Nhân vật dị thường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 82 - 91)

3.1. Hệ thống nhân vật

3.1.2. Nhân vật dị thường

Tính chất nghịch dị, kỳ ảo là những yếu tố thường thấy trong thủ pháp xây dựng nhân vật của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Song cái fantastic ở đây không phải được gợi lên từ những yếu tố phi thường siêu nhiên, mà nó nằm ngay trong những cái bình thường, đời thường. Và điều huyền ảo là ở chỗ những cái hàng ngày, những con người bình thường ấy chứa đựng đầy ắp những điều bất thường, kỳ lạ không thể lý giải và cũng không cần lý giải. Xây dựng kiểu nhân vật này, ta thấy ngòi bút của Nguyễn Bình Phương một mặt phần nào chịu ảnh hưởng của những nhà văn phi lý như F.Kafka, A.Camus, mặt khác lại rất gần với nhà văn hiện thực huyền ảo G.Marquez.

Cái huyền ảo đến F.Kafka, G.Marquez nó đã bị giải thiêng, bị giễu nhại, thánh thần ma quỷ không có gì bí ẩn, linh thiêng, mà trở thành những hiện tượng hết sức bình thường trong đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, có những tác phẩm không hề xuất hiện yếu tố hoang đường, siêu nhiên nhưng vẫn hoàn toàn là tác phẩm hiện thực huyền ảo, bởi lẽ các tác giả đã sử dụng biện pháp huyền ảo hóa

hiện thực, biến những cái bình thường thành lạ thường, kỳ quái. Tiêu biểu cho

lối viết này phải kể đến Vụ án của F.Kafka hay Ngài Tổng thống của M.Asturias. Tiểu thuyết của G.Marquez thì có đầy rẫy những nhân vật dị thường, từ Cụ già

với đôi cánh khổng lồ đến những đứa trẻ có cái đuôi lợn hay ngài đại tá

Aureliano biết khóc từ trong bụng mẹ và chào đời với “đôi mắt mở thao láo” trong Trăm năm cô đơn…

Kiểu nhân vật dị biệt xuất hiện khá nhiều trong các tiểu thuyết Việt Nam đương đại viết theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo. Đó là Quang lùn, bé Hon trong Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Mai Trừng trong Cõi người rung

chuông tận thế (Hồ Anh Thái), Từ Lộ, Dã Nhân trong Giàn thiêu (Võ Thị

Hảo)… Kiểu nhân vật này xuất hiện trong tất cả các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương và được nhà văn tập trung khai thác ở hai khía cạnh là dị thường về ngoại hình và dị thường về tâm lý. Có khi hai mặt này tách biệt nhưng thông thường là trùng lặp trong cùng một đối tượng, bởi lẽ những điều nghịch dị về ngoại hình thường là báo trước những bất thường về tâm lý. Vì thế việc phân loại chỉ có ý nghĩa tương đối nhằm khảo sát sâu hơn về đối tượng.

3.1.2.1. Dị thường về ngoại hình

Khắc họa ngoại hình nhân vật, Nguyễn Bình Phương thường cố tình tạo ra sự ám ảnh từ những chi tiết dị hình có phần ma quái, được biểu hiện lặp đi lặp lại trong một tác phẩm, thậm chí trong nhiều tác phẩm. Đó là một kiểu ảo hóa nhân vật, khiến nhân vật trở nên bí hiểm, kỳ ảo đối với người đọc. Ngay từ tiểu thuyết đầu tay là Bả giời, Nguyễn Bình Phương đã chú ý xây dựng kiểu nhân vật này. Tượng – nhân vật chính trong truyện có khả năng vẫy tai di truyền. Tai Tượng rất to, như tai Phật, những lúc xúc động cái tai ấy vẫy liên tục và nó càng ngày càng to thêm. Dường như tác giả cố tình xây dựng một huyền thoại xung quanh đôi tai của nhân vật: ngay từ cách đặt tên cho nhân vật là Tượng cho đến việc kể chuyện nhân vật hay mơ thấy Phật, chơi với Phật, rồi bị đôi rắn thần từng cuốn tượng Thích ca cuốn lấy mình mà không chết khiến dân làng đồn là Phật hiện, và rõ nhất là qua lời phán của bà coi chùa Phù Liễn Tai này là Phật đầu thai vào đây, giời ạ! [16,79]. Những ngụ ý, biểu tượng, sự mập mờ hư – thực xung quanh kỳ hình dị tướng của Tượng đã phủ lên nhân vật một lớp khói sương huyền ảo mơ hồ.

