nhiều lần nhưng anh vẫn không thay đổi, chị đành phải đi lấy chồng Hôm chị Hoài cưới anh vẫn ngồi dưới gốc cây chơi cờ với đám trẻ con,
2.4 ĐẶC ĐIỂM CÂU VĂN TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NNT Tìm hiểu và khám phá ngôn ngữ trong văn xuôi của các nhà văn trẻ hiện
Tìm hiểu và khám phá ngôn ngữ trong văn xuôi của các nhà văn trẻ hiện nay chúng ta đã quá quen với dòng chảy văn chương cầu kì gợi nhiều sự tìm tòi mới lạ về hình thức câu chữ, đặc biệt là trong kết cấu câu văn. Trong cách
diễn đạt, các nhà văn luôn cố tìm cho mình cách thức để chuyển tại ý tưởng một cách độc đáo nhất, ấn tượng nhất. Trong dòng chảy ấy của thời đại, Nguyễn Ngọc Tư cũng tìm cho mình một lối đi riêng. Ngôn ngữ trong truyện ngắn của chị có đặc trưng nổi bật là văn của lời nói, rất tự nhiên, không gọt giũa, trau chuốt. Câu văn được ngắt theo ngữ điệu. Đặc biệt có lối bắt đầu câu với liên từ "mà" rồi một dấu phẩy (,) được dùng rất phổ biến. Trong hai mươi truyện ngắn được khảo sát có 49/3612 câu được bắt đầu bằng từ “mà”, chiếm 0,13%.
Ví dụ (65):
“Cô nói lời lịch sử. Mà lịch sử là thứ không thay đổi. Nhưng trong lời
của cô có cái nhiệt tình của tuổi trẻ, trong mắt cô có màu đen sẫm của vốc đất bãi bùn, và cô dựng xương thịt cho cuộc khởi nghĩa bằng nét mềm mại của người con gái nên câu chuyện của cô rất sâu sắc và thu hút người khác.” [1. N.Đ.K.T].
Tác giả không chỉ sử dụng từ “mà” để bắt đầu câu văn trong đoạn văn mà còn dùng để bắt đầu một đoạn văn mới. Ngoài ra các liên từ “nhưng”, “nên” cũng được tác giả sử dụng khá phổ biến để bắt đầu câu văn hay đoạn
văn.
Ví dụ (66):
“Nên nghe râm ran chị Hảo để lòng thương anh, má chị kêu trời, “Bộ hết người rồi sao, con. Cái thằng mê cờ tới mất vợ, không sợ?” [9. H.H.G.B]
“Nhưng trưởng ấp Tư Mốt phải làm cho anh chàng hiểu đời anh có ý nghĩa với đất này như thế nào, thiếu anh người cù lao sống không nổi chớ chơi à.” [8. T.Q.R.R]
Lối chen giữa câu bằng một dấu ngoặc đơn cũng là đặc điểm khá nổi bật trong câu văn của Nguyễn Ngọc Tư. Những yếu tố trong ngoặc đơn có thể là thành phần của câu nhưng cũng có khi là một câu hoặc nhiều câu.
Ví dụ (67):
“Hôm đó trời đứng gió, Xuyến nghe con ong o e trên ngọn đước, nghe mình rỗng không, nghe tim nín thít (và bần thần tự hỏi, đứa trẻ mình sẽ sinh
ra với anh có cái ngón chân út quẹo đơ, có những sợi lông măng dày mịn che cả bớt đen sau cổ như con bé Bi xinh xẻo này không) Xuyến cười lạt nhách, lấy tay phát nước đẩy chiếc tàu giấy đi, Xuyến bảo, em chưa tính tới anh à.” [18. D.P.S.L]
2.4.1 Độ dài của câu văn trong truyện ngắn
Độ dài của câu được hiểu là bằng tổng số âm tiết có trong một câu. Ví dụ (68):
“Ông Năm đi ăn trộm chớ đâu.” [7.C.Ơ] (gồm 7 âm tiết)
Khảo sát hai tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư chúng tôi thu được 3599 câu. Câu ngắn nhất có độ dài một âm tiết, gồm 29 câu.
