Đức tin là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm hứng và chất liệu tôn giáo trong thơ hàn mặc tử và huy cận (Trang 46 - 52)

Chương 2 : CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ

2.4. Đức tin là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật

Hẳn những ai đã từng được đọc thơ Hàn Mặc Tử sẽ thấy rằng đức tin là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống và trong sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ. Nó như nguồn sống, nguồn đạo hạnh, là hơi thở mãnh liệt luôn chảy trong huyết

mạch của tác giả. Trần Thanh Mại đã nói, đức tin “đã có ảnh hưởng tốt đẹp đối với chàng”. Quách Tấn lại nói: Tử tìm được niềm an ủi lớn nhất trong nguồn Đạo. Khi đã sống cùng Đạo thì tâm hồn Tử hết bị day dứt giày vò. Chính nhà thơ đã kể lại một ngày bệnh tật của mình: Lại đọc kinh, lại ngâm thơ, lại làm thơ, lại nhớ, lại nằm. Buổi tối khi ăn xong, cũng vừa đi bách bộ vừa ngâm thơ một cách xung xướng nhất đời. Cả ngày chỉ ngâm thơ và đọc kinh là nhiều hơn cả. Ngày nào cũng như ngày ấy, không thấy buồn lắm, và ngày nào cũng mong mỏi một cái gì…

Đối với Hàn Mặc Tử, thơ là Đạo và Đạo là thơ. Thơ đã đạt tới Đạo và Đạo để đi tới thơ. Hoặc, như Hoài Thanh đã nhận xét chí lý: “Thơ chẳng những để ca tụng Thượng đế mà cũng để nối liền người ta với Thượng đế” [30, tr.211]. Không thể nghĩ giản đơn rằng khi Hàn Mặc Tử mắc bạo bệnh, nhận thấy tình thế của mình không còn cơ hội quay về trần giới nữa, thi sĩ đã dồn toàn bộ tình yêu của mình về phía tôn giáo, hướng thơ ca về phía Đạo. Bệnh trạng có một ảnh hưởng không thể chối cãi được đối với tâm lý và sáng tác Hàn Mặc Tử. Những lúc bi quan, Tử có tìm đến nguồn Đạo của mình mong kiếm tìm một sự cứu rỗi. Tình cảm tôn giáo khi ấy thật mãnh liệt. Nếu klhông có niềm tin thiêng liêng vào Đức mẹ Maria, vào đấng cứu thế, có lẽ Hàn Mặc Tử đã không thể tiếp tục sáng tác trong lúc cơn bệnh hành hạ đau xé ruột gan. Càng đau đớn, càng nghĩ đến việc chia lìa trần giới, Tử vẫn thiết tha với cuộc sống, với tình yêu, với hạnh phúc trần thế. Niềm thiết tha rất nhân văn này cũng là một phương cách cứu rỗi không kém đối với sự sống của Người. Có một điểm gặp nhau rất màu nhiệm trong Hàn Mặc Tử để rồi sản sinh ra những bông hoa sáng tạo tuyệt vời. Cùng lúc tác giả vừa khao khát cái đẹp vĩnh cửu của thơ ca vừa khao khát chốn thiêng đầy quyền uy của Đức Chúa:

Vì có Đấng hằng sống hằng ngự trị Nhạc thiêng liêng dồn trỗi khắp hư linh

(Ngoài vũ trụ)

Hai niềm khao khát ấy gặp nhau đã đẩy đức tin của Hàn Mặc Tử đến tột cùng và ở đây chỉ thấy sự rung động huyền bí của tâm hồn nhà thơ khi tiếp xúc với sự màu nhiệm thánh thể. Và ở tại thời điểm này ta không còn thấy ranh giới của thơ và Đạo nữa. Hai thứ đã chuyển hoá cho nhau, hoà nhập vào nhau trong tâm hồn Hàn Mặc Tử.

Đoạn cuối bài Nguồn thơ là bước tiếp của Đức tin cũng là cái đẹp vĩnh cữu của thơ, của hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ:

“Đây thi sĩ của đạo quân Thánh giá Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô Để xót cho cả xuân thiên hạ

Hương mến yêu là lộc của lời thơ”

(Nguồn thơ)

Trong bài thơ “Ra đời”, dường như có sự gặp gỡ giữa sự màu nhiệm sáng chế và sự sáng tạo ra thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Thơ được cất lên từ cái tinh khiết của trời đất, tiết xuân, sự hình thành từ sự màu nhiệm của tự nhiên, của Chúa trời, cũng tạo ra thơ:

Cả trời đất bỗng nổi lên muôn điệu nhạc Rất trọng vọng rất thơm tho man mác Rất phương phi trên hết cả anh hoa Xuân ra đời

Điềm ngọc ấm hơi ngà

Thơ có tuổi và chiêm bao có tính”

Niềm khao khát cuộc sống trong con người Hàn Mặc Tử, thi sĩ đã được dồn tất cả vào cho thơ, trong đau khổ, trong khát khao, trong cầu nguyện, trong niềm tin hy vọng đều bằng thơ:

“Ta chắp tay lạy quỳ hoan hảo

Ngửa trông cao cầu nguyên trắng không gian Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân

Nở một lượt giàu sang hơn Thượng đế”

Với tấm lòng mến yêu, thành kính Đức mẹ Maria, Hàn Mặc Tử đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới sự cứu rỗi tới những linh hồn bơ vơ cần được che chở:

“Toan ngất đi trong cơn khoái lạc Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng”

Hàn Mặc tử đã nhận ra điểm tựa của mình trong cơn hoảng loạn chính là niềm tin tuyệt đối vào Đấng cứu thế, hồi sinh ra sự sống - Đức mẹ Maria.

“Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh

Run như run thần tử thấy long nhan Run như run hơi thở chạm tơ vàng

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến”

(Ave Maria)

Chính sự hướng khởi và niềm tin nơi Đức Mẹ đã cho Hàn Mặc Tử những câu thơ cảm tạ sâu sắc đến như thế. Và chính Đức Mẹ với lòng nhân từ đã cứu Hàn Mặc Tử trong cơn lâm nguy. Theo Nguyến Bá Tín, đây là lời thơ có thật, trong khi một lần chữa bệnh, Hàn Mặc Tử thấy đỡ, lời thơ cất lên như tự nhiên, như một lời kinh cầu nguyện, chân thành, cất lên từ một tâm hồn khổ hạnh. Hàn Mặc Tử bảo: “Đó là Đức Mẹ đã khiến anh được như vậy”.

“Lạy bà là đấng tinh truyền thánh vẹn Giàu nhân đức giàu muôn hộc từ bi Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy Cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế”

(Ave Maria)

Hàn Mặc Tử có những câu thơ rất hay ca ngợi Đức Mẹ. Nó được cất lên bởi đức tin, lòng biết ơn tôn kính.

“Hồn con khao khát tìm chúa, chúa ơi”

Thì ta cũng gặp trong thơ Hàn Mặc Tử mang đậm cái cảm hứng ấy: “Như song lộc triều nguyên ơn phước cả” (Ave Maria). Đã có lúc lời thơ là sự tôn sùng, thành kính đức mẹ ở tâm linh cũng như sự thể hiện bằng thơ:

“Và tổng lãnh thiên thần quỳ lạy mẹ Tung hô câu đường hạ ngợp châu sa Hương xông lên trời ca ngợi sung hoà Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh”

(Ave Maria)

Trong Kinh thánh có nói rằng: “Lạy Thiên Chúa là công lý của tôi, khi tôi kêu cầu chúa, hãy đáp lời tôi. Trong giờ lo âu, Chúa là đấng an ủi thêm sức mạnh cho tôi. Xin thương xót tôi và nhận lời tôi cầu khẩn. Còn Hàn Mặc Tử thì

dâng lên chúa lời cầu khẩn, lời tạ tội cũng là lời cầu nguyện nhưng nó lại nhuốm trong cái đời thực vì là lòng hối hận lúc “mê sảng” của hồn thi sĩ:

“Tôi van lơn thầm nguyện chúa Jêsu Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng

Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng”

(Câu 27 – 31 Xuân như ý)

Trong Thánh vịnh số mười sáu của Kinh Thánh có câu về niềm vui sống với chúa: “Lạy Thiên chúa xin người giữ tôi vì tôi tìm nương náu nơi Chúa. Tôi đã thưa cùng Chúa, Chúa là Chúa tôi”. Hàn Mặc Tử cũng dâng hồn mình lên với Chúa, cũng tìm sự cứu đỡ trong nơi đất Chúa:

“Như song lộc triều nguyên ơn phước cả Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng

Huyền diệu biến thành muôn Kinh trọng thể”

(Ave Maria)

Hàn Mặc Tử đã có niềm tin tuyệt đối vào thơ và Đức Mẹ Maria. Niềm tin ấy vừa là điều kiện vừa là bản chất sống và sáng tạo trong Hàn Mặc Tử. Nếu không có đức tin ấy, Hàn Mặc Tử không thể chống lại sự đau đớn về thể xác, suy sụp về tinh thần mỗi khi lâm trọng bệnh. Chả thế mà càng giai đoạn cuối đời, Hàn Mặc tử sáng tác càng mãnh liệt. Tiếng thơ giai đoạn cuối đời là tiếng thơ trong trẻo, bí ẩn và khao khát hướng về cõi sống nhất:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay”

(Đây thôn Vĩ dạ)

“Tối nay” là một hiện tại ngắn ngủi. Trăng nếu về kịp sẽ giải thoát nỗi đau thương trong Hàn Mặc Tử. “Có chở trăng về kịp tối nay” là một câu hỏi lớn, cũng là khao khát mãnh liệt hướng về cõi sống, cõi sáng của Hàn Mặc Tử. “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó” vừa là câu hỏi nhân tình nhưng cũng vừa là câu hỏi nhân sinh gọi về sự sống. “Tối nay” thôi, có thể về “kịp” không? Chữ “kịp” là tiếng nói của sự khẩn cầu, khẩn cấp. Đây là tiếng gọi sự sống tối thiểu trong hiện tại ngắn ngủi, tối

nay chứ không phải một tối bất kỳ nào khác. Ngay trong lúc sự sống còn tối thiểu thì Hàn Mặc Tử vẫn còn đức tin và hy vọng tối đa vào cõi sống, vầng sáng thanh khiết. Như vậy, thêm một lần nữa có thể khẳng định đức tin vừa là điều kiện vừa là bản chất của sự sống trong Hàn Mặc Tử. Đây là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống và trong sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ.

Chương 3

CẢM HỨNG VÀ CHẤT LIỆU TÔN GIÁO TRONG THƠ HUY CẬN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cảm hứng và chất liệu tôn giáo trong thơ hàn mặc tử và huy cận (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)