Những cách thức “trình diễn” mới của thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại trong thơ việt nam đương đại (Trang 74 - 94)

3 .Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu

5. Cấu trúc luận văn

3.2. Ngôn ngữ và cách thức "trình diễn" thơ đương đại

3.2.2. Những cách thức “trình diễn” mới của thơ

“Trình diễn” thơ, cụm từ chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây trong đời sống văn học Việt Nam nhưng tìm về với tiến trình lịch sử văn học nước ta qua hàng trăm năm có thể thấy nó đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng nếu trước đây, “trình diễn” thơ chỉ là những cuộc thơ bên bàn rượu, các nhà thơ gặp nhau, cao hứng ngâm

nga những câu thơ của mình, để lại bao nhiêu giai thoại hài hước có, lãng mạn, thanh tao cũng có… Thì ngày nay, cuộc sống thay đổi và lối “trình diễn” thơ cũng đã khác nhiều. Sự hội nhập, giao thoa giữa các bộ môn nghệ thuật đã đem đến cho thơ những phương tiện mới để đến với người đọc. Sự “vay mượn” các bộ môn nghệ thuật khác cùng với sự hợp sức của ánh sáng, hình ảnh, sân khấu… làm cho thơ đáng để thưởng thức hơn. “Trình diễn” thơ không chỉ đem thơ đến gần hơn với độc giả mà chính bản thân nhà thơ cũng chia sẻ được đầy đủ hơn những tư tưởng muốn chuyển tải trong tác phẩm, đưa không chỉ thơ mà cả văn hóa của mình đến với người đọc, người nghe.

Ở các nước Âu Mỹ, từ sau Thế chiến thứ hai, các nhà thơ ngày càng coi trọng đọc thơ trước công chúng. Lịch sử thơ Mỹ còn ghi nhận buổi đọc thơ tại Gallery Six ở San Francisco năm 1955, Allen Ginsberg đọc bài trường ca , làm cử tọa phát rồ, ghi dấu ấn hình thành thời kỳ thơ mới của Mỹ - thời kỳ thơ “trình diễn”. Việc đọc thơ đã phát triển thành trình diễn thơ, nhiều nhà thơ đã trở thành người trình diễn mang tính chuyên nghiệp. Từ trình diễn thơ, thơ Mỹ đã phát triển thành riêng một loại hình thơ mới chuyên về trình diễn và có vị trí hết sức quan trọng trong sinh hoạt thơ ở quốc gia này từ mấy chục năm nay. Ý tưởng và thực hành trình diễn thơ kiểu đương đại mới du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XXI. Mở đầu cho hình thức này chính là những đêm thơ ở quán café EraWine, trong khách sạn Lotus, đường Nguyễn Trãi, thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001, do họa sĩ Như Huy tổ chức. Màn trình diễn ấn tượng nhất có lẽ là màn đọc Em ơi, Hà Nội phố của tác giả Phan Vũ. Ông đọc trong tiếng ghi-ta ngẫu hứng của Châu Đăng Khoa với tiếng vocal của một bạn diễn. Hết trang nào, tác giả lại châm lửa đốt ngay trang đó, như đốt mã cho những ngày tháng, những con người một thời đã ra đi mãi mãi. Cuối năm 2003, thì có hai đêm trình diễn tổng hợp thu hút khá đông người dự tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong dự án nghệ thuật Xuyên biên giới do tổ chức Dance Theatre Workshop của Mỹ tài trợ. Ở Hà Nội, có thể nói lần đầu tiên công chúng biết đến trình diễn thơ đương đại chính là đêm thơ Dương Tường cuối

năm 2005 tại I’Espace. Giữa khung cảnh 73 chiếc cối đá được sắp đặt tượng trưng cho số tuổi của tác giả của Nguyễn Minh Thành và tiếng piano ngẫu hứng của Vũ Dân Tân, màn hình chiếu video của Nguyễn Quang Huy, nhà thơ trong “áo bào thơ” do họa sĩ Trương Tân thực hiện đọc thơ ”con âm” của mình. Đọc xong ông xé tập giấy in thơ phân phát cho khán giả và sau đó khán giả đem lại xin chữ ký nhà thơ (Hoàng Hưng). Phải hai năm sau, năm 2007, trình diễn thơ mới liên tục sôi nổi với những đêm đầy ấn tượng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đáng kể nhất là những cuộc giao lưu giữa những nhà thơ nổi tiếng nước ngoài như Roger Robinson, Francesca Beard của Anh, Jean-Michel Maulpoix, André Velter của Pháp, với các nhà thơ trẻ Việt Nam như Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương, Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Thanh Xuân…