Ví dụ (69):
- Khùng! [ 2. C.X]
Câu có độ dài hai âm tiết, gồm 70 câu. Ví dụ (70):
“Họ cấu víu. Vật vã. Rên xiết.” [20. C.Đ.B.T] Câu dài nhất có độ dài 131 âm tiết có một câu. Ví dụ (71):
“Bằng cái giọng rộn rã, giòn tan chỗ cao trào, rồi chị hết sức chậm rãi, tỉ mỉ, tả cái đoạn chị dùng dao rạch mặt cô ta và xát muối ớt vào (những người quê mình vẫn thường làm chuyện đó rất bình thường, sẽ buồn cười khi có ai đó nói làm vậy là vi phạm điều X chương Y luật hình sự, họ cãi ngay “Ủa nó cướp chồng tui thì tui phải đánh cho tởn chớ”, với vẻ mặt tự hào ngút ngất, tỉnh bơ, ngây thơ, tựa như một người đi qua trận địa cũ và nói với ông bạn mình, hồi năm bảy hai tui bắn thằng lính cộng hoà ở chỗ này, óc nó nát như chao, con mắt văng ra xa cả thước.” [20. C.Đ.B.T]
Câu văn có độ dài trong khoảng từ 1 đến 10 âm tiết chúng tôi khảo sát được 1104 / 3599 câu, chiếm 31%. Chúng tôi tạm chúng gọi là câu văn ngắn.
Câu có độ dài trong khoảng từ 11 đến 30 âm tiết gồm 2012 / 3599, chiếm 56%.
Câu có độ dài trong khoảng từ 31 âm tiết trở lên gồm 484 câu, chiếm 13%. Trong đó có 35 câu có độ dài trên 60 âm tiết, chiếm 0,9%. Chúng tôi tạm gọi chúng là câu văn dài.
Như vậy, điểm đặc biệt trong văn Nguyễn Ngọc Tư là khả năng kết hợp nhuần nhuyễn đan xen giữa hai loại câu có độ dài - ngắn tương phản nhau mà vẫn không bị khấp khểnh hay giật cục, vẫn tạo cho độc giả cảm giác nhẹ nhàng, uyển chuyển. Bên cạnh cách diễn đạt bằng những câu văn ngắn, dồn dập, có khi cộc lốc, bỏ lửng... đúng nghĩa là “một đơn vị thông báo nhỏ nhất” tác giả lại có xu hướng dồn rất nhiều đơn vị thông báo vào một câu, khiến cho câu văn trở nên rất dài.
2.4.2 Về cấu trúc câu
Cấu trúc câu là một vấn đề rất phức tạp trong việc nghiên cứu về câu. Với những căn cứ khác nhau, câu được phân thành những kiểu khác nhau.
Căn cứ theo mục đích nói thì câu có 4 kiểu là: câu tường thuật, câu nghi vấn, câu mệnh lệnh và câu cảm thán.
Căn cứ vào mối quan hệ với hiện thực (hoặc điều tưởng tượng của tư duy) sẽ có hai kiểu câu là: câu khẳng định và câu phủ định.
Căn cứ theo cấu tạo thì ta có 2 kiểu câu lớn là: câu đơn và câu ghép. Phân tích ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, chúng tôi chỉ bàn đến sự phân loại về mặt cấu tạo câu trong mối quan hệ với ý nghĩa văn chương, ý nghĩa thông báo và phản ánh tư duy của nhà văn. Cụ thể chúng tôi sẽ xem xét cấu trúc của những câu có độ dài từ 1 đến 10 âm tiết và những câu có độ dài trên 60 âm tiết. Sở dĩ, chúng tôi quan tâm đến hai loại câu này là vì chúng có sự chênh lệch rất lớn về độ dài.
2.4.2.1 Cấu trúc câu có độ dài từ 1 đến 10 âm tiết (câu ngắn)
Dưới đây là các kiểu cấu trúc câu thường gặp trong những câu có độ dài từ 1 đến 10 âm tiết.
Câu đơn hai thành phần là câu được cấu tạo từ một nhóm từ chủ ngữ - vị ngữ tự lập (hiểu là không bị bao hàm trong một kiểu cấu trúc khác lớn).
Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư câu ngắn là câu đơn hai thành phần chủ yếu được dùng làm câu kể.
Câu đơn hai thành phần ở dạng tối thiểu (gồm hai từ). Loại câu này được sử dụng nhiều trong lời dẫn thoại như: “Tươi an ủi”, “Tôi đùa”, “Điệp kêu”, “Phi giục”, “Điềm nhắc” hoặc trong lời người kể chuyện.
Ví dụ (72):
“Tôi cười. Tôi giậm giày trèo lên những bậc thang.” [5. N.N]
Câu đơn hai thành phần, nhiều khi được tác giả đặt liên tiếp nhau để mô tả những sự việc diễn ra trong một tình huống.
Ví dụ (73):
“Má lặng lẽ cười. Cười buồn bã. Má thở dài, thở dài. Tựa như có điều gì muốn nói.” [4. C.C.Đ]
Cách mô tả bằng những câu đơn gọn gàng, cô đọng, không sử dụng từ liên kết, giúp cho các sự vật diễn ra một cách rành mạch, rõ ràng.
Câu đơn hai thành phần, được dùng làm câu kể hoặc câu cảm thán trong
tác phẩm thường có thêm từ “lắm” ở cuối câu.
Ví dụ (74):
“Hai đứa ngồi ngoài bực tính kĩ lắm.” [6. L.C.S.S.S] “Em mê con nít lắm.” [6. L.C.S.S.S]
“Ông nội ngộ lắm.” [1. N.Đ.K.T]
Từ lắm không những lột tả được mức độ cao của thái độ, tình cảm mà còn giúp cho câu thêm tròn đầy. Loại câu này thường được dùng trong phong cách khẩu ngữ.
Ngoài ra, câu đơn hai thành phần còn được dùng trong câu hỏi, chủ yếu
là câu hỏi tu từ trong lời người kể chuyện. Ví dụ (75):
“Bao nhiêu năm? Bao nhiêu mùa?” [3. N.B.R.L]
Câu đơn đặc biệt là một kiến trúc kín tự thân, chỉ chứa một trung tâm cú pháp chính (có thể có thêm thành phần phụ của câu), không chứa hay không hàm ẩn một trung tâm cú pháp thứ hai có quan hệ qua lại như chủ ngữ với vị ngữ. Câu đơn đặc biệt có thể được cấu tạo từ một từ hay một cụm, các từ loại làm trung tâm cú pháp của cụm từ thường gặp là danh từ, động từ, tính từ.
Câu đơn đặc biệt có trung tâm cú pháp chính là danh từ
Trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, câu đơn đặc biệt danh từ được dùng cả trong lời thoại của nhân vật lẫn lời dẫn của người kể chuyện.
Trong lời thoại của nhân vật Ví dụ (76): Bé Hai! [2. C.X] Trong lời người kể chuyện
Ví dụ (77): “Đêm. Mưa thâm trầm dai dẳng.” [5. N.N]
Câu đặc biệt có trung tâm cú pháp chính là động từ
Ví dụ (78):
Ngồi coi biển đục ngầu, ngồi coi mặt trời lặn. [1. N.Đ.K.T] Có nhận ra tôi, có nghe đau lòng. [7.C.Ơ]
Những cụm động từ trong những ví dụ trên được đặt liền nhau nhằm miêu tả những hành động diễn ra liên tiếp.
Câu đặc biệt có trung tâm cú pháp chính là tính từ
Ví dụ (79):
Cô độc. [11. C.N.K.K]; Và buồn. [8. T.Q.R.R]
Ở ví dụ trên, tính từ được dùng để xác nhận một trạng thái, tính chất nào đó. Có khi được đặt liên tiếp nhau diễn tả sự dồn dập của các trạng thái.
