2.2. Các kiểu con ngƣời trong tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc và Đồng sau bão
2.2.1. Con người trung thực
Trong đời sống dân sinh nói chung và trong văn học nói riêng, trung thực là phẩm chất cao quý của con người. Trung thực là thành thực với người và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng suy nghĩ và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Trong tiểu thuyết của mình, có thể coi kiểu người này như là sự thể nghiệm của nhà văn về lý tưởng con người tốt đẹp trong xã hội. Tuy nhiên nó cũng thể hiện những hoài nghi, băn khoăn của nhà văn về vai trò của kiểu người này trước đời sống đầy phức tạp. Xã hội là tổng hợp của rất nhiều mối quan hệ xấu – tốt khác nhau, do đó thuần nhất một tích cách, một cách sống đôi khi có lợi cho mình nhưng lại có hại cho người khác. Trong cảm quan xây dựng con người, có thể nhận thấy dụng ý này của nhà văn Hoàng Minh Tường.
Hình tượng ông Điền trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường là nhân vật tượng trưng cho kiểu con người này. Xuất hiện với tư cách là một bí thư Đảng ủy xã nhưng ông Điền gần như “vô hại” trước mắt địch thủ. Là người sống trung thực với lý tưởng của mình, mong muốn một xã hội không cạnh tranh và luôn lấy mình làm tấm gương cho tất cả. Cả đời làm công tác lãnh đạo địa phương nhưng ông không tham ô lấy một đồng, sống thanh bạch để giữ tiếng. Nhân vật Điền phảng phất cái phong vị của các cụ đồ Nho xưa. Sống để giữ lấy tiết tháo của kẻ sĩ. Thế nhưng cái tiết tháo đó đã bị biến đổi, không còn cái cứng cỏi của cụ đồ Nho mà thay vào đó là sự yếu nhược một cách tự nguyện. Điền ngại va chạm vì sự va chạm sẽ dẫn tới nhưng bất hòa không cần thiết trong nội bộ lãnh đạo địa phương. Không phải Điền không nhìn thấy những phe cánh đối địch đang lấy ông ra làm vật dung dưỡng và điều hòa, không phải ông không có đủ quyền và sự áp đặt để thay đổi điều đó nhưng ông không dám hành động. Sự trung thành tuyệt đối vào lý tưởng, vào những giáo điều mà ông cho là đúng đã khiến ông trở thành một người nhu nhược tội nghiệp. Đúng như nhân vật Đạt
nhận xét: “Thầy sống liêm khiết, trong sạch và không hề muốn va chạm, không muốn mất lòng. Nhưng có ai biết, có ai ủng hộ cách sống của thầy? Và xét về một phương diện nào đó thì đó là đạo đức cũ kỹ lỗi thời. Sống cho riêng mình thì được, chứ không thể sống cho tất cả mọi người. Thầy già rồi. Thầy không đủ sức lực và thời gian để nghĩ và sống khác được đâu” [40. Tr120].
Có thể coi đây là nhận xét chính xác và bao quát nhất về những kiểu con người trung thực mà Hoàng Minh Tường muốn xây dựng. Họ mong muốn một xã hội ổn định, tầng lớp lãnh đạo hòa thuận và tự lấy chính mình ra để làm gương. Thế nhưng thay vì hành động để thay đổi người khác thì kiểu con người này chỉ hành động để hy vọng thay đổi được người khác. Không phải ngẫu nhiên hai phe đối nghịch ở Thanh Bình giữa một nhóm là Cơ và một nhóm là Thiển giành sự tôn trọng thật sự cho nhân vật Điền. Trong mối tình vụng trộm giữa Cơ và Vy thì Điền là nhân vật rất quan trọng và có tiếng nói quyết định. Nhờ vào lối sống cũng như đạo đức của mình mà Vy đã tìm đến chia sẻ với ông chuyện động trời này. Và rồi ông cũng giải quyết được một cách êm đẹp để tránh được một cuộc hôn nhân tan vỡ. Ông luôn mong muốn rằng “nội bộ Đảng viên hãy đem hết sức lực cống hiến cho phong trào địa phương, chính ông bao giờ cũng tâm niệm điều ấy. Và ông luôn sống, làm việc theo tinh thần ấy” [40. Tr37].
Xây dựng con người trung thực trong tác phẩm của mình, Hoàng Minh Tường thể hiện sự tin tưởng vào kiểu người lý tưởng và tin chắc rằng, kiểu con người này vẫn tồn tại trong đời sống xã hội. Mẫu người này vừa phảng phất cái tiết tháo của cụ đồ Nho vừa mang cái phong vị “kiêm ái” của Mặc Tử nhưng tất cả chỉ là nửa vời, hời hợt. Điền không dám đấu tranh vì cái mới (dù bản thân ông cũng ủng hộ) nhưng cũng không dám đấu tranh chống cái xấu (dù ông cũng biết rõ nó nằm ở đâu). Đại diện cho một tư tưởng thuần khiết và lãng mạn về cả lối sống, lối suy nghĩ, nhân vật Điền được xây dựng gần như là một nhân vật khá lý tưởng mà ít người dám sống theo và làm theo. Nếu một xã hội lúc nào cũng hòa bình, cũng ổn định trong mối tương thân, tương ái với nhau thì cuộc sống liệu có
tiếp tục phát triển? Rõ ràng Điền là một nhân vật lý tưởng bi kịch. Tồn tại đấy, nắm vai trò lãnh đạo đấy nhưng chỉ như nhân vật trưng bày chứ không hề có giá trị sử dụng.
