Khái lược hình tượng thiền sư cầu giải thoát trong văn học thiền đời Trần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trần nhân tông và mấy vấn đề nổi bật của văn học thời trần 60 22 34 (Trang 80 - 84)

6. Cấu trúc đề tài

3.1.1. Khái lược hình tượng thiền sư cầu giải thoát trong văn học thiền đời Trần

đời Trần

Có thể thấy hình tượng con người trong các tác phẩm văn học thiền thời Trần chịu sự chi phối của triết lý nhân sinh, quan niệm sống và cả cái hào khí đang lên của cả một thời đại. Chúng ta bắt gặp trong thơ văn không phải hình tượng các thiền sư trầm ngâm suy tư, bí ẩn cách vời mà là những con người, những thiền gia rất gần gũi với cuộc sống, không ngừng truy tìm con đường giải thoát, những con người “tự nhiên như nhiên”, khoáng đạt, vượt khỏi mọi giới hạn đời sống. Mỗi thiền sư mang lại cho nền văn chương một khuôn mặt khác nhau, có thể là một “phong cách thiền” nhiều trăn trở, sám hối trong văn thơ của Trần Thái Tông, hoặc một thiền sư “giang hồ tự thích”, phóng khoáng như Tuệ Trung Thượng Sĩ, hay thiền sư pha chút nho sĩ như Huyền Quang v.v… Nhưng tất cả đều chung nhau ở tinh thần phá chấp triệt để, tự do vượt mọi giới hạn thông thường, vô ỷ, tự tín, tự cường…

Trước hết họ là những con người tự do với tinh thần phá chấp triệt để. Trong đời sống tu hành, mục tiêu của các thiền sư là đạt đến cái tâm không “ưng vô sở trụ” như “gương sáng vốn không đài” không để vật gì có thể bám vào được. Khi đạt được điều này, con người mới trở về được cái bản tâm, cái chân

như chưa hề bị mê lầm, để sống tự do tự tại giữa đời. Các thiền gia phản đối kịch liệt đả kích cái nhìn nhị nguyên phân biệt tốt - xấu, phàm - Thánh, mê - ngộ, địa ngục - niết bàn, tử - sinh… cho đây là vọng kiến, là vòng dây trói buộc con người và đã là chấp thì chấp vào đâu cũng vậy, cho dù là chấp vào Thánh, ngộ, niết bàn… thì cũng không bao giờ ra khỏi được cái vòng vô minh luẩn quẩn. Vì vậy mà, Tuệ Trung Thượng Sĩ từng mạnh mẽ, triệt để bảo thẳng mọi người: “Phật và chúng sinh cùng một bộ mặt, đều là mày ngang mũi dọc mà thôi”, cho nên “chẳng cần lễ Phật, chẳng cần lễ tổ”, và cũng chẳng cần trì giới nhẫn nhục vì điều này chỉ khiến “chuốc tội” chứ không chuốc phúc.

Thượng sĩ cho rằng từ nhị kiến mà xuất hiện mọi thứ: cái nhìn thiên lệch, xuất hiện ngã - nhân, bỉ - thử. Từ tha - ngã, tâm - cảnh mà xuất hiện kiến giải. Nhưng do nhị kiến, nên kiến giải cũng có tính chất nhị kiến, do vậy càng thêm thiên lệch, rối bời:

Kiến giải trình kiến giải Tự niết mục tác quái.

Để diệt nhị kiến, Tuệ Trung Thượng Sĩ đưa ra phương pháp phá chấp vào biên kiến. Có người chấp vào kinh sách mà cho sắc là không, không là sắc. Thượng sĩ đập tan cái chấp ấy, với Ngài: “sắc vốn chẳng phải không, không vốn chẳng phải sắc” (Sắc bản vô không, không bản vô sắc). Muốn giác ngộ phải phá chấp, và Thượng sĩ dùng hình ảnh:

Đừng gánh nặng hai vai Mới qua cầu khỉ được.

Vì vậy mà cách sống của Tuệ Trung Thượng Sĩ là tự nhiên, tùy hứng, đôi chút ngang tàng, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, dường như có nét gì đó giống với Trang tử. Ông buông bỏ tất cả, sống như người rong chơi ngoài cõi thế, thoát khỏi bụi trần ồn ào náo động, không còn thị phi, phải trái. Ông thích

thú giang hồ, non xanh nước biếc, gió mát trăng thanh, ngồi trên con thuyền thổi sáo. Lối sống này thể hiện rõ nhất trong bài Phóng cuồng ngâm.

