Vần và thanh điệu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng đối với thơ mới ( qua thơ xuân diệu, huy cận, bích khê) (Trang 98 - 104)

CHƢƠNG 3 NGÔN TỪ VÀ NHẠC TÍNH TRONG THƠ MỚI

3.2. Nhạc tính trong Thơ mới

3.2.1. Vần và thanh điệu

Đọc thơ Bích Khê, chúng ta thấy hầu như bài nào cũng có bóng dáng của âm nhạc. Âm nhạc như len lỏi vào mọi ngõ ngách cảm xúc của nhà thơ, âm nhạc đã góp phần tạo ra những hình ảnh mới lạ, độc đáo trong thơ Bích Khê. Có thể khẳng định ngày rằng có sự sáng tạo độc đáo về nhạc tính như vậy là do Bích Khê kế thừa chọn lọc thơ tượng trưng Pháp và nhà thơ đã có công tìm tòi những hình thức câu thơ như sử dụng thanh bằng, cách ngắt nhịp và việc sử dụng điệp từ, điệp ngữ.

Để tạo nên nhạc tính trong thơ, trước hết Bích Khê chú trọng việc sử dụng thanh

bằng. Một nhà thơ sáng tác theo lối thơ chỉ sử dụng thanh bằng nghĩa là chỉ khai thác

những âm tiết thuộc thanh bằng để tạo nên thơ. Bích Khê đã sáng tác theo lối như thế và thơ ông có âm điệu nhẹ nhàng, trong sáng, du dương, dẫn người đọc vào một trạng thái mơ hồ, không định hình, khó nắm bắt. Đến với thế giới thơ Bích Khê, nhiều khi ta bị quyến rũ bởi âm nhạc trước khi kịp chú ý đến nội dung ý tứ, đó cũng là một trong những nét đặc sắc trong phong cách thơ Bích Khê. Trong bài Tỳ bà, nhà thơ viết:

Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm Trăng đan qua cành muôn tay êm Mây nhung pha màu thu trên trời Sương lam phơi màu thu muôn nơi (…)

Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân Buồn sang cây tùng thăm đông quân Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông.

Cả bài thơ có bảy khổ thơ, điều đặc biệt là tất cả các từ trong bài thơ đều là thanh bằng. Chính điều đó đã tạo nên một “bản nhạc” thật nhẹ nhàng, thanh thoát.

Hay trong bài Hoàng hoa:

Lam nhung ô ! Màu lưng chừng trời; Xanh nhung ô ! Màu phơi nơi nơi.

Vàng phai nằm im ôm non gầy; Chim yên neo mình ôm xương cây. Ðây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa: Ðông nam mây đùn nơi thành xa…

Trong hai bài thơ này, Bích Khê đã sử dụng toàn thanh bằng, tạo ra chất nhạc cho thơ, với nhạc điệu đều đều, buồn buồn, da diết, dùng âm nhạc để dẫn dắt người đọc đi vào một thế giới du dương để cảm nhận những cung bậc khác nhau của tình yêu. Nhạc điệu trong thơ Bích Khê như có những câu bùa chú đê mê, nó có chút gì đó huyền hoặc mà đôi khi người đọc bị lôi cuốn, thôi miên trong nhạc điệu trầm trầm buồn buồn và có nhiều cảm giác khó tả khác.

Âm hưởng du dương trầm bổng của nhạc tính còn được Bích Khê khai thác triệt để, đó là sự kết hợp giữa những thanh bằng đan xen với những thanh trắc:

Ô! Nắng vàng thơm... rung rinh điệu ngọc Những cánh hồng đơm, những cánh hồng đơm Nhẹ nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương Màu trăng không gian như gờn gợn sóng Từ ở phương mô nhạn mang thơ về Đàn thơ cơ hồ lên cung âm điệu

Đàn giây trinh bạch khóc mướt trong mơ Đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ?