Không phải ngẫu nhiên nhà văn đi xây dựng kiểu con người này trong tác phẩm của mình. Sự xuất hiện của nhân vật Điền như sự đối lập với Cơ, Thiển, Trần Sinh, Thanh ... Điền là nhân vật lạc giữa hai tư tưởng đối nghịch. Sự lạc lõng này cho thấy, tư tưởng lãng mạn chính trị có thể phù hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định nhưng để điều hành xã hội thì nó hoàn toàn không hợp lý. Cũng chính vì đó mà nó bị lợi dụng, bị coi như là cái khiên để chống đỡ cho sai phạm, cho những lầm lạc tư tưởng. Vì thế kiểu người này phải xuất hiện, tồn tại (dù số lượng ít) như một yếu tố cần có và nhất định phải có.
Có lẽ sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên giữa Điền trong Thủy hỏa đạo tặc và Vạn trong Bến không chồng là một điều lý thú. Vạn là một thương binh về làng, có tư tưởng lãng mạn chính trị nên khi va vấp vào thực tế xã hội, những hành động và suy nghĩ của anh không kịp thay đổi để phù hợp. Vạn yêu Hạnh nhưng không dám đến với cô vì định kiến trong lối sống và suy nghĩ. Điều này biến Vạn thành kẻ nhu nhược, và giống như nhân vật Điền, bó đời mình vào những tin tưởng, những suy nghĩ được lên lịch sẵn. Họ đều là những con người đẹp không hoàn hảo, sống chết với lý tưởng, với hệ giá trị mà họ tạo ra. Khi tất cả những gì đi lệch khỏi quỹ đạo đó (dù có là ham muốn cá nhân đi chăng nữa) thì đều do dự, không dám quyết định.
Bên cạnh nhân vật Điền, nhân vật rất đang chú ý khác là Trần Danh - con trai Trần Sinh, xuất hiện trong tiểu thuyết Đồng sau bão. Có thể nói Trần Danh là một người hiếm hoi xuất hiện trong tiểu thuyết này với tư cách đại diện cho kiểu con người trung thực. Hoàn cảnh xuất thân, địa vị chính trị và tiền bạc có thể làm cho Trần Danh thay đổi bản chất giống như nhiều “con ông cháu cha” khác. Mang danh là con trai chủ tịch tỉnh nhưng Trần Danh có đầy đủ nhân cách
tốt đẹp mà con người ai cũng mong muốn: nhân hậu, tử tế, khiêm tôn và có ý chí vươn lên
Có thể nhận thấy Trần Danh là con người trung thực ngay từ trong suy nghĩ và hành động. Sự thống nhất này được thể hiện qua hàng loạt các sự kiện, đặc biệt là việc Trần Danh chủ động lo công việc, nơi ăn chỗ ở cho mẹ con Loan và từ chối quyền thừa kế tài sản 3 tỷ đồng mà Trần sinh để lại. Nếu như sự sụp đổ của hình tượng Trần Sinh trong mắt Trần Danh như một cú sốc rất khó vượt qua thì sự trở lại mạnh mẽ của nhân vật này với những hành động hết sức cao thượng, một lần nữa khẳng định phẩm chất đáng quý của anh. Trong bối cảnh xã hội mà đồng tiền ngày càng thống trị và là nguyên nhân quan trọng làm tha hóa con người thì Trần Danh gần như là một trường hợp lý tưởng về con người tốt đẹp trong một xã hội đầy biến động. Trần Danh không chỉ trung thực trong suy nghĩ và hành động mà trong tình yêu anh cũng thể hiện sự trung thực tột cùng. Không hề che dấu cảm xúc, Trần Danh lúc nào cũng thành thực với chính mình và người yêu. Đó cũng là lý do mà Ngân Yến chấp nhận nhanh chóng tình yêu của Trần Danh (ở đây chúng tôi chưa xét tời yếu tố tác động của gia đình). Tất nhiên mẫu người trung thực trong thời đại mới đã cũng có những đổi khác. Trần Danh dám làm theo những suy nghĩ, dự định của mình và nhiệt thành thực hiện nó bằng tất cả sự nhiệt tâm và lòng nhân hậu. Nhưng dẫu sao nhược điểm muôn đời của kiểu con người trung thực là dễ trở thành công cụ cho những kẻ gian manh. Thúy Ngân đã sử dụng rất tốt con gái mình là Ngân Yến để chèo kéo Trần Danh và cuối cùng thiết lập mối quan hệ vững chắc với Trần Sinh và đã tạo ra những mối lợi khổng lồ từ quan hệ này. Trần Danh cũng như nhân vật Điền trước đây, được mang ra như một cái khiên che chở cho lợi ích và tham vọng cá nhân. Nhưng dù muốn dù không thì nhân vật này vẫn được xác định như một biểu tượng cho kiểu con người đẹp trong xã hội. Có thể nhận thấy hình tượng nhân vật Trần Danh là một trong những nhân vật đẹp trong tiểu thuyết Đồng sau bão.
Như vậy kiểu con người trung thực được xây dựng trong nhiều tiểu thuyết viết về nông thôn sau đổi mới đều có những xu hướng tính cách khá giống nhau. Họ là đại diện cho một tư tưởng đẹp, cho một thế hệ con người nên có trong xã hội. Dù có hoàn cảnh xuất thân danh giá như Trần Danh hay chỉ là bộ đội nghĩa vụ như Tùng thì tất cả đều thể hiện khát vọng, niềm tin vào tình yêu và con người.