Thế nhưng, có thể thấy một thực trạng hiện nay trong đời sống thơ ca đương đại ở Việt Nam là sự kết hợp thái quá những loại hình nghệ thuật với trình diễn thơ. Bản thân thơ đã mang tính nhạc, tính hội họa, tính sân khấu… là sự cảm nhận hơn là ngắm, nhìn, xem… Vậy thì việc tăng cường các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, hình thể… chỉ có thể là một cách để hỗ trợ cho sự cảm nhận hơn là lấn át nó. Năm 2007 được xem là năm xuất hiện ồ ạt các buổi trình diễn thơ. Nhưng đến năm 2008, số lượng của nó giảm hẳn và trình diễn thơ bắt đầu bị nghi ngại hơn là chờ đón. Ngày Thơ Việt Nam tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng năm 2008, với sân thơ trình diễn cho các nhà thơ trẻ đã nhận được nhiều lời chê hơn là khen. Sự lạm dụng các yếu tố hỗ trợ đã lấn át vẻ đẹp của thơ. Đối tượng người nghe, người xem đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Các màn trình diễn hầu như chỉ là bản năng, theo chủ quan của tác giả, chưa thực sự đến được với khán giả. Buổi trình diễn Thơ trẻ 360độ cũng vào Ngày Thơ Việt Nam năm 2009 mặc dù còn không ít “sạn”, nhưng ít nhiều cũng đã đem đến những cảm nhận mới hơn về trình diễn thơ. Nguyễn Thúy Hằng đem đến một tác phẩm “thấm đẫm chất thơ” mặc dù không hề có sự xuất hiện của ngôn ngữ. Khác với Nguyễn Thúy Hằng, Ly Hoàng Ly làm thơ bằng lời, rồi mới trình diễn những

bài thơ ấy trên sân khấu. Việc “trình diễn thơ” như thế cũng có nhiều mức độ. Giản dị nhất là Hoàng Hưng: nhà thơ tự đọc tác phẩm thơ đã sáng tác hoàn chỉnh của mình với sự phụ họa của một hoặc hai nhạc cụ và đèn sân khấu. Khác hơn thế một chút, Nguyễn Vĩnh Tiến hát những bài thơ đã làm của mình, tự đệm đàn, gõ trống, phách, hoặc có thêm nhạc công phụ họa. Ở mức sân khấu hóa cao hơn, Dạ Thảo Phương có lúc đọc thơ giấu mặt trong khi chiếu video minh họa có lời thơ hiện lên bằng tiếng ngoại quốc như những đoạn generic của điện ảnh, đến cuối màn diễn mới bước lên sân khấu để chào khán giả; có khi trình diễn như chèo sân đình, tùy từng môi trường. Nhiều chất giao lưu hơn, Vi Thùy Linh bao giờ cũng lộ diện để đọc diễn cảm những bài thơ của mình bằng động tác với trang phục sân khấu riêng, lúc thì có người đệm đàn vĩ cầm, lúc thì có hình ảnh video và âm nhạc ghi âm chọn lọc, hoặc nghệ sĩ múa phụ họa. Nhiều nhục cảm hơn, Dương Tường gây ấn tượng bằng động thái sân khấu vô ngôn của chính mình và huy động bạn thơ trẻ khác giới vũ đạo hóa và ngôn khẩu hóa lời thơ của mình. Có thể coi đó là những mức độ khác nhau của trình diễn thơ, nói là từ đơn giản đến phức tạp cũng được, mà nói khác nhau tùy tạng của từng tác giả thì có lẽ đúng hơn. Cách nào cũng cho thấy người trình diễn đã rất có ý thức về khán giả và đều có những phương pháp riêng nhằm truyền đạt có ấn tượng nhất những lời thơ của mình.

Ngày Thơ Việt Nam gần đây nhất diễn ra vào Rằm tháng Giêng năm 2012, đã hội tụ “muôn mặt” của trình diễn thơ: thơ chữ nổi, thơ viết trên gốm, thơ biểu diễn sân khấu, thơ với nhạc, họa… Nhưng có một thực tế rằng khán giả đến với thơ trình diễn là những người yêu thơ, quan tâm đến sự vận động của thơ đương đại thì ít, mà phần nhiều là vì “tò mò”! Điều này là một thực tế đáng buồn cho thơ trình diễn nói riêng và thơ đương đại nói chung. Sau gần chục năm, thơ trình diễn vẫn trên con đường tìm tòi chưa có lối thoát. Các nhà thơ Việt Nam chưa thực sự tìm được một con đường đi cho thơ trình diễn “đứng” được với người yêu thơ, được công chúng háo hức chờ đợi và đón nhận với sự “thưởng” và “ngưỡng” đúng với tính chất của “trình diễn”. Bên cạnh đó việc các