(Nhạc)

Ở đoạn thơ trên, chúng ta thấy bên cạnh những thanh bằng vẫn xuất hiện những thanh trắc. Sự kết hợp này cộng hưởng với cách sử dụng từ láy tạo nên nhạc điệu khúc khuỷu, réo rắt mà vẫn đôi phần nhẹ nhàng, đều đều. Nhạc điệu bài thơ không đơn thuần được cảm nhận ở bề mặt câu chữ mà ở tầng sâu bên trong tâm hồn thi nhân với những hình ảnh đầy sức ám gợi.

Trước hết đó là những bài thơ những câu thơ dùng toàn vần bằng hoặc vần bằng làm chủ âm, tạo cảm giác đặc biệt, kỳ lạ:

Tôi qua tim nàng vay du dương Tôi mang lên lầu lên cung thương Ôi tôi bao giờ thôi yêu nàng Tình tang tôi nghe như tình lang

(Tỳ bà)

Bài thơ nhẹ như hơi thở, như tiếng nhạc đang lan toả và bay bổng trong không gian với các âm vang mở dầy đặc (nàng, mang, nàng, tang, lang). Đã từng có thi nhân làm thơ toàn vần bằng (Giang hồ mê chơi quên quê hương – Tản Đà; Sương nương theo trăng

ngừng lưng trời, Tương tư nâng lòng lên chơi vơi – Xuân Diệu), song không nhiều…

Bích Khê dùng vần bằng toàn bộ ở hai bài, như chủ âm ở năm bài và lẻ tẻ ở rất nhiều câu. Lối thơ bình thanh này tạo ra một âm hưởng buồn sâu lắng, cảm giác trong nhẹ, dễ thăng hoa, như dẫn con người vào chốn xa xăm mơ hồ nào đó…

Bích Khê thiên về lối gieo vần cùng dòng như là những nốt luyến láy của bản nhạc, tạo nên hoà âm du dương:

Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi

(Hoàng hoa) Đêm ôm hồn tôi chơi phiêu diêu

(Nhạc)

Về nhịp điệu, theo Hàn Mạc Tử, lối ngắt mạch ở chữ thứ tư của Bích Khê trong câu tám chữ cùng lối gieo vần lưng khiến cho bài thơ như hai bài tứ ngôn song hành:

Ôi nắng vàng thơ, rung rinh điệu ngọc

Những cánh hồng đơm, những cánh hồng đơm (Nhạc)

Với Huy Cận, ông rất thành công với các thể thơ 7 chữ, 8 chữ và đặc biệt khi sáng tác những bài thơ lục bát. Trong thơ lục bát, vần lưng (thanh bằng) là ưu điểm, luôn tạo sự êm ái và nhạc điệu du dương cho câu thơ lục bát. Huy Cận xuất hiện trên thi đàn với những câu thơ lục bát thật quen thuộc của thể điệu thơ dân tộc nhưng nó rất mới lạ, tinh diệu khi thể hiện nội tâm con người và ngoại cảnh : Đêm mưa làm nhớ không gian. Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la. Tai nương nước giọt mái nhà. Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn ... (Buồn đêm mưa) Tuy nhiên, thể điệu lục bát với

âm điệu ca dao đậm chất thơ dân tộc cũng len lỏi một chút âm hưởng văn chương phương Tây khi chuyển sang nhạc trong thơ Huy Cận. Ví dụ, trường hợp bài Ngậm ngùi. Bản thân bài thơ đã có sẵn nhạc tính bài ca dao nhịp 2/2/2/ thật giản dị với vần

lưng thanh bằng như nhịp điệu đong đưa, với tiếng ru à ơ.