Nhân vật Đông điên trong Vào cõi là kiểu nhân vật có khả năng đặc biệt, xuất hiện trong tác phẩm gắn liền với những điềm báo, thường đưa ra những dự báo, lời phán huyền bí mà chính xác. Mụ là con người thật, có tên Đông, bị làng gọi là Đông điên, nhưng được khắc họa gần với ma hơn là người, sống ở phần âm nhiều hơn dương thế. Ở Đông điên, từ ngoại hình đến tâm lý đều dị thường, ma quái:

Chân trái thọt, tóc xơ cứng vàng như râu ngô. Mắt phải bị lép, lõng bõng mủ (…) Trông mụ như tử thần, nhất là lúc nói. Âm thanh rin rít phát ra

từ hai hàm răng vàng đặc, lốm đốm những vết xước đen. [24,19]

Con mắt còn lại của Đông điên về đêm đỏ đọc như mắt cáo. Làng đồn rằng mụ ngủ, bao giờ lưỡi cũng thè ra, rơi tận mép chiếc chiếu thâm xịt (…) Ăn trên mả, ngủ trên mả nên chân Đông điên đi nhẹ bỗng như không hề bén

đất. Mụ thiêng vô cùng! [24,20]

Yếu tố nghịch lý và nhân vật dị thường xuất hiện đậm đặc trong tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già – điều mà ngay từ cách đặt tên truyện, Nguyễn

Bình Phương đã có dụng ý biểu hiện. Nhân vật dị thường trong tác phẩm bao gồm cả những nhân vật dị tật như Bồi què, Bào mù, những nhân vật mà ngoại hình bị biến dạng một cách ma quái khi chết như lão Hạng, lão Biền hay những nhân vật sinh ra đã mang trong mình cái nghịch dị đầy phi lý như những đứa con của bà giáo. Cũng có khi đó là kiểu nhân vật nửa người nửa ma được khắc họa với những đường nét đầy ma quái: Mắt thị xanh lè, tóc xõa

ra, da mặt xám ngoét [20,10]. Cùng với việc khắc họa những cái chết đầy bí

ẩn của nhân vật, màu sắc huyền ảo trong tác phẩm còn toát lên từ những hình ảnh biến dạng kỳ quái của người chết.

Đây là hình dạng của lão Hạng: Lão đã chết. Khi gỡ lão ra người ta thấy ngực lão có một vết rạch rộng bằng gang tay, chỗ rạch ấy áp vào thân cây, cũng đúng chỗ vỏ bị rạch một vết tương tự, khi đặt lão Hạng xuống đất, người

ta phát hiện ra người lão xanh dần, xanh dần như lá cây già [20,53].

Còn đây là hình ảnh lão Biền: chân lão đen tuyền. Nó mọc đầy tóc. Tóc dài lắm. Dài đến mức rũ xuống và bện thành một lớp dày bọc lấy ống chân

[20,110]. Lão chết, người mọc đầy tóc, không ai nhận ra mặt lão nữa vì tóc

đã phủ kín [20,113].

Hướng tới việc thể hiện những nghịch lý trong cuộc sống, Nguyễn Bình Phương khắc họa không ít những hình ảnh phi lý. Cái phi lý nằm trong những câu thơ nhại ca dao nói ngược mà những bóng ma hát trên chuyến xe trâu:

Tráng sĩ lên ba râu dài chấm ngực Phi con ngựa trắng bạch màu than Cầm thanh gươm sáng loáng đời han rỉ

Chặt cây cổ thụ mới mọc mầm [20,92].

Hay:

Có đứa trẻ chết già bên lề đường Có bà cụ đẻ non trong đáy giếng Và hoàng hôn trở về giữa đêm

Cái phi lý có mặt đầy rẫy trong cuộc sống hàng ngày của người dân làng Phan, trong hình ảnh những đứa hài nhi mới chào đời đã mọc râu bạc trắng:

Vừa ra đời, đứa trẻ đã gây sự kinh ngạc khắp làng. Nó là trai. Người ta phát hiện ra rằng con bà giáo có râu. Không những thế, ba bốn ngày sau, tóc nó còn bạc trắng. Đứa trẻ không khóc, nó giương đôi mắt kèm nhèm nhìn mọi

người như phán xét [20,58].

Điểm xuất phát của kiểu nhân vật này trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương là những con người bình thường nhưng bút pháp ảo hóa, dị hóa

dường như đã khiến cho nhân vật trở thành sản phẩm thuần túy của hư cấu đầy mầu sắc hoang đường, huyền ảo, phi lý. Có điều ẩn đằng sau cái hoang đường ấy là một hiện thực trần trụi và đằng sau những điều phi lý là sự hợp lý, logic. Cuộc sống vốn đầy ắp những điều phi lý, nghịch lý, song chân lý giản đơn, ý nghĩa thức nhận của đời sống lại nằm ngay trong những điều tưởng như vô lý. Nguyễn Bình Phương muốn mượn tính chất nghịch lý, bất thường của nhân vật để gửi gắm những triết lý, triết luận về cuộc sống. Ý nghĩa sâu sắc của những vấn đề ấy càng được biểu hiện rõ nét thông qua việc khắc họa trạng thái tâm trạng dị thường của nhân vật.