Ví dụ (80):
Vui, buồn, chua xót lẫn lộn. [6. L.C.S.S.S]
Câu đặc biệt dùng để hỏi được tác giả đặt liền nhau tạo thành chuỗi dồn
dập, truy tìm nguyên nhân về “cái không rõ”. Ví dụ (81):
Mà sao nó khóc vậy? Ai làm gì mà khóc? [2. C.X]
“Thành phần phụ của câu là thành phần ngữ pháp phụ thuộc vào toàn bộ nòng cốt câu. Về mặt cấu tạo, thành phần phụ của câu có thể là một từ hoặc một cụm từ bình đẳng hay chính phụ. Căn cứ vào tác dụng và ý nghĩa của nó đối với nòng cốt câu, thành phần phụ của câu được chia thành 5 loại: trạng ngữ, đề ngữ, phụ ngữ câu, giải ngữ câu và liên ngữ.” [41]
Thành phần phụ trạng ngữ, được sử dụng khá phổ biến trong câu văn
của Nguyễn Ngọc Tư, đặc biệt là trạng ngữ chỉ thời gian thường được dùng trong câu kể.
Ví dụ (82):
Chạng vang, chúng tôi xuống xuồng qua sông. [6. L.C.S.S.S] Ngày về chỉ còn đứa con trai. [11. C.N.K.K]
Ở đây, thành phần trạng ngữ xuất hiện cho người đọc cảm giác cái gì
cũng chân thực cả, cũng có mùa, có ngày, có buổi, có lúc, kiểu như: mùa chướng, mười ngày sau, buổi tối, chạng vạng, lúc đó, ...
Thành phần phụ ngữ
Nhìn chung, thành phần phụ ngữ của câu không có vị trí xác định trong câu. Phụ ngữ của câu được dùng để nêu các ý nghĩa về quan hệ có liên quan với nội dung phần còn lại. Trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, khác với thành phần trạng ngữ thường được dùng trong lời dẫn truyện, thành phần phụ ngữ lại được dùng chủ yếu trong lời thoại.
Nhiều hơn cả là phụ ngữ nêu lời gọi đáp, đưa đẩy trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc dùng để bày tỏ thái độ, đánh giá tình cảm, biểu hiện mối quan hệ của người nói với người nghe. Loại này thường chỉ dùng trong đối thoại.
Ví dụ (83):
Trời đất ơi, sao vầy nè cưng? [20. C.Đ.B.T]
Những thành phần phụ ngữ nêu trên, giúp cho lời nói được nhịp nhàng, mềm mại khi đối thoại. Loại câu có chứa phụ ngữ làm thành phần phụ của câu thường được dùng trong phong cách khẩu ngữ.
Câu dưới bậc là biến thể của câu, có ngữ điệu kết thúc, nhưng không độc lập về cấu tạo ngữ pháp và cấu tạo ngữ nghĩa.
Câu dưới bậc là câu ngắn được sử dụng rất nhiều trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư và thường là những thành tố biểu thị sự đánh giá hoặc bộc lộ trạng thái, tình cảm, hoặc là lời thưa gửi, trả lời, ... thường được dùng trong đối thoại.
Câu dưới bậc là những câu trả lời ở dạng ngắn gọn nhất
Ví dụ (84):
Thêu à? Ôi chuyện đó tôi chưa nghe nói bao giờ, mấy chú có nghe không?
- Không. - Có.
- Ờ hình như có.” [1. N.Đ.K.T]
Câu dưới bậc biểu thị thái độ
Ví dụ (85):
“Mấy cưng thương chị thiệt hả? Tội chưa...!??” [20. C.Đ.B.T]
Có thể thấy rằng, câu văn có ngắn trong văn của Nguyễn Ngọc Tư thường có cấu trúc đơn giản, ít tầng bậc. Những câu đơn đặc biệt, câu dưới bậc thường được dùng trong câu đối thoại, thể hiện thái độ, tình cảm của nhân vật một cách rõ nét và giúp cho cuộc thoại được diễn ra nhanh chóng, tiện lợi. Câu chứa thành phần phụ trạng ngữ thường dùng trong câu kể làm tăng tính chân thực của lời kể. Điều này càng chứng tỏ văn của Nguyễn Ngọc Tư là văn của lời nói với đặc trưng là “thường dùng câu ngắn gọn, có thể dùng câu tỉnh lược nhiều bộ phận.” [2,36]. Phù hợp với đặc trưng phong cách truyện ngắn có tính dồn nén cao, làm cho nhịp kể nhanh hơn, dồn dập hơn, đáp ứng được như cầu tiếp nhận thông tin một cách nhanh và chính xác của độc giả.