Không chỉ nhị kiến mà theo Thượng sĩ phải buông bỏ tất cả, đừng có chấp thủ bất cứ điều gì, có như vậy mới mặc sức tung hoành. Khi tâm tự tắt thì cần chi niệm Phật với cầu thiền. Đối với Tuệ Trung Thượng Sĩ, đạo với đời không tách rời nhau, đời cũng là đạo mà đạo cũng là đời.

Trong văn chương đời Trần, ta cũng bắt gặp hình ảnh các thiền sư vô ngã. Cái ngã cũng là một trở ngại lớn trên con đường tịnh tấn. Chừng nào còn ôm khư khư cái bản ngã cố chấp của mình, còn phân biệt ta với vật, ta với tha nhân thì vẫn chưa thể giải thoát. Khi quên mình, vong ngã con người sẽ có được những phút giây trọn vẹn, hòa làm một cùng vũ trụ vô biên, không còn phân biệt mình hay người khác, người hay vật, nghĩa là vượt khỏi ranh giới sự hữu hạn để đạt tới cảnh giới tuyệt đối. Tinh thần này thể hiện rõ nhất trong thơ Huyền Quang. Huyền Quang thường nói đến nhiều cái quên, mà trước hết là quên bản thân – “vong thân, vong thế, dĩ đô vong”. Rồi quên cả ngày, cả tháng vì “ở trong núi lâu không có lịch”, nên chỉ nhìn thiên nhiên biến đổi mà biết thời tiết – thấy hoa cúc nở thì biết tết Trùng dương. Trong gian nhà đá ở lẫn cũng mây, nhà thơ sống tự tại quên thời khắc, không bận tâm đến “lò tàn, củi lụi, mặt trời đã lên ba sào”. Trong đêm thu sớm, nhà thơ hòa nhập tâm hồn vào tiếng xào xạc của cây trước sân trong gió thu, vào hơi đêm thoáng mát… đến quên bẵng thực tại, quên cả sự tồn tại cái “Tôi”, chỉ còn lại một con người hòa hợp trọn vẹn với cái đại ngã vô biên, đủ đầy, giàu có vô tận. Tinh thần vô ngã không mang ý nghĩa phi nhân bản với cách hiểu xóa bỏ con người cá nhân mà chính là yêu cầu giải phóng tuyệt đối với con người – giải phóng khỏi mọi sự ràng buộc của tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình. Đây cũng là một cập độ tinh thần phá chấp, ở cấp độ cao.

Trong thế giới thiền ấy còn hiện lên những con người vô ngôn. Bởi vì ngôn ngữ là hữu hạn, không thể diễn đạt hết chân lý vô cùng. Các thiền sư đề cao sự

trực cảm không thông qua suy luận của lý trí, chủ trương con đường duy nhất đạt đến chân lý là sự tự nghiệm, tự chứng nghiệm qua bản thân chứ không phải thông qua con đường học hỏi.

“Cái mỹ học vô ngôn của Thiền tông đã mang lại cho thơ ca luồng sinh khí của một thế giới xúc cảm mới mẻ và rộng mở đến vô hạn. Giây phút hiện tại hòa điệu giữa con người và vũ trụ đem lại niềm an lạc thú vị không thể diễn tả bằng lời mà chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được.” [81; 14]. Ta có thể thấy trạng thái kỳ diệu đó trong thơ Trần Thái Tông:

Gió đập cửa thông, trăng chiếu trên sân,

Lòng hẹn với phong cảnh lạnh lẽo cùng trong trẻo. Trong đó có cái ý vị riêng mà không ai biết được, Mặc tình cho nhà sư trong núi vui tới sáng. (Phong đả tùng quan, nguyệt chiếu đình, Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh. Cá trung tự vị vô nhân thức,

Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh.)

- Ký Thanh Phong am tăng Đức Sơn, Thơ văn Lý - Trần, Tập II

Khi cái lạnh lẽo trong sáng là sự hòa lẫn của cả lòng người và cảnh vật, thì tiếng gió đập cửa thông, ánh trăng sáng trên sân cũng không còn phân biệt ta hay vật. Tất cả hòa quyện trong một bản giao hưởng vô biên, vô hạn của vũ trụ. Cái ý vị thần diệu trong đó người ngoài nào có thể hay biết được. Chỉ có người trong cuộc – ông tăng trong núi – là mang một niềm hoan lạc ngập tràn tâm hồn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trần nhân tông và mấy vấn đề nổi bật của văn học thời trần 60 22 34 (Trang 80 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)