3.1.2.2. Dị thường về tâm lý

Quan sát quá trình sáng tác tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có thể nhận thấy một đặc điểm đó là ở giai đoạn đầu, để hướng tới việc tạo dựng màu sắc, không khí huyền ảo trong tác phẩm, nhà văn thường tô đậm tính chất dị thường, ma quái về mặt ngoại hình của nhân vật; trong khi đó ở những tiểu thuyết sau này, cũng với mục đích ấy nhà văn lại chú trọng nhiều hơn vào việc khắc họa tính chất dị thường về tâm lý của nhân vật. Dị thường về tâm lý dẫn đến những biểu hiện bất thường, khó lý giải, thường được nhà văn miêu tả như là sự chi phối của những thế lực huyền bí, mơ hồ. Ở kiểu nhân vật này, Nguyễn Bình Phương tập trung khắc họa hai dạng: dạng dị thường có tính chất bệnh lý với trạng thái điên vô thức và dạng dị thường tâm lý với nỗi ám ảnh sợ hãi đầy bí ẩn. Dường như qua kiểu nhân vật này, Nguyễn Bình Phương muốn hướng tới sự phản ánh trạng thái bất an của bản thể, cái bất ổn của thời đại với một hiện thực còn nhiều góc khuất tăm tối, u mê.

Sự xuất hiện của nhân vật điên trong văn học, đến Nguyễn Bình Phương không còn là mới mẻ. Điên là một trạng thái bệnh lý nhưng trong sáng tác văn chương, nó thường được khắc họa như là sự bất thường của trạng thái tâm lý – một trạng thái bị biến đổi dưới tác động nào đó của hiện thực. Chính vì vậy kiểu nhân vật này chuyên chở ý đồ nghệ thuật của nhà văn, quan niệm của nhà văn về hiện thực và con người. Nhân vật điên xuất hiện trong hầu hết các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương và không đơn thuần chỉ là để khám phá tầng vô thức, thăm dò chiều sâu bí ẩn của thế giới bên trong con người. Nhân vật này được khắc họa dựa trên sự kết hợp giữa cái không bình thường của

tâm lý và cái kỳ ảo của tâm linh [70,21] khiến cho hình tượng nghệ thuật trở

nên lung linh đa nghĩa, chất chứa bao vấn đề của thực tại đời sống. Nhân vật điên trong tiểu thuyết của Phương được khắc họa ở hai trạng thái: điên cá nhân và điên tập thể. Trạng thái điên tập thể được biểu hiện qua đám đông điên và làng của những người điên trong Thoạt kỳ thủy. Cá nhân điên xuất hiện rải rác trong các tiểu thuyết, từ Đông điên trong Vào cõi đến Quản hấp, Trường hấp, Đông điên trong Những đứa trẻ chết già rồi ông già điên trong

Trí nhớ suy tàn, Tính trong Thoạt kỳ thủy hay ông điên trong Ngồi…

Các cá thể điên trong không gian làng thường gắn với những kỹ năng tiên đoán dự báo đặc biệt như Đông điên, Quản hấp khiến cho nhân vật như được bao phủ bởi màu sắc bí hiểm đầy huyễn hoặc. Dường như những nhân vật này chứa đựng một năng lực kì lạ có thể nhìn thấu cõi người sống để thấy

nhận được những điều mà con người bình thường không thể thấy, đồng thời diễn giải nó bằng những tiên đoán có phần ma quái. Đây là những lời báo của Đông điên trong Vào cõi:

Đêm qua ma mở tiệc trên đỉnh núi Rùng để đón thêm người [24,9].

Con Vang chửa hoang với Diêm Vương [24,113].

Lửa sắp tắt, nhà lão sẽ tối và lạnh đầu tiên [24,115].

Nếu như nhân vật điên ở làng thường có một năng lực bí ẩn đặc biệt và được miêu tả với ngoại hình quái dị, thì nhân vật điên ở phố lại được khắc họa hiền lành với ngoại hình bình thường, chỉ có những biểu hiện của tâm lý là bất thường. Trong Trí nhớ suy tàn, hai ông già điên xuất hiện với hành động kỳ

quặc là thay nhau đứng canh gốc điệp vàng trên phố Bà Triệu. Ở họ có chung một trạng thái tâm lý bí ẩn: Hai người cùng làm bạn với những lời thì thầm bí mật xa xôi, càng nhớ mẹ và một người đã từng quanh quẩn dưới gốc cây điệp

phố Bà Triệu [23,81].