Với Xuân Diệu, ở các thể thơ 7 chữ như Trăng, Ý thu, Nguyệt cầm, Buồn, Trăng, Giờ tàn... trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của luật thơ cũ và sáng tạo, làm

phong phú thêm bằng một số cách gieo vần mới:

Vừa mới khi mai tôi cảm thấy Trong tay ôm một bó hoa cười Ngọn gió thời gian không ngớt thổi Giờ tàn như những cánh hoa rơi

(Giờ tàn)

Thơ tự do của Xuân Diệu đã ứng dụng những cách hiệp vần mới được du nhập từ thơ Pháp. Nếu là những bài thơ 8 chữ được chia ngay ngắn thành 4 câu một khổ, ông thường dùng vần ôm:

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió

Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây Để linh hồn dàng buộc bởi muôn dây Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến

Hoặc vần gián cách:

Mùa hạ cháy ở dưới trời đốt trắng

Nắng hồng nung mây bạc chảy ngân nga Cảnh thưa thớt chỉ một con đường vắng Cái am xưa hay đôi chiếc bia già.

(Hè)

Trong hai lối hiệp vần quen thuộc của Thơ mới, Xuân Diệu thiên về vần gián cách hơn. Có lẽ sự hài hòa của vần gián cách (câu 1 hiệp với câu 3, câu 2 hiệp với câu 4) dễ tạo cảm giác về sự dài hơi cho câu thơ, những chỗ gieo vần, nét nhạc vì thế cũng trở nên ngân nga hơn... Với những bài thơ 8 chữ không chia thành khổ và một số bài thơ tự do, Xuân Diệu thường dùng vần liên tiếp , hoặc kết hợp cả vần liên tiếp lẫn vần gián cách mà người ta quen gọi là vần hỗn hợp hay vần liên tiếp. Nhờ cách kết hợp này đã tạo nên sự đan xen, quấn quýt của các vần, vì thế mà nhạc thơ trở nên liền mạch, không bị đứt quãng, rời rạc:

Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ Em, em ơi! Tình non đã già rồi Con chim hồng trái tim nhỏ của tôi Mau với chứ thời gian không đứng đợi Tình thổi gió màu yêu lên phấp phới Những đôi ngày tình mới đã thành xưa...

(Giục giã)

Câu thơ Xuân Diệu vốn đã uyển chuyển, nhờ cách hiệp vần lưng lại càng trở nên mềm mại, duyên dáng:

Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng Trôi phiêu lưu không vọng bến hay ghềnh

Nếu như Bích Khê có tài sử dụng thanh bằng và thanh trắc để tạo tính nhạc cho câu thơ thì ở Xuân Diệu ta lại bị mê hoặc bởi độ cao thấp khác nhau lúc lên, lúc xuống trầm bổng của các âm vực thanh điệu. Theo Lý Hoài Thu trong Thơ Xuân Diệu trước

cách mạng tháng Tám 1945 (Thơ Thơ và Gửi hương cho gió), thì đó là một sự hài hòa

tuyệt vời về tỉ lệ và cách phân chia hợp lí của từng câu thơ, khổ thơ:

Mây biếc về đâu bay gấp gấp Con cò trên ruộng cánh phân vân Chim nghe trời rộng, dang thêm cánh Hoa lạnh, chiều thưa, sương xuống dần

(Thơ duyên)

Để đạt tới sự trầm bổng nhịp nhàng và tính chất hài hòa cân đối của ngôn từ, Xuân Diệu đã dùng khả năng thẩm âm tinh tế của mình, kết hợp với biệt tài sử dụng một nghệ thuật hòa âm cực kì điêu luyện. Nghệ thuật ấy được bộc lộ qua một số “kĩ thuật” quen thuộc đã được phân tích ở trên hay cả những “kĩ thuật” như cách ngắt nhịp, gieo vần, sử dụng thanh điệu, phép trùng điệp, hoặc có thể bằng cách cắt câu, đảo ngữ, vắt dòng, bằng cách sử dụng những kết cấu và một từ vựng khó hiểu... Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi thơ ông là một thứ “âm điệu du dương”, “một sự tuyệt tác của nhạc cảm”,...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng đối với thơ mới ( qua thơ xuân diệu, huy cận, bích khê) (Trang 98 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)