2.4.2.2 Cấu trúc loại câu có độ dài trên 60 âm tiết (câu dài)
Cấu trúc câu dài trong văn Nguyễn Ngọc Tư rất phức tạp, thường là những câu ghép và câu ghép mở rộng.
Thường dùng những kết từ bình đẳng như: và mà, còn...
Ví dụ (86):
“Tôi nhớ Điền, bao gồm nhớ một đồng loại (và tôi là một đồng loại còn lại), nhớ một cách trò chuyện (đọc thấu lòng nhau), nhớ một người nghe được
tiếng tim mình (điều này thì con vịt mù làm được, nhưng nó đã chết rồi), và
nhớ một người che chở (công việc này, đáng lẽ là của cha, má tôi).” [20. C.Đ.B.T]
b) Câu dài là câu ghép chính phụ
Thường dùng các kết từ chỉ nguyên nhân - kết quả, điều kiện - kết quả,
giả thiết - kết quả như: vì ... nên, nếu ... thì, tuy ... nhưng, ...
Ví dụ (87):
“Ngay lúc này đây, cứ nghĩ, một bữa trưa mai trưa mốt nào đó, có nắng hiu hiu và gió hiu hiu, vì muốn chứng minh tấm lòng của mình với cha, muốn tỏ thái độ hoà hợp với hai đứa trẻ lạ lùng này, chị bắt thằng Điền lại, xối nước kì cọ những mảng đất đã dính khẳn trên làn da mốc meo của nó, miệng cắm cẳn, cằn nhằn hay biểu tôi ngồi để chị thắt bím tóc cho, chắc tôi thấy khó chịu vì xa lạ và buồn cười” [20. C.Đ.B.T]
c) Câu dài là câu ghép chuỗi
Là hiện tượng những nhóm từ chủ - vị có dạng câu đơn đứng nối tiếp nhau làm thành một câu ghép và không sử dụng hết các kết từ chuyên dụng hoặc các cặp từ hô ứng để liên kết các vế với nhau (không tính sự có mặt của các phụ từ lẻ có tác dụng liên kết).
Ví dụ (88):
“Bên đường thấp thoáng nhiều nấm đất con con của những đứa trẻ kiệt sức vì bị đẹn mà chỉ được rơ miệng bằng cỏ mực, những đứa trẻ bệnh sốt xuất huyết chỉ chữa bằng cạo gió, uống nước mía lau, rễ tranh, những đứa trẻ mắc thương hàn bị thủng ruột vì tự do chạy ra vườn ăn ổi chua, ổi chát...” [8. T.Q.R.R]
Đây là dạng cấu trúc thường gặp nhất trong những câu văn rất dài của Nguyễn Ngọc Tư. Câu ghép lồng là kiểu câu có chứa giải ngữ là một
dạng câu - dạng câu đơn hoặc dạng câu ghép. Quan hệ giữa giải ngữ với phần câu còn lại chủ yếu là quan hệ ý nghĩa (giải thích, nêu thái độ, hoàn cảnh...) giữa chúng hoặc không có quan hệ ngữ pháp hoặc quan hệ đó rất mờ nhạt. [9,300]
Ví dụ (89):
“Vì ông lấy người yêu duy nhất của Nguyễn Thọ làm vợ (đáng lẽ phải để dành), rồi sau đó không cho vợ đi dự những cuộc họp mặt, hội thảo về Nguyễn Thọ (làm như vậy không phải là quay lưng với quá khứ sao?) và cũng vì cách ông dạy thằng Thảo (đáng lẽ con của Nguyễn Thọ phải được nâng niu, chìu chuộng)” [13. M.T.N.C].
Điều đặc biệt ở đây là phần giải ngữ thường được tác giả đưa vào dấu ngoặc đơn như là một dấu hiệu hình thức để nhận biết. Vì vậy, dấu ngoặc đơn trong văn của Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện khá phổ biến và tỉ lệ thuận với việc sử dụng câu ghép lồng tạo nên nét rất riêng trong câu văn.
Câu ghép lồng được tác giả sử dụng như một phương tiện hữu hiệu để thể hiện dụng ý nghệ thuật của mình. Trong câu văn của chị thường có sự