Thoạt kỳ thủy là tác phẩm có nhiều nhân vật điên nhất. Nguyễn Bình

Phương khắc họa về họ qua cả hai trạng thái vô thức tập thể và vô thức cá nhân, trong đó nhân vật Tính được xây dựng công phu nhất. Màu sắc huyền ảo và những nỗi ám ảnh đã bao phủ lên nhân vật ngay từ khi ra đời: Vừa ra đời Tính đã thấy trăng. Mặt trăng to bằng chiếc nong lừ lừ rọi qua vách liếp

tạo thành một quầng trong suốt. Tính co rúm lại, rồi thét lên...[21,14]. Ngay

khi miêu tả ngoại hình dị thường của Tính, nhà văn dường như đã báo trước về tính chất bất thường trong tâm lý của nhân vật: Tay dài, lưng dài, chân ngắn. Lông tay đỏ hồng, ngón không phân đốt. Lông mày nhạt, hình vòng cung ôm nửa mắt. Tai nhỏ, mồm rộng, răng cải mả. Tiếng nói đục. Đi như

vượn, ngồi như gấu [21,7]. Tính gần gũi và thích chơi với người điên. Tính

cũng là một người điên điển hình. Ngôn ngữ của Tính thường là những lời lẩm bẩm vô nghĩa hoặc là những dòng tự sự lộn xộn, phi logic chất chứa đầy ám ảnh bạo lực chết chóc, nhưng đôi khi lại thấm đẫm chất thơ: Trôi ở giữa những đụn khói, ai cũng lẫn vào, lẫn vào nhau. Tất cả đều mờ. Trăng không xuống được tóc, chỉ lơ lửng trên đầu. Trăng cười, vàng sắp thành đen rồi. Cứ

nở mãi, nở mãi giữa đụn khói đặc quánh [21,36].

Bên cạnh nhân vật Tính, Thoạt kỳ thủy còn xây dựng được cả một thế giới người điên sinh động và đầy ấn tượng. Nguyễn Bình Phương đã thể hiện ở đây một biệt tài khắc họa không khí ma quái và chân dung đám đông người điên thông qua những hành động kỳ quặc được lặp đi lặp lại như một nghi thức kỳ bí:

Linh sơn có nhiều người điên, họ hay tụ tập ở các cột cây số múa hát í a [21,16].

Những người điên quây thành vòng tròn. Họ xúm lại, Tính lùi ra. Họ dừng lại, Tính sán đến. Họ lùi ra. Cứ như thế một lúc như trò chơi của bọn

trẻ trâu [21,46].

Những đối thoại của đám đông này chủng chẳng, vô nghĩa, phi logic, vừa u tối, vừa phảng phất chút chất thơ:

Lão điên:

-Mưa xiên khoai

Cô gái Thổ điên

- Một sọt bã mía. Không về thì thôi. Con ơi, ăn bánh. Mẹ thồ trên lưng đây này. Người điên khác:

- Nheo nhẻo nhèo nheo. Mụ điên:

- Chạm vào cỏ trắng… có con chim nâu trong cái nụ hoa nâu… Thằng điên mới:

- Cù nách. [21,123]

Tình trạng điên của nhân vật phản ánh trạng thái tâm lý bất thường của con người, sự u mê tăm tối, tính chất hỗn loạn đảo điên của xã hội loài người – một thực trạng nhức buốt được khắc họa thông qua bút pháp xây dựng nhân vật đậm màu sắc huyền ảo.

Tính chất dị thường về tâm lý của nhân vật được Nguyễn Bình Phương khắc họa nhiều hơn cả thông qua những ám ảnh vô thức mơ hồ, kì quái của nhân vật. Hầu như nhân vật nào sinh ra trong tiểu thuyết của Phương đều mang trong mình một ám ảnh. Có khi những ám ảnh đó được biểu hiện qua những bất thường về tâm lý, cũng có khi từ đó nó chi phối nhân vật có những hành động bất thường, không thể lý giải. Nguyễn Bình Phương đã tạo dựng xung quanh những ám ảnh ấy một không khí huyền ảo, bí ẩn.

Nỗi ám ảnh của nhân vật hắn trong Vào cõi bị bao phủ bởi màu mận chín của mái tóc đẫm máu ở người đàn ông bị hắn trót giết tại chợ. Sắc máu bầm lại thành màu mận chín ấy đã loang hết phần đời còn lại của hắn. Ám ảnh tội lỗi tạo thành một ma lực kì bí, vô hình hút hắn về phía Vọng – con trai của người bị giết và về góc chợ - nơi hắn gây ra tội ác năm xưa: hắn lại bị hút

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 82 - 91)