tác giả thơ hôm nay hầu như còn chưa phân định rạch ròi giữa “trình diễn thơ” hay “thơ trình diễn” cũng khiến cho thơ khó tiếp cận với độc giả. Thơ vốn dĩ là một bản thể thống nhất của phức tạp và hỗn độn. Nó là những hình ảnh cô đúc trong sự hạn hẹp của ngôn từ. Trình diễn thơ, là những thao tác phân tách, chia bản thể thành những khía cạnh, những giao diện, hình thù, màu sắc, âm điệu, …hay bất cứ một thứ chất liệu nào khác, và một lần nữa giải mã hay hình tượng hoá, biến nó trở thành một thể loại mới thuộc Nghệ thuật Trình diễn. Vì vậy, dù là kết hợp thơ với loại hình nghệ thuật nào đi nữa thì người xem không chỉ được cảm nhận chất thơ mà còn phải được hơn hết cảm nhận cái Đẹp của ngôn từ, chất liệu không thể thay thế của Thơ ca muôn đời.

Nhìn chung, thơ ca đương đại vẫn đang trên con đường tìm kiếm những cách tân để giữ chân độc giả, để tìm lại vị trí thiêng liêng từng có và để dần tiến tới hòa nhập với nền thơ ca thế giới. Những biểu hiện về mặt hình thức mà chúng tôi vừa khảo sát chính là những “dấu ấn” Hậu hiện đại mà có lẽ ngay chính người sáng tác cũng có thể chưa nhận ra. Tuy nhiên, nó vẫn xuất hiện đâu đó trong các sáng tác đương đại và ngày càng có khuynh hướng xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Độc giả hôm nay cũng không còn quá ngỡ ngàng, xa lạ với những thay đổi này. Giới phê bình cũng không còn quá nhiều bất đồng, tranh cãi về cái hay, cái dở. Đổi thay là tất yếu! Nhưng giá trị của nó cần phải được kiểm chứng qua thời gian. Hành trình tìm lối đi mới cho thơ đương đại Việt Nam là một hành trình còn dài và đầy gian nan. Dẫu sao, bên cạnh những hạn chế, chúng ta không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà nó mang lại cho nền văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng.

KẾT LUẬN

1. Đời sống hiện đại hôm nay đã hơn một lần đặt ra câu hỏi: liệu thơ ca có thể tồn tại, hay đang chết? Cùng với sự phát triển chóng mặt của truyền thông, thông tin, của hội nhập văn hóa, giải trí, nhân loại đã xích lại gần nhau hơn. Thế giới “phẳng” đã đưa con người dù thuộc dân tộc, quốc gia, màu da, ngôn ngữ… nào cũng có thể dễ dàng nói lên suy nghĩ của mình trước các vấn đề, sự kiện của đời sống. Ở Việt Nam, nếu khoảng ba mươi năm trước, người ta còn phải lo toan nhiều đến “miếng cơm, manh áo”. Thì hôm nay, trước những thay đổi của đời sống hiện đại, “câu chuyện” của người Việt cũng đã khác nhiều. Chúng ta quan tâm tới chiến tranh ở Trung Đông, đói nghèo ở Châu Phi, thảm họa thiên tai ở Nhật Bản… Sau ba mươi năm, đời sống tinh thần của người Việt Nam đã thay đổi, chúng ta quan tâm tới những vấn đề của thế giới, của nhân loại, của thời đại. Sau giai đoạn sóng trào của Thơ Mới thì bây giờ, thi ca Việt Nam đang chứng kiến một đợt sóng trào khác, một sự thay đổi lớn cả về nội dung và hình thức. Thực tế cho thấy, thơ ca đương đại đang dần dần từng bước hội nhập với thơ ca thế giới, “ca bài đồng ca cùng thế giới” [62].

Trong dòng chảy mới của thơ ca đương đại, chúng ta không thể không kể đến những tên tuổi luôn “nóng” trên văn đàn như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Việt Chiến, Phan Hoàng, Nguyễn Quyến, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh… Họ đều là những cây bút chủ chốt của thơ Việt Nam đương đại. Sức sáng tạo của họ đã đưa thơ ca tự do hơn, cháy bỏng, tuôn trào mãnh liệt hơn, thể hiện những ý niệm mới trong đời sống đương đại. Và trong nhiều năm trở lại đây, những tập thơ, những sáng tác mang đậm hơi thở “đương đại” đã được công nhận một cách chính thống bằng các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam như Sự mất ngủ của lửa, Bầu trời không mái che… và mới đây nhất là

không chết, mà nó đang chuyển động dữ dội để phát triển và hòa cùng với “dòng chảy” của thơ ca thế giới.

