn:

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng hành vi và những yếu tố ảnh hưởng đến việc giữ gìn nghề làm bún truyền thống của người dân Phú Đô, chúng tôi rút ra được kết luận như sau:

Hành vi giữ gìn nghề làm bún truyền thống của người dân làng bún Phú Đô - Mễ Trì - Từ Liêm - Hà Nội có sự khác biệt giữa những người là thành viên sống trong gia đình có làm bún và gia đình không làm bún.

Những người sống trong gia đình có làm bún thường xuyên tìm hiểu về nghề cao hơn những người sống trong gia đình không làm bún. Nhìn chung,

người dân sống trong gia đình có làm bún thường tìm hiểu thông qua các thành viên trong gia đình và họ hàng hoặc quá trình trực tiếp sản xuất về nghề.

Những người sống trong gia đình có làm bún thường có hành động khuyến khích, lôi cuốn người khác làm nghề cao hơn. Họ cũng có hứng thú và say mê tìm hiểu về nghề truyền thống cao hơn. Đặc biệt, động cơ lựa chọn nghề làm bún là nghề nghiệp chính thường do yêu nghề và muốn giữ gìn nghề của ông cha để lại chứ không giống như những người sống trong gia đình không làm bún, họ lại thường chọn nghề do họ không có sự lựa chọn nghề nào khác.

Có mối tương quan thuận trong hành động thuyết phục, lôi cuốn người khác tham gia giữ gìn nghề truyền thống với mong muốn giữ gìn, phát triển nghề làm bún của người dân. Thông thường , người dân có mong muốn giữ gìn nghề của ông cha để lại thì họ cũng luôn luôn có các hành động cụ thể tích cực nhằm củng có và cổ vũ người khác cùng tham gia hoạt động sản xuất bằng nghề truyền thống với niềm say mê nghề nghiệp

Một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi giữ gìn nghề làm bún truyền thống của người dân Phú Đô trong đó bao gồm: quá trình đô thị hóa của địa phương có ảnh hưởng mạnh nhất (trong các yếu tố khách quan) đến hành vi giữ gìn nghề truyền thống. Còn mong muốn giữ nghề của ông cha truyền lại là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất (trong các yếu tố chủ quan) đối với hành vi giữ gìn nghề truyền thống. Qua việc tìm hiểu các nguyên nhân ảnh hưởng tới việc giữ gìn nghề làm bún truyền thống tại Phú Đô. Yếu tố khách quan ảnh hưởng mạnh nhất nhưng lại tác động tiêu cực đến việc giữ gìn nghề truyền thống là vấn đề đô thị hóa, hiện đại hóa khu vực địa phương, yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến việc giữ gìn nghề là “tâm lý bảo tồn nghề nghiệp của ông cha để lại”. Đây là hai vấn đề

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hành vi đối với việc giữ gìn nghề làm bún truyền thống của người dân làng phú đô mễ trì từ liêm hà nội (Trang 93 - 127)