2. Thực tế thì trên thế giới, thơ cũng đang quẫy đạp dữ dội để có những sáng tạo mới, tìm thấy vẻ đẹp mới. Thơ ca thế giới đang nỗ lực để tìm lại chỗ đứng quan trọng vốn có xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Ở Việt Nam, dù đã có lúc người ta quay lưng lại với thơ, thì hôm nay, khi đời sống vật chất, tinh thần đã có những ổn định và phát triển thì người ta đangg dần tìm cách để quay trở lại với thơ. Trước những chuyển động không ngừng của đời sống, tư tưởng thẩm mỹ của các nhà thơ đương đại cũng thay đổi, đem đến những nội dung, những vẻ đẹp, những quan điểm thẩm mỹ mới cho thơ ca. Nổi bật nhất trên thi đàn Việt Nam chính là những tiếng nói mới của các nhà thơ nữ. Họ đang từng bước khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong đội ngũ sáng tác. Thơ nữ giàu biểu cảm, chưa đựng nhiều yếu tố mới trong cuộc tìm kiếm và khám phá những vẻ đẹp mới của tâm hồn, của đời sống. Họ nói về tình yêu, về thân phận một cách chân thực, giản dị và cũng rất thi vị. Đời sống tâm hồn vốn dĩ đa dạng, phong phú và sâu sắc của phụ nữ đã được khai thác sinh động với nhiều màu sắc. Đặc biệt, với tiếng nói phái tính của mình, thơ nữ đề cập đến sex với những cái nhìn mới đầy táo bạo. Điều này đem lại cho thơ nữ những thành công nhất định. Tiếng nói của họ đã gần với tiếng nói thơ Hậu hiện đại thế giới trong những chủ đề mà họ đề cập đến. Đáng kể nhất là thơ Vi Thùy Linh với rất nhiều lần tham dự những liên hoan thơ quốc tế. Và chị cũng là một trong số hiếm hoi các nhà thơ Việt đương đại có tác phẩm được dịch. Trong sự vận động thay đổi của đời sống tinh thần của thơ đương đại phải kể đến thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều. Chúng tôi đi vào khảo sát tác giả này không chỉ bởi đây được xem là cây bút xuất sắc của thơ đương đại, mà còn bởi sức sáng tạo không mệt mỏi và “dòng chảy” thơ ca mãnh liệt của anh đủ sức đại diện cho một lớp thế hệ nhà thơ đang trên con đường đổi mới thơ ca. Thơ Nguyễn Quang Thiều hấp dẫn ở thế giới nội dung giàu có, với những biểu tượng thơ gần gũi với đời sống người Việt, chứa đựng tâm hồn Việt và mang cả hơi thở nhân loại. Từ đó, người đọc

bắt gặp những vấn đề của đời sống hôm nay và cùng trăn trở với những “rạn nứt”, những nỗi cô đơn của con người trong chính đời sống đó.

Trong những nỗ lực cách tân thơ của các nhà thơ đương đại, chúng ta có thể thấy đang có một dòng chảy tìm đến với những mới lạ của phương thức thể hiện. Nhìn lại những “Ngày thơ Việt Nam” trong khoảng năm năm trở lại đây, có thể thấy rất rõ điều này. Các nhà thơ tìm mọi cách để đưa thơ tới gần hơn với công chúng, với người nghe. Trong khi có một thực trạng tồn tại trong đời sống văn học của chúng ta hiên nay là tư duy tiếp nhận văn học đang “chạy theo” tư duy sáng tạo thì những nỗ lực “trình diễn” thơ, thay đổi những phương thức thể hiện mới cho thơ là những việc làm đáng hoan nghênh của đội ngũ sáng tác mới. Nhưng sự cách tân luôn luôn đòi hỏi phải lao động và tìm tòi không mệt mỏi. Tất cả đều mới chỉ là “thử nghiệm”. Để khẳng định giá trị cần phải có thời gian. Và trên hết, dù cách tân đến đâu, thơ ca vẫn phải là tiếng nói của tâm hồn đi đến những tâm hồn đồng điệu. Sự giản dị mới chính là cái đẹp trác tuyệt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại trong thơ việt nam đương đại (Trang 74 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)